
CHƯƠNG VII
Nhà anh Vẹm đang hái cam. Khu vườn được chăm sóc kĩ lưỡng nên trông thật thích mắt. Những quả cam ửng vàng to bằng cái bát con được xếp gần đầy hai cái lồ lớn. Thằng Vớ ôm bó rào thủng thẳng.
– Cả nhà vui gớm nhỉ? Bây giờ cháu phải xin lại đất nhà cháu. Đất nhà ai nhà đấy dùng.
Cả nhà chưa hiểu chuyện gì. Vớ thản nhiên cắm rào phần đất nhà mình, tất nhiên cắm cả sang những gốc cam đang sai trĩu quả chưa thu hoạch. Thằng con anh Vẹm chạy lại:
– Mày làm gì thế hả Vớ? Sao tự nhiên lại nhảy vào đất nhà tao nhận phần?
Cả làng từ già đến trẻ đều gọi Vớ là “thằng”. Lâu dần thành quen, giờ vẫn không thay đổi cách xưng hô. Thằng con anh Vẹm xô Vớ ngã nhào xuống đất khi nó đang khom người cắm rào.
Vớ lồm cồm bò dậy.
– Này! Tao không muốn nói nhiều. Cả làng cả xã, cả bàn dân thiên hạ đều biết nhà mày chiếm đất của tao.
– Ai bảo mày thế? Giấy tờ đâu mà mày dám nhận đất nhà mày?
– Mày vào xã thì biết. Tao nhớ như in cây bưởi này bố tao trồng. Thế mà bố con mày dám chiếm. Bây giờ thời đại khác rồi. Tao phải lấy lại đất.
Toàn những lời ông Hình dặn. Vớ nhớ như in. Muốn lấy được đất phải mạnh mồm. Khi cần phải chiến tới cùng. Tấc đất tấc vàng cha ông để lại mà để mất là có tội. Khi không cần thì cũng phải thuộc về tay người họ Hoàng.
Vớ lại cúi xuống nhặt cành rào cắm xuống đất. Thằng con anh Vẹm không ngần ngại giơ chân tung một cú trời giáng vào mông Vớ. Cú ngã sấp mặt đau điếng làm Vớ nổi điên. Nhanh như chớp nó túm lấy nắm rào lao vào. Tiếng kêu thất thanh của người nhà anh Vẹm khiến mọi người chạy đến nhanh như chớp.
Anh Vẹm giơ tay lên túm lấy thằng con:
– Tâm! Để yên không đánh nhau nữa. Có gì nói chuyện phải trái. Vớ này! Ăn cam đi cho đỡ khát. Cam ngọt đáo để. Mày ở đâu chạy về đây ? Vừa cãi nhau với con Hãn à? Nó đuổi đi rồi hả?
– Cháu không có thì giờ nói chuyện nhiều. Bây giờ cháu xin lại đất để trồng cây.
– Nhưng mày biết gì trồng cây đâu. Đi suốt ngày thì trồng làm sao được?
– Không trồng được cháu cũng lấy lại. Ai đời miếng đất rộng thế mà giờ chỉ còn có mỗi rẻo bằng miếng giẻ rách. Anh tham vừa vừa chứ. Mỗi năm lấn sang nhà cháu một ít. Cháu ngu mới để các anh chiếm chứ không giờ hồn. Nhưng giờ cháu mở mắt ra rồi. Kiểu gì cháu cũng chơi. Cháu phải đòi đúng đất bố mẹ để lại.
Anh Vẹm lại gần Vớ:
– Này! Ai bảo mày đi đòi đất đấy? Chắc lại con Hãn hả? Nó vừa cho mày ra rìa đấy thôi.
– Không cần ai bảo. Có của thì đòi thôi.
– Tao không tin!
– Anh mau giả đất cho cháu. Không tin thì thôi.
– Sao giờ mày mới đòi? Chắc ai xui chứ gì?
– Không! Cháu phải lấy lại đất. Của ai người đấy dùng.
– Này! Mày lấy lại đất vứt đấy phí lắm. Hay là tao thuê.
– Thuê bao nhiêu?
– Từng này đủ chưa? Người ta cho thuê đầy ra đấy chứ có biết làm gì đâu.
Anh Vẹm giơ tập tiền lên. Nhưng ông Hình có những hai tập, ông ấy bảo phải chú ý đến người họ Hoàng cơ.
– Anh không phải họ Hoàng. Ngoài họ thuê mất đất như chơi.
Vớ cúi xuống cầm nắm rào. Thằng Tâm lại định xông vào. Mặt nó đầy vết xước của rào tre. Thằng Vớ đã say máu có giời cản. May mà nó chưa đến nỗi điên lên. Anh Vẹm giơ tay ngăn con trai:
– Mày lấy lại đất để trồng trọt à? Được thôi! Nhưng mày phải đền bù tiền hoa màu cho tao. Cây cối đấy, nhìn xem. Được thu hoạch hết rồi. Nhưng mày nhớ tiền đền bù không nhỏ đâu. Một tập này chưa đủ đâu. Mà ai bảo đất này của nhà mày?
Mắt mũi Vớ bắt đầu cụp xuống. Sao lại phải đền bù? Tiền đâu ra? Nhìn tập tiền của anh Vẹm thấy cũng dày ra phết. Nhưng Vớ có bảo anh Vẹm trồng cây đâu. Anh ta tự chiếm đất nhà nó rồi trồng cây đấy chứ.
– Anh đừng có thách cháu. Đất nhà ai nhà đấy trồng. Trả đây!
Vớ ôm bó rào tre. Lúc này không chỉ thằng Tâm nhảy vào mà cả nhà anh Vẹm. Mỗi người giữ một tay một chân cho thằng Tâm đấm đá túi bụi. Mọi lần như thế Vớ lủi cho nhanh nhưng lần này thì không? Hai tập tiền của ông Hình đang hút lấy nó. Chuyện vừa rồi ở nhà chị Hãn chắc nó không còn đường về. Nó chẳng cần vì ông Hình hứa cho nó xuống thuyền đi đây đi đó cùng hai chú rồi.
Mặt mũi Vớ nhoe nhoét máu. Nó lấy vạt áo chùi những giọt máu đang nhỏ từ trán xuống. Thằng Tâm vớ được hòn gạch nhọn đập vào trán Vớ. Máu toá ra đỏ lòm. Đã có máu chảy thì cho chảy luôn. Trước đây Vớ thường dùng miệng để chửi và lu loa theo đơn đặt hàng của ông Hình chứ ít khi phải ra tay như lần này. Vớ cảm thấy đầu đau nhói và như có luồng gió nóng ập vào người. Không để mọi người kịp phản ứng, Vớ vơ được một cây gậy đang nằm cạnh thằng Tâm. Không cần nhìn, Vớ đập liên hồi vào bất cứ ai đứng trong vườn. Mỗi cú đập là một tiếng “bốp” vang lên. Máu túa ra sau cú đập bằng bàn tay hộ pháp của một thằng chuyên hành động theo bản năng. Đàn bà, con cái nhà anh Vẹm và mấy người làm thuê chạy tán loạn. Không ai cản được cơn thịnh nộ của Vớ, nhỡ đâu bị vạ thì khốn khổ cả đời. Chẳng ai bảo ai, mỗi người thoát thân một lối.
Người chứng kiến cảnh đòi đất của thằng Vớ ngày một đông. Người thì cười mỉa, người thì kêu cho có lệ. Mà ai dám can một thằng đang điên vì bị dồn vào chân tường ? Làng này thường thế, có chuyện gì là túa ra, để bàn tán, để hóng hớt cho nhanh. Họ muốn chuyện này diễn ra thật lâu để mối thù của họ Hoàng với họ Lê nhà anh Vẹm càng sâu.
Cuối cùng chỉ còn mỗi mình Vớ. Khu vườn tan tác như vừa trải qua trận chiến. Mấy lồ cam nằm chỏng chơ lăn lóc khắp nơi. Vớ bê luôn một lồ chạy lại phía đám đông. Nó kêu to:
– Cháu mời các bà các ông ăn cam. Ai muốn lấy bao nhiêu cũng được.
– Nhưng đây có phải cam của mày đâu mà mời.
Mọi người lên tiếng.
– Không cam nhà cháu thì của ai. Cam trồng trên đất nhà cháu thì của cháu chứ.
– Người ta chiếm đất của nhà mày lâu rồi sao giờ mới đòi.
– Anh Vẹm chiếm, anh Tải chiếm lúc cháu chưa cần. Bây giờ cháu phải lấy lại. Trước sau gì cũng phải lấy lại.
– Mày có chỗ chui ra chui vào rồi thì cần gì. Nhà tầng chả hơn mảnh đất chó ỉa này à?
– Chó ỉa cũng được, miễn là của cháu thì cháu phải giữ. Các ông cứ bảo không cần, thế đất nhà các ông người khác nhảy vào có được không?
– Có mà chúng tao xé xác. Chỉ có mày ngu mới thế.
– Cháu nhục quá. Vừa nghèo vừa bị bắt nạt.
– Nhưng mày có giấy tờ hay người làm chứng đâu mà dám đòi?
– Cần gì phải giấy tờ. Cháu vẫn nhớ đất nhà cháu đến đâu mà. Tại cháu ngu bao nhiêu năm nay mới biết. Để người khác cướp đất là có tội.
– Tội với ai?
– Với bố mẹ cháu chứ còn ai.
– Mày nối dõi hơi bị giỏi đấy.
– Thế nên lần này cháu phải dứt điểm.
– Thằng này dạo này nói năng khôn thế ? Tao hỏi thật, con Hãn không cho mày tá túc nữa à? Nó có thằng khác rồi à? Hoài của. Mày làm sao mà để nó hất ra đường thế? Cơm no bò cưỡi chả sướng thì chớ, đòi đất làm gì cho khổ.
– Hôm nay mày hùng hổ thế? Chắc phải có người xui hả?
Thằng Vớ cúi đầu xuống không trả lời những câu hỏi dồn dập của đám đông. Lồ cam vẫn nguyên chỗ cũ. Nhà anh Vẹm không ai dám ra chấp Vớ. Đối đầu với thằng điên khùng lúc này chỉ có dại. Anh Vẹm chỉ có một cái mậm của thằng Tâm nên anh giữ gìn kĩ lắm, cẩn thận lắm.
– Thôi làm gì thì làm đi. Chúng tao không ăn cam đâu mà mời.
Thực ra người ta thích Vớ làm ầm lên để làng có chuyện ra chuyện vào chứ không muốn mọi chuyện kết thúc nhanh như thế. Nhưng họ sợ lời phát ra sẽ bị soi và đến tai cha con anh Vẹm. Lúc ấy lại có chuyện đôi co khích bác dẫn đến mâu thuẫn. Vớ quay lại vườn cam cắm cúi chỉnh lại hàng rào. Khi hàng lối trông được, nó chống nạnh ngắm nghía. Phải thế chứ! Đất nhà mình thì phải giữ. Tiền của một đống không biết giữ mới là thằng ngu. Từ lâu Vớ đã ngộ ra nhiều điều.
Vớ ngồi lặng lẽ dưới gốc cam cành lá xơ xác nghĩ ngợi. Trong đầu nó lờ mờ hiện lên kí ức thời thơ ấu. Cây ổi góc ao kia đã bao lần nó trèo lên hái những quả non bé xíu ăn ngấu nghiến. Mẹ nó đã sợ sệt thế nào khi cái thân hình lẳng khẳng của nó vắt vẻo trên cành cây. Mẹ gào lên đòi nó xuống thì nó lại vít cành cao hơn nhún nhảy cười khanh khách trêu lại. Khi cầm được tay nó mẹ mới hoàn hồn vạch khắp người nó xem có chảy máu chỗ nào không. Mẹ túm nhẹ nắm tóc vàng xơ xuýt xoa: “Thằng chó con! Mày làm mẹ sợ hết hồn”. Mẹ cứ ôm ấp mãi và hít hà mùi mồ hôi cháy khét. “Nuôi mãi mới được bằng này mà không biết thương mẹ”. Lúc ấy nó mới nắm chặt bàn tay thô ráp của mẹ rối rít: “Con thương mẹ mà!” “Thế sau này ai nuôi mẹ nào?” “Vớ! Vớ…”. Nó hét thật to trong khi mẹ nó mếu máo cười. Còn cây bưởi kia ngày trước bố nuôi Vớ xin giống của nhà ông Nhân làng Cống. Giống tốt nên năm nào quả cũng sai trĩu. Vớ thường lon ton đem sảo ra vườn nhặt quả để mẹ đem bán. Bố cắt được quả nào lại đưa cho Vớ. Thằng cu Vớ trắng trẻo chạy nhảy khắp khu vườn bê những trái bưởi vàng ươm thơm phức cho vào sảo. Bố nhìn Vớ cười: “Bà thấy không? Thằng Vớ thế mà ngoan. Chẳng phải nhặt được nó là nhà mình có phúc không? Giời cho mình đấy. Nó vừa trắng trẻo vừa nhanh nhẹn.”
Thế mà bố mẹ rủ nhau đi mãi để nó một mình bơ vơ. Nó không biết làm gì để có cái ăn, không biết học hành thế nào để có cái chữ, không ai dạy bảo để học được cái lễ nghĩa ở đời. Thế thì nó khôn làm sao được. Làm sao nó nuôi được bố mẹ. Đến ngày giỗ của bố mẹ nó còn không làm tròn nữa là. Khu vườn ngày xưa đẹp đẽ là thế mà bây giờ xơ xác và dúm dó như cái váy đụp. Đúng là nó có tội với bố mẹ rồi.
Không ai biết Vớ ngồi khóc một mình. Những giọt nước mắt thức tỉnh tính người của một thằng con rơi bị khinh rẻ mấy chục năm qua. Nó nhận ra quyền làm người khi đã trải qua những biến cố. Tưởng rằng cuộc đời nó thay đổi, không phải sống cảnh đầu đường xó chợ nhưng con người nó u mê không biết giữ gìn. Nó phải làm gì để lại có những giờ phút sung sướng với Hãn? Nó đã bị xua đuổi. Nhưng mảnh đất này của cha mẹ để lại mà. Nó đã quên mất đất quý biết bao. Nhà nào cũng giữ đất khư khư là gì. Mình cũng phải giữ đất chứ. Chỉ có đất, có mảnh đất cắm dùi thì mọi người mới không khinh nó. Tại sao nhà anh Vẹm trồng cây tốt thế mà nó lại không làm được? Nó lười hay nó ngu? Có thể cả hai nhưng con người ta không thể ngu được mãi. Nó sẽ hỏi ông Vấn, ông Thìn và những người tốt bụng để cây cối có thể nuôi sống được nó. Kể ra được sống cùng chị Hãn cũng tốt. Nó sẽ làm việc chăm chỉ như lời chị bảo để chị lại thương yêu nó như trước đây. Nhà phải có vợ có chồng. Dù ông Hình nói thế nhưng nó vẫn tin đứa con trong bụng chị Hãn là con nó. Có con rồi nó sẽ làm việc nhiều hơn và chăm chú vào gia đình. Không phải ngay bây giờ Hãn sẽ chấp nhận nó vì việc làm hôm nay nhưng dần dần sẽ hiểu và thông cảm cho nó.
Trời lờ mờ tối Vớ vác lồ cam đi khắp làng. Gặp trẻ con đứa nào thích thì cứ lấy, thích ăn bao nhiêu thì ăn. Chỉ loáng cái lồ cam đã hết sạch.
– Từ thuở bé đến giờ mới thấy Vớ có quà cho người khác. Trời chắc sắp sụp rồi.
Mấy đứa trẻ vừa ăn cam vừa nói.
– Từ nay chúng mày phải gọi tao theo bề bậc. Thằng này phải gọi tao bằng chú, thằng này gọi tao bằng anh. Còn thằng này, thằng này….
Vớ chỉ vào bọn trẻ phân rõ vai thứ. Bọn trẻ nhăn răng cười. “Thằng Vớ” là cái tên được lập trình từ khi chúng bập bẹ nói tiếng người, thế mà giờ nó đòi thay đổi.
– Còn lâu nhá! Mày tưởng chỉ có mấy quả cam mà thay đổi được à?
– Sao không! Tao không còn ngu đần ai bảo việc gì cũng làm. Tao sẽ đòi đất để làm lại nhà, chăm cây cối.
– Mày lấy gì làm nhà? Ăn còn không đủ nói gì đến làm. Hay là nhờ bà Hãn. Ai cũng biết mày bị ra rìa rồi.
– Không đâu! Chỉ ít hôm nữa mọi việc sẽ đâu vào đấy. Dạo này tao khôn rồi.
– Khôn như thế nào?
– Thì…..như thế này là khôn chứ còn gì nữa.
Bọn trẻ cười khanh khách khiến Vớ cũng nhe răng cười theo. Nó chưa thể cắt nghĩa thế nào để bọn trẻ hiểu nhưng nó nhìn xung quanh cũng biết ai là người tốt ai là người xấu. Nó sẽ học cách sống của người tốt và không chơi với người xấu. Người tốt là ông Vấn, Tố, ông Thìn, ông Hiến….., người xấu là bố con ông Hình, thằng Thạnh, bà Lây….. Nó sẽ không ăn trộm, không nghe lời ông Hình rình trộm việc làm của người khác, không làm việc hại đến ai, mặc dù ông Hình cho nó ăn khi đói, trả tiền khi nó làm theo sự chỉ bảo của ông…..Song nó cũng phân vân xem chị Hãn, bà Thoan hay thậm chí ông Tấn, thằng May, thằng Công…là người tốt hay người xấu. Chắc phải tuỳ từng việc và từng lúc.
Vớ quay lại vườn định lấy tiếp lồ cam nữa mang đi phân phát thì khu vườn đã sạch trơn. Cả hàng rào nó kì công ngắm nghía cắm lại cũng bay mất. Không còn ranh giới đất nhà nó và nhà anh Vẹm. Cơn nóng lại bắt đầu bốc lên. Tại sao cha con anh Vẹm dám khiêu khích nó? Đã bảo đất nhà ai nhà ấy dùng cơ mà! Cây bưởi còn sót lại vài quả đẹn bằng nắm tay đứng im lìm như trách cứ nó. Túp lều rách liêu xiêu phất phơ vài tàu dừa khô chỉ muốn đổ ụp xuống. Có bàn thờ bố mẹ nó trong túp lều đó.
Không hiểu sao lần này Vớ không điên cuồng lao vào nhà anh Vẹm mà chậm rãi chui vào ngôi nhà lụp xụp. Từ lâu nó không lai vãng tới nên mạng nhện mặc sức chăng đầy. Bát hương bằng đất nung chỏng chơ hai ba cái chân hương bạc phếch. Hình như lần cắm hương gần đây nhất cũng lâu lắm rồi. Vớ không nhớ ngày giỗ cha mẹ. Đông Phong có anh cu Tẹm có biệt tài kì lạ là nhớ như in ngày chết của người trong làng. Anh cu Tẹm dở người mắt mũi lèm nhèm nói năng lắp bắp chậm chạp nhưng ai giỗ ngày nào không bao giờ anh quên. Vớ thường được anh cu Tẹm nhắc. Nó đảo về nhà kiếm quả trứng thắp nén hương rồi ngả xuống chén một mình. Thế là xong một đám giỗ. Nhưng năm vừa rồi anh cu Tẹm bị ốm. Thành ra bát hương nhà nó xác xơ. Có thể bố mẹ nó đang bơ vơ và biến thành ma đói ma khát lang thang đi kiếm ăn cũng nên.
Không còn nén hương nào nên Vớ cứ ngồi lặng trong lều. Nó chắp hai tay thành kính như trong đám giỗ tổ. Nó lẩm bẩm nói bố mẹ tha lỗi và phù hộ cho nó. Nó nghĩ được nhiều và đầu óc nó đã sáng rỡ như ánh trăng đêm rằm rồi. Bố mẹ yên tâm, nó sẽ thờ cúng và làm điều tốt để bố mẹ được yên lòng nơi chín suối. Tất nhiên đó là những điều nó học được khi ra chùa và xì xụp quỳ lạy trong ngày giỗ tổ họ Hoàng. Mọi người cầu cúng được thì tại sao nó lại không? Có phải tại nó không nói được ước vọng với các đấng thần linh và cha mẹ nên cuộc sống của nó mới khốn khổ? Càng nghĩ nó càng thấy mình còn vô vàn điều thiếu sót và nghiệm ra mình khổ là phải, ngu là phải. Đường đường là một thằng đàn ông mà phải sống dựa vào sự bố thí của người khác trong khi mình có nhà, có đất. Nếu biết ra thì mình có thể tự nuôi sống mình. Thế mà đất thì để người ta chiếm mất, nhà thì đổ nát chỉ còn mỗi một chỗ chui ra chui vào như thế này.
D.T.N