Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Tình xưa nghĩa cũ” của nhà văn Lương Sĩ Cầm in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Tình xưa nghĩa cũ” của nhà văn Lương Sĩ Cầm in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Lương Sĩ Cầm (Ảnh Internet)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: LƯƠNG SĨ CẦM. SINH NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 1929. QUÊ QUÁN: XÃ BÙI XÁ, HUYỆN ĐỨC THỌ, TỈNH HÀ TĨNH. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: NHÀ 10, HẺM 187/49/22 PHỐ HỒNG MAI, HAI BÀ TRƯNG, HÀ NỘI. SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, VÀO ĐỘI QUÂN NAM TIẾN, CHIẾN ĐẤU Ở VÙNG ĐẤT KHU V. TẬP KẾT RA BẮC, ĐƯỢC PHÂN CÔNG VỀ CÔNG TÁC TRONG LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG, LÀM BÁO, LÀM TUYÊN HUẤN, VIẾT KÝ SỰ LỊCH SỬ; NGHỈ HƯU VỚI QUÂN HÀM ĐẠI TÁ.
TÌNH XƯA NGHĨA CŨ
Lần đầu tiên Sương trở về nhà, bộ quần áo lao động vẫn sạch tinh tươm. Hôm nay không ai thuê cả. Cô đặt chiếc xô nhựa chống không và chiếc chổi quét vôi vào góc cầu thang. Uể oải, chán chường. Sáng nay các chủ gọi người đào móng, người chở gạch sỏi, người lau cửa đi làm tơi tới. Còn cô thợ quét vôi chẳng hai hỏi han.
Ấn tượng duy nhất của buổi đi kiếm việc của Sương là sự xuất hiện của một chiếc ô tô con dạo đi dạo lại hai vòng trước mặt đám lao động đứng chờ việc đang tụ tập đầu cầu. Chiếc xe lắp cửa kính đen nhánh, không thể nhìn thấy người ngồi trong. Cố quên hình ảnh chiếc xe lạ lùng, Sương kéo ngang cánh cửa gỗ dán, bước vào căn phòng nằm dưới gầm cầu thang của khu nhà tập thể. Diện tích của căn phòng nhỉnh hơn tám mét vuông, đủ cho vợ chồng Sương chui ra chui vào. Lúc thất cơ lỡ vận, có một góc thế này là quý lắm rồi. Ấy là nhờ ông Trưởng ban Quản trị, ngôi nhà vốn là bạn chí cốt của Mây, chồng Sương. Người ta nói “đánh đề ra đê mà ở”, Mây và Sương không lường trước cú sập tiệm đắng cay đến thế.
Từ ngày hai vợ chồng đi Tây về, Sương muốn theo ngành kiến trúc, hợp với môn học khi còn ở nước ngoài. Mây không nghe, quyết chí làm giàu bằng cách bán lô đất bố mẹ để lại, đứng ra làm trùm đề. Trong nhà sắm sanh mấy chiếc máy tính, hàng lô điện thoại di động phục vụ cho mấy chục phơi đề. Ngay từ đầu Sương bảo chồng: “Nhà nước cấm mở đề, làm nghề này bấp bênh lắm.” Mây nói: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”.
Thế rồi đôi vợ chồng ngày càng ăn nên làm ra, Sương bị cuốn theo dòng tiền bạc ùn ùn chảy vào két, quên dần mối lo lắng ban đầu. Ngoài ngôi biệt thự ở phía Bắc thành phố, họ tậu thêm được hai ngôi nhà bốn tầng ở ngay mặt phố để cho thuê. Đứa con trai duy nhất học cấp ba, họ cho đi du học ở Anh. Ngoài tiền ký quỹ bảo lãnh ở ngân hàng, họ còn gửi cho ông chú ở bên Anh ngót một trăm ngàn euro, bảo đảm cho con theo học lâu dài ở bên ấy. Đùng một cái, chỉ mới cách đây vài tháng, vận đen ập đến, Mây mấy lần chết đề. Biệt thự, rồi nhà mặt phố cùng xe con, xe tải rủ nhau đội nón đi sạch. Đúng là một giấc chiêm bao.
Hai vợ chồng giấu biệt bố mẹ, người thân, chạy xuống phía Nam thành phố nương náu chờ thời. Sương cùng chồng vốn đã quen cuộc sống vất vả, chắt bóp thời ở trại tị nạn bên Đức, không ngần ngại làm nghề quét vôi thuê, kiếm ngày tám chín chục ngàn, sống tằn tiện. Phải làm lại từ đầu. Sương bảo: “Ta sẽ chuyển sang nghề môi giới bất động sản, ăn phần trăm. Sau khi làm quen với thị trường, ta mua bán nhà đất”. Mây hỏi lại: “Vốn ở đâu?”. Sương nói: “Mình đã từng cho bạn bè vay hàng mấy chục ngàn đô, người thì để cất hàng sang Nga, người thì để ứng tiền cho chủ hàng. Nay ta vay lại vài ba chục ngàn đô, có khó gì”. Mây không hưởng ứng, bỏ đi tìm luồng hàng buôn bán trên biên giới. Còn lại một mình, Sương lủi thủi làm nghề quét vôi. Nếu như cả hai vợ chồng cắn răng chịu nạn, không phiền luỵ gì đến bên nội, bên ngoại, thì Sương chẳng cần bấu víu vào số vốn còm của chồng.
Sương bật đèn. Căn buồng hẹp sáng rực. Đã quen kiểu sống của người lao động ở nước ngoài, Sương mở rộng không gian sinh hoạt bằng cách sắm các dụng cụ tiện lợi: bàn xếp, ghế xếp, giường gấp. Cô kéo mặt giường ra, trải đệm xếp và tấm vải ga lên trên, rồi tựa lưng vào tường. Đôi mắt trống rỗng của cô nhìn khắp lượt gian phòng. Những vật linh tinh sắp đặt tuỳ tiện gợi nhớ lại cuộc sống sung túc một thời. Này là son phấn Hàn Quốc cô thôi dùng từ lâu. Mấy lọ nước hoa Pháp không còn cần thiết nhưng cũng chẳng nỡ đẩy đi. Hộp đựng đồ lót thời trang kiểu Ý còn nguyên; hộp kính râm Hy Lạp. Tất cả nằm yên đấy, là chứng tích của cuộc sống xa hoa mà Sương từng trải qua. Sương bỗng cắn chặt môi. Tất cả dường như là ảo ảnh. Cũng như những chuỗi kim cương, hồng ngọc, những vòng ngọc thạch đã biến mất từ lâu khỏi tầm tay của Sương, để lại những kỉ niệm chua chát.
Bàn tay Sương chợt chạm đến một mảnh vải thêu đẹp, biểu tượng của thành phố Dresden bên Đức. Sương từng nâng niu ấp ủ vật kỷ niệm này vì nó ghi nhận mối tình đầu của cô với Bảo, bạn sinh viên cùng trường, trước ngày gặp Mây. Sương và Bảo cùng học khoa xây dựng, sau khi tốt nghiệp họ không về nước mà ở lại Đức với mộng làm giàu. Sau mấy năm buôn hàng điện tử và thuốc lá, họ kiếm được chút vốn. Bảo kéo Sương sang Cộng hoà Liên bang Đức, ngày ấy gọi là Tây Đức. Cả hai vào trại tị nạn. Cuộc sống bó buộc, chật hẹp, họ bỏ trại, chẳng màng đến khoản tiền trợ cấp hàng tháng. Dù đói, dù no, hai bạn trẻ luôn quấn quýt bên nhau, định khi về nước sẽ cưới. Đùng một cái, Bảo bị cảnh sát chặn trên đường để kiểm tra giấy tờ. Anh bị kết tội nhập cư bất hợp pháp và bị trục xuất về nước. Bảo bị dẫn thẳng từ trại giam ra sân bay. Sương bàng hoàng đau đớn, nhưng đành bó tay. Công việc của cô trong một cửa hàng ăn Trung Quốc đang ổn định. Trong những tháng ngày sau đó, Sương được Mây an ủi, chăm sóc. Sau hai năm chung sống, họ có với nhau một mặt con.
Chuyện cũ đã qua mười lăm năm, nhưng trong ẩn ức của Sương, bóng dáng Bảo chưa phai mờ. Tuy rất yêu chồng nhưng hễ nhớ đến nước Đức, Sương lại nhớ đến tổ ấm ở Dresden, nơi Bảo thường dẫn cô đi đạo bên bờ sông Enbơ hay đi thăm thú quảng trường thành phố, nơi có cụm di tích bị tàn phá trong chiến tranh ngày trước. Chồng Sương biết lai lịch của tấm biểu tượng mà vợ nâng niu từ ngày còn ở bên Đức. Tuy vậy, anh vẫn tôn trọng tình cảm riêng của Sương.
Lại một ngày mới bắt đầu. Sương mặc bộ quần áo lao động màu xanh nước biển, xách đồ nghề ra chỗ những người làm thuê chờ người gọi và giao việc. Lại một buổi sáng hẩm hiu. Chờ suốt buổi, chẳng ai hỏi thăm, Sương định quay về tạt qua cửa hàng cơm bụi, chợt một xe máy trở tới, đỗ xịch quay trước mặt cô. Một bà đứng tuổi đến sát bên Sương: “Cô là thợ quét vôi à?”. “Vâng, bà cần gì?”. Bà nọ cho Sương địa chỉ, hẹn ngày giờ cẩn thận rồi lên xe ôm đi luôn. Sự việc diễn ra nhanh quá. Sương ngỡ ngàng tự nhủ: “Thế là có việc làm rồi”.
Ngôi nhà Sương tìm đến là một biệt thự ba tầng. Mới nhìn thấy cơ ngơi này, Sương đã ngốt. Sương nói: “Bà chủ à, nhà bà thênh thang thế này, một mình tôi e không kham nổi”. “Đừng gọi tôi là bà chủ, tôi chỉ là người bà con làm quản gia ở đây thôi. Còn công việc chỉ cần ở mặt ngoài tầng thượng. Ông chủ muốn lăn sơn, cô có làm được không?”. “Được ạ, nghề của cháu mà”. Sương ngước lên tầng thượng ước chừng phải mười ngày mới xong công việc. Cô ước ao có chồng cùng làm sẽ nhanh chóng hơn. Ít nhất anh cũng cáng đáng cho việc đi mua sơn, di chuyển thang đi hết mặt ngoài sân thượng. Buổi trưa bắt đầu công việc, chợt Sương nảy ra thắc mắc: “Ông chủ này kỳ cục thật. Cả ngôi nhà rộng lớn, đẹp đẽ là thế, nước sơn tường còn sáng bóng thế kia, khi không lại muốn sơn lại, hơn nữa chỉ lăn sơn tầng thượng, kỳ thật”. Cô chậc lưỡi: “Mặc kệ kẻ lắm tiền bày trò phung phí”.
Tầng thượng của ngôi nhà dường như là nơi thư giãn, có hành lang bao quanh. Công việc lên xuống thang vì vậy khá nhẹ nhàng. Sương để ý hàng ngày cô đến ngôi biệt thự này thì ông chủ nhà đã đi làm từ sớm. Buổi chiều ra về, cô thấy nhà để xe vẫn trống không. Cô đã làm quen với những cầu thang dẫn lên tầng thượng, đi qua những căn buồng đóng kín cửa.
Ngày thứ năm, Sương đang đứng trên cầu thang, vừa lăn sơn được một mảng tường đã nghe tiếng còi ô tô lanh lảnh ngoài cổng. Bà quản gia chạy vội ra. Sương ngừng tay lăn, chăm chú nhìn vào chiếc xe màu xanh nhạt, lắp kính đen phản quang y hệt chiếc xe lượn lờ qua lại chỗ đám thợ chờ việc hôm nào. Chiếc xe lượn qua cổng. Sương tiếp tục công việc. Chợt có bóng một người ăn vận comlê nghiêm chỉnh xuất hiện ở cửa tầng thượng. Sương chẳng chú ý lắm, tuy trong bụng nghĩ đây có lẽ là ông chủ. Có tiếng gọi bất ngờ: “Sương đấy à?”. Cô giật mình, ngừng tay lăn. Người ấy lại gần, bộ ria mép xén khéo làm cho Sương ngớ ra. Cô buột miệng: “Ô, anh Bảo! Anh ở nhà này à?”.
Chủ nhà giữ thang cho Sương xuống, cầm lấy cây trục lăn trên tay cô, lặng lẽ dắt tay cô xuống phòng khách. Sương quá bất ngờ, đi theo Bảo như người mất hồn. Đầu óc cô quay cuồng. Phòng khách khá rộng khiến Sương nhớ lại căn phòng khách lộng lẫy của mình trước đây. Mặc dù bộ đồ của Sương đã lấm bết sơn tường, Bảo vẫn ấn cô ngồi xuống đi văng. Anh nói: “Hôm trước đi qua cầu Mới, anh nhác thấy em, mới quay lại nhận mặt. Anh chẳng hiểu em về nước từ năm nào, việc gì đã xảy đến với em khiến em phải lao động vất vả nên mới bảo bà quản gia đến gọi em. Chuyện quét sơn này chỉ là cái cớ để anh gặp lại em”.
Sương gặp lại người cũ, bao nhiêu năm qua rồi, hình ảnh mờ như sương khói. Cô chỉ ngồi im lặng, nghe nhiều hơn nói, vừa nghe vừa thăm dò. Bảo muốn cô kể lại cuộc đời mình từ ngày anh bị trục xuất khỏi Tây Đức. Sương kể hết, chẳng giấu một điều gì, kể cả việc làm ăn sập tiệp mà cô và Mây đang gánh chịu. Nửa chừng câu chuyện, Bảo mở to mắt thốt lên: “Anh trở về nước làm nhà thầu xây dựng, đã một thời phất to và vấp cảnh nghiệt ngã, tiền quyết toán không được giải ngân, nợ ngân hàng chồng chất, tài sản bị thế chấp gán nợ sạch. Từ tay trắng phải làm lại từ đầu, mới ngóc lên được dăm năm nay”. Hai người chung sống bên Tây, lại cùng trải qua ngón đòn của thị trường nên dễ dàng thông cảm với nhau. Bảo nhìn vào mắt Sương, nói: “Em yên tâm, cần bao nhiêu tiền để gây dựng lại cơ đồ, anh sẽ giúp”. Sương im lặng không đáp lời.
Từ hôm đó, buổi trưa Bảo đánh xe đưa Sương tới nhà hàng, buổi chiều đi siêu thị. Vở kịch quét sơn coi như chấm dứt. Bảo đòi đưa Sương về tận nhà nhưng cô dứt khoát từ chối. Đúng giờ tan tầm, cô thay những bộ đồ sang trọng do Bảo mua sắm. Cô trở về nhà với bộ quần áo lao động. Bảo cũng rất ý nhị, anh nâng niu chiều chuộng Sương như những ngày xưa. Chính phong cách galăng ấy đã cuốn hút Sương từ những ngày còn ngồi trên ghế trường đại học.
Ở nhà một mình, Sương cảm thấy trống trải. Cô chẳng lý giải được nguyên cớ do Mây đi vắng lâu ngày hay hụt hẫng vì một điều gì đó. Còn những lúc ngồi chung xe với Bảo, cô cảm thấy dễ chịu, vững lòng. Bà quản gia biết ý cậu cháu họ, đối xử với Sương rất ân cần. Những kỷ niệm ở Dresden sống dậy trong lòng Sương. Không khó khăn gì, họ trở lại cuộc sống như ngày trước ở bên Đức. Tuy vậy, có hôm Sương đánh bạo hỏi Bảo: “Chị ấy đâu, sao không thấy ở đây?”. “Cô ấy bị gút, suy thận độ hai, chuẩn bị chuyển sang độ ba, đang dưỡng bệnh ở dưới quê”. Bảo còn nói thêm: “Cô ấy là một người tốt, mấy lần cứ giục anh đi tìm hạnh phúc khác, nhưng anh không chịu. Làm sao có thể quên được những ngày khó khăn, làm ăn lụn bại, cô ấy từng đi làm gia sư dạy trẻ để nuôi sống cả nhà”. Hai tiếng “gia sư” làm Sương giật mình: “Có phải vợ anh tên là Băng không?”. “Đúng, tên Băng. Sao em biết?”. Sương không trả lời.
Ngày trước, gia đình Sương thường thuê hai ôsin. Cách đây khoảng dăm năm, khi cu Canh lên lớp sáu, cô thuê một cô giáo dạy kèm, thông qua trung tâm giới thiệu việc làm. Băng kém Sương bốn tuổi, sống rất nề nếp, kèm dạy bọn trẻ rất tận tuỵ. Cu Canh rất mến cô giáo. Khi biết cô bị bệnh gút, Sương sẵn tiền mua biếu cô mấy hộp thuốc ngoại. Sương cũng rất mến Băng. Cô ngạc nhiên không hiểu vì sao một người có bằng đại học như Băng lại bỏ nghề để đi làm gia sư.
Một buổi sáng chủ nhật, Bảo đánh xe chở Sương xuống nghỉ ở vùng biển, lúc quay về anh bất ngờ cho xe rẽ từ quốc lộ vào một vùng quê êm đềm. Xe đi vào sân một căn nhà cấp bốn rộng rãi, thoáng đãng, phía trước có giàn thiên lý. Trước vẻ mặt ngỡ ngàng của Sương, Bảo mở toang hai cánh cửa, nói to: “Em ơi, nhà có khách!”. Trước mặt Sương là một thân hình tiều tuỵ nằm trên chiếc đệm mút. Thoạt nhìn, Sương kêu lên: “Ôi Băng, làm sao em đến nỗi này?”. Người bệnh muốn ngồi dậy, nhưng không nổi, phải nhờ tay chồng, khóc nức nở: “Chị Sương ơi, cứu em với, số em trời hành ra thế này đây. Chạy thận liên tục nhưng chắc gì qua khỏi”. Sương nói: “Ở nơi vắng vẻ thế này, ai đưa em đến bệnh viện”. Băng ngước nhìn Bảo, thì thào đáp: “Một mình nhà em lo liệu chu đáo, cứ mỗi tuần chạy thận hai lần”. Bảo đỡ vợ nằm xuống. Sương đứng đó, im lặng. Băng hỏi chồng: “Làm sao anh quen biết chị Sương? Chị là chủ cũ của em mà như bạn ấy”. Bảo cười.
Trên đường về thành phố, Sương thu gọn tay đặt trên hai đầu gối, nhìn thẳng mặt đường phía trước. Bảo nói: “Em thấy hết rồi đấy, anh có nói sai đâu!”. Sương không bắt chuyện. Chiều hôm ấy, Sương trở về biệt thự, không vào phòng tắm như mọi lần. Cô không ở lại. Cô thay bộ đồ quần áo lao động rồi lặng lẽ dắt xe ra về, chỉ kịp nhắn lại bà quản gia: “Chốc nữa anh Bảo có xuống, xin bà nhắn giùm tôi có việc phải về sớm”.
Ba hôm liền không thấy Sương đến, Bảo đánh xe tới tận khu tập thể tìm Sương. Ông Trưởng ban Quản trị gặp anh đứng trước cánh cửa mở toang che chắn gầm cầu thang, nói: “Cô ấy dọn đi nơi khác đã hai hôm nay, chẳng cho ai biết địa chỉ. Nghe nói, anh Mây chồng cô dính vào một vụ buôn lậu, đang bị Công an giữ trên Lạng Sơn”.
L.S.C