
Chương XIII
Làng Đông Phong lại trải qua một ngày kinh hoàng. Ông trưởng tộc họ Hoàng và Tố còn đang điều trị tại bệnh viện thì mới sáng tinh mơ anh Tải phát hiện một người ngất lịm trong ngõ nhà mình. Anh dậy sớm hái mấy thùng quýt ngọt giao cho đám cưới làng bên. Những quả quýt căng mọng còn ướt đẫm sương đêm toả hương dìu dịu khiến anh phấn chấn. Một ngày mới với nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Bố con anh thay phiên nhau coi vườn quýt này hơn tháng nay vì ai nhìn cũng thích mắt. Anh biết không ít con mắt ghen tị. Thói đời mà! Trâu buộc ghét trâu ăn. Mùa cưới đến cũng là lúc quýt chín vàng rộm cả khu vườn. Nhà anh sẽ thắng lớn vì quýt Trung Quốc người ta sợ thuốc bảo quản nên đến nhà anh đặt mua rất đông. Đây là mẻ quýt đầu tiên, anh định cắt thêm một ít biếu mấy nhà họ hàng và hàng xóm thân tình. Lộc trời cho cũng phải biết san sẻ chứ hay gì người chỉ biết bo bo bom bỏm một mình.
Khi lồ gần đầy anh chuyển đến cây quýt cạnh lối đi. Màn đêm đang nhạt dần. Chợt mắt anh sững lại. Cái gì thế kia? Sao con Ki hôm nay lại ra đây nằm? Anh lia chiếc đèn pin và định gọi nó dậy. Thì ra là người!
Anh luống cuống chạy ra chỗ người nằm rồi gọi con:
– Thằng Toan thằng Tính mau lên. Toan Tính ơi! Toan… Tính….Ông…ông làm gì ở đây thế? Ô…ô… ông…ông Hình….
Hai thằng con anh Tải cầm đèn pin lao ra. Người ông Hình lạnh ngắt ướt nhèm sương đêm. Thằng Tính luồn tay vào ngực ông Hình:
– Hãy còn ấm bố ạ. Chắc bị ngất. Nhưng sao người ông ấy sưng vù lên thế này?
Ba bố con xem xét các vết thương. Không phải bị chó cắn, vì các vết thương ở cả chỗ kín, quần áo không rách kiểu bị chó gặm. Anh Tải lo lắng:
– Chắc chắn ông ấy bị đánh. Nhưng sao lại bò đến vườn nhà mình nhỉ. Tối qua không thấy chó sủa nhiều.
– Hay là đứa nào lôi ông ấy về đây để vu vạ nhà mình ?
Mặt thằng Toán căng ra. Nó rỉ tai bố:
– Mình mà để ông ấy ở đây hoặc kêu la thế nào cũng vạ lây. Hai thằng con ông ấy xỉa mình chết. Nó đốt nhà mình như chơi.
– Nhưng ông ấy bị nặng thế này không cấp cứu sẽ chết mất.
– Không chết được đâu. Ông ấy sống dai lắm. Làm bao nhiêu điều xấu rồi mà có chết được đâu. Người như ông Hình giời vật cũng không chết.
Anh Tải lo lắng nhìn thân hình bất động. Lâu nay nhà anh và nhà ông Hình có mâu thuẫn, cả làng đều biết. Không hiểu sao ông Hình luôn nhòm ngó khích bác cho dù anh chẳng làm điều gì thất lễ với ông ta. Chẳng qua mấy đứa con anh học hành đỗ đạt có công ăn việc làm tử tế, không phải đầu sông cuối bãi như hai thằng con ông ấy. Vợ chồng anh mặc những lời dèm pha độc địa và càng tránh giao tiếp với bố con ông Hình. Cớ sao ông ta lại nằm trên đất nhà anh cơ chứ?
– Bố! Để anh em con lôi ông ấy ra cống Cả cho khỏi phiền.
Thằng Tính lên tiếng. Đúng là nên như thế để tránh tai hoạ. Nhưng anh không nỡ. Thấy bố chần chừ, thằng Toán cũng bồi thêm:
– Nếu để thằng Bằng biết thế nào chúng nó cũng rắc rối với nhà mình. Mà anh em chúng con không muốn đánh nhau.
– Nhưng người ta gặp nạn thế này không cứu không được.
– Ông ấy đểu giả thì ông ấy phải gánh chịu. Thế nào cũng đến ngày này mà.
– Biết rồi! Bố con mình phải đưa ông ấy đi bệnh viện.
– Không được! Rắc rối lắm. Thế nào cũng liên luỵ. Mà nhà mình có đánh ông ta đâu mà sợ. Trời sắp sáng rồi, đừng chần chừ nữa. Chúng con còn đi làm.
Nghe hai con thúc giục, anh Tải thần người ra. Không để anh đồng ý hay không, hai thằng xốc nách ông Hình đưa ra khỏi vườn quýt.
Trời sáng rõ người đi chợ thấy ông Hình nằm còng quèo trên cống Cả thì la ầm lên. Anh em thằng Bằng xuống thuyền từ đêm qua. Thế là thanh niên May, Công và mấy người nữa trong họ Hoàng đưa ông Hình bất tỉnh lên bệnh viện huyện. Thật chẳng ra làm sao.
Ba người họ Hoàng nhập viện chỉ Tố hồi phục nhanh hơn cả. Dù sao nó ít tuổi nhất và thuốc thang cũng đặc biệt hơn. Nghe đâu nay mai nó sẽ được đưa ra nước ngoài chữa bệnh. Tiền nhiều phải chọn nơi có uy tín và trình độ y học cao cho yên tâm. Nghe nói nước ngoài người ta chỉ không thay được não thôi, còn tim gan phèo phổi chữa được hết. Bệnh viện huyện mấy ngày nay rặt người làng Đông Phong. Người ta đến để thăm hỏi song phần nào cũng vì tò mò. Ông Tấn mắc mấy bệnh liền, cái nọ liên đới cái kia. Miệng ông méo xệch từ lúc muốn quát Tố nhưng không được. Người vào thăm ngó đăm đăm một lúc mới khẽ khàng hỏi ông hay bác có nhớ tôi hay cháu không? Mắt ông nhắm chặt không phản ứng. Họ đoán già đoán non ông sắp đi hoặc bán thân bất toại, hay chí ít muốn có thông tin để buôn chuyện nên toàn hỏi những câu vớ vẩn. Chắc chắn người ta sẽ nói ông không có phản ứng, rằng ông bị “đơ” toàn phần rồi, chuẩn bị đi là vừa. Nhưng sự thực ông vẫn nhận ra từng giọng nói, thậm chí nghe bước chân cũng đoán ra người. Thì sống với nhau từ tấm bé rồi còn gì. Cớ sao họ cứ muốn thêu dệt làm rắc rối mọi chuyện lên.
Chuyện ông Hình mới là chuyện lớn. Chưa ai điều tra ra cớ sao ông bị đánh đến thân tàn ma dại. Chuyện Vớ đánh nhau với ông Hình ai cũng rõ nhưng không ai nghĩ đến việc ông bị lôi ra cống Cả. Vớ vẫn bình an vô sự vì người nó cũng đầy thương tích, cánh tay vẫn lủng lẳng. Có điều việc cánh tay nó có thêm chiếc băng trắng đeo cổ thì mọi người chưa đoán ai đã giúp nó. Thằng này khôn lỏi, ai hỏi chỉ cười trừ. Nó thừa biết nếu nói tên Hãn người ta sẽ nghi ngờ, thành ra ngoài việc ăn uống nó tránh xa chị. Bụng mang dạ chửa mà bị quấy rầy thì khổ lắm, Vớ chỉ vào nhà Hãn lúc mọi người không để ý. Và chuyện của ông Hình vẫn còn là một ẩn số.
Người cú nhất có lẽ là hai đứa con ông Hình. Biết tin bố bị đánh chúng lồng lộn suốt. Chúng nghĩ đến tất cả những người có mâu thuẫn với nhà nó. Chúng vừa uống rượu trong quán vừa phân tích xem ai có thể thù hằn đến nỗi như thế. Thằng Bằng Em tợp một nhát hết chén rượu rồi dằn mạnh xuống bàn hằn học:
– Anh em mình phải tìm cho ra thằng ôn vật nào đánh bố. Tìm ngay tức khắc chứ không cần để đến lúc bố tỉnh dậy.
Bằng Anh phụ hoạ:
– Đúng! Bắt được thằng ôn vật nào thì đánh cho nó nhừ tử. Cho về chầu ông bà ông vải luôn!
– Lão Vẹm thì sao? Chẳng phải lão biết bố ngấm ngầm xui thằng Vớ đòi lại đất đó sao?
– Thì đành rằng thế! Nhưng việc ấy xảy ra cũng lâu rồi. Chẳng lẽ đang yên đang lành gọi bố ra đánh.
– Thế lão Vịnh? Lão chẳng thù nhà mình tranh công chở đá cho công trình cống Cả là gì?
– Lão ấy chỉ xoé xoé mồm thôi. Lão biết dính vào anh em mình chỉ có thiệt.
– Hay lão Thoan?
– Hai thằng con lão yếu như sên chỉ biết học hành chứ đánh nhau nỗi gì?
Mắt Bằng Em chợt loé lên:
– Tại sao anh em mình chỉ nghi ngờ thằng ôn vật nào đó mà không tính đến con Hãn nhỉ?
Bằng Anh xua tay:
– Làm gì có chuyện ấy! Người nó loẻo khoẻo lại bụng mang dạ chửa thế có bố bảo.
Bằng Em ghé sát mặt anh:
– Anh không biết đấy thôi! Bố mình vẫn đến nhà nó.
– Chuyện gì?
– Thì…chuyện giữa đàn ông với đàn bà ấy mà.
– Mày chỉ láo!
– Đúng mà! Bố mình thích con Hãn lâu rồi nhưng nó chối.
– Cứ cho là như thế. Nhưng bụng nó chềnh ềnh ra thế thì đánh làm sao được bố?
– Thiếu gì cách. Anh biết đấy! Nó đầy tiền. Mình thuê thằng Vớ khác nào chặt cánh tay phải của nó?
– Quên đi, con ấy nó có gây hấn với ai bao giờ
– Thế mới nên chuyện. Cái chết vì tình là cái chết bất thình lình là gì? Nó thuê thằng Vớ, anh có nghĩ khả năng này xảy ra không?
– Nhưng thằng Vớ bị anh em mình đánh cho rã tay mà.
– Thì nó thuê đứa khác.
Bằng Anh xua tay:
– Mày cứ nghĩ linh tinh. Con Hãn không làm thế đâu.
Lại hớp trọn một chén, Bằng Em thì thào:
– Con Hãn tức bố mình tím gan tím ruột. Anh không biết thì thôi. Đáng lẽ thằng Vớ ngoan ngoãn theo sự chỉ bảo của nó, nhưng nghe bố mình xúi giục thằng ấy phá ngang, cộng với chuyện tối hôm nọ bố con mình đánh thằng Vớ thừa sống thiếu chết. Một thân một mình nó biết dựa vào ai ngoài thằng Vớ. Anh thấy có đúng không?
Bằng Anh gật gù;
– Kể cũng có lí!
– Anh em mình phải đến nhà con Hãn.
– Nhưng nó không nhận thì sao?
– Không nhận cũng phải nhận.
– Con ấy khôn ngoan lọc lõi lắm. Không bắt chẹt được đâu !
– Anh cứ để em. Truy con này chắc chắn ra. Em đang tức đầy mình đây.
– Tao cũng đang cú. Tìm ra thủ phạm chắc chắn tao phải băm vằm nó ra.
Hai anh em ngoắc tay thật chặt. Nhưng chén rượu vừa nâng lên đã có bàn tay của ai đó vít xuống. Bốn con mắt mở choàng tìm xem kẻ nào dám cả gan ngăn cản quyết tâm của hai anh em thì tiếng ông Vấn cất lên:
– Hai đứa không vào chăm bố sao còn ngồi đây uống rượu?
Bằng Em cầm chai liền bị ông Vấn giơ tay ra:
– Bác không uống. Việc đang rối lên thế bụng dạ đâu.
Bằng Em đứng phắt dậy:
– Bác không biết thì thôi chứ dân làng nói họ Hoàng mình ghê quá. Nào là động, nào là bị thần Phật phạt. Toàn từ mấy cái chuyện mồ mả với nhà thờ họ mà ra.
Ông Vấn xua tay:
– Việc nhà không đem ra đây bàn. Bây giờ lo chữa bệnh đã.
– Bố cháu có bệnh gì đâu mà chữa? Chẳng qua là chuyện thù hằn thôi.
– Thì biết như thế! Nhưng lo cứu người đã.
– Cứu thì vẫn cứ cứu, chúng cháu đang bàn cách tìm ra thủ phạm đây. Mẹ kiếp!
Ông Vấn nhìn hai đứa:
– Chúng mày nghi ngờ ai à?
– Chắc chắn là phải nghi ngờ người nào đó chứ.
– Ai?
– Chúng cháu không thể nói cho bác biết được.
– Nhưng phải suy xét cho kĩ. Có bắt được tay day được tóc đâu, đánh nhầm người mang tội lớn đấy.
Bằng Em vênh mặt:
– Bác nói hay nhỉ! Cứ để yên bố cháu chịu đau hay sao ? Bác từng là chỉ huy cao cấp mà không biết phân tích tình hình. Chúng cháu khoanh vùng rồi. Chắc chắn người làng Đông Phong. Không họ Hoàng thì họ khác.
– Nói bác nghe xem nào?
– Đã bảo chúng cháu chưa nói được. Để khi nào sự việc phơi bày, con ấy nó phải nhận tội.
– Cẩn thận đấy! Các cháu gây không ít chuyện phiền phức đâu. Giờ phải tập trung chữa trị cho bố cháu tỉnh lại thì mọi việc tự nhiên nó bày ra thôi.
– Bác buồn cười thật. Đến khi nào bố cháu mới tỉnh? Nhỡ bố cháu cứ thế mãi thì sao?
– Thằng này nói gở mồm.
– Anh em cháu cú lắm. Phải tìm ngay ra thủ phạm, phải trả thù cho bố cháu mới yên tâm.
– Chúng mày yên tâm kiểu gì? Hay là bắt được người ta rồi đánh cho bán thân bất toại.
– Cho nó chết luôn.
Ông Vấn giơ tay ngăn:
– Lúc ấy tội để đâu cho hết?
– Chết thì cùng chết. Không thể để chúng nó đè đầu cưỡi cổ được. Bác thấy lâu nay chúng cháu tha đứa nào được đứa đấy. Thế mà chúng nó đòi qua mặt. Nó nhè lúc chúng cháu xuống thuyền mới dám giở trò.
– Đánh nhau không phải là cách giải quyết tốt nhất. Thằng Tố đang nằm bệnh viện vì ai? Nhà nó chưa hỏi đến đâu.
– Sợ gì! Chiến thì cùng chiến. Nó sai toét nhoèn ra bác còn bênh nó.
Nhìn hai đứa cháu đang mặt đỏ như gấc, ông Vấn biết không thể dùng lời nói ngon ngọt để chúng hiểu, ông đành nghiêm giọng:
– Nhân danh là người đứng đầu hội đồng gia tộc, bác cấm các cháu làm điều gì quá khích. Họ Hoàng đã có quá nhiều chuyện rồi. Để mọi người tỉnh táo rồi mới tính xem ai đúng ai sai? Bây giờ phải chăm cho bố các cháu qua khỏi cơn nguy kịch đã. Bố mày tuy thế nhưng là người thông minh. Thiếu ông ấy chúng mày có mà ăn cám.
– Bác nói tuy thế là làm sao? Cháu chưa hiểu?
– Tất nhiên bố cháu còn gặp đâu nói đấy, còn chuyện nọ chuyện kia nhưng chung quy cũng vì họ hàng, vì làng xóm.
– Bác nói phải thì phải rồi nhưng chưa thuận. Từ xưa đến nay làng xảy ra chuyện gì xấu đều nghi cho bố cháu. Nhưng bằng chứng đâu? Còn chuyện này đứa nào gây ra tội ác đứa ấy phải đền tội. Đây là chuyện đổ máu chứ không phải chuyện vặt. Chúng cháu phải tìm ra ngay thủ phạm chứ không cần đợi bố cháu tỉnh lại.
– Nhưng tao cấm. Nếu chúng mày cố tình công an sẽ tóm cổ. Chuyện gây rối của mấy thằng họ Hoàng còn chưa xong đây này.
– Bác lạ gì mấy thằng công an xã mình, đánh bạc chơi gái thâu đêm dân tình cả xã đều biết. Tóm cổ chúng cháu mà dễ à?
– Sao chúng mày ăn nói hồ đồ thế? Tai vách mạch rừng đấy.
– Bác hỏi cả bàn dân thiên hạ người ta đều biết. Có điều dân mình hiền quá thôi.
Hai anh em gân cổ cãi ông bác họ chan chát. Mặt ông Vấn từ đỏ chuyển sang tím tái. Bao nhiêu năm giáp mặt với cái chết ông cũng không tức giận bằng việc đối lời với những đứa cháu rắn mặt. Đã không có hoài bão, không giúp được người khác nhưng chỉ nhìn ra cái xấu rồi hùa vào nói năng văng mạng. Ông giơ nắm đấm lên:
– Tao đã nói rồi! Thằng nào không nghe tao cho chết sặc gạch. Chúng mày phải biết phân biệt phải trái. Ai gây tội phải đền tội. Thế giết con trâu vô tội sao chúng mày vẫn sống nhăn răng?
Bằng Em trề môi:
– Bác ơi! Sao bác ví con trâu với thân phận một con người? Hay bác cho rằng mạng bố cháu chỉ có giá trị bằng một con trâu thôi sao? Hơi rẻ đấy!
Bằng Anh cũng lè nhè tiếp lời:
– Quá rẻ chứ không phải hơi rẻ đâu. Mà bác đừng có khinh bố cháu. Nông dân thật đấy nhưng bố cháu hơn tám vạn những thằng cán bộ xã mình. Cán bộ đọc còn không nổi nói gì đến viết. Nhìn những thằng ấy bác bảo chúng cháu học làm gì cho phí công.
Bằng Em tiếp luôn:
– Bác đừng ngăn chúng cháu. Hàng tháng bác được cục tiền lớn nên bác không phải vật lộn để kiếm tiền, bác không hiểu được sự khắc nghiệt của cuộc đời nên trong mắt bác chúng cháu xấu hết. Người nào không biết đứng lên bảo vệ mình thì chỉ có chết. Bác có say hay không mà ví bố cháu không bằng mạng một con trâu?
Bằng Anh đột nhiên đứng dậy túm ngực ông Vấn. Sự việc quá bất ngờ khiến ông không kịp phản ứng. Thân hình mảnh khảnh của ông đu đưa theo bàn tay lực lưỡng của thằng cháu họ. Nó rít lên:
– Cháu nói thật nhá! Họ nhà mình đổ đến nơi rồi. Bác cố gắng đến mấy tình hình cũng chỉ xấu đi. Ai lại để thằng cháu đi buôn ma tuý về điều hành dòng họ. Sao lại thế? Hả? Hả…?
Nói xong mấy tiếng cuối cùng nó đẩy mạnh ông Vấn về sau. Ông Vấn loạng choạng rồi ngã uỳnh xuống bàn. Từ lúc ba bác cháu cãi nhau người xung quanh tụ tập mỗi lúc một đông, trong đó có cả người họ Hoàng. Mấy người xúm vào nâng ông Vấn còn anh em thằng Bằng khoác áo trên vai ngất ngưởng ra khỏi quán.
Bộ quần áo sĩ quan quân đội ông mặc trên người lấm lem bụi đất, hai vạt xếch ngược lên. Hàng cúc đen đứt tung phất phơ mấy sợi chỉ lủng lẳng. Mặc cho mỗi người mỗi ý ông không góp thêm lời nào. Từ ngày về hưu ông cố gắng hoà nhập với những người cùng huyết thống và quen dần thói ganh tị hay xích mích vốn có. Ông cũng uống rượu, cũng chuyện nọ chuyện kia để người ta không phải tỏ thái độ khó xử với một người tiếng thơm một thời. Ông muốn hoà mình cùng dòng chảy cuộc sống nơi thôn dã, muốn là người dần dần thay đổi cách sống cách nghĩ của người thôn quê. Nhưng mọi cố gắng của ông dường như đổ xuống sông xuống bể. Sự phân hoá về vật chất làm đạo đức xuống cấp quá chừng. Làng lớn, họ lớn nhưng người chỉ chực thu nhỏ lại. Người ta hô hào phải giữ lấy bản sắc văn hoá nhưng có ai chỉ ra phải giữ bằng cách nào đâu? Lâu nay họ Hoàng nhà ông động việc gì rối việc ấy. Trước đây người ta nói làng đập phá đình chùa sẽ lĩnh tai ương nhưng ông gạt đi. Họ Hoàng không cần đình chùa, không có nơi thờ cúng đàng hoàng cũng có sao. Nhưng lâu nay sự việc xảy ra khiến ông hay giật mình. Những cơn mơ hằng đêm cũng nặng nề hơn, đáng sợ hơn.
Mặc cho bụi bẩn vương đầy quần áo, ông lững thững đi về phía sông Cả. Ngày ông còn bé nghe các cụ kể con sông này hình thành do một vị trạng nguyên làm quan trong triều về quê hô hào bà con góp công sức đào nên. Dòng sông như dải lụa đào uốn lượn từ đầu huyện đến cuối huyện chở nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Dòng sông là một minh chứng cho sự đoàn kết của người dân. Công đức của vị trạng nguyên còn sáng mãi. Thế mà thế hệ này giá trị đạo đức xuống cấp đến chóng mặt. Ông tự nhận mình không phải là người cổ hủ mà vẫn không theo kịp sự phát triển về mọi mặt của thời đại. Điều hành một dòng họ còn khó nói gì đến cả xã hội. Tận tâm giữ gìn đến mấy bọn trẻ vẫn không công nhận. Có thể anh em thằng Bằng ảnh hưởng tính của bố nó.
– Bác Vấn! Sao bác lại lang thang ngoài đường thế?
Công từ đâu đỗ xịch xe trước mặt ông lớn tiếng. Ông lừ đừ liếc nhìn bộ mặt nhăn nhở của đứa cháu mà không biểu lộ chút tình cảm nào. Ông không muốn nói chuyện với những thằng cháu có bộ mặt như thế.
– Bác lên xe cháu chở về. Có chuyện gì bác nói cháu nghe.
Ông vẫn lững thững bước. Công lẽo đẽo vè vè xe máy bên cạnh. Không thấy ông Vấn trả lời nó cũng không dám nói nhiều. Hình như đoạn đường khá xa và không khí nặng nề khiến hai người cùng khó xử. Công muốn phóng xe đi còn ông Vấn cũng muốn tỏ chút tình cảm nào đấy mà khó quá. Đầu óc ông nặng trĩu vì việc vừa qua nên không thể suy nghĩ theo chiều hướng tích cực được. Cuối cùng đoạn vỉa hè cũng hết vì người ta phá đi cho rộng đường. Công chống chân xe máy đứng chắn đường đi của ông:
– Bác ơi! Có điều gì không vui bác bỏ qua đi. Bác lên xe cháu chở về. Đường còn xa lắm.
Lúc này ông mới cất được lời vì thương sự nhẫn nại của thằng cháu:
– Cháu cứ về trước. Bác đi bộ cũng được.
– Chết! Đường về xa lắm sao cháu nỡ để bác đi bộ.
– Không sao đâu! Để bác đi một mình cho thoải mái.
– Quần áo bác bẩn hết rồi. Để cháu phủi đất cho sạch.
– Không cần đâu! Bẩn một chút cũng có sao. Cháu cứ về trước đi.
– Bác! Bác giận ai mà giận lây cả sang cháu? Cháu có làm gì bác đâu? Hay là bác nói cho cháu nghe đứa nào dám hỗn với bác, cháu làm thịt nó luôn.
Nghe đến chuyện đánh nhau mặt ông Vấn lại tím đi vì giận. Chẳng phải chúng nó đã gây bao nhiêu chuyện rồi sao. Ông gắt vào mặt thằng cháu:
– Đã bảo để tao một mình! Lảm nhảm chuyện linh tinh đau cả đầu. Tao không muốn dây dưa với chúng mày nữa. Mày đi đi.
Công không hiểu sao ông bác họ nổi giận với mình một cách vô cớ đến vậy. Trong đầu nó cơn nóng đang hình thành. Nó ngó ông bác một cách trịch thượng rồi nghiến răng trèo trẹo:
– Hôm nay bác làm sao thế? Cháu có ý tốt sao bác nỡ nặng lời? Chẳng lẽ cháu làm gì sai à?
Ông Vấn giật mình. Có lẽ lại rơi vào một tình thế khó khăn đây. Nhìn mặt nó thì biết, nó sẽ gây sự chứ chẳng chơi. Ông dịu giọng:
– Bác thấy trong người hơi khó chịu. Cháu về trước đi.
– Thế thì cháu càng không nên để bác đi bộ về. Còn thời đánh nhau đâu. Đây là đường cái chứ không phải đường Trường Sơn. Không cẩn thận một thằng tóc vàng nó tông cho thì khốn. Thôi bác ngồi lên xe đi.
Công gần như bế bổng ông lên yên xe. Ông không thể làm theo ý mình vì như vậy có thể sẽ gây thêm rắc rối. Thằng Công vặn tay ga làm ông suýt bật ngửa về đằng sau. Cũng may nó quàng tay lại. Ông định cất giọng mắng thằng cháu thì nó cất tiếng cười ha hả:
– Bác đừng bực tức với lũ thanh niên chúng cháu làm gì. Bạ đâu nói đấy, thấy việc gì chướng tai gai mắt là chơi luôn. Bác đừng giận nữa nhá.
Tiếng Công oang oang như cãi nhau khiến người đi đường chú ý. Ông mặc nó độc thoại vì còn nghĩ đến chuyện anh em thằng Bằng sẽ làm gì ở nhà. Nó bảo sẽ có đổ máu nếu tìm được thủ phạm. Có lẽ phải báo với chính quyền.
Gần đến uỷ ban xã, ông Vấn đập nhẹ vào vai Công:
-Mày cho bác xuống đây có việc.
-Bác vào xã báo cáo tình hình chứ gì? Thôi kệ nó bác ạ. Chuyện họ Hoàng nhà ta thì ta tự giải quyết. Chính quyền không hơi đâu họ dính vào đâu. Bác báo cáo với báo mèo chỉ phí nước bọt.
– Phải nói với lãnh đạo xã sự việc xảy ra. Họ phải có trách nhiệm với tình hình an ninh trật tự của bà con chứ. Nhỡ đâu…
– Bác có nhầm không? Nếu bác mời họ đến uống rượu còn được, bàn chuyện giải quyết thù hằn chỉ phí công.
– Cháu cứ về trước đi. Cho bác xuống đây. Dừng lại!
Ông Vấn bấm vai Công thật mạnh làm tay lái nó loạng choạng một chút. Ông là anh hùng cơ mà. Ông đã trải qua vài chục năm đánh nhau thì sợ gì. Chỉ là do ông chưa tìm ra được biện pháp thích hợp thôi.
Khi đồng chí công an viên rót chén nước mời ông chưa bao lâu thì May xộc vào:
– Bác ơi! Về ngay không chết cả nút. Anh em thằng Bằng đánh thằng Vớ gần chết rồi!
Ông Vấn lập cập đứng lên. Lại một tai hoạ.
– Tôi phải về! Làng tôi loạn rồi!
Sân nhà trẻ làng chật kín người. Vớ nằm thẳng cẳng như một con lợn người ta vừa chọc tiết. Công đang ôm chặt Bằng Em còn ông Thống và anh Vẹm giữ chặt Bằng Anh. Mặt hai đứa vẫn đằng đằng sát khí. Bằng Em lớn tiếng:
– Không nó thì ai vào đây? Nó thù bố tôi từ lâu rồi! Đánh nó đến khi lòi đuôi ra mới thôi.
– Người ngợm nó chi chít vết thương từ hôm qua thì nó đánh làm sao được bố mày? Đừng có vu oan giá hoạ cho nó.
– Không nó thì ai vào đây? Chỉ có nó với con Hãn thôi.
– Mày đừng kéo cô Hãn vào. Người ta đang bụng mang dạ chửa đánh người làm sao được? Tay yếu chân mềm lả lướt chả khác gì cỏ bợ gặp mưa.
– Nó bày cho thằng Vớ chứ sao nữa. Anh em tôi phải làm thịt đôi này.
– Mày muốn chết thì cứ làm. Bố mày đang thập tử nhất sinh trên bệnh viện kia kìa.
Ông Thìn choãi chân đứng giữa sân như người đang chuẩn bị vào thế võ hiểm tức giận quát ầm lên. Ông là anh ruột ông Hình nên phải ra tay. Vai ông vẫn khoác chiếc túi đựng tiền căng phồng. Người như ông lúc nào cũng thận trọng và điềm tĩnh mà phải giải quyết chuyện này quả là khó. Rõ ràng anh em Bằng sai rồi, nhưng bảo nó đừng thù oán mà dừng lại mới là điều khó.
Ngày xưa ông Hình ăn chơi nổi tiếng cả vùng, lang bạt kì hồ đố ai cản được. May sao khi có tuổi ông ta nghĩ lại và tha về cô vợ trẻ măng là bà Hình bây giờ mãi trên miền ngược. Bà đẻ sòn sòn. Nhưng lạ là đẻ đứa nào chết đứa nấy. Lúc ấy ông Hình mới thực sự thức tỉnh. Ông chăm chỉ làm ăn và lo chữa bệnh. Bệnh lậu. Không biết có phải đời ông vẫn còn phúc khi những đứa con ấy chỉ sống được vài giờ rồi đi chứ như cái Gái con ông Tấn cũng khổ. Đeo đẳng chúng từng ấy năm chắc ông cũng chết theo. Thôi thì cũng là một đời người. Vì thế nhà ông một năm có tới năm đám giỗ cho các con.
Những năm đói kém vợ chồng ông Hình được dân làng vì nể như một ông vua. Chẳng là bà vợ trên miền ngược có thể dẫn dân làng lên quê mình mua sắn khoai về chống đói. Ai lên trên đó cũng được ở nhờ qua đêm và được chỉ dẫn mua chỗ nào rẻ nhất, thuận lợi nhất, thậm chí nhà bà có một nương sắn lớn còn cho mỗi người một ít. Đi ba ngày trời được một gánh sắn mang về. Thế cũng làm cho bao ánh mắt sáng lên rồi. Dân tình ngày ấy ăn còn không đủ nói gì đến học hành nên chẳng biết trồng cây gì nuôi con gì để có lương thực. Ruộng vườn èo uột cây cối không vươn lên được nên hầu hết bỏ hoang. Nông dân không dựa vào ruộng vườn chỉ có đói, mà đói phải đi cầu cứu nơi khác. Quê bà Hình khoai sắn bao la. Thế là người làng lũ lượt đi miền ngược như trảy hội.
Giúp người phúc đẳng hà sa. Hình như trời Phật thấy được tấm lòng của bà Hình nên không nỡ cắt đứt sợi dây nối dõi như lời bà khấn vái nơi cửa Phật. Hai thằng con trai ra đời, đứa đầu năm đứa cuối năm. Hai thằng giống nhau như hai giọt nước. Khi chúng lên ba người ngoài nếu không quan sát kĩ sẽ nhầm là anh em sinh đôi. Hai thằng con cầu tự được chiều như chiều vong nên mặc sức làm càn. Có thể bà nói tránh thế chứ con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh, ông Hình ai bảo hiền lành. Có thể trời Phật chỉ ban cho bà hai thằng cu còn phần hồn trời Phật cũng chịu, nó phải ảnh hưởng của máu huyết nhà nó. Ông Hình theo thuyền dọc chuyên chở hàng hoá cho hợp tác xã để mặc bà vật lộn với hai đứa tối ngày. Bà than thở thì ông lại cười hề hề. Thời buổi này phải gớm ghê mới có đứa sợ chứ hiền lành nhu mì có mà ăn cám. Ông không đi làm thì mấy cái tàu há mồm lấy gì mà xơi?
Chiếc xe máy đỗ xịch trước mặt ông Thìn khiến ông Vấn chúi cả vào lưng May. Ngồi sau xe mấy thằng này có ngày chết mất ngáp. Lúc chồm lên, lúc phanh gấp, đường gập ghềnh nên nó đi lắt léo như xiếc. Ông lẳng lặng xuống xe bước sát bên Bằng Anh:
– Mày định làm gì thế? Tao bằng vai bố mày mà không bảo được mày à? Có giỏi ra đây đánh nhau với tao. Mày dám không? Tao thách đấy!
Hai tay ông như hai gọng kìm giơ trước mặt. Cả con người ông toát lên vẻ oai phong khiến anh em Bằng không ai bảo ai đều cụp mắt xuống. Mọi người buông anh em nó ra:
– Nào! Chúng mày thích thì vào đây! Tao chấp anh em mày! Ai đời hai anh em khôn ngoan khoẻ mạnh đi đánh một thằng dở ông dở thằng không nơi nương tựa. Lúc nãy ở bệnh viện gây sự chưa chán hả? Vào đây! Nào!
Hai tay ông vờn vờn thách thức nhưng không đứa nào dám vào. Hình như ngoài việc sợ ông ra chúng còn biết không ai đứng về phía chúng lúc này. Cuối cùng Bằng Anh lên tiếng:
– Bác lạ nhỉ? Thanh niên trai tráng thế này đi đánh nhau với ông già.
– Đã bảo tao chấp mà. Thua tao chịu phạt
– Đánh bác ngã ra đấy chúng cháu lại mang tội à? Chẳng dại! Về!
Ông Vấn giơ tay ra:
– Không được! Hôm nay tao phải sống mái với chúng mày!
– Cháu phục bác từ hôm uống rượu ở đám giỗ tổ rồi. Chúng cháu không muốn đánh nhau với bác.
– Chúng mày gây ra bao nhiêu chuyện. Động tí là giở thói côn đồ. Làng này chưa loạn hay sao mà bố con mày gây hết chuyện này đến chuyện khác hả? Thời này còn thích đánh nhau hả? Tao nhắc lại, hôm nay tao chấp anh em mày. Mày không nhìn quần áo tao bươm ra đây hả? Hả?
Ông quát lớn đến nỗi anh em Bằng im thin thít, đầu cúi xuống không dám đấu khẩu nữa.
– Cháu xin lỗi!
– Mày xin lỗi ai? Còn thằng Vớ nằm đây thì sao? Thằng Tố trên bệnh viện thì sao? Mày chưa biết luật đời à? Gieo gió ắt gặt bão đấy con ạ!
– ….
– Không biết lo cho bố thì chớ còn để sự việc rắc rối thêm ra. Đi về chuẩn bị lên bệnh viện mau.
Ông quay qua quay lại:
– Xin mọi người giải tán cho. Ai có việc ở nhà thờ tổ về tiếp tục làm việc.
Ông đứng lặng chờ đám đông tản dần. Vừa rồi ông quát như ra lệnh giữa ba quân hôm nào. Phải cho chúng nó biết sức mạnh của bậc cha chú, những người sống trọn tuổi thanh xuân vì sự bình yên của mỗi con người là như thế. Nếu cần ông có thể quyết chiến với chúng mặc dù chúng là giọt máu họ Hoàng. Nó cần biết bài học hôm nay ông đã phải rút ruột của mình ra để chúng hiểu. Có được sự bình yên xóm làng thì mỗi người đều phải góp sức chứ. Làng có một gia đình ông Hình đã loạn lắm rồi.
Nhà thờ tổ vẫn đang ngổn ngang. Thực ra từ hôm xảy ra sự việc hai bác cháu ông Tấn phải cấp cứu thì nhà thờ tổ chỉ làm việc cầm chừng. Ông Hiến, ông Thìn nghĩ Tố chỉ bột phát hành động thiếu suy nghĩ muốn ra oai thôi. Thế là các ông trong hội đồng gia tộc vẫn điều hành xây chỗ nọ, san chỗ kia. Có điều ông Húng cũng bỏ nghiên cứu văn hoá phương Đông về tham gia việc xây nhà thờ tổ. Ông chỉ cho ông Hiến việc xây hậu cung và mở thêm cửa ở đầu phía Nam cho gió vào. Ông Hiến ngần ngừ thì ông lên tiếng:
– Việc này tôi chịu trách nhiệm, chú cứ tiến hành. Cứ làm đi, nếu thiếu tiền tôi bù. Nhà bé thì phải mở thêm phần phụ cho đỡ tức mắt. Chú biết gió hướng Nam có tính chất gì không? Đó là gió từ phía biển thổi về. Trong lành. Mát ngọt. Mùa hè mát, mùa đông ấm. Những gì trời cho đừng để thằng khác nó hưởng mất. Chú có biết tốn bao máu xương mới có được sự ưu đãi này không?
Ông Hiến cả một đời gắn bó với dòng họ Hoàng và rẽ lúa củ khoai làng Đông Phong nghệt mặt nghe ông Húng giảng giải. Sự dài dòng của ông Húng khiến ông sốt ruột:
– Thôi tôi biết rồi. Nhưng tôi báo trước, làm theo ông, nếu hội đồng gia tộc không đồng ý thì phải phá đấy nhá.
– Nhất trí! Chú yên tâm, tôi sẽ có đủ cơ sở lí luận để bảo vệ ý kiến.
Thế là gạch cát tiếp tục chở về xây thêm phần ông Húng yêu cầu. Những chỗ Tố phá hôm nọ không còn dấu vết. Ông Húng chắp tay sau lưng tỏ vẻ hài lòng, tuy vậy ông vẫn tiếc vườn cây và cái ao. Nếu nhà thờ tổ quay mặt về phía ấy có phải quá đẹp không. Đúng là nông dân cổ hủ.
Những khiếm khuyết dần được khắc phục. Mọi thứ chắp vá hàn gắn nhằm che giấu mối mọt đều loại bỏ. Ông Hiến bảo May lên huyện mua mấy thùng dầu ma dút lau lại toàn bộ phần gỗ để sau đó mua câu đối dán vào cột. Tất nhiên thời gian dán câu đối phải chờ đầy đủ hội đồng gia tộc, và tất nhiên chờ cả người tài trợ nữa. Nội dung thì chắc chắn phải người có kiến thức thẩm định. Ông Húng phải là người đầu tiên làm việc ấy.
Đám đông đánh nhau kéo hết về nhà thờ tổ. Ông Vấn cấm mọi người to nhỏ khích bác nhau. Hơn lúc nào hết mọi người phải hiểu việc tu nhân tích đức. Người trong họ, trong làng đừng lấy chuyện bé xé ra to, đừng lấy thù hận, bạo lực ra làm câu chuyện bàn tán. Cái xấu thì phải dẹp đi, phải loại trừ ngay lập tức thì con người sống với nhau mới có tình.
D.T.N