Làm thế nào để trở thành nhà văn nổi tiếng nhất và giàu có nhất thế giới? Hephzibah Anderson (hãng BBC) đã tìm ra bí mật này và điều bất ngờ là phải kết hợp nhiều yếu tố khác ngoài khả năng viết lách.
Tạo dựng thương hiệu
Tôi tình cờ bắt gặp biển quảng cáo tiểu thuyết kinh dị mới nhất của Patricia Cornwel (kèm ảnh tác giả này – một phụ nữ đẹp, ánh mắt xanh trong veo) tại phòng chờ một sân bay ở Mỹ. Tấm biển quảng cáo khổng lồ đặt tại vị trí trang trọng và dễ nhìn thấy của sân bay. Có người thốt lên: À, Patricia Cornwel! Những người chưa từng nhìn thấy cô, mới chỉ đọc tiểu thuyết trinh thám rùng rợn của cô, cũng có phản ứng gần như vậy, bởi Patricia Cornwel chính là nhà văn trinh thám có sách bán chạy số một thế giới. Thương hiệu này được tạo nên từ rất nhiều truyện trinh thám kỳ bí và cuốn hút của cô.
Thương hiệu tác giả không còn là khái niệm mới mẻ thời gian gần đây. Nhiều tác giả của các dòng truyện thị trường cũng làm được điều này. Trở lại năm 1887, Guy de Maupassant đã phải trả tiền để tên một truyện ngắn của ông (Le Horla) được ghi trên quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời Paris. Tạo dấu ấn riêng để nhận diện thương hiệu một nhà văn là cần thiết, nhất là với nhà văn hiện đại (cả nhà văn sách in và nhà văn trên mạng). Mỗi nhà văn phải có một thương hiệu và thường xuyên chăm chút cho thương hiệu ấy. Những năm gần đây, khi có sự can thiệp của đội ngũ chuyên xây dựng và quản lý thương hiệu, nhiều nhà văn đã có được thương hiệu khiến không ít người ghen tỵ và… choáng váng. Điển hình là Janet Evanovich, Stephen King và Danielle Steel – 3 trong số 10 tác giả giàu nhất thế giới ba năm qua (theo bình chọn của Forbes). James Patterson dẫn đầu danh sách với thu nhập ước tính khoảng 90 triệu USD/năm, từ 2010-2013.
Thương hiệu là thứ không dễ bị thời gian làm mai một, thậm chí cả cái chết. Robert Ludlum là người đầu tiên sở hữu thương hiệu Bourne (nhân vật của Robert Ludlum), xuất bản 20 tiểu thuyết khi còn sống. Sau khi Robert Ludlum qua đời năm 2001, tiểu thuyết 5 tập của nhà văn này vẫn được xuất bản bằng tên riêng của ông. Thực tế, trong 5 tập đó, chỉ 1 tập do Robert Ludlum sáng tác, 4 tập còn lại của nhà văn khác nhưng được ghi chú: “ghi lại theo lời của Robert Ludlum”. Tiếp theo đó là Bourne và Covert-One, cũng ra mắt độc giả thế giới sau khi ông đã qua đời. Lúc này, ngoài bìa sách có thêm cái tên khác nữa trong vai trò đồng tác giả.
Thành công là vậy nhưng Ludlum chỉ được ví như “tiểu thủ công” khi đem so sánh với Patterson. Nhà văn sinh tại Florida này mới đầu là giám đốc quảng cáo, xuất bản tiểu thuyết đầu tay năm 1976 và bán được hơn 260 triệu bản. Patterson đã lập kỷ lục trong làng văn thế giới khi cùng lúc ký tới 17 hợp đồng. Viết nhanh và xuất bản đều đặn là chìa khóa trong tạo dựng thương hiệu nhưng bí mật thành công lại là biết thuê người viết cho mình. Thuê không có nghĩa là giao toàn bộ cho tác giả nào đó và ngồi rung đùi, uống cà phê, chờ đến ngày nhận sản phẩm. Patterson làm việc với đội ngũ đông đảo nhà văn, vai trò của ông không giống như tác giả truyền thống mà là nhà quản lý thương hiệu. Ông vẫn là người đưa ra ý tưởng và thực hiện nhiệm vụ biên tập, chỉnh sửa cuối cùng.
Thương mại hóa văn chương
Để thành công, tác giả cũng cần một vài bí quyết thương trường (văn chương). Thứ nhất là đa dạng. Có thể trong đầu bạn đang nghĩ rằng, suy nghĩ để duy trì một thương hiệu thì làm gì còn sáng tạo được nữa. Stephenie Meyer và John Grisham viết cho cả trẻ em và người lớn, còn J. K. Rowling đi theo hướng ngược lại. Patterson cũng không hề thua kém, viết từ khoa học viễn tưởng đến tiểu thuyết đồ họa graphic, tiểu thuyết cho người lớn…
Đã có thời, chỉ nam giới mới có quyền và có điều kiện, được ủng hộ để xây dựng thương hiệu, được thừa nhận thương hiệu, phụ nữ hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Sau này, Rowling xuất hiện, quá giỏi chiến lược. Để được công nhận, đón nhận như ngày nay, các nhà văn nữ đã phải trải qua nhiều khó khăn. Họ phải cám ơn Suzanne Collins, Meyer – hai người đã làm nên cuộc cách mạng “được chú ý, được thừa nhận” cho các nữ nhà văn. Họ đã chứng minh cho thế giới và độc giả thấy rằng, giới tính không phải yếu tố quyết định một tác phẩm hoặc thành công của một thương hiệu văn chương.
Xã hội phát triển, người ta thấy xuất hiện cả thương hiệu văn chương gia đình, nghĩa là cả gia đình cùng viết văn. Dick Francis là một ví dụ. Không chờ đến lúc Dick Francis qua đời, con trai ông đã thay ông viết nhiều tiểu thuyết (tất nhiên tên tác giả vẫn có tên của ông, đồng tác giả chẳng hạn). Trường hợp của nhà văn Evanovich còn chuyên nghiệp hơn. Con trai bà viết thay bà, còn con gái tiếp thị trên mạng (lập website, quản lý website về các tác phẩm của mẹ và anh trai) và quản lý các chương trình đồng tác giả. Họ hoạt động giống như một công ty gia đình.
Để làm nên một tác giả văn chương có thương hiệu khủng, các tác giả cũng như nhà quản lý đã tận dụng nhiều phương tiện, kể cả truyền hình. Trước khi ra sách, Jamie Oliver và Bill O’Reilly đã tạo dựng thương hiệu trên màn ảnh nhỏ. George RR Martin cũng có lượng độc giả khổng lồ nhờ trò chơi của HBO. Quả là phim ảnh có sức ảnh hưởng cực lớn đến thị hiếu, mối quan tâm của độc giả.
Với những người quan tâm đến sự đa dạng của thế giới sách hiện nay thì việc tăng không ngừng các tác giả “siêu thương hiệu” đã gây nhiều nghi ngờ và bối rối. Với những độc giả có gu, khi đã yêu mến và dành nhiều thời gian cho một tác giả yêu thích nào đó thì những tác giả kiểu như “đồng tác giả” rất khó lôi kéo được họ, dù nó được truyền thông tốt đến cỡ nào. Tuy nhiên, thành công (cả về tài chính và tên tuổi) của những tác giả sau khi được xây dựng thành công siêu thương hiệu không nhỏ. Grisham từng chia sẻ trên tờ Guardian: “Tên tuổi của tôi đã trở thành một thương hiệu và tôi không giấu diếm khi nói rằng nó được lên kế hoạch ngay từ đầu. Nhưng kế hoạch này chỉ là để duy trì cho việc viết sách của tôi cũng như dễ dàng đưa sách của tôi đến với độc giả”.
M. H
Nguồn( Đại biểu nhân dân)