
Ra mắt bạn đọc năm 2008 sau 16 năm đút ngăn bàn, “Tiểu thuyết đàn bà” của Lý Lan đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2009
“Tiểu thuyết đàn bà” – đó không phải là thể loại tác phẩm với tên gọi “Đàn bà” mà Lý Lan giới thiệu tới công chúng yêu văn học. Đơn giản, đó là một cuốn sách viết về đàn bà. Về phụ nữ. Những nhân vật có sợi dây liên kết huyết thống và không huyết thống. Những người ở trong nước, nước ngoài. Trong thời chiến hay hòa bình. Tất cả được kết nối bằng tình yêu thương, sự quan tâm và sức mạnh tiềm tàng trong một nửa thế giới vẫn thường quen gọi là “phái yếu”.
Sức mạnh của những người đàn bà
Trong suốt 17 chương truyện của “Tiểu thuyết đàn bà”*, những nhân vật phụ nữ của Lý Lan hiện lên không hề yếu như nghĩa thường được hiểu của “phái yếu”. Họ đầy sức mạnh. Sức mạnh của niềm tin, của sự tự tin, vững vàng trong vòng xoáy cuộc đời, chiến tranh khắc nghiệt. Rất ít có sự xuất hiện của đàn ông với vai trò trụ cột hoặc bờ vai để dựa vào của những người phụ nữ trong cuốn sách này. Nếu có, chỉ là những nhân vật phụ để tôn thêm sức mạnh của những người phụ nữ với nhiều những biến cố trong cuộc đời của họ.
Dì Thoa – nhân vật chính là một người phụ nữ ngang bướng, suýt đi du học song lại xin được đi làm cách mạng với một nhiệm vụ bí mật không hoàn thành. Rồi sau đó bị bắt vào Côn Đảo, yêu một chiến sĩ cách mạng ở phòng giam phía bên kia tường. Liễu, người chị em họ với Thoa với những bấp bênh cuộc đời, bị nhà chồng đối xử tệ song tình yêu của người mẹ với con mình giúp Liễu vượt qua tất cả. Không Bé – con của Liễu, cô gái lấy chồng nước ngoài luôn hướng về người mẹ ở quê hương sau khi trắc trở trong cuộc sống vợ chồng ập đến qua những va chạm thường ngày. Rồi Hạnh – người bà con bất ngờ xuất hiện của Thoa, Hiền – người phụ nữ có chồng bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện sẵn sàng xin cháo và đổ bô giúp những người bệnh khác, chị Đen – nhân vật bí ẩn vẫn còn ở chặng đường tìm kiếm mở của “Tiểu thuyết đàn bà”… Tất cả cốt truyện được xoay quanh xương sống là mạch kể của nhân vật Thoa. Sức mạnh từ đây mà ra. Sức mạnh của Thoa được thể hiện qua ngôn ngữ của chị. Qua cuốn tiểu thuyết chị đang viết. Còn sức mạnh của những người đàn bà khác được tái hiện lại qua lăng kính của Thoa. Qua cách chị nhắc về họ. Cách chị động viên cô cháu gái Không Bé: “Không Bé? Con đừng khóc. Con là Không Bé, con của má Liễu. Không Bé không khóc, con nghe dì nói không?”
Cách động viên của Thoa với cô cháu gái của mình với cái tên đặc biệt Không Bé chính là một sự khẳng định sức mạnh của những người phụ nữ trong cuốn sách này. Họ không yếu. Họ cũng Không hề Bé. Thoa khẳng định điều đó cũng như Lý Lan khẳng định chân lý sức mạnh ấy khi nhắc tới chi tiết Thoa một mực yêu cầu cán bộ hộ tịch phải sửa tên của cô cháu gái mình từ Nguyễn Thị Bé thành Nguyễn Không Bé. Vì trong cô biết, cháu gái mình không hề nhỏ bé. Cũng như sức mạnh của những người đàn bà nâng họ lớn hơn thân thể tưởng như nhỏ bé của họ.
Sợi dây liên kết bền vững của tình mẹ con
Có nhiều cuốn sách của các tác giả Việt khai thác những tình tiết lấy chồng ngoại quốc, cuộc sống tha hương, vất vả của những cô dâu Việt. Và cả cuộc sống của những người lao động Việt ở các khu tị nạn, khu lao động tại nhiều quốc gia phát triển. Với Lý Lan, bà là người đưa được các chi tiết của cô dâu Việt với người chồng Mỹ một cách nhuần nhuyễn từ thực tế cuộc sống của bà với người chồng là giáo sư người Mỹ. Từ thực tế tâm lý, cảm xúc và những biến cố, va chạm thường ngày mà Lý Lan lượm được, bà đưa vào tác phẩm của mình trong mối quan hệ vợ chồng của Không Bé và Ted. Ở Mỹ, cô gái được gọi với cái tên rất Mỹ – “Betty”. Betty là một người gần như khác với Không Bé của mẹ Liễu, cháu gái của dì Thoa. Song sâu thẳm trong lòng cô là một Không Bé thuần Việt với tình yêu quê hương, xứ sở, nhớ da diết đến quặn lòng người mẹ Việt của mình.
Trong mối quan hệ mẹ con của Liễu và Không Bé qua người trung gian là dì Thoa, hiện lên ở đây là một mô-típ của tình mẹ con hiện đại trong một gia đình không biên giới. Cách suy nghĩ của Thoa và Liễu và Không Bé cũng hiện đại như nhiều cách suy nghĩ hiện nay. Tuy nhiên, thành công của Lý Lan trong khai thác mối quan hệ hiện đại này chính là sức mạnh liên kết của văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Dù tôn trọng lựa chọn của con cái trong tự do hôn nhân, song nền tảng của gia đình như chỗ dựa tinh thần vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại trong cuốn “Tiểu thuyết đàn bà” này.
Hãy thử cùng nhìn vào đoạn viết về Không Bé và người mẹ của mình sẽ thấy: “Má nói hôn nhân không phải là sự lựa chọn, mà là duyên nợ.
Nên khi Không Bé đưa Ted về nhà, má không nói “tùy con lựa chọn”, mà nói “tùy duyên nợ của con”. Thời kỳ Không Bé chìm đắm trong yêu đương hò hẹn, má nói “Nếu là duyên nợ của con thì xa con má cũng đành, nhưng nếu có duyên mà không nợ, con cũng đừng tuyệt vọng, con vẫn còn có má.
“Con vẫn còn có má”. Đó mới chính là tảng đá mà Không Bé neo hy vọng của mình. Bao nhiêu phen sóng gió dậy lên trong cuộc hôn nhân này, trong kiếp sống tha hương này, Không Bé đã bám riết vào cam kết đó để ngoi lên, để đứng vững, để đi tới trên con đường mình đã chọn. Những lúc như lúc này, ngồi chết lặng với nỗi buồn đông cứng, Không Bé cần má, chỉ cần má…”
Vậy đấy. Dù hiện đại đến đâu thì sợi dây neo giữ người với người vẫn là tình mẹ con. Sợi dây ấy giúp tăng nguồn sức mạnh để cô con gái bơ vơ nơi xứ người vượt qua những tháng ngày cô độc với văn hóa lạ và người chồng đôi lúc như người xa lạ. Sợi dây ấy giúp người mẹ vượt qua những nỗi đau chỉ người trong cuộc mới hiểu để cuối cùng, bà lại chọn ở lại Việt Nam để làm những việc từ thiện như người phụ nữ tên Hiền vẫn làm. Và cũng sợi dây ấy giúp những người phụ nữ mạnh mẽ để lựa chọn những bước đi của mình trong cuộc đời. Như lời dặn dò của Thoa với cô cháu gái Không Bé của mình: “Mình phải tự quyết định cho dù số phận hay thế lực này nọ luôn áp đặt hay xô lệch con đường đời mình chọn.” Đó là chân lý thể hiện cho sức mạnh của những người phụ nữ. Những nhân vật trong “Tiểu thuyết đàn bà” của Lý Lan./.
———————–
* Ra mắt bạn đọc năm 2008 sau 16 năm đút ngăn bàn, “Tiểu thuyết đàn bà” của Lý Lan đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2009. Bà là dịch giả của bộ truyện “Harry Potter” (bản dịch tiếng Việt do NXB Trẻ phát hành ở Việt Nam từ năm 2001).