
Chương XIV
Ông Tấn, Tố và ông Hình được xếp ở chung một phòng trong bệnh viện. Thời buổi dân số phát triển nhanh hơn việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng nên bệnh viện huyện thường xuyên bị quá tải. Không thiếu chuyện bi hài xảy ra như cụ ông ngoài tám mươi được xếp vào khoa kế hoạch hoá gia đình. Cụ tuổi cao sức yếu như thế, chưa biết chừng chỉ vài hôm nữa là thăng thì hỏi cụ còn làm gì được nữa mà kế hoạch, có “kích hoạt” cũng chịu. Hay chuyện một ông đi mổ ruột thừa được xếp vào khoa nhi. Thôi thì cứ trống chỗ nào điền luôn người vào, có phác đồ điều trị rõ ràng. Chắc chắn nếu bệnh nhân đau ở đầu không đời nào bác sĩ rạch bụng ra cắt ruột thừa, mà nếu đã trót rạch sẽ khâu lại. Cẩn thận, chính xác, an toàn chứ không lo để lại băng gạc trong bụng. Các lương y ở đây được học hành bài bản không lo nhầm lẫn, thiếu sót (?).
Việc ba người họ Hoàng được xếp một phòng trong khoa sản cũng phải có quan hệ của gia đình Tố. Lúc đầu vợ con Tố nằng nặc đòi chuyển Tố đến bệnh viện lớn nhưng ông Vấn khuyên không nên. Vết thương bị choáng gây ra ngất còn chụp cắt lớp thấy có ít máu tụ. Cái cà vạt ông Hình thít quá mạnh vẫn thành một vệt lằn quanh cổ. Vả lại Tố cũng muốn dịp này tạo mối quan hệ tốt với họ hàng vì Tố luôn muốn hướng về quê. Đã thế bác sĩ phải kê cho nhà em loại thuốc tốt nhất, hiệu quả nhất. Em có thuốc mang từ nước ngoài về nữa. Vợ Tố khẩn khoản. Ông bác sĩ gọi vợ Tố vào phòng riêng khuyên gia đình yên chí, chúng tôi sẽ làm đúng lương tâm của người thầy thuốc, bệnh nào thuốc nấy. Tại sao người nhà cứ khăng khăng đòi mổ. Chuyên môn xét thấy chưa cần thiết. Nếu mổ sẽ tốn kém mà khả năng tai biến rất cao. Động vào bộ óc chứ có chơi đâu. Chúng tôi có thuốc đặc trị, tiêm vào sẽ có tác dụng ngay, loại thuốc mà bệnh viện lớn cũng phải có chế độ ưu tiên hoặc rất nhiều tiền mới có được. Lời bác sĩ không phải lúc nào cũng nhất quán, người thì bảo bệnh Tố nặng, người nói không sao. Thôi thì cứ quan hệ tốt để được thuốc tốt và đối xử tốt.
Ông bác sĩ vừa nói vừa liếc nhìn bộ ngực căng tràn qua làn áo mỏng và chiếc phong bì lấp ló trong xắc. Vợ Tố là người nhanh trí, rút ngay phong bì đút vào túi áo blu, thầm nghĩ lão này tham thế, muốn cả chì lẫn chài. Trong lúc cúi xuống, vợ Tố cố tình đút phong bì hơi lâu một chút khiến cả toà thiên nhiên thây lẩy đập vào mắt ông bác sĩ. Ông nhét vội chiếc phong bì nằm sâu xuống túi không quên “ực” nước bọt thành tiếng.
Ông Hình vẫn nằm bất động. Tuy vậy ông đã có cảm giác. Mỗi khi có người ồn ào mặt ông nhăn lại nhưng mắt vẫn nhắm nghiền. Bác sĩ bảo họng ông bị tổn thương nặng nhất, có thể dây thanh không thể phục hồi. Nghe thế bà Hình khóc rũ ra. Chẳng lẽ cả đời ông ấy phải cấm khẩu sao? Chẳng lẽ miệng ông ấy chịu tàn tật suốt đời sao? Bà cứ khóc lóc kể lể còn mắt ông Hình cũng đầy nước. Không gì khổ bằng hiểu được mà không làm gì được.
Ngủ thì thôi chứ thức dậy là Tố lần sang giường ông Tấn. Ông lặng lẽ nằm trên chiếc giường phía trong của bệnh viện. Đầu giường ông có cái cửa sổ gỗ đã long, sơn đã bong. Khổ nỗi đối diện phòng ông là khu nhà xác lạnh ngắt. Mọi người tránh nhìn về phía ấy riêng ông chả sợ gì. Ông Tấn nghĩ đến cái chết nhiều nhất. Chẳng lẽ ông cứ làm khổ mọi người mãi. Thế là gần như lúc tỉnh táo ông đều quay mặt ra nhà xác để nghĩ ngợi. Hành trình từ phòng ông nằm tới đó chẳng bao xa mà ông không thể tự mình tới được. Thà rằng người ta cứ khiêng ông ra đấy để gián chuột gặm nhấm dần có hơn không? Sống lay lắt qua ngày để phải chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt chẳng sung sướng gì.
Càng nghĩ ông càng tủi thân, mặc cho Tố và mọi người vỗ về. Ông Vấn ngày nào cũng lên bệnh viện và luôn tay xoa bóp cho ông anh. Anh em con chú con bác nhưng quý nhau như anh em ruột. Thực ra ai không biết cứ nghĩ ông và ông Tấn là anh em ruột. Nhà nào có việc thì cùng bàn bạc, thường là ông Vấn quyết nhiều hơn. Nếu việc khó thì ông Vấn thuyết phục để ông anh hiểu. Ông Tấn ốm ngoài chuyện tiền nong mọi người trong họ gom góp còn ông Vấn chăm bẵm ông nhiều nhất.
Thấy ông anh nằm lặng nhìn ra khu nhà xác, ông Vấn vừa bóp chân cho ông vừa chuyện trò.
– Anh xoay lưng vào trong để em bấm huyệt cho. Lần này anh tỉnh táo nhanh hơn lần trước. Chắc thuốc của Tố giờ mới ngấm.
– …..
– Anh này! Chuyện họ mình rồi cũng đâu vào đấy thôi. Nhà tổ đang hoàn thành. Đẹp lắm! Anh nhanh khỏi để về khánh thành.
– ….
– Thằng Tố nó nóng chứ không tham lam. Bụng dạ nó cũng tốt. Chẳng ai bằng người nhà đâu anh ạ. Nó hỏi thì anh cũng nên bắt chuyện với nó.
– …
– Mấy chuyện phức tạp rồi đâu vào đấy cả mà. Lúc này anh không được nghĩ linh tinh. Mình là cái cột để cả họ dựa vào. Anh phải khoẻ nhanh để về khánh thành nhà thờ. Anh biết tình cảm của cả họ đấy. Ai cũng lo cho anh.
Ông Tấn nặng nề nhích người, ông Vấn nhanh tay vần cho ông nằm quay lại. Giọng ông Tấn còn yếu và méo mó. Ông Vấn phải nghiêng người xuống :
– Người ta hành động thế nhưng bụng nghĩ khác. Tôi thừa hiểu. Đầy người muốn cả nhà tôi chết đi để nhà thờ họ được trong sạch.
– Sao anh lại nghĩ thế? Làm thằng người dù lăng loàn đến đâu cũng phải nghĩ đến tổ tiên. Ai dám phá bỏ nguồn cội của mình đâu. Thằng Tố đấy, nó giàu nứt đố đổ vách, ra ngoài được cung phụng mà về quê nó vẫn nhũn nhặn với mọi người.
– Chú không biết thì thôi. Thằng Mạnh nói tại tôi ngăn không cho nó vào Đảng nên bị quả báo. Ba đời nhà nó địa chủ gian ác, ông nội nó, bố nó xỏ giày Tây ai dám xuyên tạc.
– Thôi mà anh! Chuyện cách đây mấy chục năm rồi.
– Nó là đứa đỗ đạt hiểu biết mà ăn nói lăng nhăng.
– Rồi nó phải xin lỗi anh thôi. Không ai biết tường tận ngọn ngành sự việc lại đồng ý với nó.
– Nó còn lôi kéo cả họ nói xấu tôi.
– Anh còn cả dòng họ, cả người ngoài họ. Rồi việc sẽ đâu vào đấy. Mà thằng Mạnh cũng lạ, con cái dâu rể đầy đủ rồi, công thành danh toại rồi về quê còn bới móc chuyện cũ. Nó là thằng tiểu nhân, không thèm chấp.
– Ngày bé nó ăn mòn bát nhà tôi. Nó không biết ơn thì chớ – Nước mắt ông Tấn tràn ra – Sau cải cách không còn cái chổi cùn, đói lả hết. Không tôi cứu thì ai cứu?
– Đúng rồi! Mẹ nó phải cắp rá đi vay từng bữã.
– Thằng ăn cháo đá bát.
– Theo cháu thì đái bát chứ không phải đá bát – Tố chêm lời.
Ông Vấn cứ thủ thỉ còn ông Tấn thỉnh thoảng đáp lời. Tố tranh thủ bóp từng ngón tay bàng bạc. Không ai muốn mình là thủ phạm trong chuyện gây rắc rối mặc dù khởi nguồn của sự việc mọi người đều chứng kiến. Tố sẽ làm cho mọi người tin rằng ông Tấn bị kích động quá mạnh do bệnh tật gây nên chứ không phải lỗi của Tố. Việc có gì mà phải nổi nóng như thế, tiền bỏ ra phải sử dụng cho đúng chứ không thể ngẫu hứng được. Tố phải làm cách nào để người quê phá bỏ được kiểu tư duy tiểu nông, làm việc thiếu kế hoạch, thiếu tầm nhìn xa. Mới có cái nhà tổ mà xây nên đập đi chả biết bao nhiêu lần. Tốn kém chẳng khác gì xây nhà tầng kiên cố. Đã thế mọi người cho là tiền chùa nên không dám tham gia ý kiến. Chắc chắn việc xoay nhà thờ Tố sẽ thuyết phục được. Ông thầy gieo quẻ hồi đầu năm nói chớ có sai. Tố sẽ có rắc rối chuyện quê quán, về chuyện nhà cửa gì đấy. Đất đó nghịch lắm, ma đói ma khát toàn tụ về quấy nhiễu. Lúc ấy Tố không tin, mình có tâm với dòng họ thì làm gì có chuyện. Đúng là không thể xem thường việc tâm linh.
Ông Tấn không đỏ mặt lên khi Tố mò sang giường của mình nữa. Có lẽ ông Vấn nói nhiều về tình máu mủ ruột thịt và việc con cháu trong họ đổ xô đến bệnh viện khiến ông cảm động. Nếu không có họ hàng không biết tình cảnh gia đình ông sẽ ra sao ? Đành rằng họ đang xây nhà thờ tổ thật nhưng đất vẫn của nhà ông, ba người nhà ông ăn ngủ ở đấy, coi như được hưởng phúc lộc còn gì. Nghĩ trước nghĩ sau chỉ nhà ông lợi nhiều nhất, vậy thì việc gì phải làm khó cho mọi người, nhất là thằng Tố?
Ông quay sang nhìn ông Hình. Thật tội nghiệp! Mấy hôm trước mặt ông Hình sưng vù lên không phân biệt được mắt mũi. Hàm răng gần như bay cả nên bộ mặt bị biến dạng. Không biết đứa nào dã man thế? Có thể nó chỉ đánh cho hả chứ nếu muốn ông ấy chết chỉ cần hất xuống cống là xong. Anh em thằng Bằng cứ lên đến nơi lại nổi cơn điên. Từ trước đến nay nó có chịu thua ai bao giờ.
Anh em Bằng hai tay đút túi quần lênh láo bước vào. Hai thằng này vừa nghĩ đến đã thấy xuất hiện. Chưa kịp cất tiếng chào Bằng Em đã lớn tiếng:
– Họ Hoàng khổ chưa ? Toàn bệnh tật tai ương. Ông mà bắt được thằng nào thì xương nó nát vụn không còn một mảnh.
Chúng nghiến răng ken két hằn học ánh mắt đảo khắp phòng. Không ít lần nó nhìn xoáy vào mặt ai đó như để tìm ra thủ phạm khiến họ giật mình tìm cách thoái lui. Do vậy khi anh em thằng Bằng ở trong phòng thì mọi người lảng ra ngoài.
Nghe con nói, ông Hình lại khóc. Hai hố mắt hõm sâu phút chốc đầy nước khiến bà Hình phải gắt:
– Ai cho chúng mày nói năng bậy bạ. Gây thù phải trả oán. Bố mày không nói được nhưng ngấm lắm rồi.
– Ai bảo mẹ thế?
– Tao nhìn bố mày thì biết. Ông ấy đau lòng lắm. Hai thằng con lộc ngộc thế này mà không đứa con gái nào thèm để ý.
– Mẹ! Mẹ đừng có khinh người như thế. Không thích lấy vợ chứ không phải không đứa nào thèm lấy đâu nhá !
– Muốn lấy vợ thì đừng càn quấy nữa.
– Mẹ thì biết gì. Để anh em con giải quyết việc của bố đã. Bắt được đứa nào chết nhừ xương với chúng con.
Vẫn là những lời hăm doạ bâng quơ. Ông Hình nhăn mặt. Bà Hình nhanh tay đỡ bàn tay yếu ớt. Cô y tá thấy hai thằng con hung hăng lúng túng lấy ven làm chảy cả máu. Bằng Em gắt:
– Cô làm gì thế hả? Ăn lương nhà nước mà hậu đậu. Không bằng mấy thằng nghiện.
– Đề nghị anh ra ngoài cho chúng tôi làm việc.
– Việc gì phải ra ngoài? Một mình cô trong phòng rồi muốn làm gì bệnh nhân thì làm hả?
– Tôi chỉ làm nhiệm vụ thôi.
– Không có tôi ở đây để cô giật miếng gạc cho nhanh chứ gì? Cô bơm thuốc cho nhanh chứ gì? Này! Đừng có qua mắt tôi, những trò của các cô cũ quá rồi !
Cô y tá ngước lên nhìn bộ mặt nhơn nhơn:
– Anh không được nói năng lung tung. Chúng tôi làm vì lương tâm người thầy thuốc.
Bằng Anh bĩu môi:
– Lương tâm! Lương tâm của các cô có được như hổ báo không?
– Anh ăn nói phải có suy nghĩ một chút. Chúng tôi đã làm gì sai nào?
Cô y tá đứng lên nhìn thẳng vào Bằng Em. Lập tức Bằng Em sáp lại nắm vai cô lắc mạnh:
– Lại còn hỏi hả? Muốn gì? Nhận tiền không biết ghê tay còn giả nhân giả nghĩa.
– Tôi chưa nhận của ai đồng nào. Anh nói có bằng chứng không?
– Bằng chứng gì? Chỉ có tao tên là Bằng thôi. Còn bằng chứng thì chúng mày tự biết. Chữa bệnh kiểu gì mà người bệnh chả thấy đỡ gì cả ? Hay muốn câu thời gian để tính tiền viện phí đây ?
– Anh có bỏ tay ra không?
– Mày thích gì? Bố tao nằm bất tỉnh nhân sự không thương tiếc thì chớ còn gây phiền hà. Lấy ven kiểu gì thế?
Cô y tá giật mạnh tay Bằng Em. Nó định xông vào thì một bàn tay cứng như gọng kìm khoá nó lại. Ông bác sĩ điều trị lôi tuột nó ra ngoài. Bà Hình, ông Vấn cùng kêu lên:
– Ô hay! Chúng mày định giết người ở đây hả?
– Đồ mất dạy!
Không chịu được giọng điệu của anh em thằng Bằng, ông Tấn quát theo. Sau tiếng quát, mặt ông đỏ bừng như người say rượu, thở dốc. Cô y tá luống cuống quay ra đỡ ông nằm xuống. Cơn xúc động làm huyết áp tăng thì nguy. Ông Hình nhăn mặt, hai hố mắt đầy nước. Ông nghe chuyện con quấy phá nhưng không cản được. Tố cũng tròn xoe mắt nhìn cảnh tượng diễn ra. Đúng là càn quấy!
– Cô bỏ quá cho. Chúng nó là thanh niên ngỗ ngược, việc không có gì mà cứ thích làm cho quan trọng.
Nghe Tố nói, cô y tá vẫn mềm mỏng:
– Rồi mọi việc sẽ rắc rối đây! Thế nào tôi cũng phải giải trình việc này.
– Cô không lo! Có nhiều người làm chứng. Nếu cần tôi viết cam kết là cô không có lỗi.
Bằng Anh vừa quay vào nghe hai người nói chuyện thì nổi cáu:
– Mày định hại người nhà mình hả Tố? Mày bảo lỗi tại anh em tao hả? Không đời nào. Máu bố tao còn toe toét ra đây. Bông đây. Gạc đây. Tao còn chụp trong máy nữa. Mày định đổi trắng thay đen hả?
Tố trừng trừng nhìn Bằng Anh.
– Chú định làm gì người ta? Ông lên đây tưởng như chết, mới mấy hôm được tận tình cứu chữa đỡ trông thấy mà chú không biết ơn.
– Ơn huệ gì! Tiền cả đấy!
– Đã đành là phải tiền, nhưng người ta có quản ngại gì không? Đêm hôm gọi cái là họ có mặt.
– Mày ra ngoài mà không thức thời. Có tiền thì làm gì chả được. Nếu mày thích, tao thuê đứa nó chùi đít cho.
– Láo vừa vừa thôi.
– Mày ăn nói giờ hồn. Dám nói với chú mày thế hả? Mày nên nhớ là tao trên vai mày đấy. Dám nói anh em tao là chúng nó. Chúng nó với bố mày ấy.
Tố đứng lên định cho ông chú một thụi thì mọi người xông vào. Không ai chịu được hành động láo lếu của hai đứa. Miệng ông Hình cứ hớp lên hớp xuống như cá mà không ra hơi. Đầu ông ngúc ngoắc như lên cơn co giật. Vừa may hai người bảo vệ bệnh viện yêu cầu anh em Bằng lên phòng trực. Bằng Anh còn ngoái cổ lại:
– Nhớ là mày chưa xong với tao đâu. Liệu hồn Tố nhá!
Phòng bệnh trở lại im ắng vì không ai còn muốn câu ra câu vào. “Họ Hoàng càn quấy”, nhiều người nói đi nói lại như thế.
Ông Vấn ngồi trên chiếc ghế nhựa thủng mất một miếng ở chính giữa, tay ôm đầu như người đang phải chịu cơn đau. Ông Tấn mệt mỏi đưa tay nắm nhẹ vạt áo ông em:
– Chú về nhà nghỉ ngơi cho khoẻ. Ở đây đổ ốm thì khốn. Nhà còn nhiều việc lắm. Chú về đi.
– …
– Việc này có gì ghê gớm đâu. Chú thừa biết anh em nhà nó ngỗ ngược thế nào rồi.
– Nhưng người nhà mình không bảo được người nhà mình còn ra thể thống gì nữa.
Hiện tại người vững về tâm lí không phải người khoẻ mà là người bệnh. Buồn cười thật, ông Tấn tưởng như không còn chút hi vọng vào tương lai vẫn có thể làm ấm lòng ông em.
Bà Hình mắt ngấn nước ngượng ngùng:
– Hai bác bỏ quá cho. Tôi khổ vì không dạy được con. Chúng nó đi thì chớ, về đến nhà là phá phách. Tại ông ấy chiều chúng quá.
Ông Hình ngúc ngắc như muốn nói điều gì. Ông Tấn chậm chạp an ủi ông Hình:
– Chú cứ yên tâm, nó nghịch hết đốt là thuần thôi. Ngày xưa chú cũng chả thế là gì.
Không khí trong phòng đột nhiên lặng như tờ vì chỉ còn mấy người bệnh. Bà Hình, ông Vấn ra ngoài xem anh em Bằng thế nào. Tố vắt tay lên trán mắt nhắm nghiền như ngủ. Ông Tấn xoay người nhìn chăm chắm vào cánh cổng nhà xác. Ông Hình nằm dính chặt xuống giường, cánh tay xuôi thõng như que củi. Sức khỏe ông Hình đáng ngại hơn cả. Lúc tỉnh táo lúc co giật tưởng đi đến nơi. Vết thương trong cổ họng khiến ông phải ăn bằng ống truyền. Mà đang nhiễm trùng mới nguy.
Mùa này lá đang rụng. Những chiếc lá vẫn còn nguyên sắc vàng lặng lẽ rơi. Nếu không để ý, chỉ nhãng đi một chút thôi là lá đã dồn một đống ở góc sân cạnh nhà xác. Chiều nào cũng có bà già bé nhỏ đến thu lá vào chiếc bao cũ. Thơ thẩn một lúc, bà lại ghé mắt nhìn vào nhà xác rồi ngơ ngẩn cười. Lâu nay chưa có người chết vào đây vì sắp chết đều được đưa về nhà. Không có xác vô thừa nhận. Người ngày nay quý thế đấy.
Ông Tấn nhìn bà già nghĩ ngợi vẩn vơ. Ông đoán bà có chút gì liên quan đến khu nhà xác này thì mới thế. Ngôi nhà cũ kĩ im lìm như bỏ hoang đã lâu lắm. Cỏ dại, chuột bọ tha hồ tấn công. Cánh cửa màu xanh bong sơn nham nhở không còn bản lề phải dựa vào một bên tường mới đứng nổi. Bệnh viện không có chủ trương nâng cấp nhà xác. Nông thôn không ai muốn làm tang lễ trong bệnh viện, thế nên nó mới cũ kĩ và cô đơn như thế. Ông muốn một lần được vào trong đó xem nơi cất giữ phần cuối cùng của con người giờ thành hoang phế ảm đạm thế nào nhưng khó quá.
Công dẫn đầu đoàn người đâm sầm vào như bị ma đuổi. Ba người trong phòng phút chốc giật nảy mình vì tiếng nói giật giọng cỡ lớn:
– Ông Hình! Chuyện lạ có thật! Ông có nghe thấy không đấy?
– ….
– Ông Hình! Ông Hình!
May lay thật mạnh vào bả vai khiến ông Hình nhăn mặt.
– Ông Hình!
Tố bật dậy túm tay May:
– Chú tâm thần hay sao? Ông ấy nằm lì trên giường bấy lâu, miệng thì cấm khẩu không biết hả?
– Tao biết nhưng nghe tin này chắc chắn ông ấy phải nhảy dựng lên cho xem!
– Có vứt vào vạc sành ông ấy cũng chịu. Chú đừng làm phiền ông ấy nữa.
– Nhưng ở làng người ta đang ầm lên kia kìa. Bí mật động trời đang được phơi bày.
Ông Tấn há hốc miệng như sắp lên cơn tai biến. Ông Hiến thì thầm vào tai ông điều gì quan trọng lắm. Chắc nhà thờ tổ lại có chuyện. Ông Tấn không nói gì chỉ há miệng ra hớp hớp rồi nhắc đi nhắc lại:
– Thật không? Thật không?
Ông Hiến quả quyết xác nhận nhưng ánh mắt hiện rõ sự đau khổ.
Phía giường Tố cũng đông người chụm vào nhau. Mắt mũi Tố tròn vo biểu lộ sự kinh ngạc.
– Không thể tin được! Kì quá thể! Kì quá thể!
Ông Hình chưa biết chuyện gì song cố ý dỏng tai nghe ngóng. Trong không khí đặc sánh lại vì những âm thanh rầm rì, ông nghe tiếng mọi người nhắc đến tên mình, tên Hãn. Có thể thằng Vớ lại bày đặt ra chuyện ông muốn tòm tem với con Hãn đây. Cái thằng đến tệ, lúc ông không thể làm gì thì nó đem tin ấy ra rêu rao.
– Ông Vấn đâu?
Công hất hàm về phía Tố.
– Lúc nãy anh em chú Bằng chửi cô y tá, bảo vệ yêu cầu lên tường trình sự việc. Cả bà Hình và ông Vấn ở trên ấy.
– Thế thì bảo ông ấy về mà giải quyết. Họ Hoàng như một quả bom nổ chậm, hết chuyện này đến chuyện khác. Có khi do mộ tổ bị động.
– Chú đừng nói bừa. Để ông ấy yên tâm chữa bệnh đã.
– Tao nói là có căn cứ. Chuyện thằng Vớ, chuyện nhà thờ tổ. Bây giờ lại thêm chuyện của con Hãn. Chung quy cũng từ ông Hình mà ra.
– Quả báo rồi đấy.
Ông Hình nghe loáng thoáng mọi người to nhỏ nhắc đến tên mình không mấy thiện cảm thì càng nghển cổ lên nghe ngóng. Đôi mắt tím sẫm, cái đầu trọc và đôi môi sưng vếu lên giơ lợi đỏ ửng khiến mọi người không dám nhìn.
– Ông ấy đang nghe đấy. Nói nhỏ thôi.
Mọi người gần như sát vào nhau. Ông Tấn cũng được nâng dậy dựa lưng vào bức tường nham nhở. Dãi từ miệng ông nhểu xuống thành dòng. Bọn thanh niên lùi ra vì sợ bẩn. Ông chậm chạp đưa cái khăn đen sì lên miệng nhưng do tay không chuẩn nên nước dãi quệt sang cả bên má. Tuy vậy đến bác sĩ cũng ngạc nhiên là ông bị tai biến đã lâu mà vẫn kiên cường và tỉnh táo đến thế.
Ông Vấn mặt buồn rượi bước vào phòng. Hơi ngạc nhiên vì người họ Hoàng tập trung đông, ông hỏi ông Hiến:
– Mọi người sao không ở nhà hoàn thành nốt công việc đi. Lên đây làm gì cho bức bối?
Tố kéo ông ra ngoài hiên. Lập tức đoàn người cũng theo sau. Ông Tấn với tay:
– Công! Mày cho bác ra với.
Công giả vờ không nghe thấy vì nó sợ mùi khăn khẳn từ chiếc khăn lau nước dãi. Ông Hiến phải gọi giật:
– Công! May! Ông Tấn nói gì mày không nghe thấy hử?
Hai thằng đành quay lại bế bổng ông bác ra hiên.
Hai tay ôm đầu, ông Vấn nghe mọi người kể lại chuyện. Lần này Tố nói nhiều nhất, cứ như Tố được chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối.
Đám đông quây thành vòng tròn quanh ông Vấn. Người nào cũng nóng lòng được góp chuyện nên ai cũng không yên tâm đứng một chỗ. Ông Hiến căng thẳng:
– Ông thấy nên giải quyết thế nào thì cho ý kiến. Dù sao cũng phải có cách cư xử với người ta cho đàng hoàng. Âu cũng là sắp xếp của trời đất. Không có chuyện gì vô tình cả.
Ông Vấn chậm rãi:
– Thôi thì đành vậy. Nó là máu mủ ruột rà của họ Hoàng thì phải cho nó nhận họ chứ. Nhưng phải để ông Hình tỉnh táo đã.
Công lớn tiếng:
– Không được! Họ Hoàng chưa biết nhục hay sao mà nhận con nhà thổ về. Mất hết cả tự trọng.
– Công! Không được to tiếng trong bệnh viện. Ông Hình đang thập tử nhất sinh trong nhà kia kìa!
– Ông ấy làm thì ông ấy chịu.
– Này! Chuyện đến tai bố con ông ấy lại ăn đòn đấy.
– Mọi người sợ bố con ông ấy là làm sao? Người ngay thẳng cứ đi sợ kẻ gian tà. Thật chẳng còn tí tự trọng nào.
– Người ta bỏ qua không phải vì sợ. Vạch áo cho người xem lưng chả hay đâu.
– Thế thì phải làm sao? Hay sợ xấu cả họ?
Ông Vấn xua tay:
– Công này! Bác nói với cháu điều này, bãi cứt mà giãi ra thì thối hơn là để nguyên đấy rồi lấy đất lấp đi.
– Không thể lấp được đâu bác ơi! Thà rằng cứ để mọi chuyện tanh bành rồi muốn ra sao thì ra.
– Nhưng ông Hình giờ không biết và cũng không thể giải quyết được việc gì. Có lẽ ông ấy sẽ không bao giờ làm được việc xấu nữa.
– Để cháu vào nói cho ông ấy biết sự thật. Biết đâu nghe xong ông ấy tắc luôn thì tốt.
Công bước được hai ba bước thì bị năm sáu cánh tay túm lấy. Ông Vấn lớn tiếng:
– Không được làm thế. Mày không được làm điều ác. Ông ấy tuy thế nhưng vẫn là chỗ dựa của ba mẹ con bà Hình. Thôi thế này! Giờ ta về nói chuyện với người ta xem sự việc ra sao. Nếu con Hãn muốn gia nhập họ Hoàng ta không nên phản đối.
– Việc gì thì cũng phải đưa ra họp họ. Không thể tuỳ tiện thích ra thì ra, thích vào thì vào. Họ Hoàng không phải cái chợ.
Bà Lân phất cái áo chống nắng lên phản đối. Chả là ông Đoàn chồng bà không ít lần trốn bà ra ngôi nhà chóp nhọn. Làm sao bà có thể ngồi cùng chiếu với kẻ tình địch xấu xa đó được.
– Sự thật rồi ai cũng phải chấp nhận. Chúng ta nên nhìn về phía trước. Đến những thằng ở đâu đâu đến xâm lấn, chém giết dân tộc mình còn cho qua nữa là.
– Tha làm sao được. Bàn thờ nhà ai cũng có người trẻ măng ngồi ăn chuối xanh thì quên làm sao được. Chúng cháu đây, tuy ngày ngày ăn chơi lêu lổng, nhưng có thằng nào xâm lấn xem, chúng cháu không tiếc máu xương đâu.
May nói xong thì cả đám nhao nhao đồng tình. Ông Vấn đành cười gượng:
– Biết rồi! Tôi biết khí phách họ Hoàng rồi! Bây giờ cứ về nhà rồi tính tiếp.
– Nhưng Hội đồng gia tộc phải có bản lĩnh rõ ràng. Nếu không chúng cháu sẽ phản đối.
– Đừng làm điều gì quá đáng. Nhìn ông Hình đấy, nhân quả đấy. Đời người chỉ thoáng qua như một cái chớp mắt. Ai rồi cũng phải chết, nhưng chết thế nào thôi!
Mấy đứa tự nhiên nhăn răng cười. Ông bác mình hôm nay nói năng tiêu cực tệ. Hào khí của những năm tháng phơi mình trước hòn tên mũi đạn đâu rồi? Bộ ngực lấp lánh ưỡn ra trong những ngày truyền thống đâu rồi? Hay là bác muốn ngủ vùi cho quên đi tất cả, bác ơi!
D.T.N