Tình người Việt nơi đất khách – Phạm Thùy Linh

Những tâm sự, trăn trở, lúc vui, lúc đau của người Việt trên đất khách là nguồn tư liệu khai thác của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Hơn một lần, công chúng yêu văn học gặp những hình ảnh người Việt xa xứ với những cư xử nhân văn của truyền thống văn hóa Việt.

 

(Đọc truyện ngắn “Trong bão tuyết” của Nguyễn Văn Thọ)

Những tâm sự, trăn trở, lúc vui, lúc đau của người Việt trên đất khách là nguồn tư liệu khai thác của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Hơn một lần, công chúng yêu văn học gặp những hình ảnh người Việt xa xứ với những cư xử nhân văn của truyền thống văn hóa Việt. Và qua những sáng tác của ông, người đọc thêm cảm thông, chia sẻ và tự hào vì tình người Việt luôn gắn bó, chở che và đùm bọc lẫn nhau trong những lúc khó khăn.

Cuộc sống “không như mơ” của người Việt xa quê

Lần đầu tôi biết đến tên Nguyễn Văn Thọ là khi đọc tiểu thuyết “Quyên” của ông. Cuốn tiểu thuyết khai thác cuộc sống của người Việt Nam tại nước Đức xa xôi với những vất vả, lăn lộn vì cuộc sống. Sau này, còn nhiều lần khác tôi được đọc Nguyễn Văn Thọ qua những truyện ngắn khác trong đó có “Trong bão tuyết”. Đây là một trong 10 truyện ngắn được tuyển chọn tạo thành tập truyện “Vàng xưa” của nhà văn. Tập truyện được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2004. Và theo như nhận định của nhà thơ Trần Đăng Khoa, 10 truyện trong “Vàng xưa” không có truyện nào “non lép”. “Trong bão tuyết” là truyện đầu tiên khi tôi mở cuốn sách ra.

“Bây giờ là tháng 12. Sau Noel, tất cả, cả thời gian, dường như đóng đông lại…” – truyện bắt đầu như vậy. Nhà văn tả để đưa ra thông điệp về thời gian, không gian và khí hậu khắc nghiệt của nước Đức – nơi nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc. Tháng 12- tháng bản lề chuẩn bị bước sang năm mới luôn hằn chứa những tâm sự của người xa quê. Tết sắp đến, bao thứ phải lo toan, bao điều phải trăn trở. Và với gia đình người Việt trong truyện ngắn này lại càng đắn đo hơn khi Tết sắp về. Và trước Tết là lễ Noel thường được nhắc đến với ước mơ, hy vọng và hạnh phúc ngập tràn.

Song, hạnh phúc không chỉ là mơ. Cuộc sống của người lao động Việt cũng không hề như mơ theo suy nghĩ của nhiều người. Họ vất vả với những buổi chợ. Họ lo lắng vì nạn trộm cắp trong khu ở nghèo nàn của mình. Họ cân đong đo đếm từng miếng ăn, từng chi tiêu hằng ngày của những thành viên trong gia đình. Vất vả hơn những gì có thể nhìn thấy hoặc qua tưởng tượng. Bằng ngôn ngữ miêu tả và tường thuật với lời thoại mộc mạc của nhân vật, Nguyễn Văn Thọ thực sự đưa người đọc tham quan khu ở của những người lao động Việt trên đất Đức. Thâm nhập vào những câu chuyện thường ngày của họ sau giờ lao động nhọc nhằn. Và cũng giúp người đọc hiểu hơn, thông cảm hơn với những lo toan và bâng khuâng khi hướng về quê hương.

Tình người trong “tình huống”

Phải có tình huống mới “đất” để nhân vật thể hiện cá tính và ứng xử của mình. Ở đây, Nguyễn Văn Thọ đặt tình huống là sự việc mất một khoản tiền để dành lớn. Nỗi nghi ngờ xoay quanh 3 người lớn trong gia đình. Người đàn ông nghi hoặc cho cậu con trai riêng của vợ. Rồi lại nghi ngờ vợ. Và nghi ngờ một vị khách nào đó trong khoảng thời gian nghi vấn tới nhà chơi. “Một mất mười ngờ”, những giả định, chất vất xen kẽ những mạch thời gian hồi tưởng liên tục được kể lại trong quá trình thắt nút của sự việc cao trào này. Đã có lúc, tưởng như mối quan hệ gia đình của họ căng đến đứt ra được. Sẽ không còn tình cảm cha dượng với con riêng của vợ nữa. Nỗi đau xót khi nhân vật “hắn” hết lòng yêu thương vợ, vì cô mà “hắn” về Việt Nam nâng đỡ cậu con trai cô trong lúc không có nơi nương tựa. Và rồi, nghi kỵ từ chuyện mất tiền khiến lòng thương của “hắn” chông chênh.

Đã có những phương án cho việc giải quyết mối quan hệ gia đình của họ. Sẽ có sự chia cắt. Mỗi người một nơi. Chắc chắn, tình cảm sẽ không còn như trước. Song, đến lúc này, nhà văn đưa giải pháp tháo gỡ bằng sự phát hiện món tiền trong tủ đồ chơi của cô con gái cùng với món tiền giấu mỗi ngày của vợ “hắn”. Nỗi đau tưởng như có thể khóc òa. Xót xa vì những nhỏ nhen và lo lắng cỏn con của người vợ. Nhưng hơn cả, từ nỗi đau ấy nhanh chóng chuyển sang nỗi lo lắng khi nhân vật bị nghi ngờ không có mặt tại thời điểm ấy.

“…Gọi điện ngay cho con. Nó là người đầu tiên phải biết rằng chúng ta đã tìm thấy tiền. Điều ấy là quan trọng nhất…” – “Hắn” đã nói với vợ hắn như vậy. Nỗi lo và tình yêu thương vượt lên tất cả. Không còn xót xa vì mất của, nỗi xót xa giờ đây thấm đẫm tình người, tình cha con dù hắn và cậu bé 18 tuổi kia không chung huyết thống. “Hắn cười. Nụ cười sau bốn ngày chết nay lại hồi sinh. Nụ cười làm khuôn mặt hắn đẹp lạ lùng. Cái đẹp của người đàn ông giang hồ từng trải và đau khổ khi được cười hạnh phúc: – Con ơi thấy tiền rồi!”

Cái kết đầy tính nhân văn của “Trong bão tuyết” là việc cởi nút cho tình huống rất đời thường mà Nguyễn Văn Thọ đặt ra cho nhân vật của mình. Không mỹ miều, không màu sắc lãng mạn. Không ẩn dụ hoa mỹ. Cách hành văn và kết cấu truyện ngắn này của nhà văn giúp người đọc gần hơn với cuộc sống thực tế của những mẫu hình đời thường mà nhà văn lựa chọn để đưa vào sáng tác của mình. Đời thường tưởng như đơn giản và thô kệch vậy. Nhưng chính những vất vả, lo toan trong tình huống khó khăn đã mài giũa lên những viên ngọc nhân văn. Như tình cha con của nhân vật chính với cậu bé 18 tuổi. Như sự bao dung, độ lượng, bỏ qua lỗi lầm trong quá khứ để hướng đến tương lai. Trên hết cả, họ hiểu được sự cần dựa vào nhau, đoàn kết, gắn bó để cùng vượt qua khó khăn nơi đất khách như thế nào.

Tình người Việt nơi đất khách xa xôi cũng tựa như hình ảnh mà Nguyễn Văn Thọ sử dụng trong phần mở đầu và kết thúc truyện ngắn này. Hình ảnh của bông hoa Forytchia (*) rực rỡ báo mùa xuân về dù vừa qua cơn bão tuyết…/.

 

Th.L

—————————-

(*):  Forytchia – một loại cây hoa mọc báo Xuân ở châu Âu. Hoa như bông mai vàng nhưng khi chín dầy đặc nở trên cành không lá, rực vàng, rất ấn tượng. (chú giải trong tập truyện “Vàng xưa” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2010).

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder