Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Chương XI

Có lẽ những phút thổn thức của hai anh em khiến không khí căng thẳng lúc trước chùng xuống. Hình như hai người cùng nhận ra một điều gì đấy thiêng liêng và máu thịt hơn những việc đang diễn ra. Thôi thì “Dao sắc không gọt được chuôi”, nhà ai cũng có khúc mắc không thể giải quyết được. Không gì dễ bằng việc lấy tình máu mủ ra để cho qua mọi chuyện. Ông sẽ nói cho mọi người hiểu ý tốt của em ông. Dù sao chú ấy cũng có lí.

Vớ như từ lỗ nẻ chui lên hiện ngay trước mặt anh em ông Vấn kêu thất thanh:

– Ông ơi! Ông sang nhà thờ tổ mà xem. Mọi người đang phá hết rồi.

– Phá cái gì?

– Nhà thờ chứ còn gì nữa?

– Sao lại phá?

– Cháu không biết! Hai ông đi đi!

– Ai phá?

– Nhiều người lắm. Cả cãi nhau nữa. Ông Thống với ông Hiến bỏ về rồi. Các ông ấy bảo “đút cặc” vào nhà thờ tổ.

– Mày không được nói láo!

– Cháu không nói sai đâu. Ông đến mau lên!

Không kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào, ba người tất tả chạy lại nhà thờ tổ.

Không ai khác là Tố đứng chống nạnh giữa sân nhà thờ tổ. Mặt Tố hiện rõ sự bực tức. Làm ăn kiểu gì thế không biết?

– Tôi đã bảo các ông làm đúng như thiết kế tôi duyệt lúc đầu cơ mà.

– Nhưng sau này hội đồng gia tộc tiếp thu ý kiến của họ hàng là…

Ông Thìn ngồi ở gốc vải nhăm nhăm cầm cây bút và quyển sổ chờ người đến công đức thấy mặt Tố hằm hằm ngó nghiêng chạy ra phân trần. Không chờ nghe hết câu, Tố quát lên:

–  Tại sao các ông không nghe tôi? Tiền của tôi là tiền thật chứ có phải tiền âm phủ đâu.

– Chúng tôi nhất trí làm như cậu nói, nhưng nhà cũ quá, lại quá nhỏ so với quy mô dòng họ nhà ta.

– Nhỏ cái gì? Ông so cái cũ với cái này xem nào ? Có phải như cung đình với nhà xí không?

– Sao cậu lại so sánh quá thể thế. Nhà thờ tổ dựng lên là chỗ thờ chung cho cả họ thì cũng phải tôn trọng mọi người một chút chứ.

– Nhưng chỉ lời nói suông thì nước mẹ gì. Ai cũng hứa! Hứa! Hứa…hão…

– Cả họ cố gắng lắm rồi. Cậu không ở nhà mà xem, ngày nào cũng vài chục người.

– Tôi biết là như thế! Nhưng các ông phải tôn trọng tôi, tôn trọng đồng tiền tôi bỏ ra chứ.

– Thì ai chả biết tiền cậu bỏ ra.

– Thế ai bảo các ông thay đổi thiết kế. Đây ông xem, tôi không về thì mỗi chỗ nhô ra một tí trông như cái đụn rạ.

–  Nhiều người tham gia ý kiến sau này phải mở rộng nữa ra chứ nhà này vẫn nhỏ.

– Các ông chỉ được thói có voi đòi tiên. Bao nhiêu năm mới xây được một cái nhà thờ cho ra hồn. Tiền là vỏ don chắc.

– Thế cậu bảo bây giờ phải làm thế nào?

Ông Thìn ngước đôi mắt có cặp kính lão dày cộp vào mặt Tố. Lúc nào ông cũng nhã nhặn và nhường nhịn. Ông coi Tố như anh hùng của thời kì đổi mới. Thằng cháu to lớn đang huơ chân múa tay chỉ trỏ liên hồi trước ông Thìn nhỏ thó. Cả người Tố như một cái hồ lô che gần kín ông:

  • Tôi bảo làm như thiết kế ban đầu cơ mà. Chỗ nào sai đập đi. Con người ta phải biết cái gì đúng cái gì sai chứ. Không nể tôi một tí à ?

Từ ngày bỏ ra năm mươi triệu và chứng kiến cái ví đầy ắp ở chỗ mua nhà, tiếng tăm Tố càng nổi. Không nói gì đám thanh niên, kể cả ông bà già cũng nhũn như con chi chi.

Ông Vấn đến đúng lúc Tố đang vung tay vung chân đòi làm đúng thiết kế ban đầu. Đúng là “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, bức tường xây chưa kịp khô đã bị Tố phá băng. Cái búa tạ đang nằm trong tay Tố sắp sửa vung tiếp bị ông Húng xông vào giật lấy ném ra góc vườn.

– Thằng này khá! Thằng này gớm! Mày tưởng một mình mày xây được nhà thờ chắc ?

Ông Húng giữ chặt hai tay Tố khoá chặt ra đằng sau. Tố như người bị đeo còng số tám. Không thể cử động nhưng một chân Tố vẫn vung lên tỏ rõ sự tức giận. Tố nói đã đặt mấy đôi câu đối ốp vào những chỗ cột bị mối mọt. Thế là được chứ sao phải chèn sửa làm gì, ai cho đục đẽo nham nhở linh tinh thế này.

Từng khuôn mặt trong đám đông đỏ lên vì tức giận. May vung tay rõ cao:

– Này! Mày đừng tưởng có tiền mà khinh thường mọi người nhá.

Tố nhìn May chằm chằm:

– Mày nói gì? Tao có khinh ai đâu!

– Thế mày bảo ai chỉ hứa. Người có của người có công. Tiền của mày xếp vào tự dưng thành cái nhà à?

– Thế không có tiền cái nhà thờ tự dưng nó mọc lên à?

– Nhưng cách mày khinh thường mọi người như thế là không được. Mày chỉ là thằng chi dưới thôi đấy. Không bề bậc phép tắc gì. Cá mè một lứa.

– Thế mày không biết đồng tiền nó sai bảo được mọi thứ à?

Ông Vấn rẽ đám đông đứng sững trước mặt Tố. Khuôn mặt ông tái đi vì giận.

– Tố! Cháu ăn nói cho cẩn thận. Sao lại kể tiền ở đây. Họ tộc rất tôn trọng và ghi nhận tấm lòng của cháu. Tại sao cháu lại có thái độ như thế? Người trong họ cũng công đức chứ không riêng gì cháu đâu.

– Nhưng ông không hiểu đồng tiền cháu làm ra khó khăn vất vả thế nào. Mọi việc cháu thống nhất với hội đồng gia tộc mà ở nhà không thực hiện đúng cam kết.

– Cháu nói xem! Có gì không đúng nào. Những hạng mục cơ bản đều theo thiết kế còn gì.

– Thiết kế vẽ tỉ mỉ đến từng chi tiết rồi. Mà không phải cháu vẽ, phải thuê một kiến trúc sư am hiểu về nhà thờ tổ. Cháu đi tham quan những nhà thờ tổ nổi tiếng mới có được bản thiết kế ấy. Ở nhà các ông làm hỏng hết ý đồ của cháu.

–  Nếu những thay đổi tôi trình bày với anh hợp lí thì anh có đồng ý không?

Ông Húng tức giận trước thái độ hợm hĩnh của đứa cháu, xông đến chắp hai tay vào cạnh sườn như thách thức. Ông đổi cách xưng hô khi sự việc trở nên nghiêm trọng.

– Nhưng tôi nói để một mình tôi công đức nhà thờ tổ, tôi không cho ai tham gia vào cơ mà. Ông không thấy từ trước đến nay họ Hoàng thờ cúng trong một cái nhà khác gì cái lều. Mất hết cả sĩ diện.

Tố cũng tức giận đổi cách xưng hô như ngoài đường ngoài chợ. Đúng là con nhà mõ, chẳng có phép tắc gì.

– Trước đây ai cũng khó khăn, có thế nào dùng thế ấy. Bây giờ con cháu ra ngoài làm ăn khá giả mới nghĩ đến chỗ thờ cúng đàng hoàng. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải cư xử cho đúng phép tắc, trên dưới hoà thuận. Anh làm mọi người mếch lòng rồi.

– “Lắm thầy nhiều ma”, lúc trước chẳng thấy đâu giờ có tôi đứng ra lại lắm chuyện. Làm thế này tôi không đồng ý.

– Thế anh định thế nào?

– Ông thấy hướng nhà thờ tổ quay vào lưng nhà họ khác không thấy chướng à? Vườn cây ao cá kia sao không tận dụng. Phía ngoài là đường đi, nhà hướng về phía vườn cây ao cá mới phát chứ.

Ông Thống đã trở lại từ lúc nào nói to:

– Nhà đã dựng rồi thì không thay đổi được nữa.

– Ông nói lạ! Có gì mà không thay đổi được. Tôi sẽ ở nhà để cùng các ông chỉ đạo việc này. Chỉ ngày mai là mọi việc đâu vào đấy.

– Liệu cả họ có thông không?

– Ông Vấn và ông Tấn nói mọi người sẽ nghe theo. Xoay cái nhà chứ có xoay cả quả đất tôi cũng làm được. Nhà ảo thuật nước ngoài có thể cho Vạn lí trường thành của Trung Quốc biến mất nữa là.

– Nhưng anh có phải nhà ảo thuật đâu. Đây là nhà thờ họ Hoàng.

– Ông chưa biết khả năng của tôi thôi. Rồi ông xem.

– Nhưng từ xưa đến nay nhà thờ tổ chỉ quay hướng này.

– Thế mới có chuyện dở người một lũ, điên điên khùng khùng một lũ…

Ông Tấn thất thểu bước thẳng đến chỗ Tố đứng. Hình như sự tức giận giúp ông vững bước hơn. Khi chỉ còn cách Tố một sải tay ông dùng hết sức bình sinh lao thẳng vào người Tố. Không ai kịp ngăn khối thịt nặng nề, Tố cũng quá bất ngờ đến nỗi cả hai ông cháu cùng ngã nhào xuống đất. Người Tố đổ đánh rầm vào đám gạch đá lổn nhổn, ông Tấn nặng nề đè lên trên. Có đến vài phút hai người nằm sõng soài dưới đất không thấy động tĩnh. May giật mình ngồi thụp xuống định nâng ông Tấn dậy nhưng thấy sắc mặt ông thật đáng sợ nên cứ ngồi lặng đi. Mấy người xung quanh xúm vào. Ông Tấn thở khó nhọc, hai hàng mi khép chặt nhưng nước mắt trào ra đầy mặt. Ông bày tỏ sự tức giận, nỗi đau khổ đang hiện rõ bằng việc lao vào đứa cháu hợm của. Hành động không ai ngờ tới của một người mắc chứng thần kinh đã lâu. Còn thằng Tố, nó nằm thẳng cẳng không ai thèm nâng dậy.

– Khổ thân tôi rồi! Các ông các bà xây được cái nhà nhưng tôi thì khổ. Giờ một mình tôi làm sao hầu hạ phục dịch được hai người. Thôi các ông muốn đem đi đâu thì đi, xây thế nào thì xây. Giời ơi!

Bà Tấn từ ngoài rẽ đám đông xông thẳng vào chỗ ông Tấn. Hai tay bà nâng đầu ông lên nhưng ông Thìn ngăn lại:

– Bà nhẹ tay thôi. Nhỡ ông ấy bị lại thì nguy hiểm. Người bị tai biến không được cử động mạnh.

– Nhưng giờ tôi biết làm sao? Ông ấy cứ nằm đây à?

– Lát nữa mọi người sẽ cho ông ấy vào giường.

Tố nằm duỗi dài trên nền đất. Cú va đập xuống đống gạch làm nó bị choáng. Nghe ông Thìn nói, mọi người cũng không dám đẩy ông Tấn ra nâng nó dậy. Thằng này huyếnh lắm. Cậy có tí của coi giời bằng vung. Cú ngã này ông Tấn gay là cái chắc. Chẳng gì nó cũng là nguyên nhân khiến ông Tấn chìm sâu vào bệnh tật.

Hai người nằm sõng soài dưới đất chấm dứt sự ồn ào lúc trước. Ông Vấn đưa tay ôm đầu. Riêng ông Húng thì cười. Vừa chậm rãi đi xung quanh, ông vừa gật gù:

– Thằng Tố nói phải! Quay mặt vào lưng người khác thì chỉ có triệt. Nhân chứng sống rành rành ra đấy. Sao cổ hủ thế không biết. Vườn cây ao cá thoáng mát thế kia không biết tận hưởng lại đi quay vào nhà xí. Toàn đồ ngu… Tôi đã nói lúc nãy rồi.

Cũng may không ai nghe thấy lời lẩm bẩm của ông, nếu không biết đâu lại là ngòi châm cho một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại.

Người quê buồn cười lắm. Hình như cuộc sống không phải tiếp cận với cái mới, luồng thông tin mới nên người ta chú ý đến từng chi tiết của sự việc xảy ra xung quanh. Chắc chắn chuyện hôm nay sẽ là đề tài bàn tán cho các cuộc ngồi lê đôi mách không chỉ có trong dòng họ Hoàng. Các họ khác càng khinh thường vì sự lộn xộn bấy lâu nay. Cậy học cao, họ lớn nhưng nào có bảo được nhau. Chung quy chỉ tại người họ Hoàng ai cũng cho mình là khôn ngoan, cho người khác không bằng mình nhưng lại tính toán nhòm ngó nhau vì đồng tiền.

Thời gian đủ để ông Tấn lấy lại chút sức lực. Mắt ông từ từ hé mở, chậm chạp lướt qua từng người. Màn sương dần dần lộ ra giúp ông nhìn rõ hơn. Bên cạnh ông, thằng Tố cũng ngọ nguậy rồi ngóc cái đầu húi cua lên cao. Nó định nhỏm dậy nhưng cơn đau nhói trong đầu khiến nó khượt xuống. Mặt nó nhăn lại, từng thớ thịt rung lên. Ông Tấn đang vắt cả thân trên vào người nó. Ông Tấn phát hiện người đang nằm cạnh mình là thằng Tố thì cơn tức giận lại bắt đầu. Ông gườm gườm định cho nó một cái bạt nhưng không thể. Bàn tay ông quá yếu nên cái bạt thằng cháu chỉ biểu lộ một cái vẫy. Mọi người không hiểu ý đồ của ông, tưởng ông đòi ngồi dậy. Nước mắt tiếp tục trào ra bên khoé mắt. Bà Tấn ngồi lặng sụt sịt khóc. Sự bất lực khiến ông Tấn không thể thực hiện được ý đồ bằng hành động làm không khí căng thẳng dịu đi. Tiếng chê bai Tố cũng giảm. Ông Vấn ngồi xuống nắm chặt tay ông Tấn. Có lẽ cử chỉ ân tình của ông em họ an ủi ông Tấn phần nào. Giọng ông thều thào:

– Ông cho tôi ngồi dậy. Tôi không sao!

– Anh để các cháu bế vào nhà. Hay là em với cháu May dìu anh nhá.

– Không! Chú để anh ngồi một lát. Anh sẽ tự đi vào cái lều của mình.

Nói đến đây chắc ông Tấn nhớ lại lời Tố nên khóc nấc lên. Ông Vấn vẫn nắm chặt tay ông anh:

– Thôi mà anh! Chấp với nó làm gì. Nó cũng đang đau kia kìa.

– Xét về tuổi tác thì nó thừa sức nghĩ trước nghĩ sau rồi mới nói. Đằng này nó nói năng như thằng đầu đường xó chợ. Tôi thấy thằng này không tốt như họ ta tưởng đâu. Nếu nó còn ngông nghênh thì trả lại hết tiền công đức cho nó.

D.T.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder