Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Con người ta suốt đời đi tìm cái đã mất dù biết rằng điều ấy là vô vọng. Trong tâm thức của người đàn bà đã nếm trải cuộc đời, chị vẫn mong một ngày nào đó người đàn ông của chị xuất hiện. Người đàn ông với ánh mắt nồng nàn, đôi môi cháy bỏng và cử chỉ lịch lãm. Sau trải nghiệm chị mới nhận ra điều ấy. Tại sao chị không gặp lại hình bóng người đàn ông ấy trong cơ thể nào khác trong đời? Khi mẹ nuôi cho biết không có ai về làng tìm Hãn thì chị như rơi xuống một hố sâu thăm thẳm. Sự nôn nóng, hi vọng bỗng chốc bị sự thật phũ phàng đè bẹp khiến chị khuỵu xuống. Người làng tưởng chị ốm vì ngã nước, vì không quen khí hậu.

Sau vài tháng âm thầm đau khổ, Hãn trở thành một con người khác. Khát khao với người đàn ông đầu đời vẫn không nguôi trong cơ thể nõn nà. Việc một người con gái đẹp sống một mình tính tình phóng khoáng giống như một thứ men lá chưng cất nên những hũ rượu quê say nồng. Đàn ông lượn lờ quanh chị thật nhiều. Chị đã thử. Một lần, hai lần….nhiều lần mà vẫn không tìm ra. Chị ước muốn sống lại cảm giác một lần nữa rồi thôi cũng được. Bao nhiêu người đàn bà nhiếc móc chị. Bao nhiêu ánh mắt căm thù dồn vào chị. Họ cho chị là người đàn bà lẳng lơ, đĩ thõa, chắc ra ngoài làm gái mới có nhiều tiền đến thế. Chị chịu hết. Họ có hiểu gì chị đâu mà phải phân trần.

Chị không ngờ cuộc đời mình lại có cú rẽ ngoạn mục như vậy. Thằng Vớ đã cứu chị khỏi những cuộc tìm kiếm. Khi bàn tay Vớ lần mò mân mê da thịt chị, cảm giác ngọt ngào bỗng thức dậy. Chị tê dại người và không nghĩ một thằng đàn ông cục mịch cũng có thể đem lại cho mình sự đam mê mạnh mẽ như vậy. Chất man dại của một người luôn hành động theo bản năng làm chị ngã gục. Lần ấy chị vùi đầu vào ngực Vớ mà nức nở. Chính Vớ cũng không hiểu rằng mình đã làm gì để chị Hãn phải ôm lấy mình mà vui sướng đến phát khóc. Sự tin tưởng của chị dành cho nó ngày càng lớn. Sự khập khiễng giữa người đàn bà khôn ngoan lọc lõi và một thằng đàn ông dở dở ương ương quá rõ khiến chị ngập ngừng đôi chút. Nhưng càng tiếp xúc chị càng quyết tâm thay đổi Vớ. Chị sẽ chỉ bảo Vớ dần dần. Quả đúng như vậy, Vớ đã thay đổi. Chị tin rằng mình suy nghĩ đúng. Cuộc đời chị không thể cứ trượt dài như thế.

Vớ há hốc miệng vì ngạc nhiên. Nó chỉ có ước muốn nhỏ nhoi là được chị Hãn cho miếng cơm lúc đói lòng chứ chưa bao giờ dám nghĩ cuộc đời sẽ rẽ sang một trang mới. Nó sẽ là ông chủ. Chính thế nên nó ấp úng mãi mới cất nên lời:

– Mình là vợ tôi? Tôi là chồng mình?

Hãn nắm đôi bàn tay thô ráp đầy vết sẹo. Mắt Vớ cụp xuống vẻ suy nghĩ lung lắm. Bàn tay chị Hãn sao ấm áp và tin cậy đến thế. Cuộc đời nó có người từ bi dang tay ra đón ư? Nó sẽ có nơi ăn chốn ở ư? Nó sẽ được ngang nhiên nắm tay chị mỗi khi họ Hoàng có việc ư? Nó sẽ không bị chế giễu và sỉ vả nữa ư? Bố con ông Hình sẽ không sai khiến được nó nữa ư?

Bao nhiêu câu hỏi như luồng điện chạy qua đầu Vớ. Ai bảo nó ngu đần? Bài toán cuộc đời đang hiện ra trước mắt nó sáng rỡ và đơn giản. Nó hiểu ngay đáp số và những điều tốt đẹp sẽ đến. Không ai cho nó đặc ân này, trừ chị Hãn. Nó phải nắm lấy. Nó sẽ có một gia đình.

– Mình đừng nói dối tôi. Mình nhá!

Mắt nó rưng rưng. Không ai tưởng được khi tình yêu đến thì một người bị tiếng là ngu đần lại có ngôn từ tha thiết đến thế. Chắc gì một người học thức đầy mình, giàu nứt đố đổ vách có cái nhìn ấy, có lời nói ấy? Nó sẽ yêu thương Hãn hơn cả bản thân mình. Nếu người nào có ý định làm nhục chị, ve vãn chị nó sẽ ra tay. Không ít người sợ dây vào nó. Nó biết tỏng họ thích đóng giả ma ăn cỗ.

– Thế nếu họ Hoàng không công nhận tôi thì sao?

Vớ đần người ra. Từng thớ thịt trên người nó động đậy theo đôi mắt. Ngày còn nhỏ nó bị vứt ở khóm tre trước nhà trẻ thôn một đêm tối trời đã từng là chuyện nóng hổi của cả vùng thời ấy. Từ bé đến lớn đi đâu nó cũng bị người đời gọi là con hoang. Không ai biết tung tích cha mẹ Vớ là ai, ở đâu? Nó được ông bà Thao người họ Hoàng không con cái đem về nuôi. Sống trong một gia đình tuyệt tự chẳng vui vẻ gì. Được ông bà nuôi nấng cẩn thận nhưng nó không đem lại cho họ tí hi vọng nào. Ba tuổi Vớ mới chỉ bập bẹ được vài tiếng, ai nói gì chỉ nhìn trân trân rồi cười. Ông bà Thao thay nhau ốm yếu và cùng rủ nhau sang thế giới bên kia. Một mình nó cô đơn giữa một dòng họ bề thế và nhiều định kiến. Chẳng ai đưa tay ra cứu vớt một đứa con hoang. Bởi vì nó không khôn ngoan, bởi vì nó không cha không mẹ, không người đỡ đần nên đi cũng dở, ở không xong.

Vớ có một miếng đất nhỏ đầu thừa đuôi thẹo của cha mẹ nuôi để lại nằm hẻo lánh giáp cánh đồng. Nó biết trồng trọt cây cối gì đâu. Mấy buồng chuối mỗi năm vừa thò ra đã bị vặt hết vào những hôm không có gì đút bụng. Chuối hon thì nhằm nhò gì. Đã thế  anh Vẹm bên cạnh mỗi năm lấn vào một ít. Cây mít cây bưởi nhà anh ta vươn ra đến đâu anh cho xây lại hàng rào từng ấy. Vớ cũng chẳng cần. Nó chả có gì từ mảnh đất chó ỉa ấy. Không làm thì cho người ta.

Thấy nhà anh Vẹm chiếm được thì hai nhà phía khác cũng không tha. Thế là mỗi năm đất của Vớ cứ thu lại, không ra hình thù gì. Từ phía nhà anh Vẹm nhìn lại mảnh đất như bãi phân của con trâu bị bệnh té re, nhưng từ phía nhà anh Tải người ta lại gọi nó là chiếc quần chân què. Có người bảo đất nhà Vớ giống một bà già lưng còng. Nó chẳng quan tâm đến đất với cát làm gì cho nhọc người. Ngôi nhà bố mẹ nuôi để lại qua năm tháng trở nên tiêu điều, từng mảng tường bợt xuống. Mái ngói võng một đường cong, chỉ cần có cơn lốc là xô nhau rơi loảng xoảng Vớ cũng chả biết làm thế nào. Bàn thờ một năm hai lần nó kiếm quả trứng để lên rồi lại hạ xuống đánh chén. Một mình tắc lẻm một phát hết quả trứng. Nhìn bát hương xơ xác và lỏm loi vài cái chân hương mà chạnh lòng. Cũng là con người sao Vớ không thể thờ cúng bố mẹ cho ra hồn ? Chẳng gì bố mẹ cũng nuôi nó thành thằng người rồi mới bỏ nó mà đi. Nó không báo hiếu được cha mẹ mà bản thân chẳng làm gì nên hồn. Ông Hình bảo nhà anh Vẹm anh Tải tham lam chiếm hết đất lấy đâu đất sau này trồng trọt, nó chẳng nói chẳng rằng bỏ đi. Ông Hình tức lắm. Miếng đất đẹp thế mà để người họ khác chiếm mất. Mấy lần ông xui nó đổ thuốc sâu xuống ao cá trắm đen nhà anh Vẹm nhưng nó không làm. Thỉnh thoảng anh Vẹm cho nó lưng cơm, ít hoa quả không bán được. Anh hay thủ thỉ rằng đất nhà Vớ để anh giữ cho, đừng bán cho ai. Đất thiêng lắm nên phải cố giữ. Nó chỉ buồn. Người ta đang làm ăn tiến lên ầm ầm mà nó thì chẳng có gì. Thân cô thế cô chẳng ai dạy bảo khiến đầu óc tối tăm. Cứ kệ cho mọi người nghĩ nó thế nào ra thế ấy. Khôn dại mà làm gì, nó là đứa mồ côi mà. Khôn chẳng ai tin, dại là đương nhiên. Con người sinh ra phải có người dạy dỗ thì mới khôn được chứ.

Từ bé đến lớn Vớ chưa một lần được bước chân đến trường. Nghe nói trường học là nơi dạy người ta mọi thứ. Nó khâm phục những đứa trẻ bé tí đã cầm sách đọc vanh vách. Thỉnh thoảng nó nấp đằng sau cánh cửa lớp học nghe thầy cô nào đó giảng bài. Nghe vậy cho vui tai chứ nào có hiểu gì đâu. Toàn chuyện linh tinh xảy ra ở mãi đâu đâu và từ đời nảo đời nào. Trong lớp có đứa còn lên bảng vẽ những hình thù kì dị rồi trả lời vanh vách câu hỏi của thầy giáo. Đứng chán nó bỏ ra vườn trường xem cô giáo dạy bọn trẻ cách trồng cây. Thì ra muốn cây cối tươi tốt cũng cần phải học cách chăm bón.

Tuy vậy nó  học được nhiều thứ từ những người cùng làng. Sự kệch cỡm giữa cái cũ cái mới, sự tráo trở của những con người tham lam coi của cải trên hết, và cả sự giả dối của người tự cho mình là có học. Học hành gì họ, đi làm ăn ở bên ngoài được tí của rồi về khoe ta có bằng này bằng nọ. Ông Tố đấy. Vớ chẳng biết gọi bằng gì nhưng ông ta chỉ mày tao và thích Vớ gọi là ông. Mỗi lần về làng Vớ là chân tay đắc lực của ông Tố trong việc chạy đi gọi người hay mua bán lặt vặt. Mà sao ông ta giàu thế, cổ đeo xích vàng to như cái chão, cổ tay, ngón tay vàng choé. Đi cách chục mét vẫn ngửi thấy mùi nước hoa thơm phức. Trẻ con thích cái mới lạ nên thấy ông Tố về làng là theo đèo đẽo như đỉa đồng chiêm. Ông Hình xúi Vớ lấy thanh sắt nhỏ quẹt ô tô cho  xước sơn. Vớ ngạc nhiên:

– Ông Tố là người họ Hoàng, sao người họ Hoàng lại hại người họ Hoàng hả ông?

Tức thì ông Hình gắt:

– Nó phải gọi mày bằng chú, ông ông cái gì. Ra ngoài nó làm việc mờ ám nên mới giàu thế chứ làm ăn chân chính lấy đâu ra.

Ông Hình toàn nói những lời chẳng có gì hay ho. Thấy mọi người đề phòng và nói xấu ông Hình, lúc ngồi một mình Vớ cũng hay nghĩ về ông. Nó ngẫm thân phận nó. Còn ai bấu víu, còn ai bảo ban điều hay lẽ thiệt trong khi nó ngày một lớn lên? Bố con ông Hình bảo làm việc sẽ có thưởng. Nó phải làm vì thiếu cái đút bụng. Ông Vấn bảo đừng chửi thuê và không được rêu rao bêu riếu người khác nữa, như thế xấu lắm. Nhưng nó phải nghe ông Hình. Nó phải cho thiên hạ biết sự thật của một ai đó đã làm phật ý ông Hình. Mà nhà ông Hình đến lạ, ai hơn kệ người ta. Bận gì đến ông ấy mà phải kể lể, thù hằn. Nhà ông Thường mua được cái ti vi to, hôm sau cả xã biết. Mà biết để làm gì? Con ông Thường làm cán bộ to ăn của đút mới có tiền cho bố mẹ. Nhà bà Thoan vừa có chiếc xe máy mới, do bà Thoan cho vay nặng lãi bất nhân bất nghĩa. Ông Thanh cán bộ xã đấu thầu mấy héc ta đầm nhiều tôm cá toàn mang cho chị Hãn để vày vò chị ta….Chuyện từ miệng Vớ đều đậm chất ông Hình nhưng không ai dám cấm. Nó biết vậy là hại người nhưng có ai dang tay thương xót và dạy dỗ nó thực sự đâu. Dù sao nó cũng là người họ Hoàng. Ăn cây nào rào cây ấy, ông Hình bảo thế. Ai cho ăn thì phải theo. Bà Hình bảo: “Mày ấy, mày không được phản lại người họ ta. Phản lại là thất đức.” Bà chỉ bảo cặn kẽ cho nó thế nào là thất đức. Người ăn ở thất đức sau này sẽ bị quả báo. Ông Hình có ăn ở thất đức hay không chẳng ai dám nói. Người ta hay đi suy xét hành vi của người khác, trừ mình ra. Nó cứ nghĩ lung tung thế, đúng thì đúng chả đúng thì thôi.

Vớ luôn ý thức mình là một thành viên trong cộng đồng họ Hoàng. Việc của họ nó lăn vào một cách vô điều kiện. Giỗ tổ năm nào nó chẳng tất bật mấy ngày liền. Ông Tấn bảo Vớ hơn khối người chỉ biết chỉ tay năm ngón. Khi khấn vái nó thành kính như một người họ Hoàng thực sự chứ có cợt nhả như bọn thanh niên đâu. Thế mà mọi người vẫn coi thường nó. Từ nay nó sẽ sống tốt vì chị Hãn đã dạy nó nhiều điều. Chị nói điều gì không hiểu nó phải hỏi. Nó không sợ khoảng cách với chị nữa. Ngôi nhà chóp nhọn kia nó sẽ đàng hoàng bước vào. Hỏi ai cho nó được như thế?

– Mình có cho tôi đi giỗ tổ không?  – Vớ hỏi Hãn.

– Đi chứ! Mình không đi bố con ông Hình lại cho mình coi thường tổ tiên. Mình đang nương nhờ họ Hoàng thì mình phải sống có đầu có đuôi. Họ nói chán mỏi mồm. Mình nhất quyết gắn bó với tôi thì không sợ gì cả.

– Nếu tôi sai mình đừng đuổi tôi. Mình nhớ!

Mắt Vớ dại đi. Thần Phật vừa  đoái hoài đến thân phận nó, nó sẽ quyết không để mất. Nhưng nhỡ chị Hãn chán nó thì sao? Có người tốt chị Hãn thay lòng đổi dạ thì sao ?

– Mình đừng cho tôi là người xấu. Mặc dù thân đàn bà con gái chẳng dễ dàng gì để có được ngày hôm nay. Tôi với mình đã có thằng bé nằm trong bụng này thì phải giữ lấy. Mình cho tôi làm người đàng hoàng thì sao tôi nói dối mình được.

Không biết Vớ có hiểu được lời nói của mình không nhưng Hãn vẫn cứ nói. Đây là suy nghĩ thực lòng của một người đã nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Không ít người có vai có vế, gia đình giàu có nhưng suốt ngày để ý rồi cãi vã mát mẻ nhau. Hình như đời sống càng cao thì hạnh phúc gia đình càng mong manh. Đấy là chị đang đóng vai người quan sát thì thấy như thế. Hay gì cái chuyện có vợ có chồng rồi vẫn tham lam ăn chả ăn nem. Tại sao không cùng nhau xây dựng tổ ấm để con cái noi theo? Không ít lần chị mơ ước nếu mình ở vào hoàn cảnh ấy thì phải biết, chị sẽ giữ đến cùng, vun đắp đến cùng. Chị khinh những người đàn ông, vợ con đề huề mà vẫn thích dấm dúi. Thân thể chị nhàu nát cũng bởi những bàn tay thô bạo ấy, nhận thức lệch lạc ấy. Họ tham lam như thể ngày mai không được ôm ấp chị nữa. Thân đàn bà con gái chống chọi cũng khó. Của nả chị không cần, nhưng làm thân đàn bà cũng phải có một chỗ dựa. Nghe tin chị cặp kè với ông chủ tịch xã hay anh Thắng đầu gấu là người hay kèn cựa cũng gờm. Người ta nghĩ chị thu lợi từ việc bán trôn. Phải tội, chị chưa bao giờ đòi hỏi ai thứ gì. Nhưng họ mang đến chị không từ chối. Sĩ diện làm gì. Tiền làm gì có lỗ xỏ mà biết của ai. Nếu chị không khéo cư xử chắc những người thích soi mói đã đánh chị bét nhè, thậm chí tống chị khỏi mảnh đất còi cạnh chùa Tây từ lâu.

Vớ mặt mày tái xanh từ đám giỗ tổ về khiến Hãn hiểu mọi điều rất nhanh. Nó ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà mát rượi nhưng lát sau lại nhấp nha nhấp nhổm nhìn ra ngõ. Không trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra ở nhà ông Tấn nhưng khi nấp trong vườn chuối  nó nghe rất rõ từng đợt “dô dô”, rồi cãi cọ nhau. Ông Hình bảo nó có đôi tai thính như tai chó là gì. Tránh xa đám này cho lành.

Vớ định quay bước thì thấy ông Húng vừa chạy theo ông Vấn vừa khóc.

D.T.N

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder