Vanhaiphong.com: Quy tụ một số cây bút có tâm huyết với quê hương, ngay khi ra mắt (4/2014) với mong muốn góp phần vào sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, Nhóm văn bút Luy Lâu (Bắc Ninh) đã phát động cuộc Thi thơ Luy Lâu 2014-2015. Sau một năm tổ chức cuộc thi, BTC đã nhận được 877 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Ngày 19/5/2015, BTC đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cho các tác giả đoạt giải:
Vanhaiphong.com: Quy tụ một số cây bút có tâm huyết với quê hương, ngay khi ra mắt (4/2014) với mong muốn góp phần vào sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, Nhóm văn bút Luy Lâu (Bắc Ninh) đã phát động cuộc Thi thơ Luy Lâu 2014-2015. Sau một năm tổ chức cuộc thi, BTC đã nhận được 877 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Ngày 19/5/2015, BTC đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cho các tác giả đoạt giải:
Nhà văn Nguyễn Hữu, Chủ nhiệm Nhóm văn bút Luy Lâu
trao giải cho tác giả Minh Hằng (giải nhì)
* 02 Giải nhì:
1. Minh Hằng (Thái Nguyên)
VÔ ĐỀ
Một ngày buồn
Đem kỉ niệm cất vào ngăn tủ
Từng chồng giấy nằm im
Quá khứ giờ đã ngủ
Tôi nâng kỉ niệm trên tay
Mong manh và nặng trĩu
Tình đây mà người xa
Chỉ kẻ mộng mơ là tôi gìn giữ
Thời đại intenet và thư điện tử
Ngăn quá khứ rỗng không
Còn mất chỉ cần nút xóa
Người hay buồn chắc cũng ít hơn
Ngày mai
Bao tươi mới đang chờ phía trước
Xếp lại những mảnh giấy úa vàng
Tôi cẩn thận khóa ngăn kí ức.
2. Đỗ Thu Huệ (Bến Tre)
DẤU XƯA LUY LÂU
Đi trên thành cổ Luy Lâu
Chạm vào mảnh vỡ của mầu thời gian
Từ trong phế tích hoang tàn
Tiếng ngựa hí tiếng voi dàn thế công
Tiếng quân reo tiếng trống đồng
Tiếng bờ cõi tiếng non sông vọng về
Sông Dâu trăm chiếc thuyền kề
Câu ca chảy dọc miền quê đất lành
Ngựa voi đã hóa đá xanh
Quỳ bên lăng miếu vá lành vết đau
Đi trên thành cổ Luy Lâu
Chẳng quan thái thú chẳng mầu quyền uy
Chuông ngân thủng thỉnh từ bi
Gõ vào nhân thế thầm thì câu kinh
Vịn vào huyền sử quê mình
Nhuộm xanh cổ tích dáng hình Văn Lang.
* 02 Giải ba:
1. Nguyễn Xuân Tường (Bắc Ninh)
TIẾNG MÕ RAO
Làng mở hội tưng bừng xóm ngõ
Rộn sân đình người xa xứ thăm quê
Sao cháu con nhà sãi mõ không về
Không lời thỉnh hay người đi không trở lại?
Lũy tre xanh ngàn năm còn vẫy gọi
Ôm nỗi niềm riêng đời sãi mõ tha phương
Tộc phả ghi dòng đói khổ bỏ quê hương
Trần thế ai người quên quê cha đất tổ
Nấc thang cuối cùng bao lâu còn khốn khổ
Kế sinh nhai này cay đắng phận cùng đinh
Tiếng mõ rao đeo đuổi đến cạn tình
Tiếng mõ rao luẩn quẩn bờ tre xanh…
Lễ hội của làng ta qua rồi thời rao mõ
Lũy tre xanh chôn tuổi xanh ai ở đó
Đêm trường phong kiến ám trời Nam.
2. Cáp Thu Hạnh (Hà Nội)
MIỀN CỔ TÍCH
Có dòng sông tìm đất này để chảy
Biết thương người từ thưở hồng hoang
Sông Đuống, sông Dâu vòng tay như thể
Gọi người theo lập ấp dựng làng
Miền đất ấy thành kinh đô Giao Chỉ
Hướng muôn dân trăm họ yên lòng
Miền đất ấy Người về gieo chữ
Gieo niềm tin Phật đến tọa thiền
Rồi một bận Vua tìm về chọn vợ
Để đất trời ai nhuộm nên xanh
Tên quê mình hóa thành Siêu Loại
Cổ tích nằm mơ dáng Thuận Thành.
* 05 Giải khuyến khích:
1. Nguyễn Trọng Tiệp (Hưng Yên)
THÁNG BA
Tiếng thời gian thở dài
Theo tháng ba dùng dằng ngang lối
Bản tình xuân chần chừ nốt nhạc cuối
Không lời…
Chợt chút nắng nhẹ rơi
Trên má e còn se se gió bấc
Khẽ hồng thêm nỗi niềm nghi hoặc
Em đã tròn ý xuân?…
Tháng ba gọi riêng chút ngại ngần
Dắt em vào hương bưởi
Nồng nàn và nhiều nhắn gửi
Trên lối hẹn hò
Chiếc hôn vội vã bất ngờ
Đong tháng ba nhiều hơn nỗi nhớ
Chân sáo về nghiêng nghiêng ngõ nhỏ
Và nghiêng cả tháng ba em chưa vội…
2. Phạm Phương Dung (Hưng Yên)
NỖI NHỚ SÔNG QUÊ
Thả hồn theo gió triền đê
Lăn tăn sóng gợn bến quê đầu làng
Tình cờ ánh mắt đưa ngang
Em cười khiến cả chiều vàng ngẩn ngơ
Thế rồi năm đợi tháng chờ
Chênh chao nỗi nhớ bến bờ xa xăm
Trái tim con sóng lặng thầm
Cứ âm ỷ suốt tháng năm vỗ về
Chiều nay trở lại bến quê
Hoàng hôn sẫm với bộn bề lời ru
Nỗi buồn vít ngọn tre đu
Giật mình nhặt sợi tóc thu trên đầu.
3. Nguyễn Văn Thích (Hưng Yên)
TẢN MẠN LÀNG
Người nông dân ngồi trên chiếc ghế đệm
kê ở giữa nhà
bật ti vi
xem thời trang và cuộc thi hoa hậu
quên thuở đi cày
Những cán bộ nghỉ hưu
đàm luận chuyện Trung Đông và giá lương hàng tháng
thời sung sức mãn nguyện trong lòng bàn tay
Từng đợt gió nhấc bổng cánh đồng xanh
nhấc bổng chiếc ao làng
xóa dấu tích thời gian
thành những ngôi nhà thời đại
ngạo nghễ với mai sau
Thiếu phụ lên chùa
leo tầng cao ngôi nhà chào sư
rồi xuống quỳ dưới chân các pho tượng phật
cầu xin
điều tốt lành ban phát
Cây Bồ Đề thả lá vàng héo hắt
Rặng nhãn ven đình
chắt chiu sự âm thầm của đất
nâng niu chùm quả ngọt
đẩy đưa chốn chợ đời
Em thả nửa khối hình tạo hóa ban cho
thả nửa tiếng cười
hoàng hôn tan từng vệt sẫm
Tôi đứng giữa làng nhớ về thời xa lắm
Chuyện làng mẹ nghe
Mẹ kể tôi nghe.
4. Lê Đình Tâm (Hưng Yên)
BÀ NGOẠI
Chiều xuống lá khô rơi, người đi
Bà ngoại dáng cong như con đò trông đợi
Mây bay về miền quê gió nổi
Tóc bà trắng như mầu mây
Bên sông mái tranh xiêu gầy
Đêm đông gió mưa lạnh buốt
Mẹ sang sông bà nuôi đàn em dại dột
Cây mía buồn thiu đội nắng bên rào
Bóng hoàng hôn che một thủa xôn xao
Tôi xa quê một ngày mưa dông
Ngoại lưng còng nhìn tôi rớm lệ
Cháu đi khuất mái tranh xiêu nhỏ bé
Mắt không rời dõi ngoại, ngoại ơi
Quê ngoại thương yêu ân nghĩa đầy vơi
Tháng năm qua ngoại thêm già yếu
Các em tôi đói no túng thiếu
Lớn lên rồi có nhớ bà không
Nào khi bên bếp lửa hồng
Bà ngồi ru cháu nghẹn vòng tay seo
Khói lam quyện nếp rơm nghèo
Lòng bà đâu quản sớm chiều gian truân.
5. Nguyễn Minh Khiêm (Thanh Hóa)
NỖI NIỀM QUAN HỌ
Thì em cứ bỏ nón ba tầm
Đổ cây đa này anh chịu
Thì em cứ cởi áo tứ thân
Xiêu mái đình này anh chịu
Tội tình chi con thuyền giấy
Bao lần lật xuống bến mơ
Tội tình chi hồ bán nguyệt
Vầng trăng lở hoắm đôi bờ
Xưa mình cứ thương con nhện
Vô duyên giăng mắc giữa trời
Xưa mình cứ thương dải yếm
Một gang bắc chẳng tới nơi
Thôi đừng làm Trương Chi mãi
Dòng sông chẳng cạn niềm đau
Cứ tưởng khôn ngoan mới khó
Được dại hết mình, dễ đâu.
___________________
(Tài liệu do nhà văn Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh;
ĐT: 02413.782.355 – 0168.5300.803 cung cấp).