Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Chương IV

 

Ông Vấn lòng dạ không yên, phải triệu tập họp. Ông biết mấy thằng trộm trâu đáng tội, nhưng chúng là con cháu họ Hoàng. Toàn những đứa mặt mày trơ tráo không biết xấu hổ là gì. Mấy ông trưởng chi có ý kiến cho rằng ai làm nấy chịu. Chúng nó đã lớn, biết được điều hay lẽ phải. Phải để xã hội trị cho chừa thói ngông cuồng. Ông Thìn vung mạnh hai cánh tay khẳng khiu như cành củi khô trước gió:

– Đầu têu là thằng Bằng Anh. Nó mài sẵn hai con dao nhọn rồi đi rủ gần chục thằng nữa. Khiếp quá! Họ Hoàng sao lại đẻ ra mấy thằng đồ tể mới nứt mắt đã biết chém giết? Trâu bò thời nay có nhiều đâu mà chúng to gan thế?

– Không chỉ chém giết đâu. Chúng nó còn học đòi nhiều thứ nữa. Đánh nhau, đề đóm rồi còn rủ nhau đi nhà hàng karaoke nữa. Ngoài phố có cái gì chúng nó biết cái ấy. Không biết rồi mọi sự đi đến đâu nữa.

– Tôi nghĩ lỗi do cha mẹ không nghiêm, con cái không chịu làm mới sinh điều làm bậy.

– Ông bảo chúng nó làm gì? Trước đây còn chăn trâu cắt cỏ lấy phân bón ruộng, giờ toàn phân hoá học, bón nhoáng cái đã xong.

– Mà bọn trẻ nó dở dở ương ương thế nào ấy. Con nhà nông nhưng đố đứa nào muốn động tay động chân vào cây lúa củ khoai. Ngày xưa mình có thế đâu.

– Đứa nào đứa nấy giày tất cả ngày. Quần áo thì trắng tinh, thơm phức. Đầu tóc lúc nào cũng bóng loáng. Các ông bảo đứa nào chịu xắn quần lội ruộng?

– Ra ngoài làm cũng được đôi trăm một ngày mà chẳng chịu, chỉ được vài bữa lại bỏ. Bờ giếng đêm nào chả ồn ào như cái chợ. Chơi chán rồi rủ nhau làm chuyện bậy là đương nhiên.

Nhàn cư vi bất thiện. Không nghĩ ra việc cho chúng nó làm rồi còn sinh chuyện. Con gái bà Thoa đang tự nhiên bụng ễnh ra. Bà ấy ngon ngọt thế nào mà thằng Minh con nhà Tự nhận cưới. Tối đến chó sủa như vãi đạn là do đám thanh niên rồi nghề chứ còn ai. Thằng Vớ còn làm chuyện tày trời nói gì đến mấy thằng rách giời rơi xuống.

Ông Vấn đang hí húi ghi chép trong cuốn sổ tay ngẩng lên:

– Thôi tôi xin các ông tập trung bàn cho hai việc, một là xây nhà thờ tổ, hai là dựng lại chùa Đông, việc nào nên làm trước ? Chuyện họ Hoàng bây giờ không còn là chuyện riêng của họ Hoàng nữa. Làng ta có gần ba chục dòng họ nhưng chỉ có cụ Hoàng Sang đỗ đạt và có công với đất nước. Cụ là người có chức sắc trong triều nhưng quan trọng là tác phẩm cụ để lại có giá trị cho hậu thế. Một người đỗ tiến sĩ làm quan trong triều, một lương y và một nhà thơ, hỏi ai trong họ ta được như cụ. Tôi nói thế không phải chê người đỗ đạt thời nay. Trải qua mấy thế kỉ mà vẫn được nhắc đến trong các tài liệu nghiên cứu hẳn là người hiếm có. Như công lao của cụ thì các địa phương khác người ta đã tích cực vận động để cụ được công nhận là Danh nhân văn hoá. Xin các ông cho biết họ ta và các họ khác trong làng nên như thế nào?

– Sao lại phải vận động? Ông nói hay nhỉ. Người có công phải được ghi danh chứ.

– Con có khóc mẹ mới cho bú. Thời nay chẳng ai cho không ai cái gì.

Ông Thìn nheo nheo đuôi mắt gật gù. Ông Tấn lắc lư đầu sang hai bên như con lật đật. Dạo này bệnh đỡ hơn nên ông có thể ngồi họp mà không phải dựa vào ai. Tuy vậy nước dãi thỉnh thoảng vẫn nhểu ra hai bên mép. Chiếc khăn mặt nhỏ luôn cầm trong tay. Khi khoé miệng chảy dãi thì ông chậm chạp chùi đi chùi lại thật sạch. Màu ban đầu của chiếc khăn đố ai đoán được. Bằng Em đã nôn thốc nôn tháo hôm giỗ tổ khi lấy nhầm khăn của ông Tấn lau miệng. Rượu vào mắt lấp loáng nó tưởng đấy là tập giấy ăn. Không thấy ai nói gì, ông thủng thẳng:

– Ông Vấn nói thế thì tôi cũng mừng. Tín ngưỡng là vấn đề tế nhị. Nếu muốn để cụ Hoàng Sang được công nhận là danh nhân văn hoá thì chúng ta phải có nhân chứng vật chứng. Ừ thì cụ đỗ tiến sĩ, ừ thì cụ có tác phẩm còn được lưu giữ trên viện Hán Nôm. Nhưng họ nhà ta có còn giấy tờ gia phả gì đâu. Việc phát hiện ra cụ tiến sĩ ở Đông Phong cũng chỉ là sự tình cờ, do người ở tận đâu đâu. Tôi nói thế để tránh việc người ngoài lại nói móc họ Hoàng Thấy người sang bắt quàng làm họ.

Ông Vấn biết việc này sẽ bị ông Tấn gạt đi. Tuy vậy ông vẫn nhã nhặn:

– Ông Tấn nói rất đúng. Họ nhà mình rơi vào tình trạng yếu thế vì gia phả không còn. Đây không phải là thiếu sót của ông Tấn trưởng họ. Lỗi là do chiến tranh loạn lạc. Lỗi là do cái đói cái nghèo. Nhưng chúng ta phải thay đổi lại suy nghĩ. Chúng ta phải khôi phục lại gia phả. Làm sao bộ gia phả của chúng ta phải là điểm tựa của tinh thần, của quá khứ và hiện tại.

Ông Tấn cười khẩy:

– Ông định khôi phục lại bằng cách nào? Có ông Húng biết làm thơ đấy. Nhờ ông ấy vẽ cho một bộ gia phả thật đẹp. Có nhiều tiến sĩ, có nhiều bảng vàng danh dự. Người đời sau lại ngây ngất vì truyền thống của dòng họ. Quá say sưa với truyền thống rồi ngủ quên luôn hoặc mang cái vinh quang ra mà gặm nhấm và khoe khoang. Người ngoài người ta vẫn cười thầm đấy.

Phải khen thay ông Tấn nói rất trôi chảy. Lúc hăng lên ông không kiềm chế được. Ông phải nói cho mọi người hiểu. Ông Thống nhấp nhổm:

– Sao ông lại nói thế? Tình hình hỗn độn như hiện nay là do tác động xã hội nên mọi việc mới dở dấm dở mẻ thế chứ. Ai chả muốn muôn người một ý. Ai chả muốn trong ấm ngoài êm. Dòng họ đoàn kết, làng xóm đoàn kết thì xã hội mới yên ổn chứ.

– Nhưng càng mở rộng thì càng khó quản lí. Ông có dám cùng một lúc làm được nhiều việc không? Sức có hạn mà tham lam quá khéo không đổ cả lũ. Mộ cụ tiến sĩ đã yên vị như thế mấy trăm năm rồi. Đừng đào mồ cuốc mả cụ lên nữa. Lấy những cái cụ thể để làm những điều tưởng tượng chỉ có mất công.

Ông Thìn chêm luôn:

– Thì báo chí người ta nói rồi. Mộ cụ vẫn còn ở nghĩa địa đấy thôi. Chính là cái mộ vô danh ở gò Đống đấy.

– Nói là mộ cụ nhưng ai biết đích xác? Mộ danh nhân gì mà để trâu bò quần xéo suốt ngày.

– Vậy nên giờ ta phải bàn để giữ gìn và nâng giá trị của cụ lên.

– Nâng bằng cách nào? Mộ thì trâu bò phá. Chùa chiền thì người phá. Ông nên nhớ hồi phá đình chùa, mấy mạng người và bao nhiêu tai ương xảy ra đấy. Xây chùa không khéo tai ương lại về. Cứ tưởng thích làm gì là làm được đâu. Không khéo lại rước ma về giày mả tố đấy. Mồ cha không khóc lại khóc đống mối. Ai dám chắc đấy là mộ cụ tiến sĩ ?

Ông Thìn có vẻ cáu:

– Ông là trưởng họ thì phải có ý kiến xây dựng chứ. Chỉ bàn ngang.

Ông Tấn co mặt lại:

– Tôi nói thế để các ông lường trước không bới việc lên rồi vứt đấy chỉ tổ người ta cười cho.

– Cười là cười thế nào? Có cả bia đá ghi danh cụ còn gì?

– Tôi công nhận là còn một tảng đá. Nhưng chữ nghĩa đâu ai thấy? Ông Thống khuân về bắc cầu ao mấy năm làm nó mòn vẹt hết cả. Mộ cụ chỉ là đống đất như mối đùn. Danh nhân văn hoá gì không biết? Đấy chỉ là ngôi mộ vô danh.

Ông Tấn buông thõng câu cuối cùng làm không chỉ ông Thìn mà cả mấy ông tức nổ đom đóm mắt. Người đứng đầu dòng họ sao có thể ăn nói hàm hồ thế được. Nếu muốn phủ nhận sạch bách cũng chẳng sao. Đừng khới lên, cứ để cụ nằm yên dưới ba tấc đất cũng chẳng sao. Nhưng đây không chỉ là vấn đề tâm linh. Phải để cho con cháu đời nay và mãi mãi về sau biết rằng từ thuở xa xưa người làng Đông Phong, đặc biệt là họ Hoàng đã tài giỏi như thế nào. Phải biết khơi dậy lòng tự hào của một vùng quê.

Ông Vấn thấy sự việc bị ngãng ra đành cắt ngang:

– Các ông phải bình tĩnh thì mới bàn được việc. Đang chuyện nọ xọ chuyện kia. Hôm nay chúng ta chỉ bàn chuyện xây nhà thờ tổ. Còn chuyện cụ Hoàng Sang để hôm khác. Ông Tấn yếu đau là một thiệt thòi lớn cho họ ta. Nếu ông khoẻ mạnh thì chắc chắn mọi việc sẽ suôn sẻ hơn. Nhưng tôi xin ông có ý kiến và ủng hộ. Không thể để nơi thờ cúng của một dòng họ lớn tuyềnh toàng như vậy được.

Ông Tấn lại căng mặt ra. Người ông như chạm phải nọc ong. Máu dồn lên mặt khiến nước dãi chảy nhiều hơn:

– Ông Vấn nói như thế có khác nào phê phán tôi không có trách nhiệm với dòng họ. Tôi cũng đã cố gắng giữ gìn. Nhưng không phải muốn làm gì thì làm. Mộ các cụ muốn đào lên lấp xuống cũng phải cẩn thận. Tôi phải chịu bao cơ cực rồi. Tai hoạ bao giờ chả giáng xuống người đứng đầu. Các ông nhìn nhà tôi thì biết. Còn việc xây nhà thờ tổ, đất nhà tôi chỉ có từng ấy, giờ các ông muốn xây kiểu gì?

– Trước hết ông cho ý kiến. Có nên xây nhà thờ riêng hay vẫn chung với nơi sinh hoạt nhà ông? – Ông Vấn hỏi.

– Tôi hiểu ý các ông là muốn xây riêng rồi. Các ông muốn cả nhà tôi rúc hết vào cái nhà ngang chứ gì?

– Sao ông luôn có ý kiến tiêu cực thế? Đây là cuộc họp để bàn hướng giải quyết thôi mà. Trong ngoài phải ấm êm thì việc mới chạy.

– Thế thì các ông ở đây ý kiến thế nào? Trong thâm tâm các ông có cho tôi là người đứng đầu dòng họ không? – Ông Tấn nhìn quanh.

Ông Vấn muốn dung hoà tình cảm của ông Tấn vì dù muốn hay không ông cũng mang danh là trưởng họ. Mặc dù rất sốt ruột vì câu chữ rề rà của ông Tấn nhưng không ai dám cắt ngang. Bệnh tật đầy mình nhưng ông Tấn là người hiểu biết và có chút chữ nghĩa. Trước đây đừng ai đùa mà tranh luận Đông Tây kim cổ với ông. Tất cả chỉ là con tép. Làng vẫn gọi ông là “Tấn ngang”.

Ông Thống giơ tay xin phát biểu như trước hội nghị:

– Nếu các ông ở đây đồng ý thì tôi xin hiến đất nhà tôi.

Mặt ông Tấn càng đỏ hơn:

– Ô thế ông định tranh chức trưởng họ à? Các ông thừa lúc tôi già cả ốm đau để qua mặt tôi à? Ông đi đâu, làm gì, nhà ông giàu có thế nào thì về họ Hoàng vẫn phải có trên có dưới. Tôi tuy nghèo nhưng vẫn đảm đương được việc họ. Ông đừng ăn nói hàm hồ có lúc hối không kịp.

Ông Thống cuống lên. Ông không hề có ý ấy. Ông chỉ muốn họ Hoàng có một nơi thờ cúng rộng rãi thoáng mát mà thôi. Ngày giỗ tổ tế lễ đỡ chen chúc nhau. Tuy vậy ông Tấn vẫn là bề trên nên ông không muốn đôi co.

– Bác đừng nghi ngờ em phải tội. Em không có lòng nào đâu.

– Nhưng rõ ràng chú định giành quyền còn gì. Các ông thấy tôi nói thế có đúng không?

– Em không giành quyền của bác. Nếu bác thấy tiện em đổi luôn đất cho bác. Em chuyển về đây ở.

Ông Tấn cười nhạt:

– Chú nói thế nào ấy. Nghe không ngửi được.

Ông Vấn, ông Thống, ông Thìn, ông Hiến nhìn nhau. Khó có thể bàn chuyện trong lúc này. Ông Thống giọng bực bội :

– Bác Tấn nên nghe ý kiến của anh em. Đây là cuộc họp của hội đồng gia tộc. Chúng tôi đại diện cho tiếng nói của các chi đấy.

Ông Tấn đang bị kích động. Mặt ông đỏ dừ như vừa uống rượu. Đôi mắt lờ đờ nhìn mông lung vào khoảng không. Nắng hè hình như tiếp thêm nhiệt khiến ông đờ đẫn. Bà Tấn từ ngoài sân chạy vào xốc nách dịch ông vào thành giường. Một mình bà làm sao có thể đỡ được một thân hình sắp sửa rũ xuống:

– Các ông đừng bàn hôm nay nữa. Ông nhà tôi sắp xỉu rồi. Ông ấy mà nằm đấy chỉ khổ tôi. Các ông muốn xây thế nào cũng được nhưng đừng để ông nhà tôi phải chịu tội.

Bà Tấn vừa dứt lời thì một giọng nói oang oang từ ngoài chen vào:

– Vấn đề tín ngưỡng nhìn từ góc độ duy vật biện chứng là một vấn đề đậm chất tiêu cực. Quá chú trọng đến tâm linh sẽ là cỗ xe hỏng cản bước tiến của xã hội. Vì vậy không thể mù quáng dựng nên một nhân vật không có thực trở thành siêu nhân. Lừa phỉnh hết.

Ông Húng vẫn mặc bộ quần áo trắng toát như hôm giỗ tổ thao thao về bài học tâm linh. Ông Vấn nổi nóng:

– Sao chú ăn nói hồ đồ thế? Ai dựng nên siêu nhân?

– Làng mình như chiếc thuyền bị bênh một đầu. Không biết các ông có nhận thấy không chứ tôi đã đo vẽ cẩn thận rồi. Đầu phía Bắc cao hơn đầu phía Nam đến mười lăm độ. Phía Đông thì nghiêng hẳn về phía Tây.

Ông Vấn đứng lên nắm tay em:

– Chú ăn nói lung tung gì thế?  Về nhà đi. Chúng tôi đang bàn chuyện.

Ông Húng ngước mắt lên:

– Sao các anh bàn chuyện lại không cho em tham gia? Em cũng là con cháu họ Hoàng. Mà các anh đừng quên em là tiến sĩ đấy nhá. Em là chuyên gia phong thủy đấy nhá.

– Tôi biết rồi. Khi nào vào việc mới đến tay chú.

– Chú là tiến sĩ tốt nghiệp bên Tây ai chả biết. Thế chú sang bên Tây nghiên cứu văn hoá phương Đông làm gì? Tây người ta biết gì về văn hoá phương Đông mà cấp bằng tiến sĩ cho chú?

Ông Tấn xỏ ông em họ một hồi khiến ông Vấn sạm mặt. Từ trước đến nay chỉ ông Tấn hiểu và dám nói ra điều ấy. Ông Húng vẫn khơi khơi:

– Nhưng làm việc gì họ ta cũng phải cẩn trọng. Nếu lồng yếu tố mê tín dị đoan vào việc này là rất nguy hiểm. Mọi người cứ chú tâm vào việc mồ mả chùa chiền không chịu làm ăn gì thì xã hội không phát triển được.

Ông Vấn kéo mạnh tay ông Húng:

– Tôi biết rồi. Chú cứ về đi.

Ông Húng bị ông Vấn kéo vẫn cố quay lại:

– Các anh phải nhớ lời em nhá. Vấn đề tâm linh không phải chuyện đùa. Bàn ra rồi vất đấy, bàn ra rồi cãi nhau là các cụ phạt. Họ ta không được để kẻ xấu lợi dụng. Muốn xoá bỏ ảo tưởng nảy sinh trong tư tưởng thì không được đi ngược lại bước tiến của xã hội. Bên Tây người ta phát triển ầm ầm nhưng người ta có mù quáng đi theo những hồn ma đâu.

– Thì người ta có các đấng thần linh khác. Ai mà chẳng có tín ngưỡng. Tây với chả Tàu. – Ông Thìn chép miệng.

Ông Tấn miệng méo xệch. Nhưng có điều không phải ông khóc. Mắt ông lấp loáng chút tinh nghịch của người hiểu đời.

Mọi người vẫn yên vị khi ông Vấn quay lại. Ông Tấn ngồi lại chỗ cũ. Trông ông có khá hơn, nét mặt cũng đỡ căng thẳng.

– Lúc nãy tôi nói gì không phải các ông bỏ quá cho. Nói đi nói lại việc xây nhà thờ tổ là cần thiết. Vậy các ông cứ cho ý kiến.

– Bác nói thế thì em xin nghe. Ở đây có các ông trưởng chi, chúng ta cũng nên quyết định xem xây nhà thờ như thế nào. Tôi biết con cháu có điều kiện công đức cũng khá. Các ông trưởng chi cho biết con số sơ bộ về tài chính để ta tính.

Mọi việc bàn luận có vẻ xuôi xuôi. Quyết định cuối cùng nhà thờ tổ vẫn xây trên nền đất tổ tiên để lại từ bao đời nay. Như thế mới thiêng và bảo tồn được giá trị của dòng họ. Còn để nhà thờ mang dáng dấp của một dòng họ bề thế và lâu đời thì nhà thờ phải được dựng nên từ ngôi nhà cổ gỗ lim đen bóng, càng lâu năm càng tốt. Ông Thống cho biết bên Thái Bình có một ngôi nhà như thế. Ông Hiến nói thằng cháu Tố chi nhà ông sẵn sàng công đức ngôi nhà cổ.

Thằng Tố có lòng với dòng họ mọi người không lạ gì. Lần nào về quê nó chả sắm sửa lễ lạt hậu hĩnh đặt lên bàn thờ tổ rồi sì sụp khấn vái hàng giờ. Nó bảo nhờ tổ tiên ban phúc lộc nên nó mới có ngày hôm nay. Mấy năm qua nó trúng không ít tiền. Người bảo nó buôn hàng quốc cấm, người cho là nó buôn ma tuý nên mới giàu nhanh đến thế. Nó thuộc chi cuối cùng nên về làng vai bé lắm. Mọi người bảo nó bé hạt tiêu vì tiền bao giờ cũng cúng tiến hậu hĩnh nhất. Mà vô tư luôn. Cúng giỗ, lễ lạt rồi đến ngày hội làng, mừng thọ các cụ già, ngày vui của thiếu nhi, nó không bỏ sót việc gì. Vì thế mỗi khi về làng Tố được đón tiếp theo cách của một người thành đạt. Làng vui và rộn ràng hẳn lên. Ai gặp nó cũng vồn vã. Tên Tố được nhắc đến mọi nơi mọi chỗ. Tố buôn gian bán lậu đâu không biết, chỉ biết nó có lòng với làng xóm là mọi người yêu mến rồi. Lần này Tố còn tự nguyện đứng lên dựng nhà thờ tổ. Họ Hoàng có nó cũng mát mặt.

D.T.N

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder