TÌNH VẪN XANH – Truyện ngắn của Bão Vũ

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ – 8/3, vanhaiphong.com  xin giới thiệu một truyện ngắn của nhà văn Bão Vũ viết về tình yêu – Một tình yêu câm lặng suốt hơn 50 năm của một nữ ký giả dành cho nhà cách mạng nổi tiếng Chê Ghê-va-ra…

 

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ – 8/3, vanhaiphong.com  xin giới thiệu một truyện ngắn của nhà văn Bão Vũ viết về tình yêu – Một tình yêu câm lặng suốt hơn 50 năm của một nữ ký giả dành cho nhà cách mạng nổi tiếng Chê Ghê-va-ra.

TÌNH VẪN XANH

Tặng nhà báo PCP.

– “Hãy bay sang đây với chị. Chị sẽ nấu cho em món ăn Che (Chê Ghê-va-ra) từng thích. Và tặng em vài thứ mà chị nghĩ em sẽ cho là báu vật”.

Quý ngừng chat với Tana, nhấc điện thoại gọi ngay đến Air France đặt vé chuyến bay Paris đi Frankfurt ngay sáng hôm sau.

Quý biết, bà Tana đang rất buồn, mà đối với một phụ nữ có tuổi với gánh nặng ký ức trĩu trong lòng thì nỗi buồn có thể làm chết người. Có lẽ vì ở Frankfurt tuyết bắt đầu rơi đã khiến bà Tana không chịu nổi sự cô đơn giá lạnh. Cũng có thể ở đó đã có một ngày nắng nhạt hiếm hoi với những con quạ buồn nản bay trên đám cành cây mùa đông trụi lá, khiến Tana nhớ đến cái ngày nắng cách đây nửa thế kỷ ở một khu rừng thuộc Nam Mỹ xa lắc.

Từ sân bay Charles De Gaulle, Quý gọi điện cho Tana báo giờ sẽ đến Frankfurt, và nhắc bà không cần đi đón anh. Quý sợ ngoài trời tuyết lạnh, không tốt cho sức khỏe của bà Tana.

Quý rất thuộc căn hộ của bà Tanna, một căn hộ nhỏ trong khu nhà ba tầng xây từ những năm giữa thế kỷ trước với kiểu kiến trúc cổ điển mà trang trọng. Trong phòng khách vẫn còn nguyên trên tường, trần những gờ chỉ nhiều lớp và họa tiết trang trí đắp nổi trên tường. Thậm chí ở một mặt tường cũng có một chiếc lò sưởi xây gạch trần có thể đốt củi, dù sau này đã lắp một dàn sưởi bằng gang áp dưới cửa sổ. Vào những ngày mùa đông, bà Tana thường đốt lò sười. Căn phòng có ánh sáng mờ ảo bởi những rèm cửa bằng nỉ dày ít khi được mở.

Bà Tana là một người hoài cổ, đến giờ vẫn mặc những chiếc váy dài màu sẫm kiểu cũ phảng phất kiểu áo của nữ tu. Một lần trong lúc vui, thiếu chút nữa Quý đã gọi đùa Tana là “Soeur” (bà Xơ), nhưng kịp dừng lại được.

Tana ít ra ngoài. Bà thường ngồi trước màn hình xem lại những băng đĩa hình ngày trước. Dường như bà thích chìm đắm trong những ký ức xa cũ. Một lần, Quý bắt gặp Tana đang xem bộ phim đen trắng. Anh nhìn vài cảnh trên màn hình rồi hỏi phim gì. Tana cười: “Em chưa xem phim này ư? Thật may là chỉ có mình chị biết điều này. Đây là tuyệt phẩm điện ảnh thế giới. Casablanca của đạo diễn người Mỹ Michael Curtiz làm từ năm 1942. Trong lúc chị đi mua thức ăn, em hãy xem phim đi, để có thể tự hào là mình ở trong số những người đã xem Casablanca, và thoát khỏi số người đáng hổ thẹn vì chưa xem phim này. Lần ấy Quý đã bật cười nói thêm vào: “…Vâng, ở trong số người đã xem Casablanca theo những lời quảng cáo rất khó cưỡng của bà Tana.” Quý xem phim. Một phim về tình yêu, nhiều kịch tính, và một chút hoạt động tình báo chiến tranh. Phim hay tuy không phải là tuyệt phẩm, vì sự hạn chế về không gian như trong một vở diễn trên sân khấu. Nhưng Quý vẫn khen rất hay và được Tana tặng một bản sao cuốn băng.

Quý là người Việt Nam, là nhà báo, thường viết bài cho những tờ báo tiếng Anh và tiếng Pháp ở châu Âu. Anh sống ở Paris. Quý biết bà Tana trong một dịp mấy nhà báo người Việt Nam, Cuba, Tây Ban Nha quen nhau, bỗng cùng nhắc đến Che Guevara với sự ngưỡng mộ, đã tụ họp nhau tại nhà Tana và tưởng nhớ “Chàng hiệp sĩ cuối cùng”, họ coi Che như thế, bằng một bữa tiệc thịt nướng ngoài vườn (barbecue) cho hợp với tính cách của Che. Chính Tana là người tìm ra điều thú vị trong cái tên tiếng Việt Nam của Quý. Dường như để giảm bớt không khí buồn bao trùm cuộc barbecue và tràn ngập trong lòng mình, bà hỏi tên Quý rồi bảo:

– Tên của em, “Quý”, viết ra, người Pháp dễ nhầm với “Qu’y?” là “Cái gì?”

Quý gật đầu:

– Vâng, có lẽ vì thế mà em cứ suốt đời chạy theo những câu hỏi. Thêm nữa, có ai đó hỏi tên em, sẽ rất khổ vì nghĩ em bị nặng tai, cứ hỏi lại “Qu’y”? – Là “cái gì?”

Mọi người cùng cười. Tana trầm giọng nói nhỏ đi, như chỉ cho mình nghe:

– Như tên của Che ấy. Theo tiếng Argentina “Che!” là một tán thán từ bày tỏ sự thân mật như tiếng gọi “Bạn ơi!” mà Che thường dùng với bạn bè, rồi thành ra tên riêng, được nói và viết nhiều hơn tên thật của Ernesto Guevara.

Nỗi buồn về sự tưởng nhớ Che vẫn không buông tha Tana. Bà vào trong nhà lấy ra chiếc máy quay đĩa kiểu cổ và chiếc đĩa than. Bản nhạc La Higuera, Octobe 9, 1967 (nơi và ngày Che Guevara bị giết) của Alberto Iglesias vang lên, giai điệu trầm, âm u, buồn như tiếng vọng của một bài thánh ca trong nhà thờ. Mọi người im lặng cho đến khi tiếng lạo xạo của chiếc kim xoáy mãi trong những rãnh lề đĩa. Rồi một người nói to:

– Đủ rồi. Chính Che cũng không muốn chúng ta buồn. Làm gì đó cho vui đi.

Họ cùng nhảy điệu Rumba Cuban theo bài hát Cô gái Guantanamo.

Sau buổi ấy, Quý và bà Tana thân mật như hai chị em. Tana nhiều tuổi gần gấp đôi Quý, có thể là “cô cháu”, nhưng không có gì bắt buộc họ phải gọi thế. Cứ là hai chị em cho gần gũi. Anh tự hỏi, sao Tana có cảm tình đặc biệt với mình? Có thể do những người Việt Nam và Cuba cùng cảnh ngộ? Sau, Quý mới hiểu, đó là vì hai người cùng say mê đến tôn thờ Che Guevara. Tanna hỏi Quý như kiểm tra một tiểu đồ khi nhập môn:

– Không phải em yêu thích Che vì tính phiêu lưu mạo hiểm của anh ấy chứ?

Quý lắc đầu:

– Không phải thế. – Thường, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, đôi khi một chút tiếng Anh. – Em thích những phát kiến địa lý nhưng lại không thích phiêu lưu.

– Không phải em thích Che vì anh ấy có bộ râu quai nón mê hồn chứ?

– Nếu thế thì em phải yêu cả Bil Laden và những tay súng IS nữa.

Tana rũ ra cười, hồn nhiên không khác một nữ sinh trung học vô tư.

– Được rồi. Còn nữa. Không phải em yêu Che vì nghĩ rằng đó là một Don Quixote lang thang, kẻ thù của những cối xay gió chứ? Chúng ta vẫn coi Che như một hiệp sĩ mà?

Quý nhăn mặt:

– Không đùa với chị nữa. Che không bao giờ đánh nhau với cối xay gió. Che chống lại những tên thực dân, bọn chủ nô bằng xương bằng thịt trước mắt mọi người. Nếu phải so sánh thì hãy đặt Che Guevara bên cạnh Spartacus – Người Giải Phóng Nô Lệ.

Rồi như để chấm dứt “cuộc kiểm tra vô ích”, Quý hỏi Tana:

– Chị đã được gặp Che chưa?

Bà Tana gật gật đầu:

– Hồi ấy Che còn ở Cuba. Anh ấy ba mươi bảy tuổi. Chị hai mươi sáu, là phóng viên của báo Granma. Có lần chị được cử đến phỏng vấn Che. Một cuộc phỏng vấn rất có ý nghĩa với báo Granma. Vì Granma là tên con tàu Che tự tay mua để chở quân cách mạng đổ bộ lên bãi biển Cuba. Khi Che bắt tay chị và cười, chị không cưỡng được, đã nhìn vào mắt anh ấy, dù đã được người ta cảnh báo, phụ nữ chớ nên nhìn vào mắt Che.

Tana không nói tiếp. Quý hiểu. Trái tim của bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể tan chảy khi nhìn vào mắt Che Guevara. Cặp mắt đẹp, trong sáng biểu thị một nghị lực mạnh mẽ, sự quyết đoán và trung thực.

Tana đứng lên, đến bên cửa sổ kéo tấm rèm bằng nỉ dày màu ca cao. Căn phòng sáng lên ánh sáng ảm đạm mùa đông. Ngoài khung cửa kính lớn, tuyết đang rơi. Tana đứng lặng, bất động như pho tượng in hình trên nền trời tuyết trắng đang mỗi lúc một dày làm mờ mịt những mái nhà, những cột biển quảng cáo, và những chiếc ô tô đang vất vả trườn trong tuyết.

Một nỗi thương xót tràn ngập lòng Quý. Anh đến bên Tana, đặt tay lên vai bà:

– Thôi mà, Tana. Chuyện đã qua lâu rồi, đừng khơi dậy nữa. Che đã trở thành huyền thoại, một anh hùng bất tử.

– Phải rồi. Bất tử. Nhưng sao cứ phải chết mới trở thành bất tử. – Tana quay đi gạt nhanh giọt nước mắt trên mi – À quên mất, chị đang nấu cho em món ăn mà Che thích. – Tana xăm xắn lại bên bếp. – Nào, đeo tạp dề vào rồi giúp chị gọt quả dứa này.

Quý đã quen với căn bếp nhỏ gọn gàng luôn sạch sẽ. Anh gọt quả dứa rồi đặt trước mặt Tana. Quả dứa đã gọt thành những khe xoay quanh lõi, trông như một trục rãnh xoắn. Tana khen:

– Đẹp quá. Như một tác phẩm điêu khắc trừu tượng. Sao em làm được như vậy?

– Hồi ở Việt Nam, mẹ em dạy. Mẹ bảo gọt thế sẽ được nhiều thịt dứa hơn cắt nhẵn hay cắt hình mắt cáo. Việt Nam nghèo mà.

– Thì Cuba cũng đâu có giàu. Chị nhớ có lần thủ tướng Fidel phải hỏi xin Việt Nam một tàu gạo hai mươi lăm ngàn tấn.

– Vâng. Ở Việt Nam cũng đã từng được uống nước đường Cuba viện trợ. Loại đường cát vàng, ngọt đậm mà lành, không có chất tẩy trắng.

– Bây giờ em xay nhuyễn đĩa thịt bò này. Phải thật nhuyễn đấy. Hãy xứng đáng là đàn ông khi nghiền thịt.

Quý mỉm cười, đi lại chiếc tủ treo lấy ra chiếc máy nghiền thực phẩm. Anh nghiền tới hai lần những miếng thịt bò đã thái nhỏ, đem đến cho Tana:

– Không thể nhuyễn hơn được nữa. Chị xem, đây là bột thịt bò dành cho trẻ sơ sinh. Nhưng sao không chỉ dần qua để giữ độ dai, ăn thú vị hơn? Làm thế này có giống món pa-tê bò, dành cho những người bị hỏng răng không?

– Đừng cãi lại đầu bếp giỏi. Thịt bò xay để nhồi với dứa và vài thứ khác. Chị còn làm món Ropa vieja nữa cho em. Món ấy có đủ thịt bò cho em nhai. Có biết Ropa vieja tiếng Tây ban Nha gọi là gì không? Là “quần áo cũ”. Không phải chị bịa ra tên ấy để trả thù em đã ám chỉ chị có mấy cái răng giả, mà đúng là thế. Em sẽ được ăn món “quần áo cũ”. Thịt bò xé trong món ấy trông như những sợi vải quần của mấy tay chăn bò Mỹ. Nhưng khi ăn, em sẽ thấy rất ngon.

Quý bật cười:

– Em biết. Hồi đi học, nhà bếp sinh viên có lần cho chúng em ăn thịt một con trâu già. Lão trâu bị giết thịt vì không còn sức kéo cày. Bọn em đã nhai hết sức mà không sao nát được miếng thịt, đành phải nuốt chửng. Có đứa bảo: “Chuyển cấp dưới giải quyết”, đứa thì bảo: “Đồng chí Dạ-Dày phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Tana buông chiếc thìa, cúi gập mình cười to:

– Em làm chị chết vì cười mất!

Quý nói, giọng nghiêm trang:

– Được rồi. Hôm nay em sẽ nấu cho chị món cơm khê. Thực ra cơm Việt Nam dẻo, thơm, nhưng em không biết nấu, thường để quá lửa nên bị cháy có mùi khét, gọi là cơm khê. “Cơm khê”, tiếng Việt, chị nói đi.

– “Com khe” – Tana nhắc lại rất khó khăn và lại cười.

Dường như Quý đã giúp Tana vượt qua nỗi buồn về Che.

Bữa ăn ngon và rất vui vẻ với chút rượu Rhum Cuba, thứ rượu mạnh cất bằng mía đã khiến đoàn thủy thủ của Colombo ngày xưa say mèm. Hai người ngồi trước lò sưởi uống cà phê và rồi lại nói chuyện về Che. Chuyến đến đây của Quý cũng là để hỏi về Che Guevara cho bài báo anh đang viết.

Tana đến tủ sách lấy ra một chiếc hộp gỗ, đặt lên bàn, mở ra trước mặt Quý:

– Đây là quà chị tặng em.

Trong hộp có bao xì-gà và những mảnh báo cắt rời. Quý cầm bao xì-gà loại 5 điếu, bên trong chỉ còn một điếu và Quý như cảm thấy mùi thơm đặc trưng của thứ xì-gà Habana nổi tiếng.

– Điếu xì-gà của Che? – Quý hỏi.

Tana gật đầu.

Trước ngày Che rời Cuba, Tana đến gặp anh, với tư cách phóng viên của Granma. Che xua tay: “Em đừng nên viết gì cả. Fidel Castro sẽ nói rõ mọi chuyện”. Tana hỏi: “Anh đi khỏi Cuba thật sao?”- “Đúng vậy. Đi lúc này vẫn là hơi muộn. Có những việc gấp đang chờ anh từ lâu.” – Cô ngạc nhiên: “Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, rồi Chủ tịch Ngân hàng trung ương, những công việc ấy không quan trọng với Cuba hay sao?” – “Nhiều người khác có thể làm tốt những việc đó hơn anh. Mà, em xem anh có giống một vị công chức không? Hãy hình dung anh ngày ngày ngồi sau chiếc bàn giấy cho đến lúc bụng phệ ra… rồi bù đầu với những hội nghị với complet, cravat, kính lão, rồi ký lia lịa vào những bản thống kê, báo cáo dày đặc con số. Rồi diễn văn với những “Kính thưa”…?”

Tana nghĩ: Đúng, Che sẽ mãi mãi là một hiệp sĩ phiêu bạt, vị thần trừng phạt đối với những tên chủ nô tàn ác, bọn lái buôn nô lệ.

Một chàng trai cũng mặc bộ đồ quân cách mạng như Che xuất hiện ở cửa phòng, gõ vào cánh cửa. Che nhìn ra, người ấy hất đầu về phía sân có chiếc xe jeep đang đỗ.

Che khoác chiếc ba lô lên vai, lấy trong túi ngực bao xì-gà, đưa cho Tana:

– Anh phải đi rồi. Vội quá, không có quà gì tặng em. Hãy giữ bao xì-gà này vậy.

Che nâng cằm Tana, nhìn vào mắt cô:

– Nào, người đẹp, hãy tặng chiến sĩ ra trận một nụ cười.

Tana không thể cười được vì cử chỉ thân mật bất ngờ, vì đôi mắt của Che. Đôi mắt làm Tana nghẹt thở. Tana muốn òa khóc, và mắt cô giàn giụa nước.

Che cùng những người đồng chí đã dấn thân vào cuộc cách mạng tưởng chừng hoang tưởng để giải phóng những kẻ khốn cùng đang chịu sự bất công.

– Bây giờ chị tặng lại em điếu xì gà của Che. Còn đây là những bài báo in trên Granma thời ấy. Sẽ giúp ích cho em.

Bao xì-gà loại 5 điếu dùng cho người đi đường, Che đã hút một điếu. Món tặng phẩm tưởng như thô lỗ đối với một phụ nữ, nhưng ở Cuba, nhiều phụ nữ cũng hút xì-gà, và dân Cuba coi xì-gà là thứ rất quý giá. Còn đối với Tana đó là dấu tích của Che. Sau này, cô đã tặng dần mấy điếu xì-gà cho những người bạn thân nhất, những người ái mộ Che. Tana chỉ giữ lại cho mình một điếu và vỏ hộp.  Bây giờ bà tặng cho Quý. Anh thận trọng mở hộp lấy ra điếu xì-gà nguyên vẹn, ngắm nghía rất lâu.

– Chị cứ giữ hộ em điếu xì-gà này. Đây là một thánh tích, rất có ý nghĩa với chị, em không thể giữ riêng cho mình.

Tana trầm ngâm nhìn ngọn lửa trong lò sưởi:

– Em nói đến thánh tích, chị lại nhớ đến ngôi nhà thờ xây bằng đá ở La Higuera, nơi người ta đặt ảnh của Che cạnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Che được coi là Thánh, “Saint Che’, “Santa Ernesto”.

Thị trấn nhỏ La Higuera cách thành phố Santa Cruz về phía Tây Nam chừng chín mươi dặm. Một thị trấn ven đường với gần hai chục nóc nhà sẽ chẳng ai biết đến nếu đây không phải là nơi Che bị hành quyết ngày 7 tháng 10 năm 1967. Thị trấn có con đường đất mang tên “Che” và một quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ có bức tượng bán thân của Che trên khối đá rất lớn. Dân du lịch coi nơi này là địa điểm thiêng liêng nhất trong chuyến hành hương đến nơi “Thánh Ernesto tử đạo”.

Tana đã đến đó, một mình len lỏi trong khu rừng cạnh thị trấn. Khu rừng già có những bầy muỗi đói với những cây vả cổ thụ rậm rạp, nơi xảy ra cuộc đấu súng quyết liệt giữa đội du kích ít ỏi của Che và đám quân lính Bolivia đông hơn gấp bội. Quân chính phủ đã phải nã đạn pháo vào những người du kích chỉ có vũ khí cầm tay để tiêu diệt họ. Mười hai đồng chí của Che đã chết. Khẩu carbin của Che bị vỡ nát khiến anh không thể dùng viên đạn cuối cùng để tự sát. Che bị thương ở chân, lết đi dưới những gốc cây vả, rồi bị bắt. Người Mỹ đứng sau vụ này. Họ sợ sẽ “có nhiều Việt Nam nữa” như Che đã tuyên bố. Khi ấy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, những du kích thiện chiến đã khiến lính Mỹ khốn đốn.

Tana nhìn quanh những gốc cây vả nơi cô đang đứng và hình dung thân hình đẫm máu của Che đang lết đi từng quãng ngắn trên đám lá mục. Khu rừng tan nát vì đạn pháo. Những đồng đội đã chết nằm quanh Che. Cả Tania, cô gái duy nhất của đội du kích cũng không hề run sợ khi được chết bên Che. Đây không phải là cuộc tự sát mà là thánh lễ tuẫn tiết của những thánh tử đạo. Người ta cần phải biết, dù chỉ một người nô lệ cũng có thể đứng lên chống chọi với bọn thực dân, bọn chủ nô để đòi lấy quyền tự do thiêng liêng cho mình. Tana nghe thấy tiếng gió trong những tán lá rậm rạp xào xạc, như tiếng thì thào trầm ấm quen thuộc bên tai.

Tana bước vào ngôi trường học trước kia bây giờ là nhà Bảo tàng Che Guevara. Họ đã hành quyết Che ở đây. Xác của Che được trong một nhà giặt.

Tana đưa mắt nhìn. Bức ảnh thi hài Che nằm trên chiếc cáng được đặt lên một bể giặt, cặp mắt vẫn mở.

– Có nhiều người đến thăm nơi này không, ông? – Tana hỏi người trông coi bảo tàng nhỏ kiêm việc thuyết mình. Ông ta trả lời:

– Rất đông.

Người ta treo bộ quần áo của Che lên cao sát trần nhà. Bộ quần áo lỗ chỗ vết đạn và đẫm máu đã khô cứng. Tana cảm thấy trong lòng trào lên một nỗi tức giận. Họ dám làm như vậy? Như thể họ treo xác Che lên sau khi đã bắn chết. Bộ quần áo ấy không thể phơi bầy một cách thô thiển như vậy. Tana nói với người trông coi bảo tàng, yêu cầu không nên làm như thế với Che. Ông ta nhã nhặn cám ơn cô và bảo ông mới về đây vài năm nay, bộ quần áo đã có từ trước; mà có thể đấy chỉ là bộ quần áo được ngụy tạo để gây ấn tượng. Tana thất vọng bỏ đi.

Đôi mắt Che vẫn mở, trong sáng, kiên nghị và hiền lành. Vẫn là đôi mắt đẹp dịu dàng làm phụ nữ phải nghẹt thở. Đôi mắt ánh lên lòng vị tha như mắt Chúa, như muốn nói: Ta tha thứ cho kẻ bị buộc phải giết ta, nhưng sẽ không bao giờ tha thứ cho những tên tham vàng, đất đai và khát máu, những kẻ đối xử độc ác, bất công với đồng loại, những kẻ tàn tệ với chính đồng bào của mình. Cứ cười trên thi thể của ta đi, để rồi khi một dân tộc bị áp bức cùng cực, những nô lệ bị dồn đến bờ vực như dân tộc Việt Nam, những người ấy sẽ nổi cơn thịnh nộ nghiền nát các ngươi.

Tana thở dài. Phải rồi, thế giới sẽ thiếu đi một phần tốt đẹp khi không có Che. Sự hèn nhát của con người trước bạo quyền sẽ không thể suy giảm chút nào nếu không có cái chết của Che.

**

Bà Tana đưa hai bàn tay bưng mắt, nói với Quý:

– Tuyết rơi nhiều quá. Lửa sắp tàn rồi, em thêm củi vào đi.

Quý lấy những thanh củi trong chiếc giỏ đan bằng những thanh đồng, cho vào lò sưởi. Lửa cháy to hơn, như reo vui.

Chợt bà Tana khẽ cười:

– Chị đã đến khu mộ của Che và những du kích. Chỉ là những viên đá trắng tự nhiên chôn trên nền đất phẳng có ghi tên người nằm dưới bằng sơn đen với ngôi sao đỏ. Người ta đã tìm thấy Che và mười hai đồng chí của anh ấy. Đúng với số tông đồ chủa Chúa Giê-su. Khi đọc những dòng chữ Tây Ban Nha viết trên những tấm bia nằm, chị đã… chị đã ghen với cái cô Tania được chiến đấu và chết bên cạnh Che. Như thế… có kỳ quặc không, Quý?

– Em tin chắc có nhiều phụ nữ cũng ước ao như chị.

Tana trầm ngâm nhìn ngọn lửa, rồi bà hỏi Quý:

– Em không nhận những kỷ vật của Che sao?

– Đấy là của chị… Em không thể.

Bà Tana khẽ lắc đầu buồn bã:

– Từ nhiều năm nay, giới tư bản đã làm trò đê tiện là kinh doanh Che. Kiểu dây lưng Che, bật lửa Che, mũ beret Che, áo thun in hình Che; đồng hồ Che… rồi đến Coca-Che,… thậm chí, thật kinh khủng, có cả “bia Che” và “kem Che” nữa, Quý ạ!

– Em biết. Em cũng có một chiếc bật lửa Zippo vỏ dập nổi hình Che. Có đêm, em không bật đèn, dùng chiếc bật lửa ấy thắp lên ngọn nến, ngồi đọc tập nhật ký của Che.

– Cái hộp này… Điếu xì gà của Che… những bài báo về Che…- Bà Tana nhìn chăm chú vào ngọn lửa lò sưởi. – Thôi, hãy cứ để những thế hệ sau này cho là Che không có thật trên đời, Che chỉ là một anh hùng trong huyền thoại, còn hơn là kiếm lợi từ một Che Guevara có thật.

Quý hiểu ý của Tana. Người ta sẽ có thể tạo ra những di vật khác của Che để bán mua bán, để thờ phụng. Che sẽ như một vị thánh tuẫn đạo có từ ngàn năm trước. Điếu xì gà của Che… Quý im bặt, anh muốn nói, nếu những kẻ “săn Che” biết đó là điếu xì gà của Che thì…

Tana khẽ thở dài, đưa những ngón tay gầy héo run rẩy vuốt ve chiếc hộp. Rồi, bà cúi mình đặt chiếc hộp vào giữa những thanh củi đang cháy trong lò sưởi với vẻ mặt trang trọng thành kính và đau đớn như trong cuộc lễ hỏa táng.

Bà Tana cảm thấy một mùi thơm êm dịu lan tỏa khắp căn phòng, mùi thơm của mật ong và quả mâm xôi, phụ liệu của việc chế biến xì-gà. Dường như Che đang ở trong căn phòng này. Che, miệng ngậm điếu xì- gà, cặp mắt tươi vui. Đôi bàn tay to lớn nhưng dịu dàng của Che khẽ nắm đôi vai Tana và tiếng nói trầm như tiếng gió mà Tana đã nghe thấy trong khu rừng vả La Higuera: “Đừng… đừng khóc, Tana yêu dấu…”

Quý nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh ánh lửa lò sưởi chảy dài trên đôi má trắng nhợt của bà Tana. Anh rút tờ giấy ăn trên chiếc bàn nhỏ đặt đồ uống, đến bên Tana, cúi xuống khẽ thấm những giọt nước mắt cho bà, thận trọng như lau một chiếc ly mỏng manh bằng pha lê quý.

– Cám ơn Quý. – Và Tana khẽ đọc:

“Tạm biệt, tôi sẽ không run sợ trước những con sói đói khát

hoặc các thảo nguyên lạnh lẽo với trái tim trống vắng

Tôi bên bạn, chúng ta cùng nhau đi cho đến khi con đường tan biến

Quý nhận ra những câu thơ của Che Guevara.

BV

(Giáp Tết Đinh Dậu)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder