Trong cuộc sống, ta có nhiều mối quan hệ tình cảm , dây mơ dễ má, tựa giàn cây neo quấn bện, ràng buộc như: Tình ruột thịt, tình bạn thâm giao, tình yêu lứa đôi… Nhưng có một thứ tình cảm rất mộc mạc, thẳm sâu, tình cảm ấy, mà đôi khi mải bôn ba cơm áo ta lãng quên, dù ta có mải mê đến nguôi quên, hay ta vấp ngã, thì những con người thuỷ chung nơi chôn rau cắt rốn , vẫn mở rộng vòng tay yêu thương đợi ta sau luỹ tre làng yên ả. Đó là tình láng giềng đơn sơ, tối lửa tắt đèn, đói no đùm bọc, bởi thế, ông cha ta thường nói ” Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Có sống ở quê mới cảm nhận được câu nói trên là đúng, mới thấy được người láng giềng quan trọng với cuộc sống của ta đến mức nào. Cây nhà này, đỏ trái sang vườn nhà bên, ngọn bầu, ngọn bí quấn quýt bờ giậu, trườn sang hàng xóm mà vàng hoa, hồng trái. Có nhà nọ còn mở lối đi sang sân nhà kia để trẻ con chạy qua, chạy về ríu rít.
Người láng giềng, có khi đón ta từ nhà hộ sinh, lúc mẹ ta đớn đau đến xé toạc bầu trời qua cơn trở dạ, mẹ thì yếu, cha đi làm xa, người láng giềng hàng ngày nấu nồi nước lá thơm tắm gội. Khi ta còn nhỏ dại, người láng giềng còn trẻ lắm, có thể sẽ đưa qua tường rào cho ta bát canh cua, có thể cạo gió cho ta khi ta mải bêu nắng cảm sốt, lúc mẹ vắng nhà, vá giùm ta chiếc áo, lời người láng giềng dăn dạy con cháu văng vẳng bên bờ vách, ta nghe được, ngấm vào tâm trí khôn nguôi, các cụ có câu ” Dạy con mình con hàng xóm khôn”. Vậy mà, khi ta trưởng thành, người láng giềng đã như cây khô guộc gày, đôi mắt ngày xưa hay dõi theo ta, giờ đã mờ, nhoè nhoẹt ánh nhìn, ngồi mòn bậc cửa, đợi con cháu xum vầy. Và, một ngày mưa lớn ta sụt sùi áo khăn, cùng đoàn người nối nhau dài đến nửa cây số để tiễn người láng giềng về với đất. Có bác hàng xóm bảo tôi, “Con người ta ở đời cốt sao có nhân có nghĩa, giàu nghèo cũng không mang đi được, phải ăn ở sao cho, khi ta về có bao nhiêu người đưa tiễn”.
Tình láng giềng, tương thân, tương ái, lá lành đụm lá rách. Nếu trong xóm có ai gặp hoạn nạn, thì cả làng đùm bọc, người đỡ bơ gạo, kẻ cho tấm áo, mớ rau sạch, con cá đồng, của ít lòng nhiều, một nhà có công việc thì cả xóm xúm vào giúp, thế mới có câu “cơm ăn không hết thì treo, việc làm không hết thì kêu láng giềng”. Tôi thích bài thơ ” Thường dân” của nhà thơ Nguyễn Long, rất đồng quê, rất chân mộc, nhà thơ khéo nói bằng thơ cái tình nghĩa quê hương, bản chất thật thà ngay thẳng của người nhà quê mà ai cũng biết. “Ăn của đất uống của trời,dốc lòng cởi dạ cho người mình tin, ồn ào mà vẫn lặng im, mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn”…
Buổi sáng, sau tiếng gà gọi sớm, ta thức giấc, đã thấy người láng giềng đi ra cùng ban mai, lục đục đồ nghề cho một buổi làm việc. Chiều muộn, khi ta về, mồ hôi nhễ nhại, long đong cơm áo, người láng giềng đón ta với lời chào thân mật và nụ cười cởi mở làm xua đi mệt nhọc ngày thường.
Xóm giềng quê tôi, ví như một cây cổ thụ xum xuê tốt lá, xanh cành,nhiều nhánh, lộc vươn , trái xum, cả làng chung một họ. Ra ngõ gặp nhau chào hỏi ríu rít ” Đất lề quê thói”, những phong tục truyền thống vùng miền, mỗi nơi một nét đẹp riêng, ai đến cũng phải răm rắp tuân những tôn ti trật tự nơi đây.
Mỗi năm có vài ngày, xóm làng, nhà nào nhà ấy, tắt bếp gia đình, góp gạo thổi cơm chung, đàn bà môi quết trầu đỏ mọng, đàn ông tưng bừng men say, rượu vào lời ra rôm rả, khói bếp quấn quyện, theo gió đồng quê mát rượi, trẻ con thả cánh diều sáo lên trời xanh. Cuộc sống bộn bề, nếu ta muốn sống có ý nghĩa, mỗi ngày ta chọn cho mình một niềm vui, nếu ngày nào vui tươi thì ngày đó chính là tết.
Nghĩa tình xóm giềng như ngọn lửa sưởi ấm trái tim mỗi người. Dù ai lận đận nơi đâu. Dù ai vươn tới nhà lầu cao sang, thì cũng được không quên xóm làng, mến yêu như câu hát của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân, “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Quê hương, đó chính là cội nguồn gốc rễ, bên giếng nước sân đình, bên giậu mồng tơi xanh, hàng dâm bụt đỏ rực, thoảng trong hương bưởi, hương chanh, có người láng giềng thân thương như tình quê, tình đất.
BÙI THỊ THU HẰNG