
(Viết cho Tọa đàm “Dòng chảy thơ lục bát Hải Phòng”, do CLB thơ Lục bát Hải Phòng tổ chức, dự kiến vào trung tuần tháng 8/2020)
Trong dòng chảy thơ Lục bát Hải Phòng thập niên qua, theo tôi, Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Thúy Ngoan là hai gương mặt nổi bật thông qua cuộc thi Thơ Lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” 2016[1]. Đây là cuộc thi thơ uy tín, thu hút hàng ngàn tác giả từ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại. Hội đồng Chung khảo cuộc thi đã trao tặng ba giải Lục Bát Trăng Vàng cho các tác giả, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Thúy Ngoan (Hải Phòng), Nguyễn Ngân (Tây Ninh) và sáu giải Lục Bát Trăng Bạc[2].
Trong số chín tác giả đoạt giải cuộc thi này, Nguyễn Thị Thùy Linh là nhà thơ trẻ nhất. Chị sinh 1991, được Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá là một hiện tượng thơ mang “vẻ đẹp trong mỹ cảm mới” (Nguyễn Việt Chiến). Cùng với hai bài thơ đoạt giải, một số bài thơ Lục bát khác của Thùy Linh có thể coi là những tác phẩm trình làng. Giống như nhiều tác giả thành danh khác, những tác phẩm đầu tay của Thùy Linh đã tiên báo những khả năng, hướng đi, phong cách thơ của chị giai đoạn tiếp theo.
Tôi đã nhận xét tổng quan thơ Nguyễn Thị Thùy Linh khi chị đoạt tiếp giải cao trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015 – 2016[3]: Thơ Nguyễn Thị Thùy Linh khởi nguồn từ miền Lục bát đến với thế giới giao thoa nhiều tầng bậc, khá lạ lẫm. Đời sống nhân sinh và tâm linh, hữu hình và vô hình trong đó đều được hiển lộ gần gũi, sáng tỏ. Như có vô vàn những vách ngăn, nếp gấp trong thế giới thơ ấy. Mỗi câu thơ như hoàn thiện một mặt cắt trong tổng thể cấu tứ bài thơ. Rồi câu thơ tiếp theo trong bài lại như bất chợt một mặt cắt khác, tiếp giáp/ chồng xếp/ đan cài vào những câu thơ đã xuất hiện. Cách viết ấy làm bạn đọc cảm nhận trong cõi thơ của chị có nhiều không gian nhỏ, chiếu thông và tỏa sáng cho nhau. Điều ấy gợi cho tôi tưởng tượng tới ngày các sinh linh được gọi tên, hạnh phúc hay khổ đau, mất mát hay hân hưởng đều được trở về thế gian trong ánh sáng phân minh, công bằng. Do tạo được ánh sáng quán chiếu thống nhất, xuyên suốt từng bài thơ, nên bạn đọc dễ dàng chấp nhận những liên tưởng lạ, đôi khi cá biệt, cách chuyển đổi hình ảnh đột ngột, đôi chỗ như chưa hợp lý của chị. Nhận xét này tôi viết về những bài thơ tự do giai đoạn sau của Thùy Linh, nay nhìn lại, thấy vẫn chuẩn xác khi soi chiếu vào những bài thơ Lục bát khởi đầu.
Tác giả thứ hai cùng đoạt giải Lục Bát Trăng Vàng 2016 là Nguyễn Thị Thúy Ngoan – Nhà thơ thuộc thế hệ “đàn chị” của Nguyễn Thị Thùy Linh cả tuổi đời và những thành tựu đóng góp cho văn học. Nhà thơ Thúy Ngoan đã xuất bản một số tập thơ, “Bão mùa thu” – 1998, “Trăng góa” – 2006, “Nón không quai” – 2008, “Ngôi nhà không bình yên” – 2010, “Khách xuân” – 2014, “Yêu” – 2018… Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan dung dị, lắng sâu, tạo hấp lực bằng cảm xúc. Chị thường sử dụng những chi tiết của đời sống thường nhật và đặt chúng trong những tình huống bất ngờ, có lúc khá éo le, trĩu nặng nỗi đau thân phận, làm phát lộ những tứ thơ độc đáo, quen thuộc mà lạ lẫm, có sức cuốn hút mạnh mẽ.
Qua chùm thơ đoạt giải cuộc thi Thơ Lục bát 2016 cho thấy, thơ Lục bát của hai tác giả có những điểm tương đồng và cũng nhiều khác biệt. Sự tương đồng thể hiện trong những bài thơ mang tính tự truyện và thường gắn bó với những nhân vật cụ thể. Thúy Ngoan kể về người em của mình và “người ấy” trong kỷ niệm riêng tư. Thùy Linh tâm sự về bà nội và nơi “chôn nhau cắt rốn” gắn kết với bất kỳ người Việt Nam nào – Ngôi làng. Mỗi nhân vật trong từng bài thơ đều có lịch sử, tính cách và gương mặt riêng chìm nổi trong mạch suy cảm của mỗi tác giả.
Thơ Lục bát Thùy Linh và Thúy Ngoan có sự đồng điệu xét trên bình diện tổ chức câu thơ. Cả hai tác giả đều có cách viết tung hứng, khêu gợi các thi ảnh, cho chúng xuất hiện trong nửa đầu câu thơ (cả câu sáu và câu tám). Những hình ảnh này được các tác giả bầy đặt chủ động trong tâm thức, bằng kỷ niệm, bằng ẩn ức, tưởng tượng… Đây có lẽ là giai đoạn lý trí tỉnh táo của người viết. Nhưng nửa câu thơ còn lại sau đó, hai tác giả đã để cho cảm xúc, vô thức lấn át, chảy trôi, kéo mình đi để hoàn tất câu thơ. “Nhớ ngày em đi làm dâu/ Trăng tròn mười sáu lưng cầu gió đưa” (Em tôi), hay, “Người về phía ấy qua cầu/ Để tôi gẫy nhịp sông sâu vớt về” (Khoảng cách) của Nguyễn Thị Thúy Ngoan. Hình ảnh “lưng cầu gió đưa” trong dẫn chứng trên chính là ánh xạ, sự thăng hoa của “trăng tròn mười sáu”, cũng như hình ảnh “sông sâu vớt về” là hệ quả, một chuyển động khác nữa phát sinh sau sự kiện “gẫy nhịp” vừa xảy ra ở nửa đầu câu thơ.
Nguyễn Thị Thùy Linh cũng có cách tổ chức câu thơ tương tự: “Áo bà đã hóa phù sa/ Ao sen lặng giữa chén trà mùa thu” (Bà nội); “Gọi làng trong mấy bờ tre/ Tiếng gà xao xác cơn mê cuối đồng” (Làng). Bạn đọc chắc dễ nhận ra những hình ảnh phân mảnh, rời rạc trong những câu thơ này. “Ao sen” đặt bên cạnh “chén trà mùa thu”, hay “tiếng gà xao xác” đi liền với “cơn mê cuối đồng” đã biến những điều phi lý thành hợp lý. Bạn đọc cũng có thể đưa ra một giả thiết, nếu những hình ảnh đơn lẻ, cô lập kia không xuất hiện trong một mạch thơ, có lẽ chúng khó có thể ăn nhập, tiếp nối hành trình của nhau trong những chuyển dịch đứt nhịp. Cách viết trên cho thấy khả năng điêu luyện khi sử dụng thể thơ Lục bát, cũng như tài nghệ/ tài hoa của hai tác giả. Sự chuyển hóa tâm trạng, hoán chuyển thi ảnh và kết nối điểm nhìn cho thấy cả hai tác giả đã hoàn toàn làm chủ cảm xúc. Họ đi từ ý thức sang vô thức, dẫn dắt hiện thực vào mộng mị, làm tan nhòa những cái/ điều cụ thể trong mông lung, huyền ảo, và ngược lại.
Bên cạnh sự tương đồng, thơ Lục bát Thùy Linh và Thúy Ngoan có nhiều khác biệt. Thơ Thúy Ngoan, kể cả những bài thơ tự do thường biểu đạt theo mạch tự sự đơn tuyến. Tác giả, trong vai trò kẻ sáng tạo, người dẫn chuyện thường xuất hiện ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”, có lúc xưng “em”, hoặc có lúc ẩn giấu đại từ nhân xưng nhưng chị vẫn cho bạn đọc hiểu được vị thế của người kể chuyện. “Tôi con đò nhỏ phiêu diêu/ Lênh đênh sông nước hứng nhiều khổ đau” (Khoảng cách). Chuyển dịch của mạch thơ Thúy Ngoan thường bám sát tính xác thực của sự kiện đời sống và vận dụng tối đa cách nói dân dã, rất gần với ca dao, dân ca, tục ngữ… “Bấm tay tuần nữa lên đường/ Trường Sơn lửa khói dặm trường xẻ đôi” (Em tôi). Tính tự sự trong thơ Thúy Ngoan đôi khi tạo được sự đột khởi, độc sáng. Câu thơ “Trường Sơn Người nghỉ yên rồi/ Em tôi hóa đá nung vôi kiếp mình…” (Em tôi) thực sự đã xuất hiện một tầm vóc, như bật mở cánh cửa, cho bạn đọc nhìn vào sâu hút đời sống khắc nghiệt của những thân phận người trong chiến tranh. Và giờ đây, nó luôn nung nấu, vẫy gọi trong ký ức những người đương thời.
Khác với Nguyễn Thị Thúy Ngoan, thơ Nguyễn Thị Thùy Linh kết nối câu chuyện bằng đa điểm nhìn, đa tuyến tính, ở đó nhiều không gian được đan cài trong một mạch thơ. Tính đa nghĩa, sự mông lung trong thơ của tác giả này đã tạo cho mỗi người đọc những điểm nhìn, cách cảm thụ riêng tùy thuộc vào kiến thức và trải nghiệm của họ. Thơ Thùy Linh là bầy đặt một sân chơi mời gọi bạn đọc cùng sáng tạo.
Hình ảnh làng quê thân thuộc mãi là đề tài thường trực/ xuyên với mỗi nhà thơ. “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh” (Tre Việt Nam – Nguyễn Duy). Có lẽ không người làm thơ nào ở nước ta lại không có đôi lần nhắc tới hình ảnh làng mạc thôn dã, nhưng từ xưa tới nay đa phần các tác giả, kể cả trong ca dao, dân ca đều đặc tả làng quê dưới cái nhìn đơn tuyến trong tiết tấu chậm rãi. Những tứ thơ viết về làng quê thường xuất hiện tựa những thước phim quay chậm, phần nhiều là cận cảnh: “Củ khoai bẻ nửa nắng chiều/ Bờ mương thoai thoải dài theo công trường” (Mẹ ra Hà Nội – Lê Đình Cánh). “Nhà quê chân lấm tay bùn/ Mẹ đi cấy lúa rét run thân già/ Chợ làng mở dưới gốc đa/ Nhà quê đem mấy con gà bán chơi” (Nhà quê – Đồng Đức Bốn).
Nhưng ở bài thơ “Làng”, Thùy Linh đã tìm được cách biểu đạt hoàn toàn khác: “Bù nhìn làm cứ như chơi/ Lão nông cuốc mấy chân trời còn đau/ Tiểu sành đã hóa đất nâu/ Hồn ông cha vẫn đội đầu nắng mưa”. Bạn đọc gặp lại trong bài thơ những hình ảnh quen thuộc, như bù nhìn, lão nông, tiểu sành, cầu ao, mảnh chiều, bờ tre, tiếng gà, rạ rơm, liềm hái, chiếc nón, ao chuôm, con ếch, nắm cỏ, cô em khỏa nước… Nhưng ở đây, tác giả đã cho những hình ảnh ấy xuất hiện độc lập (theo kết cấu vật lý), nhưng được kết dính chặt chẽ trong một mạch cảm xúc mạnh, nhất quán về một ấn tượng, một ám ảnh “Làng”. Đây là một trong những thủ pháp kiến tạo không gian của thơ hiện đại, một “kết cấu vẫy gọi” (Wolfgang Iser[4]) giúp bạn đọc mở rộng biên độ tưởng tượng cũng như gia tăng chiều kích những giới hạn của hiện thực. Thùy Linh đã tạo ra những chuyển động đan xen, liên tục và bất tận trong bài thơ “Làng”. Những chuyển động này giống như trẻ thơ tự do buông thả những cánh diều lên không trung. Nhưng đến cuối bài thơ, tác giả đã neo cánh diều bay bổng kia vào đầu dây cột xuống mặt đất: “Tay cầm nắm cỏ thơ ngây/ Về vun xới lại những ngày bình yên”. Câu thơ này cho thấy người viết có nội lực mạnh mẽ, tứ thơ hiện rõ và cảm xúc nhất quán. Thùy Linh là tác giả luôn làm chủ được chuyển động của những thi ảnh khi bài thơ về đích. Câu kết trong thơ chị thường mở ra một tầng bậc khác nữa trong không gian thơ chồng lấn nhiều mặt cắt.
Lục bát vốn là thể thơ dễ viết mà khó hay, điều ấy ai cũng biết! Nhưng trong nhịp điệu, âm điệu của vần gọi vần, câu gọi câu, thơ Lục bát đã đánh thức được phần căn cốt thi sĩ ẩn giấu trong những người viết có khả năng/ tài năng. Và cũng thật lạ, cũng có những tác giả chỉ có thể viết được theo thể thơ này. Phải chăng những bài thơ Lục bát thành công, thì tác giả của nó chính là người đã phát lộ khả năng “gọi hồn”, đánh thức những hình ảnh ngủ quên trong vô thức, trong sương khói mông lung; đồng thời phả hơi ấm, hồn vía vào từng sự kiện, sự vật để chúng chuyển dịch, sinh sôi.
Hai tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Thúy Ngoan từng thành công trong nhiều thể loại thơ và cũng sở hữu “thế mạnh” khi viết Lục bát. Hai nhà thơ đã kết hợp tài tình giữa ý thức và vô thức, hiển linh và ảo huyền, luôn làm chủ ý tưởng và cảm xúc khi được/ bị vần điệu và cả những thói quen, lối mòn “chết người” của thể thơ này dẫn dụ. Những đóng góp của hai nhà thơ trong thể thơ Lục bát thật đáng trân quý, góp phần làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng đẹp hơn, trong sáng hơn.
Ninh Bình, 25/6/2020
M.V.P
[1] Cuộc thi do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với website Lục bát Việt Nam, Tạp chí Hữu nghị, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Tạp chí điện tử Viettimes, Công ty Quảng cáo Báo chí Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức.
[2] Sáu tác giả được trao giải Lục Bát Trăng Bạc 2016: Trần Kế Hoàn (Nam Định), Vũ Xuân Hồng (Quảng Ninh), Huy Trụ (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Đôn (Tây Ninh), Hoàng Việt Tài (Quảng Ninh), Trần Huy Minh Phương (TP. Hồ Chí Minh).
[3] Bài đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 863, 2 – 2017.
[4] Wolfgang Iser, học giả người Đức (1926 – 2007).