Chương XV
Đoàn người họ Hoàng về đến đầu làng đã thấy đám đông tụ tập từ bao giờ. Phần lớn người làng Đông Phong, còn có gần chục người lạ hoắc. Ông Vấn đoán đó là người nhà của Hãn.
Đám đông dạt ra và ồ lên khi những chiếc xe máy đồng loạt phanh gấp ngay bên cạnh. Một người nằm mê mệt dưới đất, miệng rên ư ử. Ông Vấn hốt hoảng:
- Ai làm sao thế? Sao không đưa đi cấp cứu? Gọi xe mau!
Ông Vấn như người bị tự kỉ ám thị, giờ thấy việc giống những ngày qua là hoảng lên
Công lách vào vỗ vai ông:
– Không phải bà ấy bị ốm đâu! Vong nhập đấy!
– Vong nhập? Bà ấy ở đâu đến?
Tức thì người nằm dưới đất khóc rống lên:
– Sao tôi khổ thế này hở giời? Bao nhiêu năm nơi đất khách quê người, chịu bao nhiêu tiếng xấu. Ông Vấn ơi ời…
– Bà biết tôi à? Nhưng tôi có quen bà đâu.
Ông Hiến lách vào thầm thì vào tai ông Vấn. Ông giải thích cho rõ chuyện đã nói trên bệnh viện. Ông Vấn gật gật đầu.
Mắt người đàn bà nhắm nghiền, miệng nhai tóp tép. Người đang bóp chân cho bà cúi sát mặt bà:
– Cô có đói không?
Tức thì người đàn bà quát:
– Đói!
– Cháu mua bánh cho cô ăn nhá.
Người đàn bà gật đầu như bổ củi. Một người chạy sang quán nước bên đường mua chiếc bánh chưng. Người đàn bà tợp mất già nửa khi miếng bánh đưa vào miệng. Bà nhai nhồm nhoàm, hai bên mép trào ra cả nước đặc sánh. Nuốt hết bánh bà còn đưa lưỡi liếm sạch hai bên mép như vẫn còn thòm thèm. Đứa cháu thương cảm:
– Khổ thân cô! Bao nhiêu năm lưu lạc làm ma đói ma khát nên cô đói.
Tức thì người đàn bà nhệch miệng ra khóc, nước mắt nước mũi chan hoà:
– Khổ! Khổ!
Ông Vấn ngồi xuống:
– Bà làm sao mà khổ? Bà tên là gì?
– Hiên.
– Bà ở đâu?
– Xa lắm.
– Xa sao bà đến đây?
– Tại ông Hình.
– Sao lại ông Hình?
– Ông ấy dụ dỗ.
– Dụ dỗ làm sao?
– Bảo lấy làm vợ.
– Thế bà có làm vợ ông Hình không?
– Trốn!
– Ai trốn?
– Ông Hình!
– Sao bà biết ông Hình ở Đông Phong?
Người đàn bà nhăn mặt khóc. Mắt bà vẫn nhắm nghiền. Miệng bà vẫn nhai tóp tép xem chừng vẫn muốn ăn.
Người đàn ông mặc bộ quân phục bạc màu cúi xuống mời ông Vấn ra chỗ quang người để nói chuyện. Mặt ông buồn rượi như vừa mất đi vật gì quý báu. Ông không cất lên được câu chữ rành rọt, vì vậy ông Vấn phải nghiêng đầu mới nghe được:
– Vâng! Nếu thực sự nó là người họ Hoàng thì họ Hoàng sẽ nhận. Các ông từ xa đến có lời thì chúng tôi sẽ có ý kiến.
– Cuộc đời trớ trêu thế đấy ông ạ. Gia đình tôi chất chứa trong lòng nỗi đau mất người mấy chục năm qua. Ngờ đâu sự việc lại được hoá giải nhờ vào thế giới tâm linh..
Ông chậm rãi kể về gia cảnh. Hiên là em út trong nhà. Nó được cưng chiều và không phải chân lấm tay bùn như các cô gái làng thời bấy giờ. Có một người con trai đến bán hàng lưu động đã nhỏ to dụ dỗ Hiên. Chưa bao giờ được thấy cái lạ và bị lôi cuốn bởi cuộc sống giàu sang do người con trai vẽ ra, Hiên trốn nhà theo hắn. Sau những cuộc tìm kiếm của gia đình tưởng như vô vọng thì Hiên đột ngột trở về. Từ một cô gái ngây thơ Hiên trở nên thân tàn ma dại cùng với cái thai lùm lùm. Trở về nhưng Hiên không thể sống được ở làng vì định kiến. Người ta nhìn Hiên là một người đàn bà hư hỏng, đĩ thõa. Không ít lần Hiên bị người ta lén ném gạch đất từ sau lưng. Mặc dù gia đình chăm chút nhưng Hiên vẫn mặc cảm và coi đó là tội lỗi không thể tha thứ. Một đêm tối trời mưa gió Hiên bỏ trốn. Bố mẹ tôi khóc lóc thúc cả họ đi tìm nhưng không thấy. Tìm làm sao được khi làng Đông Phong ở tận góc gách của một vùng thuần nông rộng lớn này cơ chứ. Bố mẹ tôi thương con nên kiệt sức rồi lần lượt ra đi. Nỗi đau mấy chục năm vẫn canh cánh trong lòng nhưng không sao giải toả được.
– Ông ạ! Mấy chục năm trận mạc đánh đấm bắn giết không run tay nhưng tôi bị khuất phục và run sợ một thế giới không tồn tại. Đứa cháu tôi mới mười bảy, tức là bằng tuổi cô Hiên nhà tôi ngày ấy, bỗng dưng ngã lăn ra. Bố mẹ nó hoảng sợ lay gọi. Lúc sau nó lảm nhảm những gì không ai hiểu. Mọi người ngơ ngác. Không thấy ai đáp lời, nó quát lên: “Ngu!”. Lúc ấy mọi người mới xúm vào hỏi han. Lạ là đứa cháu chẳng biết gì về quá khứ bỗng nói vanh vách. Và nó khóc rất nhiều. Thì ra là bà cô nó nhập vào. Cô Hiên nhà tôi đấy.
– Cô Hiên ngày xưa có biết chèo đò không ông?
– Nhà gần sông nên nó thường cùng mấy đứa bạn lấy chiếc thuyền đánh cá chèo đi chơi. Nó chèo thuyền giỏi lắm.
– Thảo nào cô ấy chèo được thuyền trong lúc đau đẻ và nước triều lên rất to. Hôm ấy vào ngày nước rươi.
– Nó khóc lóc rằng không ai thương nó, để nó nằm cạnh bờ sông mấy chục năm rồi. Cả nhà tôi cũng khóc vì không ai biết chỗ để đưa nó về. Nó bảo nó muốn về nhà. Nó sẽ chỉ chỗ. Thú thực lúc ấy tôi cũng hoang mang lắm, không biết có nên tin hay không. Nhưng ai cũng thúc giục. Hôm qua là ngày giỗ mẹ tôi nó lại về. Nó nhập vào con gái tôi. Chúng tôi quyết định đi tìm theo sự chỉ dẫn của chính em tôi. Có lẽ trong đời ông chưa gặp cảnh này?
– Làng tôi cũng có rồi. Tôi đã gặp vài lần.
– Ông có tin không?
– Tôi cũng như ông, tôi tham gia trong lực lượng hải quân. Trước đây tôi cho là chuyện nhảm nhí, nhưng thực tế xảy ra nhiều chuyện không tin không được.
– Thành ra đến đây gia đình tôi được dân làng ủng hộ. Khi ngôi mộ được em tôi chỉ, người ta còn bảo cô Hãn ở làng Đông Phong thường thắp hương cúng cấp. Thì ra cái thai ngày ấy được dân làng nuôi dưỡng và lớn lên. Chúng tôi biết ơn dân làng không để đâu cho hết.
Mặt ông Vấn hơi sượng lại. Thực ra Hãn được cha mẹ nuôi chăm sóc còn sau đó nó tự lớn lên. Ông và dân làng không có công lao gì lớn trong việc Hãn trở thành người như ông bác của cô ta nói. Bỗng nhiên dân làng Đông Phong được tiếng là nhân nghĩa. Cuộc đời có lúc lật ngược như lời em trai ông đã nói.
– Gia đình tôi có nguyện vọng đưa em gái tôi về nhưng cháu Hãn nó khóc lóc. Nó muốn được gần mẹ nó.
– Thế cô Hiên có muốn về không?
– Thấy con Hãn khóc lóc nhiều quá cô ấy cũng phân vân. Hỏi gì chỉ lắc đầu.
– Thế cô Hãn đâu?
Ông Vấn quay qua hỏi người bên cạnh. Họ nói Hãn bị ngất phải đưa vào trạm xá cấp cứu. Có thể nguy hiểm đến cái thai.
Lòng ông Vấn rối như tơ vò. Chuyện này nên giải quyết sao đây? Ông Hình còn nằm ngay thuỗn trên giường bệnh, Hãn thì bụng mang dạ chửa. Người làng tập trung ở đây đông quá. Có lẽ phải đưa ra một quyết định dù nhiều người phản đối. Lúc này ông cần tỏ rõ bản lĩnh của người chiến sĩ đã từng ra sống vào chết.
Ông Vấn gọi ông Thìn, ông Hiến, ông Thống và mấy ông có uy tín trong họ hội ý nhanh. Mấy người hay hóng cũng le ve bên ngoài nghe lỏm. Hai tay ôm đầu, ông Vấn nói chậm rãi nhưng cương quyết:
– Sự việc bây giờ thực sự rối như bòng bong. Nhưng chúng ta không có quyền lựa chọn. Họ Hoàng phải chấp nhận việc của ngày hôm nay thôi. Ý các ông thế nào?
– Theo tôi việc nhận một người vào họ chả có gì ghê gớm. Họ Hoàng xưa nay có những người hành xử không đúng với đạo đức con người. Có lẽ sự việc hôm nay là hậu quả của những việc xấu đó. Quả báo!
– Bao nhiêu lần thằng Vớ rêu rao ông Hình trêu ghẹo con Hãn. Không biết chuyện loạn luân có xảy ra hay không?
Ông Vấn xua tay:
– Các ông đừng bới chuyện ra nữa. Hãy nghĩ cách giải quyết chuyện này cho êm đẹp đi.
– Theo ý ông là nhận chứ gì? Thì nhận cũng có sao!
Ông Hiến buông thõng một câu. Tức thì May nhảy xổ vào:
– Các bác đừng có nhận vơ. Đúng chính xác thì mới nhận. Mà muốn chính xác phải có thời gian. Bây giờ quyết định là không có được.
Ông Thống ngước mắt nhìn thằng cháu:
– Sao phải chờ thời gian?
– Thì còn chờ ông Hình tỉnh lại. Thì còn phải lên trung ương xét nghiệm xem có phải gen ông Hình không đã chứ. Giờ công nhận ngay đến lúc không phải có phải tẽn tò không?
Mọi người gật gù cho là phải.
– Giời ơi! Cho tôi về mau! Còn bàn gì nữa.
Vong bà Hiên tự nhiên hét lên ở đằng xa khiến mọi người giật mình. Cô ta nằm im nghe chuyện của họ Hoàng bàn tán và biết được họ đang nói về mình. Đám đông lại quay qua chỗ vong nằm.
– Tôi khổ mấy chục năm chưa đủ hay sao? Hở ông Vấn, hở ông Thìn….hờ…hờ…
Ông Vấn đành gọi ông anh bà Hiên lại:
– Ông ạ! Việc này xảy ra quá đột ngột, ông Hình đang ốm trên bệnh viện nên chúng tôi chưa thể quyết định được. Xin gia đình chờ cho vài hôm nữa. Để mọi người cùng nghĩ cách giải quyết thế nào cho thấu đáo.
Ông anh bà Hiên chưa kịp nói gì thì vong bà Hiên hét lên:
– Không cần! Không cần! Về….
Đứa cháu nước mắt loang đầy mặt cúi xuống:
– Cô ơi! Cả nhà đưa cô về quê nhá.
Vong gật đầu như bổ củi. Mấy người đàn ông cuốc xẻng trên tay cũng hùa theo:
– Người nhà mình thì mình đưa về. Không cần xin xỏ gì nữa. Chúng ta đi mau!
Vong bà Hiên bật dậy đi phăm phăm về phía bờ sông. Mắt vẫn nhắm và hai người dìu hai bên phải chạy gằn mới theo kịp.
Khi những nhát búa bổ xuống ngôi mộ được lát đá đen bóng thì Hãn chạy như một người bình thường rẽ đám đông tiến vào:
– Cháu van các ông các bà đừng phá mộ mẹ cháu. Mẹ cháu đã chịu oan ức ở đây nhưng xin các ông bà hãy thương đứa cháu mồ côi này. Cháu mới đưa mẹ cháu về được mấy năm nay để hương khói. Mẹ là chỗ bấu víu cuối cùng của cháu ở làng Đông Phong.
– Nhưng mẹ cháu muốn về quê thì sao?
Tức thì Hãn quay qua ôm ngang lưng mẹ nức nở:
– Mẹ ơi mẹ đừng bỏ con. Mẹ ở đây với con. Con không có ai để nương tựa. Mẹ ơi….
– Mày không đáng là con tao!
Vong quát lên khiến ai nấy giật mình. Hai tay vong đẩy mạnh khiến Hãn ật ngửa ra đằng sau. May có người nhanh tay đỡ tấm thân nặng nề. Tức thì Hãn bật dậy bám chặt vào cánh tay mẹ:
– Mẹ ơi! Một mình con lớn lên trên đồng bãi. Con phải vất vưởng trên đê ngày nắng cũng như ngày mưa để kiếm con cáy con còng. Một mình con sợ hãi trong túp lều vắng. Chẳng ai cho con dựa lúc bão gió sấm chớp. Sao mẹ không cố sống để nuôi con. Mẹ con mình dựa vào nhau cũng được mà….
Nghe Hãn khóc lóc, mẹ chị cũng nấc lên nghẹn ngào. Hãn đưa tay lau nước mắt đang tràn ra.
– Không ai dạy con sống phải như thế nào mới tốt. Con cứ phải nhìn những người hiền lành đạo đức để bắt chước, để làm theo. Nhưng một mình con không tự đứng vững được. Con bị bão giông cuộc đời quật ngã. Nhưng nay con biết rồi. Mẹ đừng bỏ con. Từ nay mẹ sẽ không cô đơn nữa, mẹ con mình có quê rồi. Từ nay ngày nào con cũng ra thăm mẹ.
Người nhà bà Hiên bối rối không biết xử lí thế nào. Họ đứng như trời trồng và không dám quai búa vào ngôi mộ. Ông anh bà Hiên hai mắt đỏ hoe cúi xuống:
– Giờ cô định thế nào? Tôi nghĩ cũng thương con Hãn.
Vong bà Hiên mắt nhắm nghiền lắc đầu quầy quậy. Chắc bà cũng không biết phải làm gì. Tất cả yên lặng. Chỉ có gió thổi mạnh. Đám cây điền thanh dày đặc ngả rạp theo chiều gió cùng với những âm thanh vi vút như tiếng sáo.
Vong bà Hiên chợt đứng dậy. Bà sửa lại quần áo, đầu tóc, hai tay xoa mặt như thiếu nữ làm dáng. Người ta nhận ra dáng điệu trẻ trung và cử chỉ đoan trang của người thiếu nữ. Bà đi phăm phăm về phía đường cái.
– Cô ơi! Cô đi đâu bây giờ.
– Đi!
– Đi đâu hở cô?
– Đi đến chỗ ông Hình.
– Ông Hình không có ở làng.
– Lên bệnh viện.
Đoàn người lại rồng rắn đi theo hồn ma. Người ta muốn xem sự việc diễn ra như thế nào. Ông Vấn chạy lên trước vong:
– Bà ơi! Đường lên huyện xa lắm.
– Xa cũng đi!
Hai họ nhìn nhau không dám ngăn cản. Ai dám chống lại người âm cơ chứ! Người ta thấy Hãn tất tưởi cố chạy cho kịp đoàn người, vừa chạy vừa khóc.
Một cuộc hội ý nhanh hình thành mặc dù đoàn người đi theo vong vẫn tiến về phía trước.
– Các ông thấy nên thế nào?
Ông Thìn mặt mày tái nhợt lắp bắp đặt câu hỏi.
– Còn thế nào nữa. Cứ để bà Hiên lên bệnh viện. Chúng tôi sẽ hỏi tội ông Hình. Mạng đền mạng.
Một người cháu bà Hiên hùng hổ. Ông Vấn giơ tay:
– Các anh không được quá khích. Sự việc xảy ra quá lâu rồi.
– Nhưng ông có biết gia đình tôi chịu đựng nỗi đau thế nào không? Còn miệng lưỡi thiên hạ nữa.
– Ông Hình không hiểu gì đâu. Ông ấy chưa tỉnh táo để nhận biết sự việc.
– Ông yên tâm. Không tỉnh chúng tôi sẽ làm cho tỉnh.
Một người cháu bà Hiên gạt ông Vấn mạnh đến nỗi suýt nữa ông ngã nhào xuống đất. Đoàn người nhanh chóng vượt lên. Ông Vấn loạng choạng ngồi xuống cho mắt mũi tỉnh táo.
May hùng hổ ngoái sang đám người nhà bà Hiên:
– Mày định làm loạn ở làng tao hả?
– Tôi không muốn to chuyện. Ông đừng ngăn cản chúng tôi.
Thực ra May cũng muốn ông Hình phải đền tội. Nó vẫn nhớ ánh mắt hăm dọa của ông tối hôm nó cất dao trong túi quần. Lấp được miệng ông Hình nó không phải nơm nớp lo chuyện bị lộ nữa.
Ông Vấn đứng thẳng dậy thì đoàn người đã đi được một quãng khá xa. Tuổi tác cộng với mảnh đạn trong đầu không cho phép ông chạy theo ngăn đoàn quân quá khích làm điều dại dột. Trong đầu ông bỗng vang lên tiếng ùng oàng của trái bom nhằm trúng con tàu bí mật trên biển năm nào rồi ngã xuống bờ cỏ ven đường.
D.T.N