Vì sao có sự thiếu vắng đáng buồn này? Trước khi truy tìm nguyên nhân, tôi khẳng định luôn. Bất kì nền văn chương nào cũng có đủ mọi cung bậc, thể loại giống như cấu tạo trên cơ thể con người. Thiếu một mảng, một thể loại nào thì nên cần báo động vì nền văn chương đó đang có vấn đề…
Vì sao có sự thiếu vắng đáng buồn này? Trước khi truy tìm nguyên nhân, tôi khẳng định luôn. Bất kì nền văn chương nào cũng có đủ mọi cung bậc, thể loại giống như cấu tạo trên cơ thể con người. Thiếu một mảng, một thể loại nào thì nên cần báo động vì nền văn chương đó đang có vấn đề.
Thực ra tình trạng này không chỉ ở văn học Thủ Đô mà có thể nói ở bất kì địa phương nào, cũng như cả nền văn học Việt nam trong thời gian gần đây. Sở dĩ tôi nhấn mạnh ở Hà Nội vì hai lý do. Một là xuất phát từ một việc rất riêng. Tác phẩm đầu tiên tôi được xuất bản vào năm 1984, do NXB Hà Nội ấn hành là tập truyện ngắn hài hước “Chuyện cái vòi nước”. Tác phẩm này ra đời gần như song song với tập truyện hài hước ”Những người thích đùa” của A xít Nê sin- Nhà văn Thổ Nhĩ Kì. Nhà thơ Vũ Cao- GĐ nhà xuất bản Hà Nội – người kí cho in tập truyện ngắn của tôi nói rằng: ”cái cười trong tập hài của Nguyễn Hiếu thích hơn vì nó nói những chuyện thường gặp quanh ta”. Ngay khi ra đời tập ”Chuyện cái vòi nước“ đã gặp ngay một sự cố mà tác giả nhớ đời. Bìa của tập truyện hài này được phóng to trên pa nô dựng trước Nhà hát lớn để quảng cáo thành tựu văn chương trong Hội nghị những người viết văn trẻ nhưng tác giả của nó lại không được mời. Sau khi “Chuyện cái vòi nước“ ra đời thì nhà văn Đức Trung- Biên tập viên NXB Thanh Niên mời tôi kì một hợp đồng dự định xuất bản một xê ri tập Truyện ngắn hài hước. Nhưng mới in tập đầu tiên “Cười dành cho tất cả” thì bị ngưng lại mà không có lý do xác đáng nào. Lý do thứ hai là mảng hài hước của văn chương Hà Nội có một thời thực sự nổi đình đám trong mọi thể loại. Ở văn xuôi có Nguyễn Công Hoan, Đồ Phồn, Vũ Trọng Phụng… Trong thơ có Tú Mỡ. Trong kịch có Lộng Chương, Trần Hoạt, Vi Huyền Đắc… Ngay trên báo thời đó mục thơ hài hước cũng phát triển mạnh với các tác giả như Thợ Rèn, Tú Sụn… Một rừng hài xum xuê trong văn chương Hà Thành trong quá khứ gần như vậy mà trên ba chục năm nay cụt mầm thâm rễ không phát triển. Thi thoảng lắm người mê văn chương hài chỉ còn tìm thấy đôi ba yếu tố hài trong bút pháp của nhà văn này, nhà thơ kia. Trên sân khấu thì tiếng cười và chất hài chỉ còn lưu lại như một sự tồn kho trong sân khấu chèo cổ ở các vai hề. Còn sự gây cười ở sân khấu đương đại chỉ loe hoe với những câu thoại nhảm, lối diễn buông tuồng của một vài diễn viên gây cười mà hầu hết được đôn lên bằng tên gọi dễ dãi ”danh hài”…
Vì sao có sự thiếu vắng đáng buồn này? Trước khi truy tìm nguyên nhân, tôi khẳng định luôn. Bất kì nền văn chương nào cũng có đủ mọi cung bậc, thể loại giống như cấu tạo trên cơ thể con người. Thiếu một mảng, một thể loại nào thì nên cần báo động vì nền văn chương đó đang có vấn đề.
Vì sao tôi lại khẳng định như vậy. Bởi vì tiếng cười, sự hài hước, phê phán của một nền văn học luôn luôn gắn chặt với tiếng khóc, sự ca ngợi. Đó chính là sự toàn diện của sự thể hiện, phản ảnh của văn học. Vậy tại sao văn học Hà Nội gần đây thiếu vắng hẳn mảng hài, hay nói đúng hơn thui chột và mai một dần tiếng cười và sự hài hước trong khi thực tế xã hội ta ngày càng đầy dẫy những mâu thuẫn, những sự ngang tai chướng mắt… Đầy dẫy những Xuân Tóc đỏ, bà Phó Đoan, những Lý toét, Xã xệ hiện đại… Đó chính là chất liệu, nguyên mẫu tạo ra những tác phẩm, nhưng nhân vật hài hước mà sự phê phán, lên án chỉ thực sự hiệu quả khi nó vang lên tiếng cười, sự mổ xẻ bằng bút pháp hài hước, châm biếm. Nói đến đây tôi càng thấm thía câu nói của Mác “chúng ta dùng tiếng cười để lên án và tống tiễn cái xấu”.
Theo tôi nguyên nhân sâu sa làm hài trong văn chương Hà Nội mất đi chính là căn bệnh thành tích của các nhà quản lý. Căn bệnh này lại có cái đuôi tai hại mà không ít chuyên gia đã chỉ ra mà nhân dân và không ít các vị lãnh đạo các cấp đã nhìn thấy, gọi ra bằng một mệnh đề sắc sảo ”tư duy nhiệm kì “. (Ở đây tôi chỉ muốn nói khía cạnh “nhiệm kì của tôi là tốt đẹp“ chứ không đả động đến sự vơ vét, tầm nhìn trói tròn của nhiệm kì. Các nhà văn, nhà thơ ở xứ ta đa phần từng là công chức, cán bộ nhà nước không lạ gì những bản báo cáo, thống kê cuối năm, vào những ngày kỉ niệm, có ngôn từ lộng lẫy, cũng những con số kết quả tròn vo được đánh bóng. Ngay gần đây thôi tỉ lệ điểm 10 trong các kì thi tốt nghiệp đạt từ 80 đến 90% chính là hậu quả của sự khoán định mức cho các trường học được dội xuống từ quận, sở giáo dục, ngành.
Còn trong văn chương. Tôi xin lấy trường hợp của tôi. Đó là vào năm 1976, khi tôi được Đaọ diễn Lộng Chương dựng kịch bản hài ”Chuyện như thế thì cần phải nói” cho Đoàn kịch Công nhân Hà Nội. Kịch bản này tôi viết để hưởng ứng phong trào ba xây ba chống dạo đó. Đến đêm tổng duyệt thì ông Yết tôi nhớ không nhầm là Ủy viên chấp hành công đoàn Hà Nội dạo đó từ Matxcơva về dứt khoát không cho công diễn. Đạo diễn Lộng Chương trình bày ”công lao của cả đoàn kịch của tác giả, đạo diễn gần 30 người vất vả trong hơn hai tháng trời, ông cho biết những chỗ cần sửa để chúng tôi chỉnh lại”. Ông Yết trợn mắt lên quát: ”Không diễn gì hết. Vì vở kịch này các anh dám phê phán giám đốc, người đứng đầu một nhà máy ở giữa Thủ đô này. Phê phán GĐ tức là phê phán chế độ. Không được. Phải dẹp, phải dẹp”. “Vở này hưởng ứng phong trào ba xây ba chống mà anh”. Trưởng đoàn kịch nói rõ. Ông Yết bực tức: ”nói là như vậy nhưng đây là kịch, khi hàng nghìn người xem thì còn gì uy tín người lãnh đạo nữa”.
Nguyên nhân thứ hai bắt đầu từ người viết. Như các vị đã biết. Làng văn chương Việt nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã gặp một sự cố văn chương khủng khiếp sau khi tiếp quản thủ đô. Hàng loạt nhà văn, nhà thơ có tài bị thi hành kỉ luật theo các hình thức khác nhau, hệ lụy kéo theo là không ít nhà thơ, nhà văn bị đình chỉ sáng tác, và cũng không ít nhà văn, nhà thơ đã tạm dừng để rồi mai một dần khả năng sáng tác như một phản ứng tự vệ. Vài ba thập niên sau, hàng loạt tác phẩm tự nhiên bị quy chiếu và xếp vào diện cần truy xét, hạn chế sự phổ biến như bút ký “Cây táo ông Lành”, truyện ngắn “Linh nghiệm”… Rất may đến cuối thập niên 80 của thế kỉ 20 nhà nước ta thực hiện chính sách đổi mới và hòa nhập trong mọi lĩnh vực, vì thế không ít sáng tác xuất sắc, khắc biệt với giai đoạn trước ra đời như hàng loạt truyện ngắn phản ánh trung thực thực tế, bản sắc của người viết trong đó tiêu biểu như kịch Lưu Quang Vũ, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết của Lê Lựu, một số bài lý luận của các nhà phê bình lý luận ra đời kiểu như ”một nền văn chương phải đạo” của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, cá nhân tôi cũng có được bài thơ Nhân Dân, truyện ngắn” Chuyện ông Tư Rụm”, “Chuyện quan trọng của bà Cả Đào” (đầu đề đầu tiên là “Bà Cà Đào xin ra Đảng” in trên báo Văn nghệ những năm 88, 90… Mặc dù được tắm trong môi trường đổi mới như vậy nhưng đa phần các nhà văn vẫn chọn cho mình con đường sáng tác an toàn, lành hiền, không động chạm đến sự gai góc của thực tế xã hội, nói cách khác là các nhà văn của ta né tránh sự phê phán. Mà như các nhà văn, nhà thơ đã biết vũ khí của phê phán mạnh mẽ sắc sảo nhất trong văn chương là tiếng cười, sinh ra từ bút pháp hài hước. Chính tâm lý ngại va chạm, để an toàn cho bản thân, cho gia đình nên các nhà văn, thơ tìm đến bút pháp trữ tình. Sự muốn an toàn này của các nhà văn, nhà thơ đã không chỉ làm mất đi mảng hài hước quan trọng của nền văn chương Hà Thành và của Việt Nam mà còn làm mất đi sự sắc sảo của mặt trận phê bình văn học. Từ góc độ là một nhà văn chuyên nghiệp tôi có thể khẳng định lâu lắm rồi nền văn học không có một nhà phê bình đúng nghĩa. Gần ba thập niên nay không có nổi một bài phê bình văn học thực sự mang tính mổ xẻ chỉ ra những mặt được và nhất là chưa được của tác phẩm văn học. Tôi nhớ có lần trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông nói với tôi: ”nửa thế kì nay người ta vuốt ve, tán tụng nhau, bác lại đi chỉ ra sự thật trong tác phẩm của họ, nhiều người không ưa bác là vậy”.
Trở lại với sự thiếu vắng mảng hài hước, ngoài hai nguyên nhân trên còn có nguyên nhân về tài năng, năng khiếu của người viết. Để có được tiếng cười, để có được bút pháp hài người cầm bút ngoài nhãn quan sắc sảo còn cần đến một sự thông minh, một trí tuệ nhậy cảm và hơn hết là tình yêu con người, cuộc sống lớn lao, ghét sự bất công. Sự vắng mảng văn chương hài hước là một thực tế buồn, nhưng tôi tin trong quá trình phát triển của văn học, do nhu cầu nội tác của một nền văn chương, sự đòi hỏi của độc giả không sớm thì muộn sẽ xuất hiện những nhà văn hài hước đích thực nếu nền văn học khuyến khích, động viên cho mảng hài được trở lại, và trong mỗi nhà văn bớt dần đi sự giữ mình tròn trặn, yên ổn để có được dũng khí, phẩm chất của một thư kí của thời đại.
Chúc đại hội thành công. Chúc mảng hài trong văn chương Hà Nội mau chóng trở lại xứng đáng với truyền thống “Ba Giai- Tú Xuất”.
N.H
(Nguồn: Tham luận tại đại hội HNV Hà Nội)