Tôi và hai người lính Tây – Tùng Điển


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Tôi và hai người lính Tây” của nhà văn Tùng Điển in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Tôi và hai người lính Tây” của nhà văn Tùng Điển in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Tùng Điển

 

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: TRẦN QUANG ĐIỂN. SINH NGÀY 1 THÁNG 1 NĂM 1947. QUÊ QUÁN: LÀNG NGŨ HIỆP, THANH TRÌ, HÀ NỘI. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: QUẬN THANH XUÂN, HÀ NỘI. SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC, TỪNG TRẢI QUA CÁC CÔNG TÁC: THAM GIA QUÂN ĐỘI, BIÊN TẬP VIÊN XUẤT BẢN, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ TÁC PHẨM MỚI CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM. HIỆN NAY LÀ GIÁM ĐỐC QUỸ HỖ TRỢ SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM, PHÓ CHỦ TỊCH UỶ BAN TOÀN QUỐC LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT VIỆT NAM, UỶ VIÊN THƯỜNG TRỰC ĐOÀN CHỦ TỊCH UỶ BAN TOÀN QUỐC LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT VIỆT NAM KHOÁ VII.

 


TÔI VÀ HAI NGƯỜI LÍNH TÂY

Làng tôi, cách trung tâm Hà Nội một cánh đồng rộng mênh mang, nhìn hút mắt. Sông Tô Lịch, ngày ấy, nước trong leo lẻo, men theo phía nam thành phố, chảy qua làng tôi. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sông Tô Lịch trở thành ranh giới tạm thời giữa tự do và vùng tạm chiếm. Những người lính Pháp cuối cùng đã dồn về Hà Nội, chờ ngày qua cầu Long Biên, theo đường 5, ngang qua Hải Phòng ra biển, đi ham. Con đường cái qua làng, kéo từ bốt Ngọc Hồi ra Đông Phù sát chân đê sông Hồng chỉ dăm cây số, cứ khoảng 100m lại có một người lính Pháp đeo súng đứng gác. Bên kia sông là vùng tự do, chỉ qua vài chục thửa ruộng đã đến đường Một. Từ rào thép gai bốt Ngọc Hồi, kéo xuôi về đến Quán Gánh, hai bên đường lều quán san sát, Cờ đỏ sao vàng cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp nhô lên từ các quán hàng, được gió thu, lúc nào cũng quẫy căng phần phật. Những quán xá ấy bán đủ thứ, đúng là cái chợ giời. Có hàng thuốc tây, hàng vải, quán cơm, sạp quần áo may sẵn có áo trấn thủ, quần túm ống còn mới của bộ đội, có áo “bắt gà”, giầy đinh, thắt lưng to bản, anh ánh khoá đồng của lính lê dương; quán bán nước chè tươi, trứng luộc, chuối, đu đủ; ngạc nhiên hơn, có quán thuốc nam của mấy bà người Mán, mặc áo chàm, chân quấn xà cạp, đầu đội khăn tua đỏ. Không chỉ veo véo tiếng Mán mà cả tiếng Kinh, chào mời đon đả khách mua hàng. Chợ giời, cả ngày, lúc nào cũng có người mua bán. Đêm đến, người ở đâu ùn ra, càng tấp nập hơn. Đèn măng xông các kiểu treo lơ lửng, từ các cửa hàng ánh sáng hắt ra, sáng rực đường Một. Mẹ tôi cũng có một cửa hàng thuốc tây. Khách mua hàng lúc nào cũng tíu tít. Tôi thường vượt biên qua sông, sang ngồi ở cửa hàng, cạnh bà, phân loại tiền Cụ Hồ và tiền Đông Dương ra hai hộp cho khỏi lẫn; hoặc loăng quoăng chạy xem các sạp hàng. Khoái nhất vào hàng bà kẹo bột mua vài chiếc vừa ăn vừa nhìn mấy bà Mán bốc lá, xé rễ cây gói thuốc cho mấy ông bà áo nâu chân đất, không rõ từ vùng nào đến. Có những hôm, đứng bên này chợ, nhìn sang đường cái bên kia sông đến tận bốt Ngọc Hồi, thấy các ông Tây trắng, Tây đen, vai khoác súng, lố nhố, nghiêng ngó nhìn sang vùng tự do, tay chỉ, miệng cười ra ý lạ lẫm thích, thú lắm.

Tuy cắt đặt các trạm gác nghiêm cẩn, nhưng mấy ông lính Tây lại có vẻ lơ đễnh. Ngày ấy, vào tháng cạn, lội qua sông Tô Lịch nước chỉ lưng lửng quá gối, cứ chạng vạng tối là từng đoàn người lũ lượt từ làng tôi, nhất tề xông ra, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ không gánh, thì vác các kiện hàng, thùng hàng lội ào qua sông, mang về vùng tự do. Mẹ tôi bảo đấy là thuốc tây, là vải, có cả súng, lựu đạn nữa. Súng đạn rút ruột từ các kho của Pháp trong nội thành hoặc mua lại giá rẻ của mấy anh lính Nguỵ bỏ ngũ. Súng cũng chẳng cần đóng thùng, đóng kiện chỉ dăm khẩu đeo quanh người hoặc bó lại như bó đòn gánh vác trên vai, chạy tâng tâng trên mặt nước… Cứ vào lúc ấy, là không thấy bóng ông lính tây nào. Cả Tây trắng, Tây đen như đồng loạt bảo nhau lánh vào chỗ khuất, mặc cho đoàn người ngang nhiên vượt biên. Họ không muốn giáp mặt và chẳng dại gì giáp mặt. Đánh nhau thuê, ai lại bồng súng xông ra, lúc ông chủ đã mặt vàng như nghệ, chạy vào nhà đóng kín cửa để mặc đám con sen, thằng ở ngơ ngác ngoài tường rào. Cái tường rào mong manh đánh dấu một thời loạn lạc, chết chóc. Và cũng có thể ví đây như khu phi quân sự đầu tiên, để rồi ít ngày sau di dời vào sông Hiền Lương. Ven bờ Hiền Lương những năm sau khốc liệt bao nhiêu, thì ngày ấy, khu phi quân sự quê tôi lại như thứ trò trơi con trẻ.

Một lần, vào lúc nhá nhem tối. Khi những đoàn người, các kiện hàng tập trung ở làng tôi đã ào vượt biên qua sông, thời gian cũng chỉ đủ để lại trên mặt nước tiếng vỗ lóc bóc, thì tôi cũng từ vùng tự do về làng. Tôi nghĩ, vào giờ này chắc các ông tây vẫn còn đang chơi trò trốn tìm ở đâu đấy. Trước khi về, mẹ tôi cho mấy đồng bạc giấy Đông Dương, có hình người gánh dừa cất ở túi quần. Sợ ướt, tôi tụt quần vòng quanh cổ, lội truồng qua sông, nhằm gốc cây bàng trước cửa đền ông tướng. Mặt sông, mặt đường không một bóng người, bóng tối đã nhoà dần. Tôi hí hửng vì đã thấy cả cái bạnh của gốc bàng, chỉ cần leo lên bờ, lẩn mình vào đấy, thì giời biết. Nhưng thật không ngờ! Tim tôi bỗng thót lại. Một thằng Tây đen to như hộ pháp từ trong bạnh gốc bàng nhò ra. Biết tôi có thể hét lên, thằng Tây đen cúi khom khom người, đưa ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng, đôi mắt to thao láo, nhiều lòng trắng nhìn trái, nhìn phải. Bỗng nó cười, điều này mới làm tôi chết khiếp. Răng trắng và cái miệng to như ống vôi, nhìn chẳng khác gì con ma, từ gò Mả Vát sau làng mà người lớn thường mô tả để doạ trẻ con. Không phải nước sông, hình như tôi đã tè xuống cả cửa đền ông tướng. Một dòng nước nóng ấm chảy theo bên đùi, tràn xuống bàn chân. Thằng Tây đen thì thào, tiếng Việt lơ lớ:

– Đừng sợ! Pé con, im…

Dù sao, đất dưới bàn chân tôi cũng ướt đẫm rồi.

Thằng Tây đen chỉ vào cái quần tôi đang vòng quanh cổ, rồi ngoắc ngoắc ngón tay. Được cái quần, nó luồn hai ngón tay vào túi, kẹp lôi ra mấy đồng bạc Đông Dương cho vào túi áo ngực của nó. Cái miệng bình vôi ngoác ra, vẻ khoái chí. Ném cái quần trả tôi, nhưng nó chỉ quay đi được vài bước, thì một thằng Tây trắng đã lừng lững nhô ra, từ sau ông hộ pháp đứng ở cổng đền. Thằng Tây trắng đã lẩn trốn đoàn người vượt sông trước đấy nhưng cũng lại như rình tôi và thằng Tây đen từ nãy đến giờ. Không vội vã, thằng Tây trắng từng bước tiến lại. Thằng Tây đen vội dập chân đứng nghiêm, tay đưa lên ngang mũ chào. Bốp! Một cái tát như trời giáng, khiến cái miệng bình vôi méo xệch, người lệch đi, làm khẩu súng muốn tuột khỏi vai. Lại đứng nghiêm. Chờ một cái tát nữa. Nhưng không. Thằng Tây trắng chỉ luồn hai ngón tay vào túi áo ngực thằng Tây đen, rút ra mấy đồng bạc Đông Dương rồi quay sang tôi. Nó cúi xuống, nhẹ nhàng luồn mấy đồng bạc Đông Dương vào túi áo ngực tôi. Nhìn đôi mắt xanh, sáng như mắt mèo trong bóng tối của cái mũ sắt sùm sụp nó đang đội, tôi cứng đờ người vì sợ hãi. Thấy bộ dạng tôi, nó mỉm cười, thò ngón tay gảy gảy vào chim tôi đã săn tít và chắc hẳn chỉ còn như cái vỏ ốc vặn. Tiếng Việt chưa sõi, nó bảo:

– Pé con về đi.

Tôi như chợt tỉnh, lùi lại mấy bước, ôm quần, chân díu lại.

– Pé con, khéo ngã. Chậm chậm thôi, đừng sợ…

Giọng như nén lại, nó nói với theo. Còn tôi đã khuất dạng sau bức tường Văn chỉ của làng. Lúc ấy, tôi mới giũ quần để mặc. Nhưng vừa mới xỏ được một ống thì từ phía gốc bàng, tiếng ắc ê, ắc ê đã vọng đến. Thằng Tây trắng đứng nghiêm hô, còn thằng Tây đen thì vác súng, đầu gối nhấc cao, bước tại chỗ. Chúng đang thực thi hình phạt! Dù trống ngực còn đang thình thịch nhưng tôi đã thấy khoái chí vì “trò chơi” của chúng.

 

Sáng sau, khi bầy chim chào mào lảnh lót ở rặng cây trước nhà, tôi mới tỉnh dậy. Ánh nắng lướt nhẹ trên rặng tre trước nhà. Bố tôi chắc đã đến trường làng dạy học. Còn mẹ tôi giờ này cũng đang bận rộn với gian hàng bên vùng tự do của bà. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là hai thằng tây ở cửa đền. Là người tây đã lạ, lại thêm cách cư xử có phần ngồ ngộ, khiến tôi tò mò. Ra sau vườn, tôi chảy ổi, làm mấy quả lót dạ, rồi túm lại một vạt áo đầy, ra thập thò ở tường Văn Chỉ. Cửa đền ông tướng, thằng Tây đen mặc bộ quần áo bắt gà, mũ sắt sùm sụp, đi đi lại lại, mặt nhìn trước nhìn sau, nhớn nhác cứ như đang bị ai rình rập. Thấy tôi, cái miệng bình vôi đã ngoác ra, xốc lại khẩu súng bên vai, bàn tay nó ngoắc ngoắc rối rít, cứ như bạn thân lâu ngày mới gặp. Tôi còn chần chừ, nó như không chờ được nữa, muốn chạy đến với tôi nhưng lại không dám ra khỏi gốc bàng, giống như cái vòng tròn chú khỉ trong chuyện Tây Du đã vẽ, dặn thầy trò Đường Tăng không được ra khỏi đấy. Nó sợ cũng phải! Cách đây mấy hôm, một thằng Tây trắng đứng gác, thấy cô gái xinh xắn trong làng ra gánh nước giếng chùa. Động lòng, nó đi theo dáng người mềm mại và đôi chân nhún nhảy theo nhịp bước. Sợ mất hút người đẹp trong rặng cây ngõ xóm, nó muốn đi vượt lên nhìn mặt. Nghe tiếng giầy và khẩu súng va lách cách, cô gái ngoái lại, thấy tây, vội hất gánh nước bỏ chạy, miệng kêu ú ớ. Thanh niên trong xóm đổ ra, tiện gì vớ nấy, người đốc cần câu, người cán gáo, người đũa cả quấy cám lợn cứ lưng, đầu thằng tây mà vụt. Thằng tây xua tay, xì xồ la lối, chống đỡ. Ông già, bà lão, trẻ con đổ ra xem, có bà thấy vậy hinh hích cười. Thằng tây mặt không còn giọt máu, văng ra từng tràng tiếng tây, muốn phân bua nhưng ngôn ngữ bất đồng, ai nói nấy hiểu, đành một tay che đầu, một tay kéo lê khẩu súng trên ngõ, rông thẳng ra đường cái. Cũng may, người làng tôi hôm ấy, chỉ cho là chuyện gió trăng nên không dùng đến củi gộc, bắp cày, đòn gánh. Chứ như mấy năm trước thì thằng Tây trắng dám đơn thương độc mã ghẹo gái, đã chẳng ra được khỏi làng.

Thấy thằng Tây đen nhăn nhở, khoái ra mặt, không để nó phải ngoắc tay đến lần thứ hai, tôi chạy ù đến, thản nhiên ngồi dưới gốc bàng, thò tay vào vạt áo lấy ra một quả ổi chén ngon lành. Như những người bạn chưa hề có chuyện va vấp, nhất là chuyện cái tát đến lệch mặt tối qua, cũng đã như từ thời củ tỉ nào rồi. Nó ngồi thụp xuống bên tôi, chỉ cái miệng có hàm răng trắng nhởn, nguếch lên, tỏ ý thân thiện. Rồi tự động thò tay vào vạt áo tôi lấy ra một quả ổi, ném thẳng vào miệng, trệu trạo vài ba dập, nuốt thẳng. Giống như anh họ Chư ăn đào tiên vậy. Lại thò tay vào vạt áo, thêm một quả nữa. Cứ cách ăn kiểu này, chắc thằng Tây đen cũng chẳng biết đến mùi vị thơm ngọt của quả ổi mỡ cùi dày, ít hạt nổi tiếng của quê tôi. Giống ổi, cứ cuối mùa thu là chín rộ. Người Hà Nội tưởng như đã đầy đủ rồi, mà vẫn như thiếu, ngồi trước nhà hóng gió, đợi tiếng rao mời thanh gọn của các cô gái làng tôi, uyển chuyển gánh hai rổ ổi vàng ươm, phủ lá: Ai mua ổi mỡ đơiơi

Lần này, thằng Tây đen định nhón hai quả, tôi nhìn nó, hơi khép vạt áo lại. Nó hiểu, giọng ngô nghê, làm lành:

Piết rồi, nhai chàm chạm thôi.

Cái giọng lơ lớ làm tôi phì cười, cho nó thêm quả nữa. Lần này, nó không ăn, để quả ổi chín vàng giữa lòng bàn tay sù sì, lem nhem như bồ hóng, lặng lẽ nhìn ngắm, ánh mắt buồn như chợt nhớ về một xứ sở nào, xa lắm.

Thấy mặt nó đuỗn ra, tối hích vào người nó:

– Thằng Tây trắng đâu?

Câu hỏi của tôi khiến nó trở nên hoạt bát. Lần này, thì cái ông bình vôi không chỉ há mà được mở ra hết cỡ, bởi mấy ngón tay màu bồ hóng, kéo nguệch đôi môi dày, thâm xì, để lộ bộ lợi đỏ hỏn và hai hàm răng trắng nhởn. Một ngón tay của nó như cố chỉ sâu vào trong hàm, cái lưỡi ngọ nguậy:

con, thấy khôông? Tó tát tao, cái răng còn long lay tây này. Cái tằng tây trắng chó chết! không có tình tồng tội.

Nhìn dáng tội nghiệp của nó, tôi phì cười, rút mấy đồng bạc Đông Dương mà buổi tối qua nó muốn lấy, dúi vào tay nó, ý muốn đền bù cho chiếc răng lung lay trong cái miệng ông bình vôi kia.

Nhìn mấy đồng bạc trong tay như thấy lửa, thằng Tây đen vội trả lại vào túi áo tôi, giọng líu lại:

Pây tờ thì khôông được. Tiền của pé con! Tao pị tằng Tây trắng đánh là túng. Nhưng tao vẫn ghét tó.

Rồi nó giơ nắm tay đấm lên giời, mắt nheo nheo, như đang nhằm vào mặt thằng Tây trắng.

– Rồi có túc, tao sẽ tấm như thế này. Uỵch! Uỵch! Này chết này.

Mỗi tiếng này, nó lại tung cú đấm lên không trung.

Cao hứng, nó đứng vụt dậy, vứt khẩu súng bên vệ đường, khom khom người, né đầu, tay dứ, tay đấm. Lúc nó bổ tay từ trên xuống, lúc nó đấm móc từ dưới lên. Mỗi lần tung ra cú đấm, nó kêu tiếng ắc rồi chết, chết này. Nó đứng thế, chân chùng, chân duỗi, đôi giầy đinh lia trái, lia phải, soàn soạt trên mặt đường đá dăm, bụi mù. Tôi né người bụi, kêu lên:

– Đồ Tây đen! Mày có thôi đi không.

Như đang nhập đồng, nó càng đấm càng hăng. Cái bọn người da đen này, kể ra rất khác người của mình. Trí tưởng tượng của nó cũng không đến nỗi ngắn. Chỉ một mình nó, đã đủ để đám bụi lốc lên như hai con trâu đực tranh cái, gặp nhau ở giữa đám ruộng khô rồi. Mấy bà gánh gồng đi chợ, thấy lạ đứng xem. Ông giắt lợn đi nhảy giống, quần nâu ống toạ, không đừng được mặt ngây ra nhìn.

Không chịu được nữa, tôi để mấy quả ổi ra bãi cỏ, vớ lấy khẩu súng, bước ra bên vệ sông, hét:

– Tao vứt súng xuống sông đây này!

Đám bụi đang quay tròn như cơn lốc, bỗng khựng lại. Thằng Tây đen lao ra khỏi đám bụi, giằng khẩu súng trong tay tôi, khoác vào vai. Nó thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại.

con lại puốn tao ăn tát hả. Pất khẩu súng này, khôông tỷ một cái răng, mà tả hai gàm răng đều long lay hết.

Thấy mặt tôi lạnh như không, nó lấm lét nhìn mấy bà gồng gánh, ông giắt lợn đi nhảy giống rồi kéo tôi xuống bãi cỏ, ý làm lành. Chờ cho mấy người đi hết, thằng Tây mới hích vào người tôi, lại cái giọng lơ lớ:

– Tao piết rồi. Tại lâu ngày khôông được tấm nhau, nên nhớ.

Thấy tôi vẫn im, nó hích tay lần nữa, đôi môi dày mủm mỉm, mắt ánh lên vẻ tinh quái. Bây giờ nó mới thủng thẳng trả lời câu hỏi ban đầu của tôi:

– Còn tằng Tây trắng, chiều mai ở đây.

Nói xong, nó vớ luôn mấy quả ổi còn lăn lóc trên bãi cỏ. Khi nó ngẩng lên, tôi đã chạy vào đến Văn Chỉ làng rồi. Ngoái lại, tôi thấy nó bỏ mũ ra khỏi đầu. Một tay ôm mũ, một tay đưa lên các ngón lúc xoè lúc nắm như chào, ánh mắt tít lại nhìn tôi, và cái miệng như ông bình vôi lại ngoác ra thân thiện, tiễn bạn. Cái cười ấy, ánh mắt ấy như biết rằng, đấy là cuộc chia tay của những người bạn, chỉ có duyên gần nhau chốc lát, để rồi không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Chiều hôm sau, tôi dự tính ít quà. Chả lẽ lại đi trẩy vài quả ổi. Nhìn ngó khắp vườn, đu đủ lúc lỉu đầy thân cây nhưng còn xanh, khế cũng lủng lẳng từng chùm va vào đầu nhưng lại chua, thứ khế này chỉ nấu canh cá chứ đãi người thì không tiện. Chợt nhớ đến khu vườn nhà ông ngoại, cách nhà tôi mấy cái ao, dăm rặng tre vòng vèo men theo con đường lát gạch nghiêng trong ngõ xóm. Chưa đầy hơi chạy, tôi đã khấp khởi, một tay bám vào thân cây đu đủ, người ngả ra xoay vòng quanh thân cây, mắt hau háu nhìn những quả đu đủ to như cái điếu bát, đã chín nửa vàng nửa xanh, chen chúc nhau dưới tán lá. Chõm quả to nhất, vỏ cũng đã vàng rộm, chỉ mấy cú rướn người như trèo cau, tôi đã lấy được quả đu đủ cuộn tròn trong vạt áo. Cái vườn nhà ông ngoại, quả là thiên đường cho lũ cháu chắt. Đã rộng, lại nhiều loại cây ăn quả. Mùa nào thức nấy: hồng, na, mít, bưởi… còn chuối, đu đủ thì cứ nẩy quanh năm.

Từ sau rặng tre, tôi ngó về phía cửa đền ông tướng. Thằng Tây trắng như đã được báo trước, nó vượt ra cả ngoài tán bàng che trên đầu, cài vòng tròn mà chú khỉ họ Tôn đã vẽ, nghển cổ, ngóng về phía Văn Chỉ. Vừa thấy tôi xuất hiện, nó đã nhấc mũ ra khỏi đẩu, rồi cả hai tay giơ lên. Tay có mũ ngoáy tít. Chắc cu cậu chờ đã lâu. Vì lúc này từ phía Tây, mặt trời đã xuống chớm rặng tre cuối làng. Thấy thằng Tây trắng hớn hở chào đón, tôi chạy một mạch ra, định ngồi xệp lên bãi cỏ bên vệ đường cái, dưới tán bàng. Nhưng thằng Tây trắng đã quẳng cái mũ sắt lăn lóc trên đường, hai tay giang ra, chộp lấy tôi, xốc nách, nâng lên qua đầu, quay một vòng. Tìm chỗ cỏ sạch nhất, nhẹ nhàng đặt tôi xuống. Nó quỳ gối, hai tay chống trên bãi cỏ, nhìn mặt tôi. Khẩu súng trẽ ra khỏi vai, nó cũng chẳng buồn hất lại. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt nó. Thật lạ! Vẫn đôi mắt có con người xanh như màu da trời, buổi tối hôm kia đã làm tôi chết sững. Đến sáng nay, tôi lại thấy thật dịu dàng, hiền hậu. Tóc, râu, cả đôi lông mày của nó đều mượt và ánh một màu vàng như màu râu ngô non. Thằng Tây trắng cười, để lộ hàm răng trắng đều như hàng ngô nếp. Giọng nó ngô nghê:

– Tôi chờ con tờ chiều.

– Thằng Tây đen bảo phải không? – Tôi hỏi.

– Sao lại là tằng. Phải gọi là anh Tây đen mới túng.

Bất ngờ bị thằng Tây trắng uốn nắn, tôi hơi ngượng. Chắc mặt tôi phải đỏ dừ lên. Vẫn nụ cười thân thiện và ánh nhìn khoan dung của người lớn, nó giảng giải:

– Tôi và nhiều tuổi hơn con nên là anh. con phải gọi là anh Tây trắng, anh Tây đen. Người Việt Nam vẫn dạy trẻ con lớn tuổi là anh, tuổi là em mà.

Điều ấy việc gì phải dạy. Người làng tôi từ trẻ đến già, hễ nghĩ đến Tây thì đều là thằng cả. Mấy năm trước, và chẳng đâu xa, cách đây vài tháng, những đôi giày đinh của chúng giữa đêm còn khua rộn trên con đường lát gạch nghiêng vòng vèo trong ngõ xóm. Gặp người chúng đánh bằng báng súng, bằng cả gót giày đinh. Ai chạy, nghi là du kích, chúng bắn chết. Những viên đạn tiểu liên chiu chiu phập vào các bức tường vách đất, nghe trầm đục, liên tục như tiếng nồi cám lợn sôi trên bếp lửa. Những đêm như thế, ông bà, bố mẹ anh em tôi đều ôm lấy nhau, dúi vào góc nhà. Chúng còn giả danh thợ cấy, đội nón lá, giấu súng trong áo tơi, săn lùng Việt Minh ngoài cánh đồng để giết. Không khí nơm nớp sợ hãi phủ khắp làng. Mới yên bình được mấy tháng nay. Sao đang thằng lại sang anh ngay được. Cho dù thằng Tây trắng, thằng Tây đen này không phải là những thằng đã giết người trong mấy năm qua thì cũng phải có thời gian chứ. Đời thuở nào, cái thằng vừa mới bắn chết chị em, bà con mình xong, vết thương chưa lành, nước mắt chưa ráo, đã lại cười cười, làm cơm, thắp hương bái lễ nhận nhau làm huynh đệ. Hôm qua, hôm nay tôi mang ổi, đu đủ cho chúng cũng do tò mò, đùa nghịch chứ đâu phải muốn thành huynh đệ với hai thằng Tây này.

Thấy quả đu đủ vàng tươi, nhựa còn ứa ra ở cuống, đôi mắt xanh của nó như trong hơn. Nó nói, giọng hàm ơn:

– Hôm qua tôi đã tược ăn ổi của con. Ổi ngon lắm.

Thì ra thằng Tây đen đã để giành ổi cho thằng Tây trắng. Chúng tát nhau đến rụng hàm, lại đeo súng, đi giầy xăng đá, đầu gối nhấc cao, nhận hình phạt theo tiếng ắc ê mà chẳng tỏ ra thù oán. Người Tây họ sống kể cũng thoáng. Những cú đấm gió, những cái rê chân né tránh bụi mù của thắng Tây đen cũng chỉ là diễn trò làm vui.

Trong lúc vội, tôi quên không đem theo con dao nhỏ bổ cau của bà nên chưa biết phải ăn quả đu đủ như thế nào thì thằng Tây trắng thò tay vào túi rút ra một chùm nào chìa khoá, ngoáy lấy dáy tai, bấm móng chân… trong đó có cả con dao nhíp sáng loáng. Nó cậy lưỡi dao mảnh nhỏ như lá tre. Khéo léo làm một vòng, quả đu đủ đã bửa ra làm đôi. Những dải hạt đen óng ánh, tươi rói bám vào lớp cùi vàng ươm, nhìn đã thấy muốn ăn. Nó đưa cả hai nửa quả lên gần mũi, mắt lim dim, hít một hơi dài, nuốt nước bọt đánh ực. Đặt nửa quả trên bãi cỏ, thò hai ngón tay vào túi áo, kẹp lấy chiếc khăn tay gấp nếp, sạch sẽ, thoảng mùi nước hoa, rũ ra, lót lên ngoài; rồi lưỡi dao nhíp mới khéo léo đưa từng đường, gọt vỏ. Được miếng nào, nó lại cắt đôi, mỗi người một nửa. Vừa ăn vừa nhìn nhau. Lại gọt vỏ. Nó thì cứ hau háu nhìn vào miếng đu đủ, còn tôi thì cứ dán mắt nhìn vào con dao nhíp trong tay nó. Lần đầu tiên tôi được thấy con dao nhíp. Thích thật, cậy lưỡi ra thành dao, gập lại bỏ túi được. Có con dao này thì các thứ quả trong vườn nhà tôi, vườn nhà ông ngoại, vườn cả xóm… đố mà có thoát. Thằng Tây trắng như hiểu ý. Nhưng ăn xong, nó lau chùi cẩn thận, gập lại cho vào túi. Nó gật gật đầu cười, tấm tắc:

– Thơm ngon quá.

Tôi thừa biết, trong ánh mắt nó còn có điều gì tinh nghịch nữa. Nó giũ tung chiếc khăn mùi xoa rồi nhẹ nhàng vung lên trước mặt tôi. Mùi thơm phảng phất. Chiếc khăn như được ướp bằng một loài hoa lạ.

– Của vợ chưa cưới đấy. Ngày tiễn sang Việt Nam, vợ chưa cưới tặng tàm kỷ niệm.

Nó khoe và nhoài người vòng tay ra phía gốc bàng đối diện với bờ sông. Mò mẫm trong hốc cây như chơi trò ảo thuật, nó lấy ra một cái kẹo màu hồng được gói bằng giấy bóng kính đưa cho tôi. Kẹo không ngọt đậm, lại có mùi thơm mát. Khác hẳn kẹo bột, kẹo vừng bở bùng bục, lại ngọt sắt đến khé cổ của bà bán bánh đa đầu chợ. Chưa để tôi hết ngạc nhiên, nó lại vòng tay ra phía gốc bàng, lại mò mẫm trong hốc cây. Lần này nó rút ra bao thuốc lá Côtáp. Với nét mặt đắc ý, nó rút ra một điếu thuốc, ngậm hờ đầu môi.

Rồi cũng từ hốc cây là chiếc bật lửa sáng loáng. Nó bật xoành xoạch, mỗi lần là một ngọn lửa xanh liếm nhẹ trên miệng chiếc bật lửa lướt qua điếu thuốc. Nó chưa hút ngay, như muốn kéo dài thêm sự chờ đợi, để nhấm nháp hết hương thơm và vị béo ngậy của làn khói xanh chút nữa sẽ tan trong miệng nó. Tôi biết, vì bố tôi cũng thường hút thuốc lá côtáp. Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc là ông lại chậm rãi rút ra điếu thuốc, vê vê mãi ở đầu ngón tay rồi mới hút. Còn tôi, ngồi nghênh mặt ở bậc cửa ngửi khói. Ông ngoại lại hút thuốc phiện. Nhiều lần tôi được ông ngoại sai đi mua thuốc phiện của lão buôn lông vịt ở làng Đông Phù. Nhìn những giọt thuốc phiện đen, sánh trong lọ pênêxilin, tôi cứ ngỡ ngàng, vì sao cái thứ nhựa này đốt lên lại thơm đến thế. Chẳng vậy mà lũ chúng tôi, cháu nội cháu ngoại, mỗi lần thấy ông nằm trên sập tiêm thuốc, ghé miệng tẩu vào ngọn đèn dầu lạc, tóp miệng rít vo vo là đứa nào đứa ấy hếch mũi lên, chờ ngửi. Lạ đến mức, những con thạch sùng từ các cột kèo xà nhà cũng về tập trung thành đàn, bám vào đoạn xà nhà ngay dưới ngọn đèn dầu lạc bốc lên. Cái gì chả vầy, dùng mãi thành quen, hút hít mãi thành nghiện. Thấy ông ngoại hút thuốc phiện cũng hay hay, nhất là cái bộ dạng trưởng giả nằm trên sập tiêm, rít thuốc, chiêu ngụm nước chè nóng, nuốt khói, không để phí ra ngoài lấy một sợi khói mỏng manh, mắt lim dim đờ đẫn nhìn ra ngoài sân. Mỗi lần như vậy, lũ trẻ chúng tôi biết ông sắp sửa phát ra tiếng nổ. Đứa nào đứa ấy ngồi co lại, mắt nhìn nhau cười tít, hai ngón tay đưa lên khép mũi. Sau loạt trung tiện, ông lại tiêm thuốc, lại rít, lại chiêu nước nóng, lại… đến mức lũ chúng tôi tìm chỗ khuất, rủ nhau lên nóc cổng, trốn người lớn, rải chiếu làm bàn đèn. Lấy ống đu đủ làm dọc tẩu, trảy bưởi non làm nõ, cắt miệng chai làm đèn dầu lạc. Cũng giả tiêm thuốc, giả tóp má, dẩu miệng rít, giả nắm hờ tay làm chén chiêu nước… Nhưng đến mục phát ra tiếng nổ không cố được thì cũng đành giả. Đành đưa tay vào nách, hoặc dùng miệng kêu cho giống… Con em họ tôi không chịu giả, nó cứ cố… tiếng nổ không có, bĩnh cả ra quần. Không cần phải đưa tay lên khép mũi, lũ chúng tôi nhớn nhác, bỏ bàn đèn giành nhau tháo nhanh khỏi nóc cổng.

Lần bật lửa này, thằng Tây trắng hút thật. Nó dẩu miệng, tóp má, phồng ngực kéo một hơi dài. Đốm lửa liếm dần đầu điếu thuốc rồi chạy thút tới giữa điếu, để lại mẩu tàn tro dài. Nó chơi trò ngửa mặt lên trời, đôi môi mở hờ, búng từng vòng khói nối nhau bay lên trời, có ý khoe. Lừa lúc nó không để ý, tôi nhoài người dòm xem trong hốc cây còn gì nữa. Như đã biết trước, nó nhấc cái chân dài ngoẵng ngáng lại, tay nắm vạt áo tôi giữ chặt, ý muốn nói: Tớ thừa biết trò ranh ma của cậu rồi. Tôi cười khì, cũng ngửa mặt lên trời, cũng như nó, rê mũi hít hà hương khói thuốc như có vị ngọt, vị béo ngậy đang loang ra trong không gian. Nó chậm rãi ngả lưng xuống vệ cỏ ven đường và nhẹ nhàng kéo tôi nằm xuống bên, nói tiếng Việt bập bễnh:

– Lúc này thua tận, thuốc lá ít, phải giấu vào lỗ cây, không thì chúng xin hết.

Nó quay sang nhìn tôi cười ranh mãnh. Hoá ra, bọn Tây mặt mũi sáng sủa như vậy cũng có thói giấu diếm, ăn mảnh, chẳng khác gì mấy thằng bạn ma lanh của tôi. Thằng Tây đen hôm qua bảo thằng Tây trắng không có tình đồng đội, xem ra cũng phải.

Sau mấy lần rít thật sâu, như đã qua cơn thèm, nó búng mẩu thuốc còn lại xuống mặt sông, đưa tay vào túi áo bên trong, trước ngực rút ra tấm ảnh đưa lên trước mặt đăm đắm nhìn, và cũng muốn để tôi xem. Đấy là một phụ nữ phương Tây, nét mặt buồn, hiền dịu. Mái tóc màu sáng, phủ xuống đôi vai trần, da mềm mịn như xoan bóc. Nhìn như các diễn viên cinema giăng ở cửa rạp Mazetic(1) trong thành phố, mỗi lần bố dẫn đi, tôi thường dừng lại nhìn ngắm.

– Vợ chưa cưới của tôi đấy. Ca hai chúng tôi là sinh viên cùng khoa. Tôi học lịch sử phương Đông có Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản. Ca Việt Nam nữa. Ở Paris có một giáo dạy tôi tiếng Việt Nam. Tôi thuộc cả dân ca, ca dao Việt Nam đấy. Hở, không tin à. Tôi hát cho con nghe này.

Nó nhổm dậy chống hai khuỷ tay ra phía sau, hắng giọng. Nó chưa hát ngay, hấp háy mắt mũi nhìn tôi đùa nghịch. Cái miệng rõ tươi, có hàm răng trắng được viền quanh bằng bộ râu mềm mại, tỉa tót rất khéo. Sau một cái hít hơi rõ dài, giọng nó ồ ồ, trầm đục phát ra từ cái miệng to tròn vo:

Tình pằng có cái trống cơm

Khen ai khéo vỗ ấy mới pông nên pông

y mới pông nên pông

Một pày tang tình mà con tít

y mới lội lội sông ấy mới đi tìm

Em nhớ thương ai. Đôi con mắt… ấy mới lim dim… đôi con mắt… ấy mới lim dim… ấy mới lim dim…

Một pày… tang tình con nhện

y mới giăng tơgiăng tơ ấy mới ti tìm em nhớ thương ai

Duyên nợ ấy mới tang bồng

Thằng Tây trắng càng hát, càng rướn dài cổ, rống lên say sưa. Đến câu cuối như hụt hơi, không rõ lời, tôi phải tự đoán lấy. Nhìn đôi mắt xanh của nó tươi roi rói, trán rân rấn mồ hôi, tôi biết nó đã tập trung cao độ để biểu diễn. Cả hai thằng Tây lần đầu tôi gặp trong đời đều có cái say mê, tập trung cao độ vào việc đang làm. Thằng thì gồng cơ bắp đấm trái, né phải, rê chân soàn soạt, mắt trắng dã gườm gườm như đang cùng đấu thủ trên sàn đấu. Thằng thì lấy hết hơi sức, lấy giọng lên bổng xuống trầm, hát cho đúng làn điệu… mong nhận được lời khen từ đám đông thính giả tưởng tượng đang đứng… dưới sông nghe nó hát. Chắc hẳn chưa vừa ý với bài vừa rồi, nó vỗ vỗ nhẹ thay lên vai tôi mấy cái, đầu gật gù:

Pài vừa rồi chưa tình cảm. Để tôi hát một pài có làn điệu êm tềm nghe mới hay… À, tôi nhờ rồi, giáo dạy tôi pài này…

Nó lại hắng giọng, vườn cổ, mắt lim dim nhìn ra mặt sông, một tay đưa lên dập dềnh dưới mặt

Se tỉ ố mấy kim bên tuồn kim

Ố mấy kim bên tuồn kim

May quần tình chung… mà may áo

Ới a í a gửi ra gửi ra chồng cho chông sáng hồ sáng lưu xê phànmà cái nỗi gửi ra chồng cho chồng

Nó hát say sưa đúng âm điệu khiến tôi cũng phải ngạc nhiên. Bài này bà nội tôi thường hát để ru lũ cháu ngủ. Nó hát, và có cảm giác như đang biểu diễn thực, quên cả việc gác xách của mình, quên cả những người xung quanh. Mấy bà, mấy cô đi chợ về, trên vai còn quang gánh, nghiêng nón đứng bên kia đường trố mắt… nhìn thằng tây mũi lõ, mắt xanh, râu ria vểnh ngược chổng lên trời mà… Se tỉ ố mấy kim bên tuồn kim. Cho tới khi phát hiện ra tiếng cười khúc khích của mấy bà mấy cô, nó mới ngừng bặt quay người lại nhìn và nở một nụ cười hồn hậu, ngô nghê.

– Hát khôông hay, khôông piểu diễn nữa.

Mấy bà mấy chị nhìn thằng Tây ngồ ngộ không những không có ý thù ghét mà lại có phần mến mến. Một bà đã đứng tuổimắt lá dăm, môi cắn chỉ, nói vóng sang:

– Chữ se với chữ chỉ hát phải luyến dài ra nghe mới ngọt, mới đúng tâm trạng của người hát.

Thằng Tây khoái chí giơ hai tay lên quá đầu vỗ đôm đốp:

– Cám ơn, cám ơn.

Mấy bà mấy cô bỏ đi, cười khúc khích. Lại nằm dài trên bãi cỏ. Nó lấy mũ sắt gối cao đầu, nhìn ra mặt sông, bứt một cuộng cỏ đưa vào miệng, ánh mắt xanh trong veo như không nhìn vào đâu.

– Việt Nam có những pài dân cà và những câu ca dao thật là hay. Ở Paris giáo dạy được pài nào, cau nào là tôi lại đọc cho vợ chưa cưới nghe. Có những câu như thế này, nghe thật thích, khiến vợ chưa cưới yêu tôi thêm. Người con trai thấy người con gái cắt cỏ thì hát rằng:

Hỡi cô cắt cỏ xinh xinh

Cho anh cắt với chung tình làm đôi

Cô còn cắt nữa hay thôi

Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Chuyện trai gái yêu nhau ở làng tôi không thiếu. Năm nào, đến gần tết là lại cưới xin ăn hỏi. Có nhiều đôi còn rủ nhau đi chăn trâu, cắt cỏ để tán nhau ở ngoài đồng. Tán nhau từ lúc mặt trời mới xuống tới ngọn rặng tre, đến tối mịt cũng chưa về. Bọn trẻ chúng tôi, cả trai lẫn gái dăm bảy đứa, nấp sau các mô đất, sau các ngôi mộ cỏ xanh rì, nín thở mà theo dõi… nhưng vẫn chỉ thấy họ hát, họ tán, trêu ghẹo nhau bằng những câu ca dao. Có những câu nghe qua đã thuộc. Có những câu tưởng nhớ nhưng về nghĩ mãi chưa ra. Cái thằng Tây này thế mà khá. Nó được học ở tận đẩu đâu mà vẫn nhớ.

Đôi mắt xanh đăm đăm nhìn xuống mặt nước, nhưng hình như nó thấy được một vùng quê khác, nơi cô gái trong bức ảnh, gợi nhớ những kỷ niệm mà nó thèm được trở lại.

– Có lần, học được mấy câu ca dao, tôi đưa vợ chưa cưới về vùng quê. Cả hai chúng tôi nằm trên bãi cỏ, như tôi và con nằm như thế này này. Lúc ấy, tôi mới nói với vợ chưa cưới là: Chiều rồi, có một người con trai đi bên này sông, theo bước chân của một cô gái đang đi bên kia sông, và chỉ tay lên vành trăng khuyết chon von đầu núi, rồi hát:

Trăng lên đỉnh núi chon von

Sông dù cạn nước, anh còn yêu em

Nghe xong, cô gái hướng mặt về phía người con trai, giọng vút lên, say đắm:

Trăng lên đỉnh núi trăng tà

Anh yêu em thật hay là yêu chơi

Cũng chỉ chờ có vậy, người con trai vội vàng đáp lại:

Trăng lên đỉnh núi chơi vơi

Anh yêu em thật yêu chơi làm gì

Trai gái nói chuyện yêu nhau mà sao thanh sạch, trong trẻo, say đắm thế. Ở nước tôi, trai gái tán nhau không có thơ.

Thằng Tây bỗng quay sang nhìn tôi mắt nheo nheo như cười:

con cũng phải học thuộc nhiều câu ca dao, sau lớn lên còn tán các cô gái ở làng. Chọn cô nào đẹp nhất mà tán.

Tôi không phản đối, chỉ mỉm cười. Ở lứa tuổi tôi, nhiều lúc để ý, tôi thấy đám con trai, con gái có đứa thích nhau rồi. Trong những đêm trăng, chúng mượn các trò chơi như cuốn chiếu làm tổ tò vò, hoặc rút ruột các đống rơm rạ thành hang, chui vào đấy mà đùa nghịch, vật lộn, có khi bấu chí nhau hoặc mó cả vào những chỗ kín đáo, khiến đối phương sững người, ngây ra, khi nhận biết thì kẻ ranh ma đã mất dạng trong tổ tò vò hoặc hang rơm nào rồi. Chỉ sau này tôi mới hiểu, hoá ra, đó là những động chạm đầu tiên, để sau này dẫn đến chuyện trai gái. Thằng Tây nói với tôi chuyện đó tự nhiên nhưng cũng lại như một sự chỉ dẫn để tôi có ý thức chuẩn bị ngay từ bây giờ. Điều mà người lớn xung quanh tôi dường như kiêng kỵ, chẳng bao giờ dám nói trước mặt đám trẻ.

Thằng Tây trắng bỗng ngẩng mặt nhìn sang vùng tự do. Dọc đường Một, từ cống Ngọc Hồi, xuôi về mãi Phú Xuyên, càng về chiều càng đông người. Cờ đỏ sao vàng cắm trước các lều, quán vuốt căng theo chiều gió. Nó lặng lẽ rút điếu thuốc nữa châm lửa hút, mắt ngợp ngợp buồn:

con à, tôi chỉ thích học tiếng Việt Nam rồi sang đây nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ chứ không phải sang để cầm súng pắn nhau. Đang học dở, chính phủ Pháp pắt tôi đi lính. Tới ngày hôm nay, tôi đã sang Việt Nam tược năm mười tám ngày. Cách đây mười sáu ngày, người ta đã đưa chúng tôi ra sân bay Bạch Mai, để đêm tối nhảy dù xuống tiếp viện cho Điện Piên phủ. Nhưng trước khi máy bay cất cánh một giờ thì có tin tướng Đờ Cát đầu hàng. Điện Piên Phủ đã thuộc về bộ đội Cụ Hồ. Ơn giời cho sống. Tôi chờ từng ngày tược về nước, gặp pố mẹ, vợ chưa cưới của tôi.

Nó rít một hơi thuốc thật sâu rồi từ từ nhả khói, mắt lim dim nhìn bầu trời không một gợn mây. Trên cao xa, con diều hâu dang cánh êm ả buông xuôi theo dòng sông, nghiêng ngó tìm mồi, nắng buông lấp lánh trên những rặng tre làng, phủ lên các vạt cỏ bên sông. Sông Tô Lịch ngày ấy, nước thật trong lành, từng đám đòng đòng cân cấn nghiêng mình đùa giỡn dưới những bông hoa súng tím ngắt sập xoè trên mặt nước. Chăm chú một chút, có thể thấy trên lớp bùn dưới đáy sông những gợn nắng lao xao, làm nổi hằn bọt nước mới đùn ra từ miệng một con hến đang giấu mình dưới bùn. Những điều thằng tây nói ra, tôi chỉ hiểu láng máng, nhưng điều tôi biết chắc chắn, là trong đôi mắt của nó chẳng có chút lưu luyến gì với mảnh đất ngoại thành quê tôi. Nó muốn nhanh nhanh rời khỏi mảnh đất này. Tôi lay vai nó, chỉ vào khẩu súng đang nằm chỏng chơ trên bãi cỏ, ra hiệu chỉ lên trời, bắn đòm. Nó vội thu súng đeo lên vai, lắc đầu, chỉ sang vùng tự do và những lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật:

– Không được! Cụ Hồ không cho phép.

Từ lúc ấy, đôi mắt nó cứ đăm đắm nhìn sang bờ sông bên kia. Và hình như nó cũng không nghĩ đến tôi, anh bạn nhỏ, nằm bên cạnh nữa. Thì mặc thằng tây, tôi cũng nằm dài trên bãi cỏ, lơ dễnh nhìn những đám mây bông lãng đãng bay, hít căng lồng ngực hơi gió mơn man, mang theo vị phù sa thơm ngậy từ bãi sông Hồng tràn về. Mặt nước sông Tô Lịch dưới chân tôi, cũng lặng yên, thiu thiu ngủ.

Bỗng từ những rặng tre trong làng rào rào như có gió nổi. Rồi tiếng người, lúc đầu thì rì rầm, sau í ới gọi nhau, gióng giả như có đám. Thằng Tây trắng giật thót người như tôi, nhổm dậy chộp lấy khẩu súng, úp cái mũ sắt lên đầu, nhớn nhác nhìn xung quanh, giọng hấp tấp:

con về ngay. Nhanh lên!

Chỉ mấy bước chân, đã thấy nó mất dạng sau mấy ông hộ pháp ở cửa đền ông tướng.

Từ đường làng tràn qua Văn Chỉ, người ở đâu ùn ùn như trẩy hội. Đàn bà thì gánh gồng, đàn ông thì khuân vác. Có hòm gỗ, hòm các tông, lù lù che kín mặt. Người nào cũng chân đất, ống quần túm xà cạp. Có chị đầu chít khăn mỏ quạ, vừa gánh vừa bỏm bẻm nhai trầu. Có anh cột năm, sáu khẩu súng trường, nhìn như bó đòn gánh vác trên vai lội ào qua sông. Tôi phải dạt vào vệ đường, tránh bị hất tung lên trong cuộc chạy đua ai cũng muốn về đích trước. Những khuôn mặt rất lạ, loáng thoáng có người làng. Dù có tùm hum trong chiếc mũ vải tôi vẫn nhận ra trong đoàn người có mấy ông Tây trắng, Tây đen vác súng, vác hòm đạn; có ông tây nghễu nghện cả một bó thuốc lá Cô Táp trên đầu, đôi chân dài ngoẵng tìm đường muốn vượt cho kịp chợ chiều bên vùng tự do. Có ông thấy tôi nhe răng cười, dù rất vội, vẫn kịp xoè tay xoa đầu tỏ vẻ thân thiện. Không rõ các ông tây này, có ông nào trong hai ông tây tôi quen biết không?

Mấy hôm sau trời trở gió. Những đám mây sũng nước, oà vỡ từng đợt. Nhìn những hàng cây ướt rượt, tôi lại trùm chăn, nghe gió kẽo kẹt xiết qua cái búi tre. Thoáng trong đêm vẫn có tiếng chân người rậm rịch trong ngõ xóm và vẳng đến tiếng súng xa. Vào một buổi chiều hết mưa gió, trời lại trong trẻo, yên bình, người trong làng kháo nhau: Đêm qua có một thằng tây bị bắn chết ngay trong hàng rào thép gai bốt Ngọc Hồi, khi nó đang tuồn súng ra bên ngoài cho một thằng tây khác. Bị lính gác phát hiện, thằng tây bên ngoài lủi ra ruộng, thoát về vùng tự do. Thằng bên trong chưa kịp gỡ ra nổi đống thép gai lùng nhùng, bị đạn súng lục của thằng chỉ huy găm từ phía sau lưng. Và, cũng ngay cái buổi chiều trong trẻo, yên bình ấy trong sân bốt Ngọc Hồi, một đám lửa lớn nghi ngút cháy. Mẹ tôi nói lại: Chúng cho thằng tây bị bắn chết vào thùng phuy, phá cánh cửa bốt cùng với gánh củi gộc chúng mua được của một lão là ngư dân chuyên đánh gốc tre thuê kiêm nghề hun chuột, hoả thiêu, giống như màu nhựa rải đường. Xẩm tối, người làng tôi ra đầu ngõ, nghển nhìn về phía bốt vẫn thấy tàn lửa rừng rực. Trong gió, lẫn khói có mùi khét đến rợn người. Đêm ấy, cả vùng quê tôi vẫn váng vất cái mùi tanh tưởi, lành lạnh. Hình như nó cứ luẩn quẩn, đọng lại trong từng cái búi tre, bụi duối, trong ngõ xóm khiến chó không dám sủa, gà không dám gáy. Tất cả chúi vào xó bếp, nép vào các đống rơm, đống rạ như sợ cáo.

Sáng ra, người làng tôi, từng đám rủ nhau đi chợ thì tất cả đều sững sờ. Đường cái quan dọc sông Tô Lịch không còn bóng một thằng tây. Bốt Ngọc Hồi lá cờ Tam Tài đã gỡ đi từ bao giờ. Cái chợ bên vùng tự do, dọc đường Một trống trơn, không một túp lều, quán xá. Tất cả đều mất đi, không còn chút dấu vết. Cái tấp nập nhộn nhịp, sự lo âu hai bên sông, những thằng tây đeo súng đi lại, tiếng giầy đinh trệu trạo trên con đường đá dăm; và cả thằng Tây trắng, Tây đen thoáng hiện ra trong cuộc sống của tôi chốc lát… đều như một giấc mơ. Trả lại sự yên bình cho quê tôi như vốn có từ bao giờ và chắc mãi sau này vẫn vậy.

Tôi lững thững ra cửa đền ông tướng tìm lại giấc mơ của mình. Tìm lại hai người bạn tây, một đen, một trắng mà số phận đã run rủi đem đến cho tôi vào những ngày thơ ấu. Tôi thẫn thờ ngồi bên gốc bàng, việc đầu tiên nghĩ đến là cái hốc cây đối diện với mặt sông. Dẫu biết, trong hốc cây không còn gì nhưng tôi vẫn hy vọng có chút gì đó kỷ niệm. Tôi không nhoài người ra nhìn vào gốc cây, sợ nỗi thất vọng nhanh đến mà chỉ thò tay vào tìm kiếm. Bàn tay tôi đang dò dẫm, bỗng nắm được một bọc nhỏ nằng nặng. Trời ơi, trong tờ giấy cuốn là con dao nhíp. Biết tôi thích con dao nhíp này, anh bạn Tây trắng đã để lại. Mà để từ bao giờ? Chắc chắn là vào đêm. Đêm qua, đêm kia, vài đêm trước nữa? Tôi cầu mong đấy là đêm qua. Sau khi mà đống lửa đã đốt trên sân bốt hoả thiêu người lính xấu số nào đấy. Và, cũng không phải là người lính da đen tôi đã gặp. Vội vàng tôi mở tờ giấy ra xem, lại là hai câu ca dao viết bằng tiếng Việt, nghe thật mong manh, da diết:

Gió đâu gió mát sau lưng.

Dạ đâu dạ nhớ người dưng thế này.

Nếu thoát được ngọn lửa thiêu đêm ấy, giờ hai anh lính tây cũng đã là người thiên cổ.

T.Đ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder