Ngày xửa ngày xưa tôi đã chơi dế mèn. Bây giờ lại chơi con dế mèn với một sự tình cờ và rất thời sự…
Ngày xửa ngày xưa tôi đã chơi dế mèn. Bây giờ lại chơi con dế mèn với một sự tình cờ và rất thời sự…
Đầu xuân 2001, tết âm lịch năm nay, trẻ con có thêm một đồ chơi mới. Ở cổng vườn Bách Thảo- cả chỗ vào vườn Thủ Lệ, vườn Thống Nhất, đều có cái xe máy đỗ ghếch vỉa hè, sau yên đặt một chiếc thừng gỗ mở nắp. Thoạt trông tưởng người ta bán con tò he nặn bằng bột xanh đỏ ngày trước lại mới mọc ra. Không, đấy là hàng bán dế mèn. Mà dế sống, như dế ở bãi cỏ nhảy vào, không phải dế con bằng nhựa, vặn dây cót, dế nhảy nhảy – đồ chơi Thái Lan, mà tôi cũng có một con như thế đặt trên giá sách. Đằng này là dế thật, dế mèn đàng hoàng. Một đám khách hàng trẻ con xúm lại bên cái thùng gỗ như mặt bàn, trên bày những chiếc lồng dế bằng những bao diêm xếp chồng lên nhau, trong mỗi lồng nhốt một con dế.
Con dế bây giờ hình như nhỏ hơn những con dế thủa xưa, thời tôi còn là trẻ chơi dế. Mình dế dẹp đét, bóng nhoáng, lung lay hai sợi râu dài. Loại dế này dữ lắm đấy. Mỗi hộp dế, mặt trên che một mảnh lưới sắt. Dưới đáy, gài then, đấy là cửa đưa thức ăn, và cũng là cửa đấu võ khi hai mặt hộp áp lại, dế nhảy sang thành cái đấu trường cho hai võ sĩ lên đài tỉ thí.
Trong thùng có tới hàng trăm lồng dế, hộp dế. Người bán dế bảo tôi mua hai hộp và hai con dế lại cắt nghĩa: “Dế chọi phải nuôi đôi cho chọi nhau. Chơi dế phải bắt chứng nó choảng nhau mới khoái chứ”. Tôi mua tám hộp, tám con dế. Mỗi hộp dế giá hai nghìn. Tám hộp là bốn bộ, 16 nghìn. Ba đôi tôi cho bọn cháu tôi đương choai choai tuổi chơi cho biết, ở thành phố các cháu chưa biết mặt con dế bao giờ.
Tôi giữ chơi một đôi. Người bán dế đã bảo cách cho dế ăn, tôi mua một củ đậu, thái miếng, đút vào hộp. Trước kia mày ăn cỏ, bây giờ thời mới được ăn bánh mý cơm hộp. Cũng hay.
Tôi ghép hai hộp, mở then cửa cho chúng nó xông sang võ đài. Nhưng hai con dế chỉ đứng im. Có lẽ còn lạ chuồng – tôi nghĩ thế. Tôi đóng cửa lại, đặt hộp lên thành cửa sổ. Cả đêm lặng lẽ. Sáng hôm sau, hai con dế vẫn đứng im. Tảng răng mỗi con ngập trong miếng củ đậu. Chúng nó nhấm nháp củ đậu. Nhưng sao im thế. Hay là chết rồi, chúng nó chết giữa lúc còn đương ngoạm răng vào miếng ăn. Tôi nhớ thằng dế mèn lúc nào cũng hay đụng đậy sợi râu. Tôi lấy chiếc tăm gầy gầy. Cái râu nhúc nhích. Không phải con dế chết. Hai võ sĩ đều khoẻ mạnh, nhưng chẳng con nào hung hăng đánh nhau cả.
Tôi hỏi tụi dế ở nhà cái cháu. Có ba con đã chầu trời ngay đêm ấy. Hôm sau, dế của tôi cũng ngoẻo một con. Nhưng con dế còn lại một mình lại sống dai. Dế nhấm cả ngày hết miếng củ đậu bằng đốt ngón tay, dế là cứt vụn đen như cứt gián. Hôm mới mua dế tôi đã thấy cái đồ chơi dế này chẳng dính mảy may đến chuyện ông dế ngày xưa của tôi đi chu du thiên hạ đến đỗi sang Thái Lan người ta phải lưu luyến làm đồ chơi kỷ niệm. Chẳng phải thế đâu. Bởi tôi đã xem vô tuyến truyền hình thành phố Quảng Châu bên Trung Quốc chiếu phim giới thiệu cái nhà máy làm đồ chơi, có một xưởng nuôi dế hàng chục công nhân săn sóc dế ăn, dế ngủ, dế đẻ, dế lột xác, dế được ở trong nhà hộp, những lồng nan nhựa xanh đỏ sặc sỡ, con dế coi thật bảnh bao công tử. Rồi những chuyến xe tải cả nghìn cái lồng hộp đựng dế đem ra chợ, bày ở các cửa hàng ngoài phố. Người mua dế về cho trẻ con chơi rất đông vui.
Chắc chắn là có người ở trong Chợ Lớn- Sài Gòn đã xem phim Quảng Châu bắt chước làm rồi đem dế từ trong Nam ra bán trong dịp tết này. Tất nhiên, so với cái xưởng sản xuất dế bên Quảng châu thì mình còn cò con, nhếch nhác, mới thấy như cái hòm đựng dế ở công viên Thủ Lệ. Một đêm kia, con dế của tôi bỗng kêu vang. Mùa đông, phòng tôi đóng cửa kính, tiếng dế kêu đinh tai. Không biết dế khóc hay dế cười, nhưng thật chưa bao giờ tôi thấy ở đâu có tiếng dế kêu dữ dội đến thế. Vì, có lẽ con dế ngoài trời xưa nay vẫn tiếng to mà tôi không biết. Cũng như những người làm ruộng nói với nhau ở ngoài đồng không mông quạnh, cũng oang oang, khác người nói nhỏ nhẹ ở trong phố, trong nhà.
Tôi nghĩ rồi cũng đến phải cho con dế này ra ngoài mới hợp. Tôi thả con dế lên giàn hoa kim ngân bên cửa sổ.
Đêm ấy nghe tiếng dế ong ong trên giàn kim ngân, nhưng chỉ xa xa thoang thoảng. Nhà tôi ở đây xưa là cánh đồng làng, nhưng nhiều năm rồi cánh đồng đã thành phố phường, không khi nào còn tiếng giun tiếng dế nữa. Bây giờ trong bóng tối và ánh điện giữa tiếng ôtô, xe máy gầm gừ qua lại, có tiếng con dế ri ri phảng phất, cũng lạ mà cũng buồn. Đêm sau, chẳng nghe tiếng dế nữa. Con dế bò đi đâu. Con dế đi đằng nào giữa những vỉa hè xi măng, những bờ tường bê tông xám mênh mông.
T.H