Hôm nay, bùi ngùi nhớ đến người Thầy kính mến của mình đã đi xa, ngồi viết những dòng chân quê này, tôi chắp tay rưng rưng hướng vào cõi xa xăm, những muốn trân trọng dâng lên người thày kính yêu năm xưa một nén tâm nhang thành kính !
Vanhaiphong – Nhà văn, Giáo sư Bùi Văn Nguyên (1918-2003), còn có bút danh Vân Trình, Khuê Hoa Nữ tử, Hùng Nam Yến, Tú Gầy), Giáo sư Bùi Văn Nguyên là bậc thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò, đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật, truyện ký danh nhân và các bộ giáo trình văn học sử tiêu biểu: Văn học Việt Nam, sáu tập (soạn chung, 1961, 1962), Nguyễn Trãi (Truyện ký, 1980), Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn (1980), Văn chương Nguyễn Trãi (1984), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai tập (1988), Tân đính Lĩnh Nam chích quái (1993), Ức Trai di tập bổ sung (1994), Kinh Dịch Phục Hy – Đạo người trung chính thức thời (1997), v.v
Nhân dịp Ngày NGVN 20.11.2016 chúng tôi trân trong giới thiệu bài viết của Nhà giáo ưu tú, PGSTS Bùi Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Hội NVVN tại Liên bang Nga, với những kỷ niệm về người thày khả kính đã in đậm trong tâm hồn ông.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có điều kiện tụ hội cùng nhau, lứa học trò khoa Ngữ Văn khóa 1971-1975 chúng tôi (đa phần đã bước vào ngưỡng tuổi ông, bà !) vẫn cứ mang cái cảm giác sung sướng của một trong những thế hệ may mắn được biết, được học đội ngũ hùng hậu các thày, cô uyên thâm về tri thức, đôn hậu về tình người và giàu nỗi đam mê với khoa học cũng như nghề nghiệp. Đôi lúc, ngồi mạn đàm cùng thế hệ trẻ, chúng tôi lại tự hào khoe về các thày, các cô năm xưa như khoe về những tấm gương của ý chí, của trí tuệ, những người khai trí và dạy dỗ chúng tôi nên người, những người giúp chúng tôi vượt qua những tháng năm chiến tranh phá hoại ác liệt, đói khổ và cơ man thiếu thốn để gắn bó đường trường cùng bục giảng và những trang sách đến tận hôm nay. Với cá nhân tôi, trong số các bậc thày khả kính của khoa Ngữ Văn năm xưa, thày Bùi Văn Nguyên luôn hiện về trong tâm trí tôi nhiều chục năm qua với những kỷ niệm sâu sắc.
Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn với cái danh “Thủ khoa” năm vừa tròn hai mươi tuổi. Mang nỗi ngơ ngác của kẻ mới bước qua tuổi vị thành niên, thoát thân từ vùng đất Ý Yên bùn lầy, chiêm trũng, tôi đến Văn phòng khoa để nhận Quyết định công tác. Giáo vụ Nguyễn Viết Hưng, người được chúng tôi “suy tôn” là bậc có “trí nhớ siêu phàm”, tươi cười và thân mật: Chú mày được giữ lại Khoa, về tổ Văn học Cổ – Cận – Dân. Còn trẻ quá, cố lên nhé. Thày Nguyên hẹn sáng thứ Hai tới, mang theo tấm ảnh chân dung, ra gặp thày tại nhà riêng, số 31 Hàng Ngang, gác Ba. Dạo này, Thày không có giờ lên lớp, nghiên cứu tại gia. Chúc mừng chú mày !
Tôi tìm đến số nhà 31 phố hàng Ngang đã gần 10 giờ trưa. Con phố cổ trên trục ra Đồng Xuân thường ngày quá quen với tôi, vậy mà, hôm nay nhộn lên khác lạ. Đi sâu vào ngõ sâu hoắm, vắng lặng tối om, bước theo thang gỗ cọt kẹt lên tầng Ba, cánh cửa khép hờ cạnh cầu thang hắt ra chút mờ ảo. Tôi lập cập gõ cửa. Sau giây lát, thày Nguyên ra mở cửa, giương mục kỉnh và nhìn tôi cười: Thanh à, vào đây ! Với tay lấy ấm tích, thày như chưa dứt mạch viết vừa đấy, liền câu tâm sự: Cậu biết không, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm kỳ tài lắm. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy lý thú. Mình đang viết truyện lịch sử về cụ mà. Dựng lại cái Am Bạch Vân bằng câu chữ xong, khoái lắm…Cậu mai này, đi vào văn chương dân gian, cũng nên sưu tầm mà viết lại từng truyện thử đi, hấp dẫn lắm ! Rồi thày quay vào giá sách, mang ra cuốn sổ khổ to, đóng bìa cứng bọc vải hồng điều, nhìn chẳng khác gì loại sổ to viết lưu niệm. Kéo tôi ngồi cạnh, thày như giải thích căn nguyên: Đây là cuốn số “Nam Tào” theo cách gọi vui của Tổ Văn Việt Nam mình. Bất cứ ai về đây, đều phải qua khâu “thủ tục” này. Ấy là, nộp một ảnh chân dung và trích ngang lý lịch. Cũng là một kiểu làm tư liệu ấy mà ! Cậu sướng nhé. Được vào cuốn “Nam Tào” này của Bùi Văn Nguyên là khó đấy. Cậu nghĩ xem, biết bao bạn bè ra trường cùng cậu, kẻ Nam, người Bắc, mà Bắc tận cánh Sơn La, Lai Châu kia đấy. Rừng thiêng nước độc, khổ lắm. Mình được ở Hà Nội, do vậy phải nghẫm cho kỹ. Phải đặt ra con đường học tiếp theo cho mình. Cậu bao nhiêu tuổi ? Hai mươi à, trời ơi, trẻ quá. Bằng tuổi các cậu, mình còn quẩn quanh mấy cái chữ “vuông” tận miền gió Lào cát trắng xứ Nghệ. Toàn tự học là chính chứ có trường lớp hẳn hoi như các cậu đâu. Đói khổ thì nghiến răng mà học. Rồi sẽ có ngày…Đây là lần đầu tiên tôi được trực diện ngồi nghe thày nói. Câu chuyện như bài nhập môn với kẻ mới bước vào đời. Tôi đắm chìm vào những suy tư được thày chắt ra qua bao nhiêu năm tự học, dịch thuật, viết lách, giảng dạy. Thày bảo: cái nghề nghiên cứu văn chương không cẩn thận nó bạc lắm. Sơ sảy một chút là toi công. Với người mới bước vào nghề như cậu, cái cần đầu tiên là hãy tìm cho mình một “minh chúa”. Nói vui vậy thôi, chứ thật ra là tìm cho mình những người thày tài năng đích thực mà học hỏi họ cách thức, phương pháp nghiên cứu. Kiến thức thì mênh mông lắm. Tìm được phương pháp mới là quan trọng. Đừng tưởng ai đứng trên bục giảng cũng là người thày đích thực của mình. Bục giảng đại học nó khắt khe lắm. Người thày quanh năm ngày tháng không nghiền ngẫm, nghiên cứu, viết lách thì lấy gì mà giảng. Làm gì có cái mới, cái sâu. Quẩn quanh cái giáo án thì hẹp lắm, nói chuyện làm gì. Cứ mạnh dạn đọc đi, viết đi. Rồi sẽ vỡ ra khối thứ…Tôi vâng dạ rồi xin phép thày ra về. Trời đã quá Ngọ sang Mùi, bước chân ra phố, người tôi như vẫn bồng bềnh ngập tràn trong những lời nhập môn, khuyên giải của người thày ngang bậc tuổi ông cha tôi, ngày gặp mặt đáng nhớ ấy.
Cũng từ ngày ấy, tôi trở thành kẻ tập sự “cán bộ giảng dạy” và nghiễm nhiên được đi họp Khoa vào mỗi ngày thứ hai của tuần đầu tiên hàng tháng. Buổi họp Khoa đầu tiên tôi được dự cũng là thời khắc đáng nhớ. Hôm ấy, tôi và hai bạn đồng niên cùng ở lại Khoa đến sớm. Chúng tôi ngồi dúm dó một góc phòng. Phía những hàng ghế trên là các bậc đại thụ khả kính. Tôi không tưởng tượng được, vì sao những gương mặt mới ngoài tuổi 40, gần 50 kia mà đã sừng sững thành danh, hiện diện tên tuổi trên bao tập giáo trình, bao bộ sử, bộ truyện cổ kim, đông – tây của nước Việt mình như vậy. Không học từ khoa Ngữ Văn này, làm sao được biết những Huỳnh Lý, Trương Chính, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đình Chú, Phùng Văn Tửu, Đặng Thanh Lê,…và tất nhiên có cả thày Bùi Văn Nguyên cùng tộc họ “Bùi” của tôi nữa ! Buổi họp ấy, chúng tôi nghe về quy chế viết các tiểu luận khoa học gửi đăng tạp chí chuyên ngành, do thày Lê Trí Viễn, chủ nhiệm Khoa chủ sự. Theo nguyên tắc đặt ra, những ai trong khoa muốn gửi bài đăng tạp chí hoặc hội thảo khoa học, tất cả phải nộp cho Chủ nhiệm khoa đọc duyệt trước. Ngừơi không tuân thủ, coi như vi phạm “thi đua”. Tôi thấy hầu như lớp cán bộ trẻ ngồi im. Chỉ có mấy thày, cô thường có bài đăng trên tạp chí Văn học hoặc báo Văn Nghệ là tỏ thái độ không đồng tình. Trong buổi họp ấy, thày Nguyên gần như là người đăng đàn lâu nhất. Thày phản đối cung cách quản lý khoa học kiểu “mẹ chồng, nàng dâu” như vậy. Khoa học là sáng tạo mang tính độc lập cá nhân, thể hiện sáng tạo của từng người…Thày nói nhiều. Tôi chỉ còn nhớ câu kết cuối của thày, với ngữ điệu của người nóng giận: “Xin bỏ ngay cung cách: Tậu voi chung với Đức Ông; Vừa phải đánh cồng, vừa phải hót phân” đi! Trở về phiên họp tổ, thày như minh giải thêm với lớp trẻ chúng tôi: Không việc gì phải nộp bài viết của mình cho Khoa duyệt cả. Cứ viết đi. Tạp chí hay báo chí người ta duyệt, biên tập là người ta chấp nhận và công bố được rồi. Sao lại tồn tại kiểu hách dịch cả trong khoa học như vậy được nhỉ ?!?
Năm tháng sau, tôi lóc cóc đạp xe cà tàng đến thày để chia tay đi Xuân Hòa, trở thành cán bộ khoa Ngữ Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội II mới thành lập. Nghe lý do tôi chuyển đi, thấy không lấy gì làm “minh bạch” ấy, thày bắt tay tôi, thở dài: Biết làm thế nào được ! Nhưng, có khi cậu tách ra lên đấy, tự thân vận động lại có cái hay. Giảng dạy văn học dân gian có lẽ phải mở theo hướng khác, rộng hơn. Cứ bám vào văn bản và giảng dạy như dưới này, chẳng khác gì văn học thành văn thì không ổn được. Mang theo lời dạy của người thày khả kính, tôi lao vào soạn bài giảng cho chương trình được phân công và thời gian còn lại, say mê với những chuyến điền dã cùng các bậc đàn anh đã thành danh như Lê Văn Lan, Đặng Văn Lung tới các làng quê dọc thềm sông Hồng, kéo từ Việt Trì đến Đông Anh, Gia Lâm và các làng quan họ miền Kinh Bắc.
Năm 1979, lần đầu tiên có bài viết được in trên Tạp chí Văn học, tôi sung sướng đạp xe, mang cuốn tạp chí về thăm thày. Vừa nhìn thấy tôi ló ra từ cầu thang, thày Nguyên đã hồ hởi: Đọc bài của chú rồi. Bước đầu như thế là tuyệt lắm. Hôm qua, thày Nguyễn Đình Chú cũng gửi lời khen cậu. Cứ thế mà phát huy. Thời buổi này, không phải ai cũng có bài được in trên tạp chí sang trọng này đâu, nhất là lứa cán bộ nghiên cứu trẻ như cậu. Lời động viên của các thày như nguồn năng lượng mới, kích thích tôi viết và lần lượt công bố trên Tạp chí Văn học, trên các kỷ yếu khoa học của Viện Sử học, Viện Dân tộc học được 6 tiểu luận, tham luận xoay quanh thể loại truyền thuyết dân gian và có 9 truyền thuyết sưu tầm liên quan đến thời đại Hùng Vương, được in vào cuốn Truyền thuyết Hùng Vương cùng Nguyễn Khắc Xương, Lê Tượng, Nguyễn Lộc, do Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản năm 1981 (tái bản nhiều lần). Và đến năm 1983, khi làm luận văn tốt nghiệp Cao học, nhờ có cô Đặng Thanh Lê mách bảo, phân công, tôi lại có điều kiện làm việc thường xuyên với thày.
Nhớ lại buổi đến nhà thày để nhờ xác định rõ tên đề tài luận văn Cao học, với tôi, đấy là thời khắc đầy ấn tượng, có tác động sâu sắc đến bước đường học tập, nghiên cứu về sau của mình. Đã bao nhiêu lần tìm đến nghe lời dạy bảo của thày, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên, Bùi tiên sinh tiếp học trò nhỏ bé như tôi với cung cách tiếp đón bình đẳng của người cùng làm khoa học. Vừa nhìn thấy tôi, thày đã thân mật kéo lại bàn trà và cất tiếng cười vang: Khá khen cho chú dám mạnh dạn có bài tranh luận với “cánh Tổng hợp” về thể loại truyền thuyết dân gian ! Cái bài đầu tay cách đây hơn 4 năm ấy (1979), tôi thấy được đấy. Nhưng chưa trọn vẹn, chặt chẽ lắm đâu ! Dù sao, tôi và các thày vẫn cho rằng, chú là người đầu tiên có bài viết trực tiếp khẳng định sự tồn tại của thể loại truyền thuyết dân gian trong kho tàng folklore Việt Nam. Còn nhắc đến hai chữ “truyền thuyết” thì trước đấy đã có nhiều người. Ông Kiều Thu Hoạch, Ông Trần Quốc Vượng… và ngay cả tôi nữa, đã nhắc bấy lâu nay. Tôi mấy năm trước đã cho in cuốn tư liệu “Truyền thuyết ven hồ Tây” đấy là gì ! Nhưng, để có một xeri bài viết về truyền thuyết dân gian, cho đến thời điểm này, chú xứng đáng được ghi danh đấy. Nhưng đừng vội “phổng mũi” nhé. Cứ bám vào cái thể loại đặc trưng nhất của folklore Việt này mà đào bới. Tất sẽ tìm được nhiều cái hay cho khoa học, cho ngành folklore non trẻ nước mình. Cánh tôi già rồi, chẳng thể lóc cóc đạp xe ngang dọc như xưa nữa. Phần các chú đấy. Cố lên ! Rồi như theo mạch cao hứng, mục đích của buổi gặp thày để xin tên đề tài cứ vậy nhường chỗ cho những lời hàn huyên nghề nghiệp về truyền thuyết dân gian… Thày mở tầm nhìn cho tôi về cung cách nghiên cứu truyền thuyết dân gian của Trung Quốc xưa nay và sự ảnh hưởng của trường phái nghiên cứu folklore (văn hóa dân gian) hạn hẹp trong phạm vi “nghệ thuật ngôn từ”- văn học dân gian của giới khoa học Liên bang Xô – Viết vào Việt Nam nhiều chục năm nay…Từ câu chuyện phương pháp, thày dẫn tôi vào cung cách sưu tầm, khai thác giá trị của truyền thuyết dân gian người Việt, hướng sự nghiên cứu những hệ thống truyện, những nhóm truyện trong mối quan hệ giằng néo với tín ngưỡng, lễ hội, với thói quen tư duy lịch sử và tư duy thẩm mỹ của người Việt mình. Bất chợt, thày như lặng đi, mắt hướng về cõi xa xăm: Nhưng mà, tôi lo và tiếc cho giới trẻ các cậu lắm. Cậu biết tôi lo gì không ? Đơn giản là các cậu không biết/am hiểu Hán văn. Nghiên cứu văn hóa dân gian mà không biết Hán Nôm như bọn tôi thì thiệt thòi lắm, thì khó bù đắp lắm. Văn hóa Việt Nam trải nhiều nghìn năm luôn được ẩn một phần quan trọng trong cái vỏ bọc ngôn ngữ là Hán văn cổ. Biết bao thần tích, thần phả, câu đối, văn bia và thậm chí ngay cả sắc phong nữa…hiện đã và đang lưu giữ vô vàn các giá trị văn hóa truyền thống. Không biết nó là bị khuyết văn hóa, bị đứt gãy văn hóa đấy. Nhưng thời thế và cung cách giáo dục bây giờ, biết làm sao được. Không biết khi nào lớp con cháu ta mới bù đắp và tiếp nối được đây !?! À, mà muộn quá rồi nhỉ. Cái đề tài Cao học ấy, như chú đề xuất, là chấp nhận được rồi. Nghiên cứu mang tính thẩm định giá trị của hệ thống truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như vậy là đúng hướng đấy. Chỉ có điều, tiếp cận để thực hiện nó ra sao thôi. Điều này thì tôi tin chú. Cứ về viết đi. Tin là có những cái mới…
Bồi đắp tri thức học thuật từ người thày khả kính, tôi mang niềm hứng khởi lao vào lóc cóc đạp xe cà tàng, theo những chuyến điền dã đói khát, cực nhọc, quanh các làng thuộc hai huyện Mê Linh, Thạch Thất và thu vén tư liệu hoàn thành bản thảo luận văn Cao học, bảo vệ xuất sắc năm 1983. Mãi 25 năm sau, vào năm 2008, tôi lôi bản thảo luận văn năm xưa, đưa in vào công trình “Văn hóa dân gian Việt Nam – Một cách tiếp cận” (NXB Khoa học Xã hội) của mình, với ý thức giữ gần như nguyên bản, thay cho tấm lòng tri ân người thày uyên thâm và đức độ của mình thuở mới bước chân vào “làng” nghiên cứu folklore nước Việt.
Sau khi học xong lớp Cao học khóa VI, tôi trở về vùng đất cát sỏi Xuân Hòa, tiếp tục phận sự không lấy gì làm hứng khởi ấy của mình. Những ngày sống và giảng dạy tại “ốc đảo” Xuân Hòa, tôi cứ trăn trở về những điều thày Nguyên truyền dạy cho mình. Và, vào một ngày Thu bất chợt, tôi cầm bút viết “Kỷ niệm về một người Thầy”, ghi lại ký ức của những ngày được học Bùi tiên sinh nơi sơ tán Văn Giang, thời điểm những năm 1971 – 1972 chiến tranh phá hoại đang diễn ra khốc liệt. Năm 1985, gửi dự thi cuộc thi “Nét đẹp nhà giáo” trên phạm vi toàn quốc của báo Giáo viên Nhân dân, bài viết ““Kỷ niệm về một người Thầy” của tôi được trao giải Nhất. Xúc động nhét vội tờ báo có in bài viết về thày vào túi “càn khôn”, tôi đạp xe vượt qua ngót 50 cây số ngày rét ngọt,về thăm thày. Đón tôi ngay cầu thang nhập nhoạng mờ ảo nắng trời, thày cầm tay tôi rưng rưng: Xin cám ơn chú. Bài báo ấy tôi đã lưu vào sổ tư liệu cá nhân rồi. Cũng xin báo cho chú tin vui: Tôi vừa hoàn thiện thủ tục để kết nạp chú vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Vào Hội cho vui. Nhưng điều quan trọng vẫn là cái sự làm việc, nghiên cứu của cá nhân mình.
Chia tay thày ra về, trong tôi như vẫn âm âm lời nhắn nhủ của thày được tôi ghi lại trong câu kết của bài báo đáng nhớ đó: “Chú cần lưu ý, tuổi già ham việc thì đuối sức; tuổi trẻ dư sức lại ham chơi. Nhớ lấy bài học kinh nghiệm xương máu này !”. Tôi không ngờ, cái buổi gặp thày bình thường như bao lần gặp khác lại trở thành buổi gặp mặt cuối cùng. Phải đến giữa năm 2003, sau ngót hai chục năm đi học và lang bạt tại nước Nga xa xôi, tôi mới trở về. Nghe tin thày Nguyên yêu kính của mình vừa vĩnh viễn đi xa, tôi lặng đi trong niềm thương nhớ và hối tiếc. Hôm nay, bùi ngùi nhớ đến người Thầy kính mến của mình đã đi xa, ngồi viết những dòng chân quê này, tôi chắp tay rưng rưng hướng vào cõi xa xăm, những muốn trân trọng dâng lên người thày kính yêu năm xưa một nén tâm nhang thành kính !
BQT.