Vào phủ chúa Trịnh, trích trong Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác (1724 -1791) – văn bản tác phẩm được khắc in vào năm 1879, tức 88 năm sau khi tác giả qua đời,
Vào phủ chúa Trịnh, trích trong Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác (1724 -1791) – văn bản tác phẩm được khắc in vào năm 1879, tức 88 năm sau khi tác giả qua đời, do thầy thuốc Vũ Xuân Hiên và hòa thượng Thích Thanh Cao ở chùa Đồng Nhân, Quế Võ, Bắc Ninh quyên tiền thực hiện, việc khắc in kéo dài trong hơn 6 năm – đã được các tác giả của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn 11 bậc THPT.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu một nghiên cứu về đoạn trích này của tác giả Bùi Ngọc Vinh.
Vào phủ chúa Trịnh, trích trong Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác (1724 -1791) – văn bản tác phẩm được khắc in vào năm 1879, tức 88 năm sau khi tác giả qua đời, do thầy thuốc Vũ Xuân Hiên và hòa thượng Thích Thanh Cao ở chùa Đồng Nhân, Quế Võ, Bắc Ninh quyên tiền thực hiện, việc khắc in kéo dài trong hơn 6 năm – đã được các tác giả của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn 11 hiện hành (cả ở bộ nâng cao và bộ cơ bản) giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông nước nhà. Những người làm chương trình và sách giáo khoa quả có cặp mắt xanh. Với dụng ý giới thiệu cho thế hệ trẻ học đường về một tác phẩm kí trung đại đặc sắc, của một trong những tác giả thuộc mô thức nhà nho ở ẩn tiêu biểu. Thượng kinh kí sự là tác phẩm kí độc đáo được Lê Hữu Trác hoàn thành vào tháng 8-1783. Ở đó, tác giả đã kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật của kí như: du kí, nhật kí, hồi kí, kí phong cảnh, kí ghi người, ghi việc… Phải thừa nhận rằng, đến Thượng kinh kí sự, thể kí văn học đích thực của Việt Nam mới thật sự ra đời. Đọc xong tác phẩm, ta thấy hình tượng nhân vật tác giả hiện lên rõ ràng, sinh động. Đấy là một thi nhân, một ẩn sĩ thanh cao, một danh y lỗi lạc đã tự đặt mình ra ngoài vòng cương tỏa và mỗi khi nghe tới hai chữ “công danh“ thì sợ đến “dựng cả tóc gáy“ bởi đã mắc vào rồi thì “trời cứu cũng không thoát được“. Ngoài ra, ta còn thấy Lê Hữu Trác là người lúc nào cũng đau đáu một nỗi thương cha mẹ, yêu quê hương, nhớ bạn bè thân thích đến không cầm được nước mắt[1]. Các câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa và những gợi ý trong sách giáo viên đã cố gắng để làm rõ những kết quả cần đạt:
* Thấy được sự cảm nhận của Lê Hữu Trác về quyền uy và cuộc sống của chúa Trịnh.
* Hiểu được đặc điểm bút pháp kí sự qua đoạn trích.[2]
Sau đây chúng tôi xin trao đổi một vài cảm nhận về đoạn trích đặc sắc này.
2. Đoạn trích nói riêng, tác phẩm nói chung viết về người thật việc thật, nhưng thông qua những sự kiện tai nghe mắt thấy ấy, dường như Hải Thượng Lãn Ông muốn gửi gắm trong đó những suy tư trăn trở của ông về thế sự, về sự tồn vong của chính thể nhà Lê -Trịnh mà giới sử học gọi là thời Lê Mạt. Trong mắt Lê Hữu Trác tuy ở ẩn tận sơn thâm cùng cốc nhưng vốn con quan, chỗ nào trong cấm thành (cung vua Lê – chúng tôi thêm) cũng đã từng biết. Chỉ có những việc ở trong phủ chúa là (…) chỉ mới nghe thôi. Bước chân đến đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường[3]. Ông làm thơ ghi lại, lời thơ bề ngoài có vẻ như ca ngợi nhưng ngầm phê phán hết sức sâu sắc nhà chúa:
Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt,
Cả trời Nam sang nhất là đây!
Lầu từng gác vẽ tung mây,
Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào.
Hoa cung thoảng ngạt ngào đưa tới,
Vườn ngự nghe vẹt nói đòi phen.
Quê mùa, cung cấm chưa quen,
Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào![4]
Phủ chúa Trịnh là thế giới thần tiên nơi cõi trần, là nơi sang nhất nước Nam tức sang hơn cả cung vua Lê: đâu đâu cũng cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi. Vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ. (…) Điếm làm bên một cái hồ, có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kì lạ. Trong điếm, cột và bao lơn lượn vòng kiểu cách thật là xinh đẹp[5]. Phủ chúa giàu sang tột cùng như vậy do đâu mà có? Phan Huy Chú (1782-1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết nạn sưu cao thuế nặng thời ấy:
Vào khoảng năm Giáp Thìn (1724) xét biên, trong dân gian, ai có nghề nghiệp gì là chiếu bổ thuế sản. Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt không thể nộp nổi đến nỗi người ta thành ra bần cùng mà phải bỏ nghề nghiệp. Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế vải lụa mà phải phá khung cửi. Cũng có kẻ vì nộp gỗ cây mà bỏ rìu, búa, vì phải bắt tôm cá mà xé lưới chài, vì phải nộp mật mía mà không trồng mía nữa, vì phải nộp bông chè mà phải bỏ vườn hoang. Làng xóm náo động. Dân phiêu tán, dắt díu nhau đi ăn xin đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no. Nhân dân phần nhiều phải ăn rau ăn củ, đến nỗi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau, số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi[6].
Phạm Đình Hổ (1768-1839) viết trong Vũ trung tùy bút như sau:
Khoảng năm Giáp Ngọ (1774-1775), trong nước vô sự, Thịnh Vương (Trịnh Sâm) thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán.
Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Cũng có lúc cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc.
Buổi ấy, bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường. Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ“ vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi, rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phải phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ. Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng: trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy[7].
Ở một đoạn khác Phạm Đình Hổ còn cho biết thêm:
Hồi loạn năm Canh Thân (1740), Tân Dậu (1741), tỉnh Hải Dương ta chịu hại về việc binh đao đến mười tám năm, ruộng đất hầu thành rừng rậm. Giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ đầy cả ngoài đồng. Những người dân sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột mà ăn. Mỗi một mẫu ruộng chỉ bán được một cái bánh nướng. Tổng Minh Luân ta có một bà cụ góa mà giàu, người làng bầu cụ làm hậu phần. Vì tiền của bà cụ chất như núi, nên tục gọi là bà “Hậu Núi“. Gặp năm mất mùa, nhà hết cả thóc ăn, bà mang năm bao bạc đi đổi thóc không được, phải chết đói ở bên xóm chùa Bình Đê. Bấy giờ làng ta bỏ hoang rậm rạp ngập mắt. Đến khi loạn lạc đã yên, người làng mới từ chốn kinh đô lục tục kéo về, chặt tranh phá cỏ, đi tìm nhận nền nhà cũ, thu nhặt những xương tàn đem chôn. Nay ở phía nam đầu làng vẫn còn có một khu nghĩa trang, hàng năm cứ đến rằm tháng bảy, người làng đem cỗ bàn ra cúng viếng.
Các cụ nhà nho làng ta ngày xưa, như ông nho sinh Phạm Diên Bá, thường nói chuyện với ta rằng: Đương lúc loạn lạc, ông đi đường về tỉnh Đông, có vào nghỉ nhà hàng cơm bên đường, thấy mùi thịt rất tanh, trên mặt nước bát canh thịt nổi sao lên như hình bán nguyệt. Hỏi người hàng cơm thì họ nói đó là thịt lợn lòi. Khi ăn đến nửa chừng, thấy có con rận chết ở trên mặt bát mới biết là thịt người, vội vàng chạy ra móc cổ thổ ra. Ôi! Đời xưa bảo rằng “thú ăn thịt người“ cũng chưa đến nỗi quá tệ như vậy[8].
Trong khi đó, bữa cơm mà Lê Hữu Trác được ăn trong phủ chúa Trịnh thì: mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ, tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia[9]. Có gì đó khiến ta nhớ đến câu thơ Đỗ Phủ: Cửa son rượu thịt để ôi – Có thằng chết buốt xương phơi ngoài đồng. Cái cảnh sống trong xa hoa tột đỉnh của cha con nhà chúa cùng bọn quan lớn quan bé, kẻ hầu người hạ trong Trịnh phủ chính là nguyên nhân cốt lõi gây nên nỗi thống khổ tột cùng của bách tính muôn dân; chẳng phải cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ không thể cứu vãn được của triều đình Lê – Trịnh đó sao?
Qua cách kể và tả về Trịnh Cán, có thể thấy thâm ý của đại danh y Lê Hữu Trác. Bảy tám người là lương y của sáu cung, hai viện ngày đêm chầu chực để chữa bệnh cho Trịnh Cán xem ra chẳng có tài năng gì. Họ ngày đêm dốc tài khuyển mã chữa bệnh cho Trịnh Cán mà bệnh tình ngày càng nặng. Quả là không còn dẫn chứng nào sinh động, đích đáng hơn để người đời hiểu rõ câu ca dân gian: Nhiều thầy thối ma. Hãy nghe Hoàng lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái kể về sự ra đời của ông con trời này: Khi Đặng Thị Huệ mang thai Trịnh Cán Chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Khi Cán được sinh ra, chúa hết sức yêu mến…, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán đặt cho nó để tỏ ra nó cũng giống mình. Khoa thi Hương năm ấy, chúa lấy hai câu: “Sơn xuyên anh lục, hà hải tú chung” (khí thiêng của sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của biển hồ chung đúc nên) để làm đề thi. Các quan văn võ cũng có nhiều kẻ lấy chữ “Tinh huy hải nhuận” (sao sáng biển hòa, cái điềm sinh thánh nhân) làm câu chúc mừng[10]. Đây mới là bản lai chân diện mục của Trịnh Cán: bụng to, rốn lồi, da nhợt gân xanh, chân tay gầy khẳng khiu[11]. Bao công sức tiền của nuôi một lũ ngự y bất tài không chữa nổi con bệnh. Vậy mà chỉ vừa mới vào phủ, nhìn cung cách sống quá ư xa hoa và thăm khám con bệnh, một kẻ quê mùa thô lậu ẩn nơi thâm sơn cùng cốc đã bắt đúng nguồn cơn: Nhưng theo ý tôi, đó là vì thế tử ở trong chốn màn the trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức. Nếu chỉ lo dùng thứ thuốc công phạt khắc bác mà không biết rằng nguyên khí càng hao mòn dần thì chỉ làm cho người thêm yếu. Bệnh thế này không bổ thì không được…[12] Ông vì cái tâm của thầy thuốc với con bệnh và vì cả lòng trung với nước, (chỗ này theo tôi, là sự minh họa rất chuẩn cho nhận định của Các Mác: tư tưởng của giai cấp thống trị bao giờ cũng là tư tưởng thống trị thời đại và dường như có cả vấn đề tác giả nói cho phải phép, nói để giữ an toàn tính mạng trong chế độ mà ngục văn tự là nỗi ám ảnh đáng sợ của người cầm bút), mà chẩn bệnh và đưa ra phương thuốc cứu chữa phù hợp: Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế sác. Thế là âm dương đều bị tổn hại, nay phải dùng thuốc thật bổ để bồi dưỡng tì và thận, cốt giữ cái căn bản tiên thiên và làm nguồn gốc cho cái hậu thiên. Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất[13]. Chao ôi! Một đứa trẻ bụng ỏng đít beo, ăn ngủ không xong mà đã ngấm vào tận xương tủy cái căn bệnh lạy khéo, lại sắp sửa làm chúa thiên hạ thì quả là cười ra nước mắt, quả là thảm họa cho bách tính muôn dân Đại Việt ta. Lại nữa, Chúa Trịnh Sâm vì say mê Đặng Thị Huệ mà phế trưởng lập thứ cũng là một việc làm trái đạo theo quan niệm của nhà nho. Đây có lẽ cũng là một ngầm ý của người viết.
Té ra với những người ở tột đỉnh của quyền lực chính trị đương thời, mục đích động cơ của họ theo quan niệm chính thống Nho giáo với những mĩ tự thế thiên hành đạo, chăm lo cho muôn dân khiến họ có thể: Ngưỡng túc dĩ sự phụ mẫu, phủ túc dĩ súc thê tử (Trông lên đủ để phụng sự cha mẹ, nhìn xuống đủ để nuôi vợ con[14], đến thời Lê – Trịnh này chỉ còn là cái mặt nạ để che đậy mục đích tối thượng là vinh hoa phú quí tột cùng cho cá nhân và dòng họ mà thôi. Các Mác từng nhận định: lịch sử có những giai đoạn tự làm nhục những khái niệm mà nó sinh ra. Trịnh Sâm, Trịnh Cán, trong cảnh này chính là những nhân vật làm nhục khái niệm về vua chúa trong lịch sử chế độ chuyên chế thời trung đại ở xứ ta.
Cách dùng chữ nói về Trịnh Sâm và Trịnh Cán có ngầm ý phê phán sự tiếm quyền lộng quyền (Thánh chỉ, Thánh thượng, Đông cung thế tử, đồ nghi trượng…). Đồ dùng của cha con nhà chúa càng cho thấy rõ điều này: Đi qua độ năm sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thếp vàng (…) Bên sập đặt một cái ghế rồng sơn son thếp vàng. (…) Xem chừng Thánh thượng thường thường vẫn ngồi trên ghế rồng này[15]. Theo quan niệm nhà nho một nước chỉ có một ông vua cũng như thiên hạ chỉ có một mặt trời; chỉ hoàng đế mới được dùng đồ sơn son thếp vàng, mới có quyền lập Đông cung thế tử. Nay nhà chúa ngang nhiên hành sử như vậy, thì đó là một điềm báo nguy cấp về sự suy vong không thể tránh khỏi của chế độ đương thời. Vậy còn vua Lê đâu? Hoàng Lê nhất thống chí cho biết về vua Lê Cảnh Hưng với câu nói nổi tiếng vô trách nhiệm: Trời sai chúa phò ta, chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?[16]. Trong 47 năm ngồi trên ngai vàng, Lê Cảnh Hưng chỉ làm cái việc: theo tranh Tam Quốc, sai các cung nữ mặc áo trận, cầm giáo mác chia thế trận ba nước Ngụy, Thục Ngô rồi dạy họ cách ngồi, đứng, đâm, đỡ để mua vui[17]. Còn đây, vua Lê Chiêu Thống qua “dư luận quần chúng”: Người trong kinh có kẻ không biết là vua, hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: “Nước Nam ta từ khi có đế vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên Tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc“[18]. Trong đoạn trích còn một nhân vật nữa được nhắc tới nhiều lần là quan Chánh đường tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo. Hoàng Lê nhất thống chí cho biết về nhân vật này như sau: ông ta từng trấn thủ Nghệ An và có mưu đồ phản nghịch. Trịnh Sâm biết, tìm cách trừ khử. Bảo biết được bèn xin về triều. Lúc ấy trong triều đang có cuộc tranh giành ngôi thế tử giữa Trịnh Tông và Trịnh Cán. Huy nghĩ rằng, Thị Huệ tuy được chúa yêu nhưng con trai của Thị Huệ còn nhỏ, trong khi thế tử đã lớn rồi, hùa theo Thị Huệ không phải là kế lâu bền. Vì vậy sau khi đã vào hầu chúa, Huy liền lấy châu báu đút lót cho những kẻ chân tay của thế tử để xin nương tựa vào thế tử. Rồi Huy lại đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn Nam Kinh làm lễ yết kiến để xin vào ra mắt thế tử. Nhưng thế tử không nhận đồ lễ cũng không cho vào gặp (…) Quận Huy biết thế tử không dung mình bèn quyết ý hùa theo Thị Huệ và âm thầm có chí phế lập[19]. Được lòng Thị Huệ, Huy trở nên lộng quyền. Tự đứng làm chủ, mọi việc tự mình gánh vác…, người khác có đồng ý hay không cũng chẳng thèm kể đến. Ở phố phường người ta túm năm tụm ba bàn tán, kẻ nói chúa mới (Trịnh Cán) bị bệnh rất nặng, chưa biết chừng ngày nào đó trong cung sẽ có biến; quận Huy quyền uy lớn quá, không khéo hắn sẽ cướp nước mất. Người bảo chính cung tư thông với Huy, ả sắp đem xã tắc giao phó cho quận Huy. Bấy giờ đầu đường xó chợ có câu ca dao như sau:
Trăm quan sáng ít nhiều mờ,
Để cho Huy quận vào rờ chính cung.[20]
Đó là chân dung nhân cách, tâm địa nhân vật tâm phúc của chúa Trịnh Sâm. Còn trong mắt Ông Già Lười Trên Biển, Quan chánh đường cũng có biết thuốc, tuy kiến thức về thuốc chưa sâu, nhưng hễ bàn đến thuốc là cứ muốn dùng thứ thuốc công phạt. Thầy lang quan Chánh đường càng nhiệt tình, con bệnh càng chóng chết mà thôi. Lê Hữu Trác được trở về Hương Sơn Hà Tĩnh tiếp tục cuộc sống ẩn dật ít lâu thì nghe tin chúa Trịnh Sâm băng hà, kiêu binh nổi loạn phế Trịnh Cán, phò Trịnh Tông, quận Huy bị kiêu binh dùng câu liêm móc cổ kéo từ voi chiến xuống, đánh đấm túi bụi, giết chết ngay tại chỗ. Sau đó, họ phanh thây quận Huy lấy gan ăn sống, còn thây chết thì lôi ra ngoài cửa Tuyên Vũ, em ruột y là Lí vũ hầu Hoàng Lương cũng bị kiêu binh lấy gạch đá đập vỡ đầu và vứt xác xuống hồ Thủy Quân, nhà của Huy quận công bị đập phá tan tành một mảnh ngói cũng không còn[21]. Đó chính là kết cục bi thảm của một kẻ cơ hội hoạt đầu chính trị điển hình bị bả vinh hoa, mồi phú quí làm cho mờ mắt.
Vua thế, chúa thế, thế tử thế, trọng thần thế… Đại Việt sẽ đi về đâu?
3. Hải Thượng Lãn Ông đâu chỉ bắt mạch kê đơn, bốc thuốc cho thế tử Trịnh Cán, dường như ông có ngầm ý, thâm ý bắt mạch kê đơn cho căn bệnh trầm kha vô phương cứu chữa của nhà chúa. Dự cảm của ông về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chúa Trịnh, của tập đoàn phong kiến chuyên chế đương thời đã được lịch sử minh chứng. Ông quả là một thần y. Có thể mượn lời F. Ăngghen trong Thư gửi cô Hăckơnet tháng tư năm 1888 khi nhận xét về Bandăc, một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phương Tây thế kỉ XIX mà nói rằng: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã bắt buộc phải đi ngược lại với những mối thiện cảm giai cấp của mình và với những thiên kiến chính trị của mình, ông đã nhìn thấy sự diệt vong không thể tránh khỏi của những con người quí tộc thân yêu của ông, và đã diễn tả những con người ấy là không xứng đáng có một số phận tốt đẹp hơn…[22]
Vân Giang, 23-8-2012
B.N.M