
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Đã là người dân nước Việt hẳn không ai còn xa lạ câu ca dao này. Rau muống luộc với cà dầm tương là những món ăn dân giã, quen thuộc bao đời nay của người dân quê bắc bộ. Với riêng tôi mà nói dù có trăm ngàn cao lương mỹ vị ở trên đời cũng không sánh bằng món “thịt tương” của bà ngoại.
Thời các cụ ngày xưa nghèo lắm, thiếu thốn đủ đường, ăn còn bữa đói bữa no lấy đâu thịt cá đầy mâm như bây giờ. Theo lời mẹ tôi, ông bà đông con, cứ đến bữa ăn bốn chị em gái lại oẳn tù tì xem ai ngồi đầu nồi. Cái vụ ngồi đầu nồi này kể ra cũng thú vị lắm. Chả là, ai có được vị trí đắc địa ấy thì được xới cơm, mà xới cho mình thì thoả mái lèn đầy bát. Dì út tôi người nhỏ xíu nhưng được cái ăn khoẻ, các chị em chưa hết một bát dì đã xong hai bát, mà chỉ tiêu mỗi người chỉ được hai bận xới. Nói là cơm cho oách chứ hai phần ba độn sắn rồi còn đâu. Dì ngồi trong nhổm mông lên nhòm xem còn không rồi chìa cái bát sạch bong cho bà. Thế là hôm ấy bà tôi chỉ có lưng bát cơm lót bụng. Ông cười xoà “các cụ nói cấm có sai, gầy thầy cơm!”
Cái sự cơm cháo hồi đó chỉ đánh vào giới hạn đói no chứ mấy ai quan tâm ngon với chả không ngon. Thế nhưng trong nhà ông bà tôi thì có, dù chỉ là rất nhỏ. Ông ngoại tôi là thầy giáo, tiêu chuẩn kèm lương hàng tháng được thêm một chai mắm. Bây giờ mắm là thường chứ lúc bấy giờ quý lắm, nói quan trọng lên nó thành một thứ xa xỉ phẩm ở chốn làng quê. Chai mắm một cút tương đương một góc lít, chia đều cho sáu miệng ăn trong một tháng chả khác nào muối bỏ biển. Các mẹ, các dì tôi cứ gọi là thòm thèm. Ông tôi đưa ra sáng kiến, đến bữa pha một bát muối loãng rồi hoà thêm hai thìa nước mắm cho có mùi. Thương các con thèm thuồng đến bát nước chấm cũng phải làm hàng, bà tôi quyết ý sang làng bên theo cụ Cả Nhụ học làm tương.
Tôi lớn lên giữa vùng quê nghèo, nhờ vòng tay chở che của mẹ cha và nhờ lời ru ầu ơ bên cánh võng của bà. Tuổi thơ tôi bồng bềnh trôi theo những cánh cò trong câu ca dao, ngao du mây trời cùng chị Hằng, chú Cuội qua những miền cổ tích. Tất cả những ký ức ngọt ngào ấy đều xuất phát từ pho từ điển dân gian sống bất tận, bà tôi. Từ nhỏ con bé đã mắc bệnh khảnh ăn nên người gầy đét như cá mắm với biệt danh mỹ miều “bút thép”. Mẹ ngồi đút cả giờ tôi cũng chỉ đá đưa vài miếng. Thế rồi, một buổi chiều kia, chơi chán với cô mèo mướp và đám bi ve đủ màu, tôi bỗng thấy bụng sôi ùng ục, chạy vào kéo áo bà đòi ăn. Bà lấy bát cơm nguội rồi dắt tôi ra chum tương đầu hè, mở chiếc cặp lồng che miệng chum ra. Một mùi thơm ngọt bốc lên sực thẳng vào cánh mũi. Tôi nheo mắt nhìn vào, bà nhấc chiếc môi dừa màu nâu lên (mãi sau này tôi mới biết cái đó quê tôi gọi là ruộc múc tương), múc lấy thứ nước màu cánh gián đậm tưới vào bát cơm. Bà trộn đều cơm và xúc cho tôi ăn sau khi cất lại chiếc ruộc tương vào chum.
Còn bé ăn thun thút ra chiều ngon lắm, bát cơm hết veo trong chớp mắt. Cái vị đậm đà rất riêng ấy, vừa bùi bùi như đỗ, vừa mằn mặn như muối, vừa ngòn ngọt như ngô quyện với miếng cơm trắng nhai kỹ sao mà ngọt lịm tim, nhớ đến tận bây giờ. Có lẽ vì vậy mà con bé ngọng líu ngọng lô hồi ấy gọi món đặc sản của bà là “ịt tương”. Từ đó, tôi thoát tiếng “bút thép” và chuyển sang giai đoạn “bóng tròn”. Không bụ bẫm sao được, khi mỗi ngày “oánh” tì tì ba bát cơm đầy rưới “thịt tương”?
Lớn hơn một chút tôi mới biết, việc làm tương của bà cũng tỉ mỉ, công phu lắm lắm. Mỗi lần làm mẻ tương mới, bà dùng khoảng hai đấu đỗ và một đấu mốc (một đấu đỗ cỡ chừng một cân rưỡi, một đấu mốc khoảng bẩy lạng). Mốc làm tương là mốc ngô, thứ bột xôm xốp màu rêu nhạt, nhẹ như bông bà đong ở chợ. Đỗ tương sau khi ngâm một giờ vớt ra để róc nước, đem rang tới khi dùng tay vân vỏ thấy tróc và có màu vàng là được. Mùi đỗ tương rang thơm phưng phức mới quyến rũ làm sao, chả thế mà ngồi cạnh chảo rang, thi thoảng con bé tóc úp niêu lại thò tay bốc trộm vài nắm. Bị bà mắng yêu “cha bố cô chỉ ăn vụng là tài” tôi chả lấy làm sợ, mà còn khoái chí nắc nẻ cười giòn tan cả ba gian bếp. Bởi tôi biết, bao giờ bà cũng đong dư ra một ít để cô cháu nhỏ nhâm nhi. Mang đỗ đã rang bỏ cối đá, xay vỡ đôi hoặc vỡ ba, quê tôi làm tương hạt to chứ không xay nhuyễn như tương Bần ở Hưng Yên. Tiếp theo cho đỗ vào chum ngâm nước mưa, bẩy ngày nếu là mùa đông và năm ngày nếu vào mùa hè. Lấy nước ngâm đỗ hòa tan mốc tương rồi đem phơi hai nắng, sau đó cho hỗn hợp đó vào một cái chum sành. Công thức vàng của bà truyền lại cho mẹ tôi là mười chè hai muối. Tức là khi đong nước ngâm đỗ, cứ mười ca nước kèm theo hai cân muối. Bà lấy tấm vải màn buộc kín miệng chum, đậy chiếc cặp lồng nhôm lên rồi đem phơi nắng ngoài hiên bếp. Bà bảo một tuần là tương bắt đầu ăn được, tương được nắng là tốt nhất và để càng lâu tương ngấu ăn càng ngon.
Tôi nghiện cái thứ nước màu nâu cánh gián với mùi thơm nồng đậm ấy từ bao giờ chẳng hay. Tuổi thơ tôi gắn với món “thịt tương” huyền thoại của bà. Dù hồi nhỏ có đôi lần gờn gợn, sờ sợ khi thấy những con huơ be bé, trăng trắng nổi lên trên miệng chum mỗi lần bà múc tương, nhưng cái vị ngọt ngon khó cưỡng ấy như một thức bùa mê đánh bay mọi cảm giác sợ hãi. Mãi cho đến sau này khi hiểu biết hơn, tôi mới lí giải được sao lại có sự xuất hiện của đám sinh vật bé xíu kia, thì ra do những lần múc tương đạy không kỹ, bị nước mưa ngấm vào.
Hôm nay ngày giỗ bà, tôi múc một bát tương đặt lên mâm cỗ, bên cạnh đĩa rau muống luộc xanh mướt. Năm nào cũng vậy, ngoài tám đĩa hai bát như thông lệ cỗ bàn bình thường nhà tôi luôn bày thêm món thịt tương để cúng bà. Vẳng tiếng ru hời vọng sang từ bên nhà hàng xóm. Bước vội ra hè, ánh nắng buổi trưa hơi gắt làm mắt tôi nheo lại, nơi góc sân, chiếc chum sành vẫn yên vị ở đấy, nước men nâu đậm theo thời gian càng thêm bóng loáng. Như sương như khói mờ ảo, khăn nhung đen vấn gọn mái tóc mây, bà ngồi đó múc từng ruộc tương vào bát, màu nâu đậm sóng sánh như mê hoặc ánh nhìn của tôi.
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi cấy đồng xa chửa về
Bắt được con trắm con trê
Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để giành đến Tết mồng ba
Mèo già ăn vụng
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ…
À a à ời, à a à ơi!
(Hát ru)
Cứ ngỡ bà đang hát ru mình, vô thức tôi cất tiếng gọi: “Bà ơi!”.
B.T.B.H