Thuyền nghiêng – Tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn

Chương XVI

 

Ông Vấn thấy mình đang cố nhoai khỏi mặt nước để thở. Ngực ông tức như có tảng đá đè. Miệng ú ớ muốn kêu lên không được. Mồ hôi túa ra ướt đầm lưng, ông cảm nhận rõ từng giọt đang thi nhau lăn xuống. Người quê bây giờ không giữ ý tứ và thật thà trong sáng nữa, mà nhỏ nhen kèn cựa từ những việc rất nhỏ. Mối thù hằn tích tụ không bao giờ quên. Thế mới có chuyện của mấy chục năm về trước bị xới lên. Đành rằng đó là nỗi đau của gia đình bà Hiên, nhưng có cần phải trả thù, nhất là mọi việc còn chưa đâu vào đâu? Người ta tin vào hồn ma, tin vào một thế giới khác không tồn tại. Ai giải thích được chuyện này để mâu thuẫn được giải quyết bây giờ? Ông muốn dung hoà các dòng họ và tạo sự đoàn kết trong toàn thể dân làng nhưng khó quá. Ngay như họ Hoàng, người ngoài nhìn vào có thể nghĩ họ cùng một lòng một dạ, nhưng thực chất khác xa, và nhiều lúc ông đành bó tay. Ai cũng tham gia đóng góp vì  việc chung nhưng nhiều khi không vì cái tâm, mà nghĩ rằng làm như thế mình sẽ được lợi và hưởng phúc lộc tổ tiên. Thực lòng họ muốn nhà mình không thua kém nhà khác, nhất là người trong họ.

Chơi vơi giữa trời nắng như thiêu đốt trên con đường vắng vẻ, người ông nhũn ra. Miệng khô khốc, mắt không mở dù ông cố rướn đôi mày. Chẳng lẽ người ta lại tò mò và vô tình đến thế? Họ để mặc ông trơ trọi trên đường để thoả mãn tính tò mò? Làm sao ông về nhà được bây giờ?

Những cố gắng của một ông già thương tật càng làm cho người ông yếu đi. Dưới nắng nóng ông ước mình có sức mạnh như anh thanh niên năm nào trên con tàu băng băng giữa đại dương, hoặc chí ít cũng là một người lính trở về từ chiến tuyến đứng trên bục diễn tả hùng hồn những trận đánh vang dội. Không ít lần ông tự thú nhận với bản thân rằng ông đã nói quá lên, đã tô hồng những năm tháng hào hùng ấy. Nhưng biết làm sao khi những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên muốn các thế hệ cha anh như huyền thoại. Ông đã bước ra từ huyền thoại nhưng không thể điều khiển được thực tại.

Giây phút cô đơn không phải những năm tháng ăn rừng ở rú, ở những ngày lênh đênh trên biển mà là chính lúc này, một mình ông chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết và sự bất lực trước những người cùng dòng máu. Ông cảm nhận rất rõ người ông dần nguột đi, muốn thở nhưng tảng đá trên ngực nặng thế, chẳng làm gì được nữa.

Khi ông Vấn cảm thấy thần chết đè chặt ông xuống đất thì tự nhiên ông bị nhấc bổng lên. Người ông lơ lửng quay quay. Phút chốc ông thấy người nhẹ bẫng và cổ họng như có nước chảy. Một sự thần kì không thể gọi thành tên. Bởi ông trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc đặc biệt này. Cửa địa ngục hay cổng thiên đường? Có thể thần chết đang đùa giỡn ông. Trước khi từ giã cõi đời ông được thưởng thức cảm giác đê mê khoan khoái của cõi tiên để hồn ông không còn vương vấn cõi trần. Ông sẽ thanh thản ra đi.

Ông Vấn cho là mình được nếm trải chốn thiên đường trước khi từ giã cõi đời nhưng hoàn toàn không phải thế. Người cứu ông không ai khác là Vớ.

Chuyện ở làng đương nhiên không có việc gì qua được mắt Vớ. Vốn là người tò mò và muốn xông ra chốn đông người để hóng chuyện, nhưng Vớ trong tình thế này hoàn toàn khác. Từ hôm xảy ra chuyện Vớ luôn hoảng sợ. Vớ biết sợ vì trong tâm thức của một thằng từ bé không được giáo dục giờ đã có được ý thức làm người. Bị anh em thằng Bằng đánh cho thừa sống thiếu chết khi cuộc sống đang hé một cánh cửa cho nó chui vào. Hãn chỉ ra cho nó chuyện xấu tốt, thiện ác và con người phải biết hướng thiện. Đầu óc nó lơ mơ nhận ra rằng không thể theo bố con ông Hình chặt cây, bỏ thuốc sâu vào ao nhà người khác. Chuyện nó vu oan giá hoạ hoặc đặt điều xấu để nhận thù lao sẽ không có nữa. Mấy hôm nay nó nằm im trong nhà phần vì vết thương, phần vì thực lòng nó không muốn bị đòn tiếp. Thật may từ ngày cha sinh mẹ đẻ Vớ chưa mất viên thuốc khi ốm đau nên vết thương rất mau lành. Cánh tay lủng lẳng chỉ cần nhờ thầy lang lắc mấy cái là đâu lại vào đấy. Khuôn mặt sưng vếu giờ đã bớt tím, chỉ còn vài chỗ xây xước. Thú nhất là tối tối Vớ được ôm Hãn trong vòng tay lực lưỡng và thể hiện đúng bản chất của một con đực hoang dã. Hàng đêm tiếng thở hồng hộc trong ngôi nhà chóp nhọn vọng cả ra chùa Tây. Đêm hôm khuya khoắt tiếng động thường vang xa nên ông già coi chùa cứ phải thức giấc nghe ngóng. Ông tưởng bọn trộm mò vào chùa ăn cắp tượng. Lạ thế, cuộc giao hoan của người trần mắt thịt lạc cả vào chốn chay tịnh.

Khi thấy mọi người rồng rắn kéo nhau lên bệnh viện, có cả Hãn trong đoàn quân ấy, Vớ thấy mình là người bơ vơ. Nó lại như một con thú hoang mò ra đường. Vớ muốn biết ông Hình ra sao nên hôm nào cũng cố dỏng tai ra chùa nghe mọi người buôn chuyện. Từ sáng lòng nó nóng như lửa đốt song vẫn không dám ló mặt ra ngoài. Nó muốn đến bên Hãn che chở và sẵn sàng đương đầu với bố con ông Hình nhưng nghĩ đến thái độ hung hăng của anh em thằng Bằng nó lại thấy chờn chợn. Biết đâu bất thình lình anh em nó xuất hiện thì sao?

Vớ nhớ như in chuyện ông Hình lăn như thế nào ở vườn nhà anh Tải. Không hiểu sao ông mò được ra đến tận cống Cả mới vật ra bất tỉnh? Ông ấy nằm dạng ra như con cua chết ở ngõ nhà anh Tải rồi cơ mà. Vớ không thể nghĩ ra cách ông Hình di chuyển được quãng đường như thế? Vớ cũng nhớ như in ánh mắt Hãn hoảng sợ nhưng nó đầy quyết tâm biến ông Hình thành kẻ thân tàn ma dại. Chưa bao giờ Vớ có cái thú say mồi đến thế. Cứ thế là đấm đá, vật ngang vật ngửa thoải mái. Nỗi hoảng sợ trở thành kẻ cầu bơ cầu bất tứ cố vô thân tiếp cho Vớ sức mạnh. Phải diệt kẻ gây phiền toái cho mình, kẻ cướp miếng cơm manh áo của mình, điều ấy không cần học Vớ cũng hiểu. Nếu lúc ấy Hãn can ngăn Vớ sẽ không nhượng bộ. Rất may Vớ học được chút ít xảo quyệt và chút mánh lới của bố con ông Hình nên sự việc mới không bị vỡ lở. Được Hãn ngon ngọt và Vớ cảm thấy bố con ông Hình là mối nguy hiểm duy nhất cho sự tồn tại của Vớ lúc này. Vậy thì tại sao Vớ không quyết tâm giành lấy sự bình yên no đủ cơ chứ. Ngay như dân làng Đông Phong chả ngày đêm nhòm ngó rình rập nhau để kiếm miếng cơm manh áo là gì?

Đường làng tràn ngập nắng nhưng vắng teo. Vớ muốn đến chỗ đông như kiến khi đứng trên chóp nhọn nhìn xuống. Trước đây có người không để ý đến Vớ, họ cho sự có mặt của Vớ là thừa, thậm chí rầy rà nhưng giờ khác rồi. Tên Vớ được xướng lên ở bất cứ đâu vì sự việc xảy ra với Hãn, với bố con ông Hình. Người khen có, người chê có. Người thì bảo cuộc đời Vớ có người đoái hoài cũng đỡ khổ, có người lại cho rằng Vớ là người đổ vỏ, là cái màn để che đậy sự nhơ nhớp của Hãn. Mặc kệ miệng lưỡi người ta, Vớ sẽ sống với Hãn. Vớ sẽ thành người đàng hoàng, nghĩa là biết thưởng thức và bảo vệ những gì mình được hưởng. Kẻ nào bén mảng đến nhà Hãn mà xem, Vớ sẽ xin tí tiết. Vớ vẫn hùng hồn tuyên bố mỗi khi có người châm chọc. Vớ sẽ đem thân ra chấp với kẻ nào dám động đến Hãn.

Vớ không ngờ người ta lại vô tình đến thế khi để ông Vấn nằm chỏng chơ giữa trời nắng chang chang. Không cần hỏi han, Vớ biết ông Vấn đã nguy lắm. Sự thận trọng khi lò dò ra đường biến mất, Vớ tiến nhanh và xốc ông dậy chỉ cần bằng một cánh tay. Bụi tre cạnh bờ sông rợp bóng mát. Làng Đông Phong còn duy nhất bụi tre ấy là niềm tự hào. Những cây tre vàng óng bện chặt vào nhau như bờ thành. Không ai nhận là mình trồng và đố ai dám tự tiện chặt phá. Kể cũng lạ, một doi đất nhoi ra sông tưởng phải phá bỏ để không cản trở dòng chảy nhưng vẫn hiển nhiên tồn tại. Hình như bụi tre là nơi trú ngụ của ma đói ma khát vì địa thế và sự mát mẻ của nó. Trưa hè nếu chỉ có ai không chịu được cái oi nồng trong nhà ra ngoài bụi tre hóng gió, lúc thiu thiu sẽ phải choàng ngay dậy. Họ nghe thấy tiếng khóc nỉ non của đứa trẻ khát sữa mẹ, có người lại nghe thấy tiếng cười sằng sặc man dại. Sợ nhất là tiếng nghiến răng kèn kẹt giận dữ như xua đuổi mọi người. Thường người yếu bóng vía không dám qua lại vào ban trưa. Chẳng thế mà thỉnh thoảng có người lăn quay miệng lảm nhảm như ma làm. Mọi người biết chỉ có bị ma nhập mới thế. Vớ chả sợ bụi tre này. Đã bao trưa hè oi nắng Vớ ngủ ngon lành. Đã thế tiếng êm ái đều đều Vớ nghe như lời ru của mẹ nuôi năm nào.

Vớ thì sợ gì ma. Vả lại lúc ấy không thể nghĩ đến sợ sệt nữa. Vớ để ông Vấn nằm vào chỗ êm nhất rồi chạy xuống sông. Không có gì múc nước, Vớ cởi phăng chiếc áo vứt xuống rồi hối hả nhặt lên. Từng giọt nước chảy vào miệng ông Vấn từ chiếc áo. Ai bảo Vớ ngu đần? Trong lúc nguy cấp Vớ cũng biết phải làm gì. Mặt ông Vấn từ chỗ xám ngoét dần dần có chút sinh khí. Khi chiếc áo hết nước, Vớ lại chạy xuống sông nhúng cho ướt đẫm. Khi nước tạm đủ, Vớ dùng áo lau người cho ông. Vớ làm khéo léo và nhanh nhẹn như người từng trải. Chẳng gì những ngày ở cùng Hãn cũng giúp Vớ chút ít thay đổi.

Ông Vấn không biết mình chìm đi bao lâu. Làn gió lướt trên da thịt và tiếng kẽo kẹt giúp ông hồi tỉnh. Ông không biết Vớ đã cứu ông. Xung quanh chỉ có tán tre dày phủ kín khiến ông không biết mình đang ở đâu. Phải cố căng mắt ông mới nhận ra. Sao không có ai ở đây thế này?

– Ông tỉnh rồi à?

Giọng nói làm ông giật mình. Không ai khác là thằng Vớ.

– Ông ơi! Cháu thấy ông nằm chết vật ở giữa đường. Cháu lôi ông vào bụi tre cho mát. Vừa rồi cháu chạy về nhà ông gọi người nhưng chẳng có ai.

– Mọi người đâu cả rồi?

– Đi hết rồi!

– Đi đâu?

– Cháu không biết.

Ông lờ mờ nhớ chuyện xảy ra. Ông nhỏm dậy nhưng lại nằm bệt xuống ngay. Cơn đau nhói lên trong đầu. Chắc tại mảnh đạn.

– Ông cứ nằm đây cháu canh cho.

– Họ đi lâu thế?

– Chắc có chuyện gì rắc rối. Cháu ở nhà thấy họ tụ tập đông lắm.

– Rồi làng mình còn lắm chuyện.

Thằng Vớ nhìn xa xăm như nghĩ ngợi điều gì. Lát sau nó lẩm bẩm:

– Cháu chỉ muốn được yên thân.

Nó tự nói một mình vì ông Vấn nhắm nghiền mắt như ngủ. Không ngờ ông tỉnh ngay khi nó nói xong:

– Tại mày gây ra nhiều chuyện quá. Người họ Hoàng chưa biết phải làm thế nào đây này.

– Không phải tại cháu. Tại mọi người lắm chuyện thì có.

– Sao lại đổ lỗi cho mọi người? Mai đây con Hãn nó đẻ thì mày cho nó mang họ nào?

– Cháu cần gì họ.

– Thằng này buồn cười nhỉ. Con không có họ thì khác nào đứa đầu đường xó chợ.

– Thế thì cháu cứ lấy họ Hoàng. Ông không công nhận cháu vẫn cứ làm.

Ông Vấn thử thằng cháu mồ côi xem nó thế nào.

– Mày muốn được yên thân chứ gì?

– Vâng!

– Vậy thì sống cho tốt vào.

– Thế nào là tốt hở ông? Cháu phải làm theo ai? Ông bà Hình bảo cháu phải sống tốt, cháu nghe lời ông bà ấy. Giờ ông cũng bảo cháu sống tốt thì cháu phải thế nào?

Vớ nói liền một mạch như một người từng trải và khôn ngoan. Có những lời nói của người ít học khiến người khác phải giật mình. Ông Vấn tủm tỉm:

– Từ ngày được con Hãn dạy bảo mày cũng khôn ra phết.

Vớ nghiêng đầu như một diễn viên trên sân khấu tỏ lòng cảm tạ ông bác. Sự thích thú hiện rõ trong đôi mắt già nua. Việc gì phải gây khó khăn và xua đuổi nó làm gì. Nhiều người như rết nhiều chân, ông sẽ thuyết phục mọi người đừng tẩy chay vợ chồng Vớ. Biết đâu họ Hoàng có vợ chồng Vớ sẽ là bài học cho nhiều đứa thanh niên lêu lổng (?).

Hai bác cháu đang rủ rỉ thì đoàn người rầm rập kéo về. Thời đại mới việc đi lại thật thuận tiện. Nhà nào dù khó khăn cũng cố chạy chọt mua lấy chiếc xe máy. Tiếng máy nổ ầm ầm từ đằng xa kéo theo cả bụi bặm phút chốc đỗ xịch ngay chỗ ban nãy. Người đàn bà lại nằm vật xuống khi người cháu gạt chân chống xe. Ông Vấn lấy hết sức lực chạy phăm phăm về phía đám đông. Không hiểu sức mạnh nào khiến ông chạy nhanh đến thế? Vớ vẫn đứng như trời trồng không dám tiến lại. Không còn sự thách thức ồn ào lúc đầu, ông Vấn thấy mắt ai cũng đỏ hoe, còn người đàn bà vong bà Hiên nhập vào mặt mũi bị biến dạng. Chắc phải trải qua sự đau đớn cùng cực nên những nét đau khổ vẫn hằn trên nét mặt.

Đoàn quân trở về có thêm ba người họ Hoàng.

Ông Vấn ngỡ ngàng vì sự im lặng. Tại sao không có tiếng la hét, tiếng chửi bới hậm hực như lúc sáng? Tại sao ông Tấn, Tố và cả ông Hình cùng theo về? Ông chưa kịp cất tiếng thì vong bà Hiên bò về phía chiếc cáng nơi ông Hình đang thiêm thiếp. Bà đưa tay sờ khắp người ông, vuốt nhè nhẹ lên cánh tay, lên má, lên mặt. Chỉ những người có tình cảm sâu sắc mới như thế.

– Anh ơi! Anh bảo đón em đi mà sao lâu thế? Em chờ anh mãi. Anh lừa em…

Bà lắc mạnh cánh tay ông:

– Sao anh không đưa tay cho em cầm? Tay anh lạnh thế?

– …

– Bao lần em định về nhà anh nhưng không vào được. Em cứ vào đến ngõ lại bị đuổi ra. Nhiều lần em van xin nhưng anh vô tình lắm.

– ….

– Em báo mộng con Hãn nhưng anh không nghe. Anh không giúp đỡ thì thôi còn gây khó khăn cho nó.

Bất chợt mặt mũi người đàn bà nhăn lại đau đớn:

– Anh bị thân tàn ma dại thế này là đáng lắm. Chúng nó đánh anh cho đáng đời. Khổ thân anh chưa? Chết không chết được.

– …

– Anh ơi…em thương lắm…. Chúng nó….

Người đàn bà nấc lên nghẹn ngào. Bằng Anh ngồi sán lại chỗ vong bà Hiên:

– Cô chỉ xem đứa nào đánh bố cháu. Chúng cháu sẽ làm thịt nó.

Bằng hỏi nhiều lần nhưng vong bà Hiên nhất quyết lắc đầu. Miệng bà ngậm chặt, mắt nhắm nghiền. Nước mắt vẫn chảy. Bằng Anh hỏi không được, nó gần như quát lên:

– Bà biết người đánh bố tôi mà không nói. Hay chính con Hãn với thằng Vớ? Nó sẵn có mâu thuẫn với bố tôi rồi. Có đúng không?

Người đàn bà lắc đầu quầy quậy. Bằng Anh tức quá quát lên:

– Chỉ nhăng nhít! Ma với tà! Không biết đâu mà lần.

Vong bà Hiên bật khóc như người bị oan ức dồn đến đường cùng. Tất cả im lặng theo dõi cuộc đối thoại. Nhưng cuối cùng chính ông Vấn phải lên tiếng mặc dù ông chưa rõ sự việc xảy ra trên bệnh viện thế nào mà cả đoàn lại rồng rắn kéo nhau về. Như một người hoàn toàn khoẻ mạnh, ông đứng thẳng lưng, mắt hướng về phía trước, hai tay khép dọc chỉ quần dõng dạc:

– Chuyện hôm nay xin các ông các bà suy nghĩ cho kĩ. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều điều kì lạ những ngày qua. Rồi đây mọi việc sẽ phải sáng tỏ. Tôi xin thay mặt ông Tấn anh tôi đây xin có vài lời. Họ Hoàng xin đón nhận tất cả những người có tấm lòng về với dòng họ. Chúng ta không nên gây thù hằn nữa. Làm điều sai trái sẽ có kết cục không hay. Nếu chúng ta không có một trái tim nhân hậu, không biết tha thứ thì cuộc sống sẽ luôn bất ổn. Hãy gạn đục khơi trong. Chúng ta hãy tích luỹ những gì tốt đẹp của quá khứ để sống hướng thiện.

Anh em thằng Bằng định tiến về phía ông Vấn phản đối thì bị May, Công và mấy người đứng gần giữ lại. Mỗi đứa bị hai người hai bên ghì chặt. Tố nghiến răng:

– Đứng yên đấy! Phá rối thế đủ rồi!

Ông Vấn vẫn đứng thẳng như một người lính trên đài chiến thắng. Ông thấy mình sung mãn và hừng hực khí thế với bộ quân phục lấp lánh. Giọng ông hào sảng như trước đoàn quân sắp xuất trận. Hơn ai hết ông thấy mình cần có bản lĩnh của một thủ lĩnh. Bởi vì làng ông đang rối như canh hẹ. Cái thật, cái giả, cái xấu cái tốt đang bị đảo lộn. Người ta không muốn dung hoà giữa thời buổi nhộn nhạo mạnh ai nấy sống. Ông phải nói để mọi người hiểu người quê phải giữ lề thói nhà quê, nét quê. Người trong dòng họ thì cùng chung huyết thống, người ngoài họ cũng dây mơ rễ má. Để nói được điều này, những ngày qua ông đã tìm ra cách tiếp cận sao cho gần gũi với nhận thức hẹp hòi của người quê ông. Một người từng trải hiểu nhiều, biết nhiều nhưng nhiều khi ở quê không cần một cái gì quá xa vời. Ông phải dẹp bỏ nào là thế giới quan, nào là tư tưởng triết học, nào là lập trường quan điểm này nọ….Người quê cần điều đơn giản, cụ thể và tình người. Những ai có chút học thức thoát khỏi làng nhưng khi trở về vẫn phải sống sao cho có nét quê. Một năm vài lần, thậm chí ít hơn họ ào về rồi rút. Đâu phải đối đầu với khó khăn, với tư tưởng bảo thủ cục bộ này. Vậy tại sao ông không là người tiên phong dẹp bỏ tất cả điều xấu?

Anh em thằng Bằng rũ người cạnh bố. Ông Hình nhắm nghiền mắt nhưng lời ông Vấn như rót vào tai ông. Làm sao ông có thể tỉnh lại khi cuộc đời có quá nhiều điều trớ trêu. Trong lòng ông đau thắt, có lúc tưởng không thở được. Tỉnh lại làm gì cho mọi thứ rối tung lên. Cứ để sự việc diễn ra và chìm đi. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ông không nỡ để đứa con gái bị mình vùi dập, gằn hắt bao năm lại một lần khó xử. Ông sẽ không tỉnh nữa, và quyết tâm không bao giờ mở miệng. Ông sẽ nằm cho đến khi thần chết lôi đi.

D.T.N

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder