Tình yêu trong Thơ Mới – Phạm Thùy Linh

Những tên tuổi làm nên Thơ Mới như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… ở lại trong lòng công chúng yêu thơ với hàng loạt thi phẩm tình yêu. Lãng mạn, hết mình, đắm đuối, đam mê và đầy sự trong trẻo.

vanhaiphong – Tình yêu luôn là đề tài đầy hấp lực, nói theo ngôn ngữ thời @, nó luôn là đề tài “Hot”. Nhìn lại những khúc ca của trái tim thời quá vãng trong Thơ Mới với các tên tuổi thi sỹ lớn của văn đàn thi ca Việt nửa đầu thế kỷ XX bằng cách nhìn, cách cảm rất trẻ là hướng đi riêng của Phạm Thuỳ Linh – Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.

Tình yêu vĩnh cửu

Những tên tuổi làm nên Thơ Mới như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… ở lại trong lòng công chúng yêu thơ với hàng loạt thi phẩm tình yêu. Lãng mạn, hết mình, đắm đuối, đam mê và đầy sự trong trẻo. Khi đã đọc những bài thơ tình của phong trào Thơ Mới, hẳn sẽ nhiều người nhận ra sau này, ít có những bài thơ tình đắm say một cách lãng mạn đến thế. Hoặc có thể có, nhưng ngôn ngữ thể hiện không mê đắm và vần điệu như cách các nhà thơ của Thơ Mới sử dụng. Đọc những bài thơ tình này rồi sẽ thấy tình yêu hiện lên vĩnh cửu và trong sáng đến tột cùng.

Như “Tình già” của Phan Khôi mà tác giả Vũ Huyền nhắc tới trong bài viết của mình. Bài thơ được đăng trên tờ “Phụ nữ tân văn” ra ngày 10-3-1932, đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ Mới. Tình yêu trong “Tình già” thật đặc biệt. Tình yêu ấy được bắt đầu từ 24 năm trước. Và 24 năm sau, hai nửa của mối tình ấy gặp lại nhau ở một phương trời xa lắc. Song tình cảm vẫn còn nguyên vẹn như thủa nào. Hãy xem cố nhà thơ Phan Khôi kể như thế nào: “Hai mươi bốn năm xưa/ một đêm vừa gió lại vừa mưa/ Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ… Hai mươi bốn năm sau/ tình cờ đất khách gặp nhau/ Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung/ đố có nhìn ra được ?/ Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi/ con mắt còn có đuôi.” Cách ngắt câu và gieo vần ở bài “Tình già” thực sự khác hẳn với những bài thơ theo lề lối cũ. Sự mới lạ ấy chính là Thơ Mới. Mới vậy nhưng đề tài không hề mới. Cố nhà thơ dùng bút pháp mới để viết lại đề tài vĩnh cửu, muôn thủa của văn chương. Đó là tình yêu. Và tình yêu trong tình già vượt qua không gian, thời gian. Để sau những câu, những khổ ôn lại chuyện xưa, kết lại 2 câu cuối mới thấy đong đầy tình yêu đôi lứa. “…Liếc đưa nhau đi rồi/ con mắt còn có đuôi.”. Chỉ hình ảnh “mắt có đuôi” mà gợi cả một trời tình yêu đầy đam mê, đầy say đắm. Hình ảnh này thường được gắn với sự đa tình, đắm đuối của trai gái đang yêu. Cái tài của Phan Khôi chính là vậy. Thể hiện được độ sâu nặng của mối tình tưởng như thời gian có thể xóa mờ. Nhưng không… 24 năm hay cả cuộc đời, khi đã yêu thật lòng rồi, con mắt luôn đong đầy tình cảm như vậy.

Tình yêu đắm say, mù quáng

Có một thời, các cặp đôi yêu nhau mượn lời thơ Xuân Diệu để biểu lộ tình cảm với nhau. Và những câu thơ của ông run rẩy, đắm say đưa ông tới cái danh “ông hoàng của thơ tình”. Cứ nhắc đến thơ tình, người ta sẽ nghĩ ngay đến tên Xuân Diệu. Bởi đọc thơ tình của ông sẽ thấy, yêu đến như trong thơ Xuân Diệu mới thật là tình.

Như bài thơ “Yêu” của ông chẳng hạn: “Yêu, là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?/ Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…/ Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt/ Những người si theo dõi dấu chân yêu/ Và cảnh đời là sa mạc cô liêu/ Và tình ái là sợi dây vấn vít / Yêu, là chết ở trong lòng một ít.”

Từ bài thơ này, câu cửa miệng của bất cứ ai khi nhắc đến chữ “yêu” từ khi thơ Xuân Diệu xuất hiện đến giờ đều gắn với câu “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Cái tài ở Xuân Diệu ở chỗ, dù tả lại tình yêu say đắm, nồng nàn, mù quáng đến đâu vẫn thấy hiển lộ tính lô-gic triết học của trạng thái tâm lý cảm xúc này. Như cách ông giảng giải cho cái sự “chết ở trong lòng” ấy bằng câu “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?”. Câu hỏi mà lại chính là câu trả lời. Ấy thế mới là yêu đắm say, yêu mù quáng chứ. Vì yêu có yêu hai chiều, yêu một chiều, yêu thầm, nhớ vụng. Và chắc nhân vật để Xuân Diệu chọn làm nàng thơ của bài “Yêu” cũng ở trạng thái yêu mà không được yêu lại nên mới “chết ở trong lòng”.

Cũng là tình yêu đắm say, trong thơ Hàn Mặc Tử lại được thể hiện một cách khác hẳn. Bài thơ “Ghen” của nhà thơ giúp người yêu thơ nhận ra sự thẫn thờ, thổn thức của một trái minh mong manh đầy nhạy cảm. “Ta ném mình đi theo gió trăng/ Lòng ta tản khắp bốn phương trời/ Cửu trùng là chốn xa xôi lạ/ Chim én làm sao bay đến nơi? /… Giây phút ôi chao! Nguồn cực lạc./ Tình tôi ghen hết thú vô biên/ Ai cho châu báu cho thinh sắc/ Miệng lưỡi khô khan, hết cả thèm.” Cái ghen của nhà thơ không phải là ghen tình, ghen người mà là ghen với thiên nhiên, với đất trời và với một nhân vật điển hình – nàng thơ của riêng ông: trăng. Trăng tỏa sáng lòa trong những bài thơ của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ yêu trăng, ghen trăng, tương tư trăng, nhớ trăng… Có thể, trăng chỉ là một hiện thân của ai đó, song trong những bài thơ còn để lại mãi về sau, người yêu thơ vẫn luôn nhớ đến thi nhân Hàn Mặc Tử với những phút giây đắm đuối với tình trăng. Ông yêu mê say, yêu mê đắm trăng theo cách riêng của Hàn Mặc Tử.

Tình yêu chân thật

Nhắc đến tình yêu chân thật trong Thơ Mới, tôi muốn nói đến những bài thơ của Nguyễn Bính. Ai đó từng nói ông là nhà thơ của thôn quê. Và những bài thơ tình của Nguyễn Bính cũng đậm chất nông thôn Việt. Có sự chân thật, thuần túy của những cô gái đi guốc mộc, áo nâu, đầu chít khăn mỏ quạ. Những chàng trai chân lấm bùn, tay mò cá dưới ao. Thơ Nguyễn Bính gần gũi và tình yêu trong thơ ông cũng gần như hơi thở cuộc sống vậy.

Như trong bài thơ “Đàn tôi”: “Đàn tôi đứt hết dây rồi/ Không người nối hộ, không người thay cho/ Rì rào những buổi gieo mưa/ Lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm/ Có cô lối xóm hàng năm/ Trồng dâu tốt lá, chăn tằm hơn tơ/ Năm nay biết đến bao giờ/ Dâu cô tới lứa, tằm cô chín vàng?/ Tơ cô óng chuốt mịn màng/ Sang xin một ít cho đàn có dây”. Hiện lên ở đây là một cô gái trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Và người thanh niên phải lòng cô muốn được lấy cớ đứt dây đàn để sang xin tơ về nối lại. Những sợi tơ hay những sợi dây đàn chính là sợi tình mà chàng trai muốn cùng cô gái dệt lên. Nhưng sự ngập ngừng, ngượng ngùng e thẹn rất đỗi chân thật của chàng trai không giúp chàng tự tin để ngỏ lời. Mà phải mượn cớ. Để sợi tơ đưa chàng đến bên cô.

Hay trong bài thơ 4 câu “Rắc bướm lên hoa” cũng vậy: “Ai đem rắc bướm lên hoa/ Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng?/ Ai đem nhuộm lá cho vàng?/ Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta?” Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bình là làng, là giếng, là bèo, là cây lá của thôn quê. Tình yêu ẩn sau những hình ảnh thuần Việt ấy.

Tình yêu vĩnh cửu trong cách thể hiện của các nhà thơ của phong trào Thơ Mới còn ở lại trong lòng người yêu thơ đến nhiều thế hệ sau./.

PTL

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder