
Chiến tranh là một hiện tượng đặc biệt của đời sống nhân loại, nó kéo con người vào sự hủy diệt, nhưng đồng thời cũng làm con người trưởng thành sau mỗi trận đánh. Lịch sử đất nước ta, chưa bao giờ những thanh niên ưu tú, những công dân tinh hoa được động viên vào quân ngũ ào át và phát tiết rực rỡ, gặt hái mùa màng văn chương bội thu… như thế hệ nhà văn chống Mỹ.
1.
Có một thực tế sinh động rằng: Các nhà văn xuất hiện thời chống Mỹ, nhưng thành tựu văn chương và đóng đinh danh phận vào nền văn học nước nhà lại là thời kỳ đổi mới đến nay. Chẳng hạn: các nhà văn xuôi ít nhiều đã sáng tác từ trước năm 1975, nhưng phải đến 10, hoặc 15 năm sau giải phóng thì mới bước lên bậc thang giá trị ở đẳng cấp mới. Chẳng hạn như: Nhận thức lại, cắt nghĩa hiện thực là “Nỗi buồn chiến tranh”, là “Chim én bay? của Nguyễn Trí Huân, “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, hoặc Khuất Quang Thụy với “Góc tăm tối cuối cùng”, Chu Lai với “Ăn mày dĩ vãng”, Trung Trung Đỉnh với “Tiễn biệt những ngày buồn”, Dương Hướng với “Bến không chồng”, Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”…vv. Có nghĩa là: có một đội ngũ viết văn xuôi, xuất hiện thời chiến tranh, nhưng phải sau năm 1975, đặc biệt nở rộ ở thời kì đổi mới thì tên tuổi nhà văn đích thực, đã được xương lên. Cái điều này, nhìn thấy rõ ràng nhất ở các nhà tiểu thuyết, nhưng cũng có thể nhìn thấy sự vận động này qua thể loại truyện ngắn; cụ thể là qua 2 tập truyện ngắn và ký.
2.
Chiến tranh, cả nước ra trận trong hào khí Đông A. Con người chưa bận bịu với chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, và cũng chưa bị đẩy vào vòng tranh dành danh lợi thường nhật khắc nghiệt, con người đẹp một cách trong trẻo, bình dị. Vì chiến trường khốc liệt, mất mát, hi sinh… mới là mục tiêu để con người thể hiện giá trị của mình. Cả nước dường như chung một lý tưởng, con người trong trẻo từ cách nghĩ đến hành vi,… chỉ còn lại ý chí quyết tâm cao nhất là giải phóng miền Nam. Văn học chống Mỹ mang âm hưởng sử thi hùng tráng cũng là điều rất dễ hiểu.
Cảm hứng bình dị đơn sơ trong sáng thể hiện rất rõ ở truyện ngắn “Ráng đỏ” của Đỗ Chu, con người hồn nhiên, đẹp; cũng như “Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu”, đôi trai gái chưa hề gặp nhau mà vẫn yêu nhau. Bối cảnh chiến tranh làm nên một tình yêu trong sáng lạ kì, khi họ ở hai đầu nhớ nhung chính là vì cái chung và cái riêng đôi khi không tách bạch, hòa quyện vào nhau, dù chưa hề biết về nhau vẫn làm nên tình yêu.
Đại đội trưởng Huỳnh Ý Tiên trong truyện ngắn “Người cầm súng” (tác phẩm đoạt Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 1969) của Lê Lựu là điển hình của vẻ đẹp trong sáng, bình dị này. Cái tên nhân vật có vẻ phức tạp, hoa mỹ nhưng tính cách lại trong sáng, rất đơn giản. Huỳnh Ý Tiên như được sinh ra để chiến đấu, và chiến đấu là việc bình thường, giản dị tất nhiên như con người phải ăn, uống, hít thở khí trời. Nhân vật của Lê Lựu luôn vừa lòng với cuộc sống lam lũ, gian khó trong cái vẻ thuần phác, mộc mạc như hạt lúa củ khoai. Anh chiến đấu như con người ta sống phải ăn, phải uống. Anh luôn giữ được cái vẻ mộc mạc, thuần phác, luôn bằng lòng với cuộc sống còn vất vả. Nhân vật chiến đấu anh dũng và chẳng cần cắt nghĩa tại sao phải anh dũng. Có vẻ như nhân vật và tác giả không có khoảng cách, thân mật gần gũi… như cha và con. Không chỉ Lê Lựu mà các tác giả truyện ngắn trong giai đoạn chiến tranh trước nưm 1975 này cũng đều sinh ra những đứa con ngoan ngoãn, lành hiền, can đảm, việc công việc riêng đều hoàn thành trọn vẹn trong lý tưởng chung của dân tộc.
“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ca ngợi vẻ đẹp hùng tráng và sự dũng cảm phi thường của tổ trinh sát mặt đường (Định, Nho và chị Thao) vượt lên trên sự khốc liệt, hủy diệt để sống và chiến đấu. Những cô gái ấy đẹp bình dị như những ngôi sao xa xôi mãi mãi tỏ sáng. Nhưng cũng đến Lê Minh Khuê trong “Nhiệt đới gió mùa” của năm 2012 thì nhân vật không phải là vẻ đẹp trong suốt lấp lánh như “Những ngôi sao xa xôi” nữa. Tác giả đã đi một quãng đường rất dài và vượt “vũ môn” từ đơn giản đến phức tạp, từ một chiều đến đa chiều. Mối thù hận độc ác dai dẳng của hai người đàn bà quanh một người đàn ông. Thù hận của hai anh em ruột thịt bị chiến tranh quẳng ra hai bên chiến tuyến đối đầu máu lửa. và cả sư chầm chèm tréo ngoe, vênh váo mà không nhìn ra của một thời, và có nhìn ra cũng không chịu không nói”. Vì sao là Nhiệt đới gió mùa mà không phải một cái tên khác, nhà văn Lê Minh Khuê giải đáp: “Nước ta là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết khá khắc nghiệt nó là 1 trong những nguyên nhân thường xảy ra những cuộc ganh đua, mâu thuẫn và cả chiến tranh… nó quá ngột ngạt, nếu chúng ta sống trong một thế giới khí hậu ôn hòa, dễ chịu, con người sẽ thấy thoải mái và biết đâu sẽ không có những cuộc chiến phi nghĩa, những cuộc đổ máu không đáng có…” Như vậy, sự thay đổi và phát triển tư duy sáng tác của nhà văn bắt đầu ngay từ quan niệm về hoàn cảnh sinh ra nhân vật. Tính chất phức đạp, đa dạng, mới mẻ này không thể có ở thời kỳ trước năm 1970, khi bà viết “Những ngôi sao xa xôi” với cảm hứng ngợi ca là chủ đạo.
3.
Cái đẹp từ sự giản dị, trong sáng, nhưng cũng có cái đẹp từ sự đấu tranh tự nhận thức, và sự đa dạng của tính cách thì cũng đa dạng vẻ đẹp.
Văn xuôi thực sự đổi mới từ năm 1986, nhưng từ năm 1979, Nguyễn Trọng Oánh đã viết “Đất trắng”, Nguyễn Khải viết “Cha và Con và…” thì nhân vật đã trăn trở suy tư và tính cách phức tạp. Còn sớm hơn nữa là năm 1976 (chỉ sau ngày giải phóng miền Nam một năm), Thái Bá Lợi đã viết truyện ngắn “Hai người trở lại trung đoàn” và in tháng 4. 1977 ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. “Hai người trở lại trung đoàn” của Thái Bá Lợi là tác phẩm sớm nhất có những băn khoăn, dày vò về đạo đức. Anh Trí là một sĩ quan trong chiến tranh thành tích huy hoàng, nhưng đằng sau tấm huy chương rực rỡ ấy là con người thực với những trí trá, dối lừa bước lên đài danh vọng tận cấp trung đoàn bằng mồ hôi thậm chí là máu của đồng đội.
Có thể nói Thái Bá Lợi đã bước qua kiểu viết phân tuyến rạch ròi đã là địch thì xấu xa bỉ ổi, đã là ta thì đẹp tốt muôn phần. “Hai người trở lại trung đoàn” không ngần ngại vạch mặt xấu của người phía bên ta với cái nhìn con người nhất. Chỉ hơn một năm sau ngày giải phóng, Thái Bá Lợi đã khám phá những diễn biến nội tâm phức tạp của con người thời chiến, và tâm trạng người lính thời bình, mà trước đó văn học sử thi mang âm hưởng ngợi ca hùng tráng chưa làm được.
Truyện ngắn của thế hệ nhà văn xuất hiện trong chống Mỹ và trưởng thành sau hòa bình mở rộng ra nhiều chiều kích khám phá đời sống xã hội mà trước đây do những điều kiện ngặt nghèo, khắc nghiệt của trận mạc, nhà văn chưa có dịp khai thác. Hậu quả đau đớn khủng khiếp của chất độc da cam đã được Nguyễn Quang Lập khai thác từ năm 1984 cũng có mặt trong hai tập sách này với truyện ngắn “Tiếng lục lạc”. Người phụ nữ của Nguyễn Quang Lập không chỉ là nhân vật điển hình của nỗi dày vò héo hon 20 năm chờ chồng mà còn mang gánh nặng sinh thành trong năm đầu hạnh phúc gặp lại chồng: “Đứa bé là một con người dị dạng! Chân trái cháu bị bẻ gập ra sau, cứng ngắc. Mặt cháu bị bóp méo đến ghê gớm: mí mắt trái phình ra rất lớn kéo xuống bịt kín toàn bộ gò má. Môi dưới cháu cũng phình to, trệ xuống quá cằm”. Có cái gì đó đau đớn, xót xa khi người sĩ quan vinh quang trận mạc ở bên ngoài phòng sản cùng với đồng đội dung tiếng lục lạc ăn mừng một đứa con vừa ra đời, mà anh chưa kịp biết nó đã mang hình hài thân phận dị dang không phải một con người.
Cũng viết về chiến tranh, nhưng “Khắc dấu mạn thuyền” của Bảo Ninh lại chỉ chọn một lát cắt đời sống để nói về sự biến mất của con người thời chiến không phải sự chết chóc, chia ly, mà đơn giản chỉ sự xô đẩy khiến con người qua cuộc gặp ngắn ngủi rồi mãi mãi chỉ còn trong kí ức đẹp và buồn.
“Vàng xưa” của Nguyễn Văn Thọ kể câu chuyện những người lính cựu trở lại chiến trường tìm kho báu, họ đã phát hiện từ thời chiến tranh; nhưng thực ra họ đi tìm ký ức bởi sự ám ảnh của ký ức. Ở đây, Nguyễn Văn Thọ sử dụng lối viết thử nghiệm dựng hình của điện ảnh. Ông bày tỏ sự tâm đắc của mình: “Không có thước phim chiếu lên màn ảnh song người viết có thể tạo nên hình, tạo nên âm thanh, tạo nên tốc độ khuôn hình nhờ cách đan câu ngắn hoặc cực ngắn chạy trên một đoạn văn bản khi sử dụng nhuần nhuyễn chấm và phẩy, kể cả lối bỏ chủ ngữ ở cổ văn cũng nên dùng. Tất cả kiểu chơi này nhằm tạo thành cảm xúc va đập trực tiếp tới bạn đọc.”
“Họ đã trở thành đàn ông” của Phạm Ngọc Tiến là sự hiến dâng trinh tiết cho những người chiến sĩ trẻ trước khi anh ra trận mà chưa biết mùi con gái. Cái hành động kì lạ này không chỉ phản lý và nghịch lý trong con mắt hệ quy chiếu Nho giáo vốn tồn tại hàng năm trong đời sống Việt Nam, càng chưa hề xuất hiện trong văn học chiến tranh, bởi trước năm 1975, nhân vật văn học thường dâng hiến trái tim cho tình yêu, dâng hiến mạng sống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc với những hành động anh hùng phi thường và sự hy sinh lẫm liệt sáng chói. Điều đó, chứng tỏ truyện ngắn của thế hệ chống Mỹ sau năm 1975 rất táo bạo, không kiêng nể, né tránh bất cứ đề tài nào, chính vì thế mà nó tiến gần hơn đến sự chân thật mang tính con người nhất.
“Sự tích ngày đẹp trời” của Hòa Vang với “chuyện xưa tích cũ”, ông đã sáng tạo thêm phần hậu cổ tích, mang tư duy của người hiện đại vượt qua cách cảm thô sơ của tiền nhân hàng nghìn năm trước. Ông muốn thay đổi cách nhìn về Thủy Tinh – bên thua trận, và cắt nghĩa sự thua trận để đề cao sự công bằng công lý. Điều này, chưa bao giờ có trong thời tiết văn học trước năm 1975, khi mà cả nước luôn dồn tâm dồn sức cho cuộc chiến giải phóng cuối cùng, người ta chỉ nghĩ đến thắng lợi như một mục đích tối thượng.
4.
Hai tập truyện ngắn và ký tuyển là việc lạc rất công phu, cần thiết; nhưng dù ban tuyển chọn đã cố gắng hết mức, cũng chưa thể bao quát hết đỉnh cao sáng tác của các nhà văn xuất hiện trong thời chống Mỹ và trưởng thành sau năm 1975 cũng là chuyện bình thường, hoặc các nhà văn không muốn đưa vào tuyển tập này những tác phẩm hay song đã quá quen thuộc với bạn đọc. Chẳng hạn: “Đêm Nguyệt Thực” của Trung Trung Đỉnh tiêu biểu hơn là “Rừng già” ở sự độc đáo, và tầm khái quát hiện thực. “Bạn đò dọc” hoặc “Người về bến Phù Vân” của Khuất Quang Thụy vẫn là tác phẩm hay, và ám ảnh hơn là “Chùa làng” trong tuyển tập. “Đùa của tạo hóa” của Phạm Hoa như một bước tiến, bước ngoặt đưa ông lên hàng những người viết truyện ngắn có đẳng cấp, hay hơn “Em là cô thanh niên xung phong” thô giản của một thời….”Trang bản thảo chép thuê” mới là truyện ngắn hay nhất của Chu Lai và dung chứa được cả kịch, điện ảnh trong cái hồn cốt văn học mang phong cách Chu Lai, chứ kông phải truyện ngắn “Anh Hai Đởm”…vv.
Không thể khái quát hết thành tựu, hành trình sáng tác và những nỗ lực tìm tòi phản ánh khám phá hiện thực của hàng trăm tác giả văn xuôi xuất hiện trước năm 1975 và hầu hết thành danh trong thời kỳ đổi mới đến nay. Tôi xin thành kính cảm phục thế hệ đàn anh đi qua chiến tranh trước chúng tôi, đã hành trình sáng tạo không mệt mỏi làm nên một nền văn học Chiến tranh rực rỡ.
S.N.M