
CHƯƠNG X
Anh thanh niên Hoàng Văn Húng đi bộ đội đúng thời điểm chiến tranh ác liệt. Khi ông Vấn biết tin thì mọi sự đã rồi. Ông Vấn lo cho em. Nó yếu ớt và nhút nhát thế làm sao đánh nhau được. Chiến trường đang ở thời kì ác liệt. Tìm lí do nào đấy đưa nó trở lại đây, làm gì cũng được.
Giữa trưa hè chói chang anh và Hải con chú Lượng phải đào một đoạn hào dài năm mét, sâu một mét. Chẳng là hai anh em trốn đơn vị ra thị xã chơi. Mồ hôi ướt đầm nhưng cổ họng khát khô. Hải hì hục đào còn anh hoạ hoằn mới nhảy xuống hất vài xẻng đất khô rời rông rổng. Hải là một đứa thật thà thương ông anh họ ốm yếu. Mỗi khi anh kêu mệt nó xung phong làm giúp. May sao tiểu đội có hai anh em cùng họ cùng làng chứ không anh ốm đòn từ lâu. Tiếng là ở nông thôn nhưng anh chỉ biết học chứ có biết cày cuốc gì đâu. Ông Vấn là tượng đài sống vì từ khi bước chân vào quân đội danh tiếng ông đã nổi như cồn. Chiến trường nào ông và đồng đội cũng lập được chiến công vang dội. Tàu của ông bắn chìm tàu chiến Mĩ, tàu của ông chở vũ khí vào tuyến lửa an toàn….Khi có giấy khen gửi về là cán bộ xã lại phát động một đợt học tập gương chiến đấu của ông Hoàng Văn Vấn. Ngày ấy người ta học tập nghiêm túc lắm. Bản thân anh Húng cũng được thơm lây. Mà lạ là chỉ có Hoàng Văn Vấn được tuyên dương còn ở địa phương không thấy có trường hợp thứ hai. Ông Tấn nửa đùa nửa thật bảo mỗi vùng người ta chỉ chủ trương dựng một anh hùng. Ông đọc vanh vách bên huyện A. có ông Tần, huyện B. có ông Mạnh, huyện C. có ông Rạt, huyện ta có ông Vấn. Phải học tập những anh hùng là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là thanh niên. Xây dựng hình ảnh một điển hình phải bài bản, phải nêu bật được những thành tích của người ấy. Chẳng ai biết ông Vấn đánh đấm thực hư thế nào nhưng chuyện về ông nhiều vô kể. Nhà trường, các đoàn thể đều phải học tập và thuộc vanh vách từng chiến công của ông. Những bài viết trên báo chí ca ngợi ông tả xung hữu đột xông vào xào huyệt địch kiểu thần thông biến hóa, hàng rào thép gai chỉ cần một chút tách nhẹ là ông qua dễ dàng. Tàu địch đang ở ngoài khơi bỗng bốc cháy rừng rực mặc dù được canh phòng cẩn mật. Thì có ông Hoàng Văn Vấn có tài lặn biệt danh người nhái đã đặt bộc phá, thủy lôi đánh cho tan tác.
Anh Húng là người được ông anh truyền lửa nên việc anh xung phong đi bộ đội là điều tất nhiên. “Sẽ có một ông Vấn thứ hai cho mà xem. Làng Đông Phong sẽ thêm một anh hùng”. Mấy cán bộ xã đang say sưa với một điển hình làm rạng danh cho quê hương hỉ hả nói với nhau.
Ngày tiễn anh Húng lên đường chưa bao giờ có không khí tưng bừng như thế. Thời chiến nhưng đường từ nhà anh tới trụ sở uỷ ban xã ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Các cháu học sinh được nghỉ học xếp hai hàng diễu hành trong tiếng trống ếch rộn rã. Trong làng ngoài xã tạm hoãn mọi công việc để tập trung vào việc tiễn tân binh lên đường. Không khí oai hùng, thiêng liêng trong giờ phút xuất quân. Ông chủ tịch giương đôi mục kỉnh đọc danh sách những người nhập ngũ. Những cái tên Nguyễn Văn An, Hồ Văn Cũn, Đỗ Văn Dũng, Vũ Văn Thõng, Hoàng Văn Hải….lần lượt lướt qua. Không khí thực sự nóng lên khi cái tên Hoàng Văn Húng được ông chủ tịch xướng lên với tốc độ âm thanh của máy bay phản lực. Giọng ông lạc đi như người chỉ huy trên trận địa pháo. Đám đông có cảm tưởng sẽ nhảy dựng lên để sẵn sàng lao ra chiến trường. Ông chủ tịch ngẩng lên vài giây và hắng giọng: “Thưa toàn thể đồng bào! Xã nhà hi vọng sẽ có thêm anh hùng mang tên Hoàng Văn Húng làm rạng danh quê hương quật khởi của chúng ta như anh hùng Hoàng Văn Vấn đã từng. Chúng ta hãy đồng thanh hô vang để chúc mừng người anh hùng tương lai Hoàng Văn Húng của chúng ta!”. Ông dọn giọng è è trong chiếc loa rè và hét lên: “Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!”. Tức thì cả một biển người giơ thẳng hai cánh tay lên trời hô vang “Nhiệt liệt”. Không phải một lần, hai lần….mà cả một tràng dài không ngớt. Tiếng hô chỉ lắng xuống khi cổ họng ai cũng khô đi vì bỏng rát.
Nhưng cuộc đời đâu học được chữ ngờ. Húng thấy ngay là mình đã sai lầm. Cuộc chiến đấu cam go không phải là chỗ của anh. Ngay ngày huấn luyện đầu tiên người anh đã choáng váng gần như ngất lịm trong cái nắng hè gay gắt. Anh liên tục bị phạt vì những lí do hết sức ngây ngô. Anh cứ phải cố và không ai khác là Hải đã giúp anh chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc sống mới.
Kỉ luật quân đội không cho phép anh thích làm gì thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ. Đáng lẽ phải lao động anh lại chạy ra gốc cây tránh nắng. Giữa đêm đáng lẽ phải ngủ thì anh lại dậy bật đèn pin viết nhật kí hoặc thư từ. Rồi thì ba lô hành quân nặng quá anh trút bớt ra cho nhẹ rồi lừa lúc chỉ huy không để ý anh giúi cho Hải cầm giúp.
Trong một buổi chỉ huy quân đoàn đến thăm đơn vị anh bị lôi ra trước đoàn quân chỉ trích. Chẳng là bộ đội được lệnh xếp hàng với không khí trang nghiêm, ai nấy mắt nhìn thẳng, hai tay khép sát thẳng chỉ quần để chỉ huy duyệt đội hình. Tập đi tập lại đến vài chục lần, mọi sự đâu vào đấy. Ai dè khi tất cả đang nghiêm túc đứng xếp hàng cho đoàn cán bộ cao cấp đi qua thì anh giở chứng. Anh thấy người nôn nao, mắt hoa lên như người say nắng. Anh cố gắng không để mình ngã vật xuống đất. Trong bụng anh đột nhiên đau quặn, mồ hôi vã ra như tắm. Cơn đau hành hạ khiến anh phải co người lại, mặt méo như cái bánh đa nướng dở. Một tay anh kín đáo bóp chặt bụng nhưng cơn đau vẫn quặn từng hồi. Không chịu được, anh cúi gập người. Khí tích tụ bên trong do bị đè nén nhiều quá phải bung ra. Thế là một tràng trung tiện như súng liên thanh nổ giòn giã khi đoàn người đến chỗ anh đứng. Trời xanh ngằn ngặt, nắng rát mặt không một lọn gió nên âm thanh phát ra không thể che giấu. Ngay lập tức tiếng cười vỡ oà. Cả đoàn quân nghiêng ngả như đàn kiến vỡ trận.
Không chỉ các chiến sĩ đứng gần mà người cách xa anh đến chục mét cũng nghe thấy. Cán bộ huấn luyện đơn vị gần như sụp xuống. Việc này chắc chết như chơi. Đáng lẽ họ phải giấu anh đi, không cho anh tham gia hôm nay. Trong các buổi tập dượt anh không mắc chứng nọ cũng tật kia. Song có điều nằm mơ họ cũng không thể ngờ anh lại giở trò này ra. Không chỉ anh mà cả ban huấn luyện bị kỉ luật vì thiếu nghiêm túc. Nếu chiến đấu ở chiến trường thì những phần tử thế này sẽ rất nguy hiểm.
Biết anh Húng là em trai anh hùng Hoàng Văn Vấn, ban kỉ luật chỉ kiểm điểm qua loa rồi điều anh xuống làm anh nuôi. Công việc dễ thở hơn nhưng vẫn lạc điệu. Không ai muốn đời lính phải chúi đầu vào ba việc bếp núc. Làm người lính phải xông ra mặt trận, phải lập chiến công hiển hách. Lí tưởng cao đẹp trước khi ra trận bị những chiếc nồi quân dụng chiếm lĩnh. Anh không chịu. Thế là anh rủ Hải trốn đơn vị.
Hai anh em tuy không thông thạo địa hình nhưng nếu để ý và chịu khó hỏi han cánh lái xe tải cũng hiểu được nên đi hướng nào. Họ sẽ đi theo hướng các xe tải đầy ắp hàng hoá để tiến ra chiến trường. Khu nào bị bom thì tan hoang còn đâu rừng vẫn dày đặc nên việc trốn chạy có dễ hơn. Từ chỗ đơn vị nghỉ đêm, Hải đi trước tìm đường, Húng lẽo đẽo chạy theo. Mấy nắm cơm giấu trong túi áo cứ nhảy tưng tưng khiến anh không chịu được. Hai anh em bàn tính muốn đến được chiến trường thì phải tiết kiệm vì biết lúc nào tìm được đơn vị nào đó mà nhập vào. Mỗi ngày chỉ ăn một nắm cơm cùng vài thứ hoa quả rừng. Húng vừa chạy sau Hải vừa thò tay vào ba lô cầm nắm cơm. Thỉnh thoảng anh ghé miệng vào cắn một miếng. Anh không chịu được cái đói cồn cào. Thằng Hải chịu được đói được rét kệ nó. Nhỡ chết bụng cũng no không sợ thành ma đói ma khát.
Hai anh em mới luồn rừng hơn hai ngày thì bị bắt. Bộ đội hành quân gặp hai anh lính mặt cắt không còn giọt máu còn người thì bê bết bùn đất đang bò toài dưới bờ suối. Thái độ của hai anh lính trẻ không qua nổi mắt họ. Cũng may họ thẳng hướng chiến trường mà tiến và sau khi nghe được lời thú tội chân thành nên đơn vị chỉ cảnh cáo. Đào một đoạn công sự trong thời gian hai ngày. Hai ngày không xong sẽ bị phạt thêm. Chỉ có Hải là khổ. Nắng rát mặt vẫn cứ phải cố. Anh họ có biết làm đâu. Nó vừa thương vừa sợ vì anh Húng doạ nếu không tích cực anh ấy sẽ báo đơn vị. Anh Húng có ông Vấn đỡ, nó thì chỉ dám núp dưới bóng anh Húng thôi. Trong lòng có đôi chút ấm ức song Hải vẫn cần mẫn làm.
Xong chuyện kỉ luật thì hai anh em được bổ sung vào chiến trường. Hải thích lắm. Nó chờ ngày này tưởng đã rất lâu rồi. Hành quân ngày đầu tiên Hải đi phăm phăm mặc cho Húng phải cố mới theo kịp. Nó đeo hầu hết quân tư trang mà anh vẫn thở hồng hộc. Không riêng gì Hải mà người nào cũng náo nức. Được góp sức vào sự nghiệp chung còn hạnh phúc nào bằng. Trong một đêm tối trời đơn vị dừng chân bên bờ suối, Hải gác chân lên đùi anh họ thở hào hển:
– Anh em mình sướng quá. Sắp được nhìn thấy thằng cướp nước.
– Sao lại chỉ nhìn? Phải bắn cho nó vỡ đầu ấy chứ.
– Em sẽ nhằm trúng tim nó mà ngắm. Em căm thù bọn cướp nước. Nó bắn giết không biết bao nhiêu người dân vô tội.
– Nó còn bỏ bom khắp các làng quê. Ở đâu cũng có tội ác của chúng.
– Không biết người nó như thế nào mà ác thế anh nhỉ?
– Tao nghe nói nó to như con trâu mộng. Mắt xanh, mũi lõ.
Thằng Hải chợt nhổm dậy thì thào vào tai anh:
– Anh này! Không biết lúc ấy mình có run tay không?
– Sao lại run! Bắn bỏ mẹ nó đi chứ!
– Em sợ trông nó to cao lừng lững thế lại chạy trốn vì sợ.
Húng hích Hải mấy cái cho tỉnh lại:
– Mày chỉ được cái to xác. Đừng có thần hồn nát thần tính. Ra chiến trường mà sợ thà chiêu hồi còn hơn.
– Làm gì có chuyện em chiêu hồi.
– Phải như anh Vấn nhà tao mới sướng. Chỗ nào thắng lớn y như rằng có mặt anh ấy.
– Thế mới là anh hùng chứ. Biết đâu sau này anh em mình cũng là anh hùng.
– Có mà anh hùng rơm thì có. Này!
Húng quay qua Hải thì thào:
– Hải ơi! Nếu tao chết mày về bảo với bu tao là tao chiến đấu dũng cảm lắm. Tao bắn được nhiều giặc lắm nhá. Hôm tao đi bu tao khóc suốt.
Miệng thằng Hải méo đi:
– Còn nếu em chết anh cũng bảo với thày bu em là thằng Hải dũng cảm lắm nhá. Không được ai để lộ chuyện hai thằng trốn đơn vị bị kỉ luật đâu đấy.
– Mày cũng không được kể chuyện tao đánh rắm nhá. Tao chỉ thương bu tao. Có hai anh em đều biệt tăm biệt tích. Sống chết không biết thế nào.
– Thì anh em mình vì Tổ quốc mà. Hôm xuất quân anh chả hứa hay thế còn gì.
– Vẫn biết thế. Nhưng chết thì tiếc lắm. Còn bao nhiêu việc chưa làm được.
– Anh Húng ơi!
– Cái gì?
– Nếu em chết anh nhớ chôn em sâu xuống rồi đánh dấu cẩn thận. Anh nhớ viết tên em cho vào lọ pê-ni-xi-lin để khỏi lẫn nhá. Anh phải nhớ rõ vị trí chôn để sau này đưa em về quê. Em nhớ Mai quá. Em chưa nói được là em yêu nó.
Giọng Hải méo đi. Húng thấy nó đưa tay quệt nước mũi. Thì ra nó không gan lì như anh nghĩ. Anh véo Hải một cái rõ đau:
– Thằng này nói ngu bỏ mẹ. Chưa đánh được trận nào đã nghĩ đến chết. Mày đừng có nói gở. Sắp vào đến chiến trường rồi. Không nghĩ ngợi linh tinh nữa. Mình phải lấy đó làm tự hào chứ. Nhưng nhớ sau này về quê đừng có nhắc đến chuyện lúc nãy hai anh em mình bàn nữa đấy. Nhớ chưa?
Hai anh em ngoắc tay nhau trong đêm tối. Không nhìn thấy mặt nhau, chỉ thấy hai hàm rắng trắng đang lộ ra. Họ cùng cười và háo hức nghĩ về ngày mai. Tuổi trẻ mà, buồn đấy rồi lại vui đấy được ngay. Hai người trai trẻ đang rừng rực niềm tin yêu cuộc sống và khát khao cống hiến.
Đường Trường Sơn chi chít bom Mĩ. Bộ đội càng vào gần chiến trường thì mức độ nguy hiểm càng tăng. Lực lượng quân sự Mĩ và Việt Nam cộng hoà đánh phá liên tục bằng không quân và cả bộ binh. Hàng rào điện tử Mc Nảma giúp hướng dẫn máy bay đánh bom và lính Mĩ nhảy dù. Ngoài ra chúng còn sử dụng các loại chất độc hoá học rải xuống nhiều vùng dọc đường Trường Sơn khiến cây cối không thể sống nổi. Đoàn quân hành quân ròng rã hơn hai tháng. Khỏi phải nói họ đã trải qua những ngày đêm khổ cực như thế nào. Mấy lần Húng nản lòng và thì thầm với Hải là anh không thể chịu đựng được nữa. Những ngày đầu còn nhìn thấy màu xanh của cây cối, nước suối trong vắt chảy róc rách còn thấy niềm vui. Sau đó ngày nào cũng phải đối mặt với những trận bom, không chết người thì cây cối cũng bị cắt phăng khiến ý chí không ít người bị lung lay. Húng thì thào khi chỉ còn hai anh em:
– Hải ơi! Anh em mình phải chuồn thôi!
– Chuồn làm sao được. Anh thấy chỉ có người đi vào chứ có gặp ai đi ra đâu.
– Mày không chịu quan sát đấy thôi. Có nhiều chỗ mình có thể trú được lắm. Núi non trùng điệp thế này làm sao không có chỗ trú? Chờ lúc vắng người anh em mình trốn.
– Trốn ở đâu?
– Dọc đường Trường Sơn đầy chỗ.
D.T.N