Bài thơ “Tôi nhận điểm mình” viết vào năm 1986 là một bài thơ hay viết về đề tài giáo dục với tứ thơ hết sức bất ngờ: Người thày tự đánh giá mình, tự chấm điểm chính mình qua việc chấm điểm cho học trò. Chính cái “quy luật ngược” ấy đã tạo ra sự khác biệt của “Tôi nhận điểm mình” giữa hàng ngàn bài thơ cùng đề tài.
Vanhaiphong – Nhà thơ Nguyễn Thái Vận từng là một thày giáo đứng trên bục giảng, ông cũng từng biên soạn sách giáo khoa, làm báo. Tác giả đã có nhiều tác phẩm thơ: “Nắng trung du “ (in chung, 1977), “Lặng im mùa hạ” (in chung, 1984), “Thức dậy một loài hoa” (1986). Bài thơ “Tôi nhận điểm mình” viết vào năm 1986 là một bài thơ hay viết về đề tài giáo dục với tứ thơ hết sức bất ngờ: Người thày tự đánh giá mình, tự chấm điểm chính mình qua việc chấm điểm cho học trò. Chính cái “quy luật ngược” ấy đã tạo ra sự khác biệt của “Tôi nhận điểm mình” giữa hàng ngàn bài thơ cùng đề tài.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn bộ bài thơ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nguyễn Thái Vận
Tôi nhận điểm mình
Bên đèn khuya, tôi gặp các em
Lại đông vui, như giờ lên lớp!
Mỗi khuôn mặt hiện trong bài viết
Nét chữ quen thấp thoáng nét người
Những câu văn thầm thì cùng tôi
Trang giấy trải phập phồng hơi thở
Màu mực tươi tâm hồn tuổi nhỏ
Ngòi bút tôi dò hết nông sâu
Lời giảng của tôi đang ở nơi nào
Bao ý tứ còn vương dấu vết
Nơi nồng đượm bếp than đêm rét
Chỗ chống chênh như gió thổi hoang
Bài làm các em là một tấm gương
Tôi soi vào hiểu mình đích thực
Như ngọn suối biết mình là nguồn nước
Khi ra tới đại dương mênh mông.
Chẳng dám bảo mình đã đủ yêu thương
Dẫu đêm đêm thức ròng bên giáo án
Các em vui, nỗi buồn tôi tan biến
Tôi thoáng buồn cả lớp lặng nhìn nhau
Có em điểm thấp, có em điểm cao
Vì chậm chạp hay vì sáng dạ
Vì lười biếng hay vì chăm chỉ
Có ai nghĩ rằng trước hết vì tôi
Chẳng thể nào trọn vẹn niềm vui
Nếu còn một bài phải cho điểm thấp
Ở đó tấm lòng tôi thiếu hụt
Chấm điểm em, tôi nhận điểm mình