Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một trào lưu mà nhiều thập kỷ của thế kỷ XX đã đóng vai trò chủ đạo trong văn học và nghệ thuật của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.
Có thể gặp những dòng định nghĩa như sau về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp nghệ thuật sống động, khoa học và tiên tiến nhất, phát triển nhờ những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giáo dục người Xô viết trong tinh thần của chủ nghĩa cộng sản” (Đại bách khoa thư Xô viết, 1947). Trong nghiên cứu văn học Xô viết, vấn đề nguồn gốc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thường được gắn với hệ tư tưởng Marxism. Các nhà nghiên cứu Xô viết cho rằng tuy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không đồng nhất với chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử (điều đã là nguyên nhân của những tranh luận thập niên 1920 với Hiệp hội các nhà văn vô sản Nga – RAPP), nhưng người nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa là người chia sẻ thế giới quan duy vật biện chứng và điều đó cho phép người nghệ sĩ phản ánh chân thật hiện thực lịch sử.
Bởi vậy, có thể là điều lạ đối với nhiều người khi nói về mối liên hệ không phải đối kháng, phủ định, mà là kế thừa, cải biến giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với tôn giáo – một hiện tượng mang tính duy tâm chủ nghĩa, ở nơi nó được sinh ra là nước Nga và ở tác gia được xem là cha đẻ của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là Maxim Gorky.
Maxim Gorky (tên thật là Alexei Maximovich Peshkov, 1868 – 1936) không chỉ là một nhà văn, mà còn một nhà hoạt động cách mạng. Đối với sự hình thành văn học Xô viết, ông đóng vai trò là người sáng lập, tổ chức và xây dựng những cơ sở lý luận cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong sáng tác, ông không phải là một nhà tuyên truyền cứng nhắc. Những nguyên tắc hiện thực xã hội chủ nghĩa nơi ông được hình thành một cách tự nhiên, phát xuất từ những tìm tòi, hoài nghi, trăn trở trong suốt một cuộc đời cá nhân đầy gian khổ giữa một thời đại đầy bão tố. Cuộc đời Gorky có thể xem là một huyền thoại về một con người xuất thân từ dưới đáy xã hội: mồ côi cha mẹ, ông bà ngoại phá sản, từ 11 tuổi đã phải “ở giữa người đời” làm thuê kiếm sống, tuổi thanh niên từng lang thang cùng với những “đạo quân du thủ du thực” khắp nước Nga nghèo đói. Ông là nhà văn tự học (писатель-самоучка/ autodidact), tương tự như Jean-Jaques Rousseau của Pháp, Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, điều này là một trong những yếu tố quan trọng quyết định xu hướng xã hội chủ nghĩa trong sáng tác của nhà văn. Thế giới trong tác phẩm của Gorky chủ yếu là thế giới “dưới đáy”, với những con người vô sản: những kẻ chân đất lang thang, những tên kẻ trộm, những cô gái điếm, những kẻ làm thuê. Chẳng hạn, vở kịch Dưới đáy (1905) là tập hợp tất cả những kiểu “con người mới” vô sản từng rải rác xuất hiện trong các truyện ngắn lãng mạn thời kỳ đầu của Gorky: sinh sống trong một nhà trọ nghèo nàn “dưới đáy” (trong nghĩa đen: nằm ở tầng hầm của ngôi nhà) là một anh trộm cắp chuyên nghiệp, bẩm sinh (ông nội là kẻ cắp, cha là kẻ cắp nên sinh ra cũng phải là kẻ cắp), một anh thợ mộc lao khổ với người vợ sắp chết vì bệnh ho lao, một cô gái điếm luôn mơ có được một tình yêu đích thực, một anh nghệ sĩ sa đọa vì nghiện rượu, một anh quý tộc phá sản trở thành kẻ khố rách áo ôm, một ông lão hành hương, và những kẻ vô công rồi nghề khác. Không chỉ là một bức tranh sinh hoạt cùng khổ, ở đây còn là một cuộc đối đầu giữa các quan niệm sống của những người cùng khổ: hoặc chấp nhận lấy lao động khổ sai làm lẽ sống, hoặc tự an ủi bằng những giấc mộng không tưởng, hoặc không cam chịu sự giả dối hay thương hại. Thế giới nguyên thủy là ác, điều này từng được thể hiện trong các tiểu thuyết vĩ đại của Dostoevsky, và nơi những tác phẩm như Dưới đáy của Gorky nó cũng trở thành một định đề. Tuy nhiên, khác với Dostoevsky, cũng như khác với Tolstoy, Gorky không chấp nhận lý thuyết cam chịu theo tinh thần Jesus, lý thuyết “không dùng bạo lực chống lại cái ác”, mà khẳng định cá nhân mạnh mẽ, cá nhân hành động, cá nhân nổi loạn.
“Kìa Con Người vĩ đại và tự do ngẩng cao đầu, chậm rãi bước những bước chân chắc chắn trên tro tàn của những định kiến cũ xưa, một mình trong màn sương xám của sự lầm lạc, sau lưng bụi của quá khứ như đám mây đen, phía trước là vô vàn câu đố, nhiều như sao trên bầu trời vô đáy, và Con Người trên con đường bất tận! Con Người nổi loạn cứ thế bước đi, tiến về phía trước!” (Trường ca Con Người, 1903)[1]
Sự khẳng định con người mạnh mẽ, nổi loạn đó nơi Gorky, theo các nhà nghiên cứu, (như L. P. Egorova và P. K. Chekalov trong Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX[2], hay G.L. Kulagina trong bài viết Lý tưởng văn hóa – đạo đức về siêu nhân của Nietzsche và sáng tác của M. Gorky[3]), là kết quả của quá trình chịu ảnh hưởng và vượt ra ngoài ảnh hưởng tư tưởng siêu nhân của Nietzsche. Nietzsche tuyên bố “Chúa đã chết” và mỗi người đều có thể đặt mình vào vị trí của Chúa, nghĩa là tự thiết lập những quan niệm của riêng mình về cái thiện và cái ác, bứt mình ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của những quan niệm nô lệ về thế giới mà loài người đã đặt ra. Siêu nhân của Nietzsche chính là sinh linh tạo ra những quan niệm riêng về thiện và ác đó, phát xuất từ bản thân anh ta và không chịu quy phục bất cứ quyền uy bên ngoài nào. Đề xuất của Nietzsche là đỉnh cao của chủ nghĩa chủ quan: mỗi con người là Chúa và là đạo luật của chính bản thân mình.
Một trong những ví dụ rõ rệt về ảnh hưởng của Nietzsche đối với sáng tác của Gorky có thể thấy trong truyện ngắn Bà lão Izegil viết năm 1894: hình ảnh con chim đại bàng “khi đã yếu sức, bèn lần cuối cùng vút bay lên giữa bầu trời, rồi từ trên đó cụp cánh rơi xuống, va mình vào những vách đá nhọn mà chết” gợi nghĩ đến đoạn văn nổi tiếng trong cuốn sách Hoàng hôn của những thần tượng (1889) của Nietzsche “Hãy chết một cách kiêu hãnh, nếu như không thể sống tiếp một cách kiêu hãnh”[4]. Môtíp chết kiêu hãnh này còn được lặp lại trong bài thơ văn xuôi Bài ca chim ưng (1895).
“Tôi đến thế giới này để không đồng tình”, câu nói nổi tiếng đó của Gorky là sự đồng vọng với quan niệm “đánh giá lại mọi giá trị” của Nietzsche. Các nhân vật trong truyện ngắn lãng mạn thập niên 1890 và đầu thập niên 1900 của Gorky là những nhân vật nổi loạn, không chịu thừa nhận những khuôn phép của trật tự cũ. Họ là những con người khát khao cuộc sống, khát khao tự do tuyệt đối, nhưng đồng thời cũng cực kỳ cô độc (như Loiko Zobar và Radda trong Makar Chudra, Lara và Danko trong Bà lão Izergil, chim ưng trong Bài ca chim ưng, v.v…) Đó là cá nhân anh hùng trong sự đối lập với đám đông – một chủ nghĩa cá nhân theo tinh thần của Nietzsche.
Tuy nhiên, dần dần, thái độ của Gorky đối với hình tượng siêu nhân của Nietzsche thay đổi: ông tỏ thái độ hoài nghi, rằng “Nietzsche có thể là thiên tài, nhưng ông không tạo ra được điều kỳ diệu, không thể trút được dòng máu nóng mới mẻ vào những mạch máu đã rệu rã”, đồng thời gọi việc Nietzsche cho rằng “cuộc sống là vô nghĩa, giả trá là cần thiết,… con người với con người là chó sói” là “một cố gắng tuyệt vọng”[5]. Đối với Gorky về sau, ý nghĩa của triết học về siêu nhân Nietzsche chỉ là sự biện hộ cho quyền lực của “các ông chủ”, là điều kiện cần thiết cho sự nô lệ.[6]
Tuy từ bỏ học thuyết của Nietzsche, nhưng một số đặc điểm mỹ học của triết gia này vẫn được giữ lại trong sáng tác của Gorky và truyền lại cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa về sau. Chẳng hạn các nhà lý luận phê bình thời cải tổ và hậu Xô viết thường nhắc đến tính chất huyền thoại của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực ra, điều này Gorky đã nói ngay từ năm 1934 tại đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô, khi ông xác định đặc điểm của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn cách mạng:
“Huyền thoại – đó là hư cấu. Hư cấu nghĩa là rút ra từ tập hợp những tư liệu hiện thực cái ý nghĩa cơ bản và thể hiện vào trong hình tượng – và thế là chúng ta có chủ nghĩa hiện thực. Nhưng nếu như thêm vào cái ý nghĩa rút ra từ tư liệu cuộc sống cái mong ước, cái có thể có và bổ sung điều đó vào hình tượng, thì chúng ta có một chủ nghĩa lãng mạn làm nền tảng cho huyền thoại và hết sức cần thiết cho việc thức tỉnh thái độ cách mạng đối với hiện thực – một thái độ thực tế làm thay đổi thế giới”.[7]
Đó là một quan niệm mang dấu ấn của Nietzsche. Triết gia cũng đã nói về vai trò của huyền thoại trong nghệ thuật thời đại mới, huyền thoại trong đó nhắc ta nhớ tới “một tồn tại khác và niềm hân hoan cao thượng”.[8]
Cùng với quá trình tham gia vào phong trào dân chủ cách mạng Nga, Gorky dần tiếp xúc với chủ nghĩa Marx. Gorky quan tâm đến những tư tưởng Marxist về vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, và có lẽ vì thế ông đã thay thế tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của Nietzsche bằng niềm tin vào tinh thần tập thể. Trong truyện ngắn viết năm 1912 nhan đề Một sự cố trong đời Makar nhà văn miêu tả một chàng trai-tự học cảm nhận sâu sắc sự cách biệt giữa ước vọng về cuộc sống tươi đẹp với hiện thực nghiệt ngã, cảm thấy bị tách rời khỏi môi trường công nhân nơi anh sinh ra và lớn lên, nhưng cũng không tìm thấy ngôn ngữ chung với tầng lớp trí thức xa rời hiện thực; anh bế tắc tìm đến cái chết, và chính sự can thiệp của những người đồng chí (товарищи trong tiếng Nga vừa có nghĩa là những người bạn cùng tập đoàn sản xuất, vừa có nghĩa là những người đồng chí) khiến cho anh cảm thấy mối liên hệ của mình với tập thể và quyết định “khỏe mạnh cho một cuộc sống lâu dài ngang bướng”[9]. Truyện ngắn mang yếu tố tự truyện: sự cố tự vẫn, cũng như những trăn trở và biến chuyển trong đời sống tinh thần của nhân vật chính là những điều đã xảy ra với bản thân Gorky, không chỉ vào lúc ông 19 tuổi (năm nhà văn đã dùng súng bắn vào ngực mình để tự vẫn – nhân vật Makar trong truyện cũng ở tuổi 19), mà cả về sau, khi ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng.
Thời điểm cách mạng 1905 – 1907, Gorky đã làm quen với Lenin, tham gia Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Nga do Lenin lãnh đạo, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong Lời kêu gọi công nhân tất cả các nước, ông đã khẳng định mình là “con người bước ra từ nhân dân và không bao giờ đánh mất mối liên hệ với nhân dân”, đồng thời gọi chủ nghĩa xã hội là “tôn giáo của giai cấp công nhân”.[10]
Tiểu thuyết Người mẹ được Gorky viết năm 1906, thời gian nhà văn ở Mỹ. Sự kiện diễn ra tại một xóm thợ, nơi sinh sống của những người công nhân làm việc cho một nhà máy. Chàng công nhân Pavel Vlasov con trai của Pelagea Nilovna đột nhiên bỏ uống rượu, bắt đầu đọc những cuốn sách cấm, tụ họp với những người bạn trí thức đến từ thành phố, thảo luận về tình trạng lao khổ của những người công nhân. Bà mẹ vừa mừng rỡ, vừa lo lắng trước những thay đổi của con trai, cũng như trước những công việc và anh cùng các bạn làm. Xuất hiện truyền đơn trong nhà máy, rồi Pavel và bạn bị bắt, sau khi được thả ra, họ tổ chức tuần hành kỷ niệm ngày 1/5, rồi lại bị bắt lần nữa. Bà mẹ từ chỗ vì thương con mà giúp những người cách mạng đi đến chỗ hiểu được ý nghĩa của cách mạng, chủ động tiếp tục sự nghiệp của con trai, dù biết chờ đợi bà là bắt bớ, tù đày.
Người mẹ là tiểu thuyết về sự phát triển của cách mạng vô sản, miêu tả hoạt động của tổ chức đảng trong mối quan hệ chặt chẽ với đời sống của giai cấp công nhân, cũng như quá trình thức tỉnh ý thức chính trị của quần chúng. Số phận các nhân vật cũng như sự nghiệp của họ chưa kết thúc cùng với tiểu thuyết: cuối tác phẩm, cả Pavel Vlasov lẫn người mẹ Nilovna đều bị bắt. Tuy nhiên, những tuyên ngôn của Pavel trước tòa án (và sau đó được người mẹ nhắc lại) là một sự khẳng định thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Miêu tả cuộc sống trong sự phát triển cách mạng, trong cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống lại giai cấp tư sản, khẳng định sự trưởng thành của giai cấp công nhân, tiên đoán thắng lợi của cách mạng vô sản – đó là những đặc điểm được xem là khởi đầu cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính cách nhìn nhận tác phẩm của Gorky như vậy – nói về tác phẩm văn học như chính bản thân cuộc sống – đã khiến cho nó từng được xem là kiểu mẫu của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, tức nghệ thuật tiên tiến nhất[11], rồi lại bị coi là một tác phẩm tồi. Nhà phê bình văn học và văn hóa Vadim Rudnev đã cho rằng cần đặt tác phẩm trong bối cảnh văn hóa thập niên đầu thế kỷ XX vốn tràn ngập không khí Thiên Chúa giáo, và tiểu thuyết Người mẹ là ẩn dụ về Đấng Cứu thế và Đức Mẹ mới (Pavel và Nilovna).[12] Các tác giả của bộ giáo trình Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX cũng có ý tưởng tương tự về tiểu thuyết Người mẹ khi cho rằng:
“Trong Người mẹ đã tạo ra một quy điển về người anh hùng chịu khổ nạn vì mục đích cao cả không chỉ thông qua những ước muốn của bản thân, mà còn của những người thân. Cái tên thánh Pavel, khuôn mặt nghiêm nghị của anh, sự khắc khổ nghiệt ngã như người tu hành của anh, sự chịu đựng lao tù, lưu đày khổ sai, sự ám chỉ gián tiếp đến Phúc Âm”.[13]
Và theo các tác giả này, điều này đã trở thành truyền thống cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi liên hệ đến tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky, xem câu chuyện cuộc đời của “một Pavel khác” (tức Pavel Korchagin) là sự học theo các quy điển thánh sử.[14]
Như vậy, tính chất linh thiêng trong sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, gắn với văn hóa Thiên Chúa giáo, đã được lưu ý. Một trong những cơ sở hình thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa còn được xem là thuyết “tạo dựng Chúa” – mà Gorky là một trong những người đề xướng.
Thuyết “tạo dựng Chúa” (Богостроительство) là một xu hướng triết học tôn giáo trong những người Marxist của Nga ở thập niên đầu thế kỷ XX, tìm cách liên kết các tư tưởng của chủ nghĩa Marx với tôn giáo, dựa trên những tương đồng trong thế giới quan xã hội chủ nghĩa và thế giới quan Ki tô giáo. Các nhà “tạo dựng Chúa” trong những năm diễn ra cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất (1905 – 1907) là các trí thức xã hội chủ nghĩa như A. V. Lunacharsky, V. A. Bazarov, sau đó có thêm M. Gorky và A. A. Bogdanovich. Lunacharsky cho rằng tôn giáo là một hình thức tư duy và cảm nhận về thế giới, “giải quyết về mặt tâm lý mâu thuẫn giữa những quy luật cuộc sống với quy luật của tự nhiên”, “giải quyết nỗi buồn thương của các sinh linh về cuộc sống đủ đầy, về hạnh phúc”[15]. Tôn giáo dẫn đến việc khắc phục mâu thuẫn giữa các luật lệ cuộc sống với các luật lệ tự nhiên, còn chủ nghĩa xã hội khoa học giúp giải quyết ở mức cao nhất những mâu thuẫn đó. Từ những liên hệ như vậy, Lunacharsky nhìn thấy ở chủ nghĩa xã hội một tôn giáo mới của tương lai, một tôn giáo không có Chúa, tôn giáo của lao động, vì vậy tôn giáo không chết đi, mà ngược lại còn phải được nâng lên một tầm cao mới. Không cần kiếm tìm Chúa như một bản thể siêu nhiên đang tồn tại, mà phải hướng tới việc tạo ra Chúa nhờ sức mạnh của tập thể, của nhân dân.
Gorky chia sẻ với Lunacharsky cách hiểu như thế về tôn giáo. Ông cho rằng tình cảm tôn giáo là một “cảm xúc sáng tạo phức tạp khi tin tưởng vào sức mạnh của mình, hy vọng vào thắng lợi của tình yêu đối với cuộc sống”, còn chủ nghĩa xã hội thì là một cảm xúc tôn giáo về mối liên hệ với quá khứ và tương lai, liên hệ bằng hành động giữa lý tưởng và hiện thực.[16]
Tinh thần “tạo dựng Chúa” nơi Gorky thể hiện rõ trong một tác phẩm từng gây những phản ứng phức tạp là truyện vừa Lời tự thú (1908). Nhân vật chính – người kể chuyện tên Matvei là một đứa trẻ bị bỏ rơi, cả cuộc đời là một hành trình gặp gỡ với những con người – những tư tưởng khác nhau nhưng đều cùng kiếm tìm ý nghĩa của chúa. Người cha nuôi đầu tiên – cố đạo Larion thì dạy chú bé Matvei yêu Chúa, nhưng “Chúa là để chết không sợ hãi, còn sống thế nào là việc của con”. Lão nông dân khá giả Titov, người cưu mang Matvei sau khi Larion chết và trở thành cha vợ của anh thì cho rằng tiền là Chúa duy nhất. Chúa đối với ông cha cả trong thành phố, người Matvei tìm đến để giãi bày những băn khoăn tìm kiếm đức tin của mình, lại là thứ bậc lễ nghĩa, là những đe dọa trừng phạt dữ dội mà nếu chưa đủ răn đe kẻ có tội thì có thêm cảnh sát, nhà tù, Siberia… hỗ trợ. Người nữ tu già hiền hậu Fevronia thì xem Chúa như một ông chủ tốt bụng, hào hiệp nhưng không có quy luật nào. Matvei thấy rằng “mỗi người có một Chúa và mỗi Chúa không cao hơn và đẹp hơn bao nhiêu so với kẻ nô lệ và là người đại diện của mình”, anh hoài nghi về Chúa, nhưng “không nhìn thấy Chúa không sống được”. Hành trình tìm Chúa đó đã kết thúc khi anh đến với xóm thợ của những người công nhân, đến với tư tưởng “nhân dân, người tạo dựng Chúa”.[17]
Nhà văn về sau đã giải thích về tác phẩm của mình:
“Tôi là người vô thần. Trong Lời tự thú, tôi cần chỉ ra con đường nào con người có thể đi từ chủ nghĩa cá nhân đến quan niệm tập thể về thế giới… Nhân vật của Lời tự thú hiểu “tạo dựng Chúa” là xây dựng tồn tại nhân dân theo tinh thần tập thể, tinh thần thống nhất mọi người vào một con đường dẫn đến một mục đích duy nhất là giải phóng con người khỏi sự nô lệ cả bên trong lẫn bên ngoài”[18].
Nhà văn thể hiện mình là đồng minh của những người đang tạo dựng một Chúa mới – “Chúa của cái đẹp và lý trí, của công bằng và tình yêu”. Cảm xúc sống động về Chúa nảy sinh “trong ngọn lửa ý thức về sự gần gũi thân thuộc về tinh thần của mỗi người với mọi người”. Cội nguồn vĩnh cửu của sự sáng tạo Chúa đó là “toàn thể quần chúng lao động trên thế gian”. Cùng với sự thức tỉnh ý chí nhân dân và thống nhất những sức mạnh rải rác trên thế gian “một vị Chúa toàn năng của trần gian sẽ hình thành, tỏa sáng và đẹp tuyệt vời” (Lời tự thú)
Các nhà cách mạng Marxist như G.V. Plekhanov, V.I. Lenin đều phản đối tư tưởng “tạo dựng Chúa”: Plekhanov cho rằng việc khoác cho chủ nghĩa xã hội chiếc áo tôn giáo đã đưa các nhà xã hội chủ nghĩa Marxist trở lại thành xã hội chủ nghĩa không tưởng[19], còn Lenin thì cho đó là một sự “tự chiêm bái bản thân kiểu tiểu tư sản thiển cận”[20]. Tuy nhiên, Lenin vẫn hết sức quan tâm đến những tư tưởng “tạo dựng Chúa”. Bằng chứng là trong những năm 1910 – 1913, Lenin đã viết khá nhiều thư cho Gorky để trao đổi, tranh luận về chúng xung quanh tác phẩm Lời tự thú và một số tác phẩm khác, điều này cũng có những tác động đến nhà văn về sau.[21]
Dù tìm kiếm những tương đồng giữa chủ nghĩa xã hội với tôn giáo, Gorky vẫn thể hiện một thái độ tích cực xã hội, nhất quán trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Ông từng viết vào năm 1912: “Con người với thái độ thụ động đối với thế giới, dù họ là ai, thì cũng là kẻ thù của tôi…”[22]. Thậm chí vào năm 1918, khi ông, một người đến với cách mạng một cách hồn nhiên và tự phát, đã có những lúc không hiểu những đồng chí Bolshevik của mình và viết tác phẩm Những suy tư không hợp thời thể hiện những băn khoăn dao động trước các biến cố cách mạng, hoài nghi vào triển vọng của thử nghiệm xã hội mới được bắt đầu, thì cả lúc đó Gorky vẫn khẳng định: “Ý nghĩa của hai mươi lăm năm lao động của tôi, như tôi hiểu, phát xuất từ mong muốn vô cùng là đánh thức trong con người thái độ hành động đối với cuộc sống”[23].
Nhà văn cho rằng những thuyết giáo về sự cần thiết phải cam chịu, như của Dostoevsky và L. Tolstoy là có hại cho đất nước. Điều này về sau sẽ trở thành một nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: khẳng định tồn tại là hành động.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4-2014
[1] Gorky M., Con Người. Bản tiếng Nga trên Internet: http://gorkiy.lit-info.ru/gorkiy/proza/rasskaz/chelovek.htm
[2] Egorova L.P., Chekalov P.K., “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thời đại văn học”, trong: Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX, Moskva-Stavropol, 1998.
[3] Kuragina G.N., Lý tưởng văn hóa đạo đức về siêu nhân của F.Nietzsche và sáng tác của M.Gorky. Bản tiếng Nga trên Internet: http://z3950.ksu.ru/phil/0689643/080-082.pdf
[4] Friedrich Nietzsche, Hoàng hôn của các thần tượng (Die Götzen-Dämmerung – Twilight of the Idols, translated by Walter Kaufmann and R.J. Hollingdale) Bản tiếng Anh trên Internet: http://www.handprint.com/SC/NIE/GotDamer.html
[5] Các trích dẫn lấy từ: M. Gorky, Về những kẻ tiểu tư sản, 1929. Bản tiếng Nga trên Internet: http://gorkiy.lit-info.ru/gorkiy/articles/article-354.htm
[6] Theo Kuragina G. N., Tài liệu đã dẫn.
[7] Gorky M., “Văn học Xô viết”, Báo cáo tại đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô, trong: Toàn tập tác phẩm gồm 30 tập, Tập 27, Moskva: NXB Văn học nghệ thuật, 1953 (Bản tiếng Nga)
[8] Nietzsche F., “Sự ra đời của bi kịch từ tinh thần âm nhạc” (Ницше Ф.В. “Рождение трагедии из духа музыки”), http://nicshe.net/rozdenie_tragedii_21.php
[9] Gorky M., “Một sự cố trong đời Makar”, trong: Toàn tập tác phẩm gồm 25 tập, tập 14, Moskva: NXB Khoa học, 1971 (Bản tiếng Nga)
[10] Gorky M., “Lời kêu gọi công nhân tất cả các nước”, Bản tiếng Nga trên Internet: http://home.mts-nn.ru/~gorky/TEXTS/OCHST/workrs.txt.
[11] Kuzmichev I.K (chủ biên), Về sáng tác của Gorky, tuyển tập các bài bào, NXB Gorky, 1956 (Bản tiếng Nga).
[12] Rudnev V., Từ điển văn hóa thế kỷ XX, Moskva: NXB Agraf, 1997 (Bản tiếng Nga).
[13] Egorova L.P., Chekalov P.K., “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thời đại văn học”. Tài liệu đã dẫn.
[14] Egorova L.P., Chekalov P.K., Tài liệu đã dẫn.
[15] Lunacharsky A.V., Tôn giáo và chủ nghĩa xã hội (tập 1, chương 1, mục 3). Bản tiếng Nga trên Internet:
http://lunacharsky.newgod.su/lib/religiya-i-socializm-t-1/3-biologicheskoe-opredelenie-religii
[16] Dẫn theo: Borev Yu.B., Lunacharsky, Moskva, NXB Đội cận vệ thanh niên, 2010, trang 11 (Bản tiếng Nga).
[17] Các đoạn trích tác phẩm Lời tự thú trong bài viết dẫn từ: М. Горький, Исповедь (http://gorkiy.lit-info.ru/gorkiy/proza/ispoved/ispoved.htm)
[18] Gorky M., Lời tự thú, phần chú thích..
[19] Plekhanov G.V., “Về cái gọi là những tìm tòi tôn giáo ở nước Nga”, trong: Toàn tập tác phẩm, tập 22, Moskva, 1925 (Bản tiếng Nga)
[20] Trích thư của Lenin gửi Gorky ngày 14/11/1913 (Ленин В. И., Письма к Горькому, Ленинский сборник, № 1, М. — Л., 1924)
[21] Xem: Gorky M., Lời tự thú, phần chú thích.
[22] M.Gorky và L.Andreev qua thư từ, Lưu trữ văn học. M.Gorky. Các tư liệu và nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Leningrad, 1934.
[23] M. Gorky, Lời nói đầu cho Hợp tuyển các bài báo 1905 – 1916, Dẫn theo: M. Gorky, Ghi chép về tiểu tư sản, Phần chú thích. Bản tiếng Nga trên Internet: http://gorkiy.lit-info.ru/gorkiy/articles/article-354.htm