Tiếng cười giải trí của bài ca dao “Thằng Bờm” TS Nguyễn Việt Hùng

Thằng Bờm là một nhân vật truyền thuyết được lưu truyền lâu đời tại Việt Nam, đây được coi là một trong số những nhân vật tiêu biểu nhất cho dòng văn học dân gian.

 

Vanhaiphong – Thằng Bờm là một nhân vật truyền thuyết được lưu truyền lâu đời tại Việt Nam, đây được coi là một trong số những nhân vật tiêu biểu nhất cho dòng văn học dân gian. Bài ca dao Thằng Bờm cũng đã có mặt trong SGK và được bình giảng trong chương trình Văn THCS. Chúng tôi xin cập nhật bài viết dưới đây như một tư liệu tham khảo thêm cho các thày cô và các học sinh.


Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xinh đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng bờm chằng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim

Bờm rằng bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười

Lời ca dao trên ghi trong cuốn Tục ngữ phong dao (1928) Hương hoa đất nước (1949), Thơ ca bình dân (1969), Thơ ca dân gian Việt Nam chọn lọc (1969). Sách Lí hạng ca dao, Khẩu sử kí, Nam giao cổ kim lí hạng cao dao chú giải (1902-1905) chép các dị bản, trong đó có một số chữ thay đổi như không phải Phú ông mà là Chủ ông, Chúa ông và từ cuối cùng là “mừng” thay vì “cười”.([1]) Đó là những sai khác lớn trong các dị bản, còn sự khác nhau ở các chữ như một xâu (ao sâu) cá mè, hòn xôi (nắm xôi)… là không đáng kể do cách sử dụng phương ngữ ở địa bàn ghi chép của người sưu tầm.

Bài ca dao Thằng Bờm là hiện tượng thú vị trong văn học truyền miệng Việt Nam. Từ một hình tượng văn học, bờm đi vào các lĩnh vực đời sống, trở thành nguồn cảm hứng cho điện ảnh, báo chí, mĩ thuật và trong ngôn ngữ hàng ngày. Từ “bờm” được định nghĩa trong từ điển. Người ta hình dung Bờm, dùng từ Bờm để chỉ những đứa trẻ ngộ nghĩnh cả về hình dáng (mái tóc dựng lên, lởm chởm) và tính cách (vui nhộn, hài hước, có phần khờ khạo). Quá trình chuyển nghĩa giữa hình tượng Bờm và bản thân từ “bờm” trong đời sống diễn ra lâu dài và thật khó hình dung ra hết. Đây là một bài ca dao quen thuộc với từng đứa trẻ nông thôn Việt Nam từ thuở lọt lòng qua những lời ru của ông bà cha mẹ, có khi là lời hát đồng dao tuổi nhỏ. Bờm dường như một kí ức về tuổi thơ với những trò chơi và sinh hoạt dân gian. Tuy vậy cách hiểu, cách lí giải về một bài ca dao quen thuộc, thậm chí lời lẽ, từ ngữ không có gì bóng gió, không sử dụng tu từ lại trở nên khó khăn. Lẽ nào sự quen thuộc và giản dị xung quanh khiến chúng ta càng khó cắt nghĩa?

Tác giả Trần Thanh Mại (1954): khẳng định Bài Thằng Bờm là bài thơ tiêu biểu nhất cho tinh thần nông dân đấu tranh chống phong kiến, địa chủ áp bức, bóc lột, nó biểu hiện rõ rệt ý thức của giai cấp bần cố nông về trí tuệ của mình, lực lượng của mình…” . Bài ca dao biểu tượng được tất cả cái hay cái đẹp cái tinh hoa của một áng văn chương dân tộc: lời lẽ giản dị hóm hỉnh, nhạc điệu nhịp nhàng tươi sáng , ý tứ kín đáo sâu sắc, tinh vi đến cực độ”, thậm chí ông khẳng định là “quốc túy văn chương” ([2])

Ngô Quân Miện cũng trong năm đó có bài tranh luận với Trần Thanh Mại, cho rằng đây không phải viên ngọc quý của nông dân mà là là lời ca “đề cao uy thế của giai cấp địa chủ và chế giễ, khinh miệt nông dân. Nó đứng trên lập trường địa chủ rõ ràng và nhất định phải do một người trong giai cấp địa chủ phong kiến làm ra ([3]). Ông dựa vào từ “thằng” và “Phú ông” để suy luận như vậy.

Nhà tư tưởng, triết học Trần Đức Thảo (1954) cũng tham gia vào cuộc tranh luận này. Ông thấy rằng cần có lập trường giai cấp và quan điểm lịch sử để hiểu bài ca dao. Từ đó ông cho rằng bài ca dao chưa đạt đến mức độ đấu tranh triệt để, cần có lập trường của giai cấp tiên tiến thì mới thấy hết được bản chất gian ác của tên địa chủ, đã giàu có rồi còn tham lam muốn cướp cái quạt mo của Bờm ([4])

Tiếp theo đó, các tác giả Ngọc Lân (1955), Thiện Căn 1969 cũng đều thống nhất ở lập trường giai cấp, cũng là khuynh hướng nghiên cứu chủ đạo đương thời. Trong bài của Thiện Căn có cung cấp tư liệu về bài viết của Nguyễn Đăng Thục nhan đề “Tiết kiệm và tài sản ở Việt Nam”, trong đó có ý cho rằng với Bờm, đang đói lòng thì nắm xôi trả lời cho nguyện vọng thiết thực. Bờm lại là người chất phác, hồn nhiên, sống gần bản năng, vì thế nắm xôi gắn với nhu cầu thực tế của con người. ([5])

Thiện Căn xuất phát từ những triết lí tôn giáo để xem xét hành động của Bờm mang hơi hướng tư tưởng Lão – Trang. Ông dẫn ra một chuyện rất đáng chú ý “Một hoàng tử buồn phiền đi khắp nơi để xin đổi chiếc áo của kẻ sung sướng. Nhưng tiếc thay kẻ sung sướng mà hoàng tử gặp đang cày ruộng hát nghêu ngao kai lại ở trần không có áo” ([6])

Lô Răng (1969) Phân tích tình huống phi lí để thấy được việc đổi chác là không thật, cái mo cau có ý nghĩa biểu tượng. Mo nang làm từ bẹ tre loại lớn khô. Mo cau bền hơn, không có rằm, dẻo mát, khi quạt có hương thứ hoa cổ điển: hoa cau. Mo biểu tượng cho sự nhàn nhã, mát mẻ trong cuộc sống. Triết lí phương Đông: người càng có nhiều tiện nghi, càng bị trói buộc vào những nhu cầu đó.([7])

Năm 1990 Phan Văn Hoàn cung cấp bản của các cụ già ở  Yên Thành đọc là Thằng Bần chứ không phải Bờm, Hán Vương chứ không phải Phú Ông. Ở Thanh Hóa thì ông trạng chứ không phải phú ông ([8]) còn thêm đoạn:

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Ông Trạng đòi đổi một nồi cơm chăm

Bờm rằng Bờm chẳng lấy chăm

Ông Trạng đòi đổi một trăm quan tiền

Bờm rằng Bờm chẳng lấy tiền

Ông Trạng đòi đổi con thuyền chèo bơi

Bờm rằng bờm chẳng lấy bơi

Ông Trạng đòi đổi cục xôi Bờm cười”

Tác giả cắt nghĩa ở tình huống thực tế là Bờm đói vì thế các thứ phú ông đổi với Bờm đều không thực tế. Vì thế nắm xôi là triết lí sống thực tế của con người. Cái phi thực tế là những lần đổi sau giá trị càng thấp. Qua đó, bài ca thẻ hiện cái cười chế giễu phú ông.

Năm 1992, tác giả Hoàng Tiến Tựu phân tích tính cách nhân vật Bờm và Phú ông để thấy bài ca dao phản ánh những điều có lí và chân thực. Theo đó, Bờm có ba tính cách cơ bản là thích khoe, thẳng thắn từ chối những gì không ưng và hồn nhiên chân thực khi ưng thuận. Phú ông thì không hồn nhiên chân thực như vậy. Nhưng rốt cuộc ý tứ của bài ca dao như thế nào thì tác giả chưa chỉ ra.

Gần đây tiếp tục có những bài đáng chú ý của các tác giả Lê Tiến Dũng, Nguyễn Hùng Vỹ, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Trọng Bình([9])… Trong đó bài của tác giả Nguyễn Trọng Bình có nhiều kiến giải thú vị khi so sánh bài ca dao với truyện Thạch Sùng, phân tích cắt nghĩa nhân vật Bờm là người có trí tuệ, bài ca thể hiện triết lí của nhân dân về đời sống, không phải có tiền bạc là có đủ mọi thứ.

Qua việc lược thuật các ý kiến xung quanh bài ca dao chúng tôi thằng rằng việc tiếp nhận bài ca dao thằng Bờm trải qua hai giai đoạn cơ bản: những năm 50 của thế kỉ XX và những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Hai giai đoạn tiếp nhận đó kéo dài hơn nửa thế kỉ với rất nhiều bài viết, trình bày những quan điểm, tư tưởng của nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa đương thời. Tựu chung lại có mấy phương diện chính:

1)     Bài ca dao phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong đó phú ông đại diện cho xã hội  phong kiến giàu có bóc lột người dân, Bờm là người nông dân vô sản, bị bóc lột. Theo đó phú ông là kẻ hơm hĩnh, khoe khoang, lừa gạt, còn Bờm ngây thơ đáng yêu. Cũng có ý kiến cho rằng Bờm ngốc nghếch, thực dụng, đáng bị phê phán

2)     Bài ca dao thể hiện tư tưởng đạo giáo, quan điểm triết lí về chữ nhàn, về niềm vui, về cuộc sống an nhiên tự tại qua việc Bờm không màng của cải vật chất.

3)     Bài ca dao thể hiện những giá trị văn hóa của đời sống, việc Bờm giữ cái quạt mo là giữ gìn giá trị truyền thống trước sự tấn công của những yếu tố thời đại, sự thay đổi của đời sống vật chất.

 

Chúng tôi cho rằng không có những cách hiểu hoàn toàn sai hay hoàn toàn đúng vì việc tiếp nhận văn học phụ thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, vừa mang tính tự do vừa chịu ảnh hưởng tinh thần, phương pháp phê bình của thời đại. Điều cơ bản nhất về mặt phương pháp là chúng ta cần bám sát đặc trưng của thể loại trữ tình và hình thức diễn xướng của ca dao để tìm hiểu, lí giải tác phẩm.

Thứ nhất, đặc trưng của ca dao là tính chất khuôn mẫu và sự liên kết lỏng lẻo giữa các yếu tố thì việc chúng ta dựa vào một vài chữ của lời ca để giải nghĩa dẫn đến sự lệ thuộc vào văn bản và ý nghĩa (nếu có) đó cũng chỉ thuộc về cá biệt một văn bản. Vì thế việc nhấn mạnh đến đặc điểm của phú ông về hình dáng, tính cách, ngôn ngữ, thái độ để khẳng định bản chất của giai cấp phong kiến đầy thủ đoạn để lừa phỉnh người dân, tham lam vô độ đến cái quạt mo của bờm cũng đòi là không cần thiết. Việc làm đó lại dựa trên sự hiểu biết về phú ông qua những tư liệu dân gian khác chứ không phải chính bài ca dao này lại càng không phù hợp. Hơn nữa, các dị bản ghi là “chủ ông, chúa ông, Hán Vương”… thì những lí giải về phú ông không giúp ích cho việc tìm hiểu bài ca dao nữa. Chữ “thằng” trong “thằng Bờm, thằng Cuội” cũng không thể là sự khinh miệt của giai cấp phong kiến dành cho người bình dân, mà đó chỉ là cách nói suồng sã đời thường của người bình dân, thậm chí thân mật, gần gũi với nhau cũng gọi như vậy. Một trong những ngòi nổ của bài ca dao là chữ “cười” cho thấy thái độ của bờm thì các dị bản lại chép là “mừng”. Vậy thì những lập luận về cái “cười triết lí”, thể hiện trí tuệ của bờm, tư tưởng của đạo sống… lại rất chông chênh.

Thứ hai, bản chất ca dao là trữ tình, bộc lộ cảm xúc, thái độ của con người đối với sự việc, thậm chí lấy cảm xúc con người làm đối tượng miêu tả vì thế hình tượng ca dao mang tính cảm xúc, gợi cảm chứ không phải hình tượng hiện thực. Vì vậy có tác giả kể lại cả câu chuyện đổi chác, hình dung ra diễn biến lô-gic của sự việc hay đi sâu miêu tả tính cách nhân vật phú ông và bờm giống như việc phân tích nhân vật tự sự thì không đúng với bản chất của ca dao. Đúng là ca dao cũng có kể việc, cũng miêu tả nhân vật, cũng phản ánh nội dung xã hội và đấu tranh giai cấp nhưng hình tượng ca dao nhất định không phải là những tính cách có lớp lang, có trình tự, có phát triển như hình tượng của tự sự. Đó là hình tượng biểu cảm, mang tính hàm súc cao.

Chúng tôi cho rằng bài ca dao thằng Bờm là ca dao hài hước, có tính chất vui đùa, giải trí mà với những thể loại trào phúng thì bao giờ cũng kèm theo tính triết lí, suy tư của dân gian và những nội dung phê phán nhất định. Tính chất giải trí, vui vẻ mà chúng tôi chú ý dựa trên việc lời ca dao này thường được đặt vào câu hát đồng dao của trẻ, trong đó sử dụng kết cấu đối đáp liên tục (khác với đối đáp hai vế nhiều ngôn từ của đối đáp giao duyên).

Đây là đoạn đối thoại trong bài “Rồng rắn lên mây” trong đó trẻ đóng vai rồng rắn và thầy thuốc:

RR: Con lên tám.

TT: Thuốc chẳng ngon.

RR: Con lên chín.

TT: Thuốc chẳng ngon.

RR: Con lên mười.

TT: Thuốc ngon vậy.

Còn đây là đoạn đối thoại cũng có tính chất đổi chác, mua bán trong bài Xỉa cá mè:

Men bạc vác ra ngõ này

Một quan bán chăng?

Chừng chừng chẳng bán

Hai quan bán chăng?

Chừng chừng chẳng bán

Ba quan bán chăng?

Chừng chừng chẳng bán

Bốn quan bán chăng?

… Chừng chừng chẳng bán

Mười quan bán chăng?

Chừng chừng bán vậy…”

Xét về cấu trúc, hai lời đồng dao vừa dẫn với lời ca dao thằng Bờm giống nhau: một vật được đem ra định giá, đối phương liên tục thay đổi các giá trị đem đổi-mua và cuối cùng người ra giá đồng ý. Đồng dao dùng cho trẻ em tổ chức trò chơi và cách tham gia bằng việc đối đáp liên tục giúp cho trẻ em phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, đem lại tiếng cười vui vẻ, thông qua đó giúp trẻ nhớ tên sự vật, nhận thức về thế giới xung quanh. Bài ca dao thằng Bờm phải chăng gặp gỡ với nhóm đồng dao đối đáp về cấu trúc cho nên cũng được sử dụng như một bài đồng dao trong câu hát của trẻ?

Trở lại với bài ca dao, Thằng Bờm có cái quạt mo là lời giới thiệu đơn thuần thôi chứ chẳng khoe khoang gì, mà với đứa trẻ ngộ nghĩnh như Bờm, việc khoe có cái quạt cũng rất thường tình, phù hợp với tính cách trẻ con hồn nhiên và vui nhộn. Quạt mo là vật bình thường ai cũng có thể tận dụng những vật thừa thãi trong tự nhiên để làm cho mình một chiếc. Quạt mo không phải là sản phẩm siêu giá trị, thể hiện tầng văn hóa gì cao cả mà nó là vật bình thường nhưng có ích, và điều quan trọng nhất là nó đem lại niềm vui, sự hồn nhiên trong trẻo. Chẳng thế mà những chú Tễu, ông Địa đeo mặt nạ, cầm quạt mo, những nhân vật hóa trang trong lễ hội dân gian cũng đều cầm quạt mo phe phẩy, làm nhiều động tác vui nhộn. Dường như cái ý nghĩa biểu trưng của quạt về gió và lửa xua đuổi tà ma, đưa con người tới sự thoát tục, bất tử, quạt có giá trị của quyền lực đã bị lãng quên, thay vào đó là cái quạt của đời sống dân dã mà người ta có thể dùng nó vào nhiều hoàn cảnh, nhiều chức năng (“mát mặt anh hùng khi tắt gió/che đầu quân tử lúc sa mưa). Cái quạt trong tay Bờm gắn với niềm vui trẻ thơ và ngộ nghĩnh, quạt như đồ chơi của Bờm. Vì thế bờm yêu quý giữ gìn nó. Nếu chúng ta từng quan sát hoặc chơi với trẻ con thì thấy rằng việc có thể đổi lấy đồ chơi, lấy vật yêu thích của trẻ là vô cùng khó khăn. Phú ông chính là người đã không hiểu lí lẽ đó. Phú ông đem tất cả những gì thuộc tài sản của mình ra đánh đổi. Hành động đổi là sự định giá ngang nhau cho nên không phân biệt những tài sản của phú ông có quý giá, có giá trị vật chất cao hơn nhiều hay ít so với quạt mo của bờm. Việc đổi chác lại dựa trên nguyên tắc của sự thỏa thuận giữa hai bên nên càng không thể gán cho phú ông tội ép hay cướp đoạt hay lừa phỉnh Bờm, chỉ là sự thương thỏa giữa hai bên có kết quả hay không. Trong truyện dân gian, nhiều tình huống những nhân vật đổi gia tài để lấy một thứ gì đó bình thường (cây khế, con dao, con chim…) thì sự đổi chác không thể ngang bằng về giá trị mà chủ yếu là khát vọng sở hữu, mong muốn được đặt mình trong hoàn cảnh của người khác – sự thay đổi về thân phận đem đến thử thách niềm vui cho con người. Nhưng ca dao không phải là câu chuyện về sự đánh đổi thân phận để đi tìm lẽ công bằng. Ca dao hài hước có ý nghĩa giản dị và gắn với cảm xúc của con người về đời sống vì thế lời ca dao là quan niệm của nhân dân: mỗi người đều có những niềm vui, những hạnh phúc riêng của mình dù lớn lao hay nhỏ bé thì người khác không thể cảm nhận hết được.

Chúng tôi một lần nữa dẫn lại câu chuyện mà Thiện Căn kể vì dường như nó gặp gỡ với ý tứ của bài ca dao: Câu chuyện kể về một hoàng tử buồn phiền đi khắp nơi để xin đổi chiếc áo của kẻ sung sướng nhưng tiếc thay kẻ sung sướng mà hoàng tử gặp đang cày ruộng hát nghêu ngao kia lại ở trần không có áo. Như vậy triết lí của câu chuyện góp phần lí giải lô-gic của bài ca dao: niềm vui của con người dù nhỏ bé cũng rất đáng quý, đáng trân trọng  và điều đó là vô giá không thể đánh đổi đươc.

Cách trả lời vắt tắt của Bờm khi chỉ nhắc lại một tiếng trong lời của phú ông cũng là yếu tố gây cười và cũng là dấu hiệu của đồng dao khi lời hát phụ thuộc vào nhịp, vào động tác. Những đồ vật phú ông đem đổi ở lời ca dao theo trình tự từ lớn đến nhỏ, giảm dần về giá trị và cuối cùng là vật ít giá trị nhất: nắm xôi. Tuy nhiên ở dị bản đã dẫn trình tự sự vật không như vậy. Có thể thấy những sự vật phú ông đem ra xin đổi cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, dựa vào những gì phú ông có. Đến khi phú ông muốn đổi nắm xôi thì bờm cười/mừng, đó là sự kết thúc trao đổi. Bờm nhận nắm xôi cũng là một vật nhỏ bé, bình thường nhưng đem lại niềm vui cho bờm vì nắm xôi – quạt mo cùng một hệ giá trị, là những thứ quen thuộc, gần gũi với Bờm, có thể đem lại niềm vui cho cậu.

Tóm lại cả bài ca dao là lời đối đáp liên tục của Bờm và phú ông trong đó chủ yếu là lời phú ông về cuộc trao đổi lấy cái quạt mo. Kết thúc tiếng cười bật lên qua hành động cuối cùng của bờm, sự đồng ý (cười/mừng) cho thấy cuộc trao đổi, cuộc vui kết thúc và có lẽ tất cả hài lòng. Triết lí nhân sinh của dân gian qua bài ca dao cũng chính là lối sống an nhàn, vui với những niềm vui đời thường, bình dị. Niềm vui mà mình tự tạo nên, tự có được là nhữn giá trị thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Sự hồn nhiên vui tươi và tính cách có phần trẻ con ngộ nghĩnh của Bờm và cuộc đối đáp vui nhộn đã đem lại tiếng cười giải trí cho mọi người. Từ xưa đến nay trẻ em vẫn nghêu ngao hát bài thằng Bờm với tình yêu mến đặc biệt và niềm đồng cảm với sự hồn nhiên tươi vui đó.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder