Đã truyền đi một thông điệp: Lần đầu tiên chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được khẳng định cách đây gần 800 năm…
Trong quá trình dựng nước theo dòng thời gian, từng vùng lãnh thổ, từng hòn đảo khơi xa lần lượt được phát hiện chinh phục, rồi được sát nhập để hoàn thiện nên một đất nước Việt Nam thống nhất phát triển mang hình chữ “S” và hiện đại như hôm nay. Tổ tiên, ông cha và ngay cả thế hệ chúng ta đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi công sức kiếm tìm khai phá tôn tạo mới có được.
Trong quá trình hình thành và phát triển ấy, chúng ta không chỉ có bao phen phải đứng lên làm cuộc kháng chiến đánh tan nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang bảo vệ từng tấc đất để toàn vẹn lãnh thổ mà còn trải qua đôi cuộc tương tàn bất đắc dĩ để bảo tồn thanh lọc. Giữ cho non sông xã tắc đời đời hưng thịnh. Đấy là những mắc xích chuyển giao giữa các triều đại.
Trong tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA – Tác giả Trần Ngọc Dương đã chọn giai đoạn chuyển giao giữa vương triều nhà Lý sang triều đại các vua Trần, làm khởi nguồn cho không gian của tiểu thuyết.
**
Trần Thủ Độ – một cựu thần của triều Lý – Ông đã mưu đồ sắp đặt một cuộc tiếm ngôi nhẹ nhàng, êm ái bằng “mật ngọt tình yêu”. Bên ngoài xem như thuận tự lòng người – vợ chuyển ngôi sang cho chồng (Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho phò mã Trần Cảnh) – Song ngược lại để bảo tồn và duy trì quyền lưc, Trần Thủ Độ lại làm cuộc “chuyên chính” sắt đá lạnh băng. Ông thẳng tay tàn sát hàng trăm nhân mạng thuộc vương thất nhà Lý. Khiến Lý Long Tường – một vương tử thuộc dòng chính thất nhà Lý, phải rời bỏ quê hương sống đời vong quốc tận xứ Cao Ly. Cuộc ra đi của ông được hàng nghìn người ủng hộ tháp tùng. Trong đó có cả Lý Vân Sơn – Một chủ điền trang đang sinh sống tại đảo Vân Đồn.
Theo như tiểu thuyết xây dựng, Lý Vân Sơn cũng thuộc dòng dõi tôn thất nhà Lý. Sau những cuộc bình Chiêm, phạt Chân, thủy tổ của chàng – một vị vương tướng quân được triều đình ủy thác cai quản chấn giữ vùng biển đảo Vân Đồn – một thương cảng quan trọng của quốc gia với các nước liên bang. Đồng thời cũng là vùng phên dậu phía Đông bắc tối ưu quan trọng của non sông Đại Việt. Tại đây vị vương tử trẻ đã mê đắm tài năng, sắc đẹp tiểu nữ con gái một nô lệ vốn là tù binh gốc gác Chiêm Thành. Vì cuộc hôn phối bị xem là không môn đăng hậu đối này, vị vương tử đã bị phế truất mọi tước hiệu danh giá của hoàng tộc, phải sống cuộc đời của một dân thường. Nhưng điều ấy chẳng bận tâm tới các thế hệ sau này. Những người họ Lý ở Vân Đồn đã tách hẳn thành một chi độc lập – Dòng Lý Vân – Song họ vẫn một lòng cung phụng quốc gia Đại Việt.
Khi Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế đã tấn phong cho Lý Long Tường tước hiệu Kiến Bình vương và giao cho trọng trách thống lĩnh thủy binh của triều đình. Trong một lần tuần du thương cảng Vân Đồn, tại đây Lý Long Tường đã gặp Lý Vân Sơn. Vị tướng “thất sủng” triều Lý cùng Lý Vân Sơn kết tình huynh đệ. Lý Long Tường như rồng thêm cánh khi có được Lý Vân Sơn làm túc hạ. Và rồi cuộc tình giữa Kiến Bình vương với Lý Vân Hoa đã nảy sinh. Một đứa con trai đã ra đời!
Quay lại chuyện buộc phải ra đi sống đời vong quốc của Lý Long Tường. Vì sợ mình cũng bị thanh trừng như một số người khác trong hoàng tộc họ Lý (vào ngày giỗ Lý Công Uẩn ở Đông Ngàn). Lý Long Tường đã tổ chức một cuộc đào tẩu với qui mô lớn, với sự tham dự của ba hạm đội dưới quyền và sáu nghìn thuyền nhân.
Sợ sự truy bắt của Trần Thủ Độ, cuộc ra đi phải chia làm nhiều tuyến, nhiều mũi. Từ cửa Thần Phù (Ba Lạt), từ Đông Hải Vân Đồn. Đấy là vào mùa xuân Bính Tuất – năm 1226.
Lý Vân Sơn được giao một mũi. Chàng có nhiệm vụ nhổ neo rời bến Vân Đồn vào lúc rốt cuộc, rồi hội quân với Lý Long Tường tại cực đông đảo Quỳnh Châu (đảo Hải Nam). Trên đường đào tẩu, đoàn đã gặp một trận đại thần phong. Giữa biển trời bao la, bến bờ vời vợi, hun hút tầm nhìn. Họ đành phó thác số mệnh của mình, mặc sức cho phong ba tung hứng. Đoàn người đã bất khả kháng, bởi họ hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên hung dữ.
Lý Long Tường gặp may, có lẽ số phận và sự nghiệp của ngài chưa bị tận diệt nên được bão tố đẩy vào đến đảo Đại Lưu Cầu (Đài Loan). Không muốn làm kẻ cản đường lịch sử quốc gia dân tộc, để ngàn năm bia miệng tiếng đời (như Trần Ích Tắc – Lê Chiêu Thống sau này). Thà vong quốc chứ không phản quốc. Tuy bị thời cuộc đẩy đến bước đường cùng, ngài vẫn tỉnh táo sáng suốt – chọn bạn mà chơi, chọn nơi để dựa. Ngài cho đoàn thuyền củng cố rồi dong buồm chạy tuốt lên bán đảo Cao Ly xin nương nhờ tỵ nạn. Nhà vua xứ ấy anh minh, nhìn mặt bắt tướng nhận ra hiền tài rồi trọng dụng ưu ái.
Còn mũi của Lý Vân Sơn xuất hành sau trót nên nằm ở phía bên này vòng xoay của cơn bão tố, bị gió lốc quất tơi tả tan hoang, mỗi thuyền một ngả. Lý Vân Sơn cũng may mắn không bị lật thuyền. Con thuyền trơ trọi, bị gió lốc vặt đến nhẵn trơ. Trải qua quãng thời gian lênh đênh chập chờn, trôi dạt tự do giữa mênh mang biển cả. Con thuyền dạt vào một hoang đảo. Một hòn đảo lạ hiện ra trước mắt chàng với những bãi cát vàng mênh mông sóng ngợp và cơ man là các loài chim biển.
– Sống rồi…! Lý Vân Sơn cùng đám thuộc hạ bước chân lên đảo. Cát vàng mịn màng nâng niu bàn chân họ. Hòn đảo giữa trùng khơi hoang vắng đã thành nơi cưu mang với những ân tình sâu nặng. Chàng cùng đám tùy tùng bê đá xếp nên hàng chữ Đảo Cát Vàng để đặt tên cho đảo. Đảo đã chu cấp cho họ một cuộc sống khá đủ đầy với sản vật ăm ắp y nguyên của tạo hóa.
Lý Vân Sơn cho gom mọi thứ từ những con thuyền gặp nạn, được sóng gió đưa vào Đảo Cát Vàng để tu sửa phương tiện cho một cuộc hành trình mới.
Do không thể quay trở lại nơi cố hương vì sợ sự truy nã của Trần Thủ Độ. Lý Vân Sơn cùng thuộc hạ phải thay đổi họ tên, gốc gác (Riêng chàng bỏ đi tên đệm của mình). Rồi hướng thuyền vào vùng đất theo mọi người tính toán, có khoảng cách gần nhất với Đảo Cát Vàng.
Lý Sơn và đám thuộc hạ đã tấp được vào một hòn đảo lớn. Đảo thấp thoáng bóng dáng của các cư dân, song vẫn đậm nét hoang sơ nguyên thủy. Tại đây bằng nghề thuốc mà mình biết được, chàng đã kết hợp với một vị tu hành trên đảo chữa bệnh cho dân làng, giúp họ vượt qua cơn đại dịch bênh. Cảm tài năng và đức độ của Lý Sơn, vị trưởng làng đã giữ chàng lại và gả đứa con gái duy nhất của mình cho chàng với ước nguyện, mong có người thay mình cai quản việc đảo, việc nhà. Lý Sơn và đoàn tùy tùng đã thuận lòng định cư trên miền quê mới này.
Câu chuyên mới dừng lại ở đây. Tập sách đã cận trang khép lại. Nhưng chúng ta đoán chừng rồi cùng hiểu, ý đồ của tác giả – Phải chăng đây là nhóm đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, với những cư dân thuộc những dòng họ lâu đời sinh sống trên đảo, mà tác giả đã đề cập tới và sẽ nói tới ở những tập sau?! Trần Ngọc Dương đã lý giải tại sao đảo lại mang tên Lý Sơn với các địa danh như chùa Hang…
Tôi được đọc tập sách CÁT NƠI ĐẢO XA ngay từ lúc còn là bản thảo. Tôi đã đọc với sự nghiêm túc và trân trọng. Đây là cuốn tiểu thuyết dã sử được Trần Ngọc Dương xây dựng bằng tâm huyết. Anh có công sưu tầm khảo cứu, rồi tư duy để cố công xây dựng bằng nhiệt tình trang trọng, sáng tạo nên một tác phẩm văn học nghiêm túc. Tác phẩm đã khái quát lại quá trình hình thành những địa danh của đất nước và sự chinh phục khám phá thiên nhiên để khẳng định chủ quyền của đất nước của tổ tiên, rồi dành để lại cho chúng ta hôm nay. Lần đầu tiên chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được khẳng định cách đây gần 800 năm.
Bằng trí tưởng tượng và suy diễn phong phú, chỉ căn cứ vào một sự kiện lịch sử mà Trần Ngọc Dương đã dựng lại được một phần giai đoạn lịch sử cách đây gần một nghìn năm. Sự tái hiện được dàn dựng tương đối hoạt, sống động. Cuộc sống với một số nét sinh hoạt của một thời xa xưa được khắc họa tỉ mỉ, rất thật, để người đọc được hình dung cảm nhận rõ nét. Đó cũng là cách sắp đặt được Trần Ngọc Dương chú trọng. Các chi tiết được tác giả đặt ra rất chặt chẽ công phu, hợp lẽ và lô gích. Nên người đọc không thấy khiên cưỡng mà cảm nhận tự nhiên như mọi sự đương nhiên xảy ra trong cuộc sống.
Đọc CÁT NƠI ĐẢO XA của Trần Ngọc Dương tôi nghĩ: Đây là tấm lòng, là trách nhiệm và bổn phận công dân cao cả được ý thức rất rõ rệt của một người cầm bút, nên đáng được trân trọng và ghi nhận.
Phải chăng, đây cũng là tác phẩm văn học khởi nguồn cho những ý tưởng để những người cầm bút được gợi mở mà bứt phá sáng tạo nên những tác phẩm bề thế hơn về biển đảo? Nhất là về hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu của tổ quốc.
Song về khía cạnh khác của tập sách tôi cảm nhận thế này: Cái tên CÁT NƠI ĐẢO XA hiền quá! Không hợp với hình tượng dữ dội của bìa sách đã thể hiện! Tại sao không giữ nguyên cái tên ĐẢO CÁT VÀNG như bản thảo ban đầu? Tại sao dòng chữ: XIN KÍNH DÂNG TÁC PHẨM NÀY LÊN HOÀNG SA, TRƯỜNG SA lại phải để ẩn tận dòng dưới cùng của một trang sau của bìa…
**
Tôi xin lấy đoạn văn được in trên trang 4 bìa cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA làm cái kết cho bài viết này. “…Sở dĩ ta cho xếp hàng chữ Đảo Cát Vàng này, chỉ vì một điều đơn giản. Chúng mình là những cư dân Đại Việt đã đặt tên cho đảo. Là những người đã có mặt ở đây và sống rất tốt trên hòn đảo này. Sẽ không có một ai, và cũng chẳng có một điều gì khuất phục nổi những con người như chúng ta. Đây không phải là đảo hoang! Đất này là của chúng ta!”
T.P Cẩm Phả
N. D. L.
(Nguồn: Trannhuong.com)