Vanhaiphong.com – Anh Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường là một doanh nhân thành đạt. Anh là người có tâm, đứng hàng đầu các doanh nhân Hải Phòng về công tác anh sinh xã hội. Mỗi năm anh và Công ty bỏ ra không dưới hai tỷ đồng làm công tác từ thiện. Đặc biệt, năm vừa qua, anh đã tặng nhân dân Hải Phòng chiếc cầu bắc qua sông Tam Bạc, trị giá gần 100 tỷ đồng. Anh là người trung thực, thẳng thắn, trăn trở với nhiều vấn đề xã hội. Vừa rồi anh có thư ngỏ gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về những vấn đề còn quá bấp cập trong cơ chế và thủ tục hành chính.
Thấy đây là ý kiến nhiều nghĩ ngợi, đáng trân trọng của một doanh nhân với ý thức công dân cao, vannhaiphong.com xin đăng lại…
THƯ NGỎ
Kính gửi: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Vanhaiphong.com – Anh Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường là một doanh nhân thành đạt. Anh là người có tâm, đứng hàng đầu các doanh nhân Hải Phòng về công tác anh sinh xã hội. Mỗi năm anh và Công ty bỏ ra không dưới hai tỷ đồng làm công tác từ thiện. Đặc biệt, năm vừa qua, anh đã tặng nhân dân Hải Phòng chiếc cầu bắc qua sông Tam Bạc, trị giá gần 100 tỷ đồng. Anh là người trung thực, thẳng thắn, trăn trở với nhiều vấn đề xã hội. Vừa rồi anh có thư ngỏ gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về những vấn đề còn quá bấp cập trong cơ chế và thủ tục hành chính.
Thấy đây là ý kiến nhiều nghĩ ngợi, đáng trân trọng của một doanh nhân với ý thức công dân cao, vannhaiphong.com xin đăng lại.
Quốc hội vừa bầu ông là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin chúc mừng ông!
Lịch sử cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam chưa lần nào có Tổng Bí thư lại là Chủ tịch nước, nhưng đây cũng là hợp lòng dân. Chưa có bao giờ cuộc sống của gần 100 triệu dân lại đặt nặng lên vai một người như bây giờ.
Quyết tâm của Chủ tịch nước trong lời tuyên thệ và những trăn trở… được thể hiện trong 2 câu Kiều làm lòng dân rất mong đợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nhậm chức đã tuyên thệ với Đảng Cộng hòa ông sẽ làm một số việc để nước Mỹ:
- Bình an trở lại
- Vinh quang trở lại
- Vĩ đại trở lại
Một trong số việc ông làm ngay là cải cách thủ tục hành chính. Ông cho rằng thủ tục hành chính rườm rà của Mỹ như hiện nay là kẻ thù giết chết lao động lớn nhất và nước Mỹ mỗi năm tổn thất hàng nghỉn tỷ USD về việc làm.
Một doanh nhân người Hồng Kông nói với ông K. nguyên phó giám đốc Sở Giao thông công chính tỉnh Quảng Ninh tại Móng Cái tháng 10/2010 “Ở Việt Nam nếu thủ tục hành chính mà như Hồng Kông thì sẽ giàu hơn Hồng Kông và ngược lại ở Hồng Kông mà thủ tục hành chính như Việt Nam thì sẽ nghèo hơn Việt Nam”.
Rõ ràng thủ tục hành chính sẽ quyết định giàu nghèo cho mỗi quốc gia. Vậy ở Việt Nam thủ tục hành chính hiện nay như thế nào? Xin ông hãy đọc hết 10 sự việc có thật mà chúng tôi kể dưới đây:
1. Mười năm của một hành trình cấp sổ đỏ: Năm 2008, chúng tôi tiếp cận một dự án nuôi tôm công nghệ cao của UBND huyện Cát Hải tại xã Phù Long. Dự án này đã được triển khai nhiều năm nhưng không có vốn nên phải để dở dang. Công ty chúng tôi đã bỏ 170 tỷ đồng để đầu tư một khu nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn nhất miền Bắc nhưng phải mất 10 năm vật lộn với bao nhiêu thủ tục đến ngày 03/8/2018 mới được cấp sổ đỏ. Nếu dự án này sử dụng vốn nguồn vốn ngân hàng thì công ty chúng tôi sẽ bị phá sản.
2. Đã trả tiền thuê đất 1 lần, nhà máy đã sản xuất được 2 năm mà chưa được cấp sổ đỏ: Năm 2016, chúng tôi mua lại một lô đất 17ha của Công ty CP Kim khí Hải Phòng để xây dựng nhà máy bê tông (dự án này Công ty Kim Khí được giao đất và trả tiền giải phóng mặt bằng từ năm 2009 nhưng vì thiếu vốn nên không triển khai được). Đến tháng 11/2016, chúng tôi đưa nhà máy vào sản xuất, dự án có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Từ đó đến nay chúng tôi đã nộp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và ngày 25/7/2018 chúng tôi đã hoàn tất việc trả tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.
3. Mười một năm mới được cấp bìa đỏ nhưng không được sử dụng vì quy hoạch đã bị thay đổi: Ngày 31/5/2004, UBND thành phố đã có quyết định số 1534/QĐ-UB về việc cho phép Công ty TNHH Sơn Trường thuê đất để xây dựng Nhà máy bê tông đúc sẵn tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng. Chúng tôi đã tiến hành giải phóng mặt bằng trong vòng 03 tháng, nhưng mãi đến ngày 07/7/2015 chúng tôi mới nhận được bìa đỏ. Nhưng chỉ sau đó 08 tháng dự án đã bị hủy bỏ bởi quy hoạch của thành phố “đã thay đổi” theo quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 07/3/2016 nên chúng tôi không thể xin được giấy phép xây dựng. Hàng năm, chúng tôi vẫn phải nộp tiền thuê đất. Hiện chúng tôi đã có kiến nghị rất nhiều lần nhưng UBND thành phố Hải Phòng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
4. Chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ sang tên mới hơn 10 năm không xong, hàng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất nhưng không được sử dụng: Dự án của chúng tôi tại phường Sở dầu đã có quyết định giao đất số 2461/QĐ-UB ngày 16/6/2002 cho Trạm tư nhân Vận tải Vật tư nông nghiệp để sử dụng về việc xây dựng cơ sở làm việc và bãi để xe ô tô. Nhưng Trạm tư nhân Vận tải Vật tư nông nghiệp đã đổi tên thành Công ty TNHH Sơn Trường và UBND thành phố đã có văn bản số 579/UBND-ĐC2 ngày 23/01/2015 đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty TNHH Sơn Trường tiếp nhận chuyển giao; giao cho Sở TN&MT hướng dẫn các doanh nghiệp nhưng đến nay thủ tục chuyển đổi vẫn chưa xong, trong khi đó hàng năm công ty TNHH Sơn Trường vẫn phải nộp tiền thuê đất nhưng không được sử dụng.
5. Ba năm không xin được mỏ đá phải đóng cửa nhà máy: Ngày 27/2/2012 UBND tỉnh Quảng Bình có thông báo số 298/TB-VPUBND hoan nghênh Công ty Sơn Trường đầu tư nhà máy bê tông đúc sẵn tại tỉnh và khẳng định tỉnh sẽ cấp ngay mỏ đá và mỏ cát cho nhà máy. Căn cứ vào các quyết định của tỉnh Công ty Sơn Trường đã đầu tư một nhà máy bê tông với công suất 60.000 m3 bê tông/năm và tổng mức đầu tư 122,36 tỷ đồng và nhà máy đã đi vào sản xuất. Nhưng gần 3 năm việc cấp mỏ đá vẫn không xong trong khi chúng tôi đã tốn quá nhiều kinh phí và thời gian, nên nhà máy buộc phải ngừng sản xuất vì nếu phải mua đá theo giá thị trường thì giá thành sản xuất phải cao hơn là sản xuất cọc tại Hải Phòng vận chuyển vào Quảng Bình.
6. Ba năm chưa xin được giấy phép xây dựng: Đầu năm 2016, chúng tôi triển khai mở rộng sản xuất bê tông đúc sẵn ở giai đoạn 2, trên lô đất 12ha tại thị xã Sơn Tây mà chúng tôi đã có bìa đỏ từ năm 2008 và đã đầu tư giai đoạn 1. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để sản xuất tấm Hollowcore, tấm tường bê tông và ống cống. Ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng làm tất cả các thủ tục cần thiết để xin giấy phép xây dựng vì không có giấy phép xây dựng thì chúng tôi không được ngân hàng cấp vốn tín dụng. Sau 8 tháng nhà máy đã đi vào sản xuất gần được 03 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa xin được giấy phép. Rất nhiều ngân hàng muốn cấp vốn cho chúng tôi mà phải chịu bó tay.
7. Dự án đang được triển khai lại bị dừng để chờ quy hoạch: UBND thành phố Hải Phòng có văn bản số 645/UBNDNN ngày 15/02/2011 cho phép chúng tôi tiến hành lập dự án Nuôi tôm giống ở xã Xuân Đám huyện Cát Hải. Ngày 17/8/2011 UBND thành phố có thông báo số 265/TB-UBND đôn đốc chúng tôi phải huy động vốn để triển khai nhanh các thủ tục cần thiết. Chúng tôi đã bỏ ra 17,8 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê tư vấn thiết kế lập dự án. Sau khi các thủ tục đã được hoàn tất trình lên UBND thành phố phê duyệt ra quyết định thuê đất thì bị dừng lại để chờ điều chỉnh quy hoạch. Chúng tôi đã rất nhiều lần có ý kiến với UBND thành phố là chúng tôi phải chờ bao lâu và số tiền chúng tôi đã bỏ ra cho dự án này là 17,8 tỷ đồng sẽ được giải quyết như thế nào nhưng tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời cho các vấn đề nêu trên, số chi phí đã bỏ ra đó không biết trông vào ai?
8. Cây cầu xây tặng thành phố chỉ cần 50 ngày nhưng có quá nhiều thủ tục phức tạp: Quá trình lập hồ sơ và các thủ tục để xây dựng cầu nối qua sông Tam Bạc: Cây cầu này có chiều dài 140m, chiều rộng 26,4m bắc từ bến xe Tam Bạc sang khu dân cư của phường Hạ Lý với tổng số vốn theo dự toán là gàn 80 tỷ đồng là công ty chúng tôi xây dựng tặng thành phố Hải Phòng. Không kể thời gian của công ty tư vấn trường đại học Hàng Hải khảo sát và thiết kế, phải trải qua 17 lần họp cùng các văn bản khác với thời gian hơn 3 tháng. Ngày 20/3/2017 UBND thành phố họp lần cuối cùng để chốt ngày khởi công thì một vấn đề lớn được đặt ra là phải có giấy phép xây dựng theo điều 89 của luật Xây dựng 2014 nếu vậy cần ít nhất thời gian là 6 tháng nữa. Bởi vậy, ông phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình kết luận giao cho Sở Xây dựng làm nhanh giấy phép xây dựng và cầu vẫn được triển khai theo kế hoạch đã được thường vụ Thành ủy quyết định. Được biết tới nay Sở Xây dựng cũng chưa hoàn thành việc cấp phép xây dựng cho cây cầu này.
9. Gần 2 năm chưa xong thủ tục cho xây dựng một cây cầu được cho tặng: Đầu năm 2017, Công ty đã nhận lời với chủ tịch UBND huyện An Dương đầu tư xây dựng một cây cầu Hỗ Đông tặng nhân dân huyện An Dương. Cầu có chiều dài khoảng 70m và chiều rộng 12m. Công ty chúng tôi đề nghị UBND huyện sớm làm thủ tục thiết kế và cấp giấy phép xây dựng cho chúng tôi thi công, nhưng đã gần 2 năm mà UBND huyện cũng chưa làm xong các thủ tục cần thiết trong khi tại các cuộc họp hội đồng nhân dân cử tri của hai bên đầu cầu có kiến nghị rất nhiều và bức xúc.
10. Ba mươi ngày xây xong trường học nhưng thủ tục đưa vào sử dụng thì không thể xong trước 300 ngày: Ngày 28/8/2018 công ty chúng tôi khánh thành 12 phòng học 3 tầng tặng cho trường Tiểu học Nam Sơn. Ngôi trường khang trang chắc chắn và đẹp gấp nhiều lần các trường xây bằng vốn ngân sách, nhưng thủ tục để bàn giao và đưa vào sử dụng theo hướng dẫn của huyện An Dương có tới 23 mục thủ tục và để đáp ứng được các yêu cầu này chúng tôi cần phải có thời gian 300 ngày trong khi chúng tôi xây dựng trường chỉ có 30 ngày. Cũng may trường hợp này không cần phải xin cấp phép xây dựng chứ nếu phải có thì lại mất từ 6-12 tháng để xin cấp phép nữa.
Trong các dự án đầu tư thì tính pháp lý về đất đai và quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, dây chuyền công nghệ đã được tính toán công phu từ các chuyên gia tư vấn thiết kế nên giấy phép xây dựng gần như không có ý nghĩa gì. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đưa ra một loạt các thủ tục để cấp phép xây dựng bỗng nhiên ngáng trở việc đầu tư như các nội dung mà tôi trình bày trên đây.
Thủ tục cấp phép đầu tư thật vô cùng nhiêu khê và vô lý nên hủy bỏ nhưng thủ tục để xin được thuê đất còn gian truân hơn nhiều.
Gần đây tôi đến chúc mừng một vị tân Phó chủ tịch tỉnh H, ông này còn trẻ lắm và là một người năng động luôn có tư duy nhạy cảm. Ông nói với tôi “14 năm trước khi đó em chỉ là một nhân viên Sở Tài nguyên và môi trường mà giúp anh có được lô đất để đầu tư nhà máy hồi đó chưa đầy 03 tháng, còn bây giờ mặc dù em ở chức vị một Phó chủ tịch tỉnh nếu giúp anh một việc như thế thì chưa chắc 03 năm đã xong”. Đúng vậy, nếu ở Hải Phòng mà cần một lô đất để đầu tư thì thủ tục không thể nhanh hơn 05 năm.
Đất nước muốn phát triển thì phải có đầu tư. Cần phải có đội ngũ doanh nhân có tâm huyết, nhưng thủ tục hành chính như hiện nay thì làm sao mà đầu tư được. Không đầu tư được thì người dân không có việc làm. Đội ngũ doanh nhân không thể phát triển mà còn mai một đi. Bởi vậy, hơn bất cứ lúc nào hết, mong Tổng bí thư và Chủ tịch nước hãy suy nghĩ tới việc này và bắt đầu đi từ việc này.
Song để cải cách thủ tục hành chính thì việc làm trước hết là tinh giản bộ máy. Vì bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả sẽ đẻ ra nhiều văn bản pháp quy không phù hợp, nhanh lạc hậu chính là cái gốc sinh ra thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.
Và thật dễ hiểu tại sao hàng năm chúng ta đều kêu gọi cải cách thủ tục hành chính nhưng gần như không có hiệu quả, thậm chí năm sau còn nặng nề hơn năm trước.
Trên thế giới có nhiều quốc gia gọn về thủ tục hành chính điển hình nhất là Israel. Quốc gia này có 07 triệu dân nhưng chỉ có chính quyền Trung ương mà không có địa phương. Ngành nông nghiệp chỉ có 3% dân số nhưng tự cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu rất lớn. Không ai nghĩ rằng toàn bộ công chức trong nông nghiệp chỉ có 78 người (kể cả bộ trưởng).
Khi nghiên cứu về tình hình nông nghiệp của nước ta tiến sĩ Alan Phan người Mỹ gốc Việt nhận xét “ muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển phải giảm biên chế cán bộ nông nghiệp và các cấp quản lý trung gian từ 70-80%”.
Vì vậy muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải tinh giản bộ máy đồng thời với việc hủy bỏ sửa đổi các văn bản pháp quy đã lỗi thời.
Nghị quyết trung ương VI đã đề ra việc tinh giản bộ máy nhưng với mức độ quá mỏng manh nên không giải quyết được tận gốc các vấn đề.
Bởi vậy, rất mong Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hãy suy xét tới các vấn đề mà tôi trình bày trên đây để từng bước giúp cho đất nước phát triển và tạo cuộc sống hạnh phúc cho dân.
Kính chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mạnh khỏe!
Xin cảm ơn ông!
Hải Phòng, ngày 01 tháng 11 năm 2018
Tạ Quyết Thắng
Tổng Giám đốc
Công ty TNHH Sơn Trường