Tập “Thơ Dâng” của Rabindranath Tagore – Một thế kỷ đồng hành cùng nhân loại – Lưu Thanh Minh

Tagore (1861-1941) là nhà thơ vĩ đại của những tâm hồn Ấn Độ và thế giới, người đầu tiên của Châu Á vinh dự được nhận giải thưởng Nôbel văn học 1913. vào những năm 60-80 của thế kỷ trước, thơ Tagore đã tạo được những ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn Việt

Tagore (1861-1941) là nhà thơ vĩ đại của những tâm hồn Ấn Độ và thế giới, người đầu tiên của Châu Á vinh dự được nhận giải thưởng Nôbel văn học 1913. Vào những năm 60-80 của thế kỷ trước, thơ Tagore đã tạo được những ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn Việt; tuy nhiên, người Việt trong giai đoạn hiện tại ít biết về nhà thơ vĩ đại này. Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Lưu Thanh Minh với tựa đề: Tập “Thơ Dâng” của Rabindranath Tagore – Một thế kỷ đồng hành cùng nhân loại.

Thi hào Rabindranath Tagore (trái) và nhà cách mạng Mahatma Gandhi.

Cách đây tròn 100 năm, tập “Thơ Dâng” (bản Anh ngữ) của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn học. Đây là niềm vinh dự lớn lao không chỉ của riêng cá nhân Tagore, của riêng đất nước Ấn Độ mà còn là niềm vinh dự của cả nền văn học Á châu bởi đó là lần đầu tiên, châu lục này có một tác giả được nhận giải thưởng danh giá như vậy…

Tuy nhiên, một điều hết sức lạ lùng mà không phải bạn đọc nào cũng biết: Từ một sự cố ngỡ là rủi ro, tập “Thơ Dâng” đã có một số phận may mắn trên cả mong đợi. Và cả thế giới đã biết đến tập thơ chính nhờ sự cố ngỡ là rủi ro ấy…

“Thơ Dâng” là một tập gồm 103 bài thơ nhỏ không đề, được tác giả chọn ra từ những bài thơ ông viết năm 1900 bằng tiếng Bengal (tiếng mẹ đẻ của ông) rồi dịch sang tiếng Anh. Tác phẩm có ghi lời tác giả đề tặng thân phụ mình – bấy giờ đã 83 tuổi, vốn dĩ vừa là một điền chủ lại vừa là một nhà triết học, một nhà hoạt động xã hội. Từ lâu rồi, Maharshi (tên người cha) đã hiểu rõ thiên hướng và tài năng của đứa con trai út mà ông đặt cho cái tên gắn với mặt trời (tên của Rabindranath Tagore có nghĩa là “thiên thần ánh sáng mặt trời”). Bởi vậy, có thể hiểu “Thơ Dâng” là món quà mà người con hiếu đễ muốn thành kính dâng lên cha mình, mà cũng có thể hiểu đó là món quà ông muốn dâng tặng cho đời.

Xung quanh việc Tagore xuất bản tập “Thơ Dâng” và được giải Nobel cũng  lắm… chuyện kỳ. Chẳng là, trong thời gian nằm điều dưỡng tại một bệnh viện ở quê nhà, Tagore buồn tình đem tập thơ vốn dĩ được viết bằng tiếng Bengal của mình dịch sang tiếng Anh. Dịch xong cũng là lúc ông ra viện và lên đường sang Anh. Thoạt đầu ông cũng chưa có ý định phải xuất bản ngay tập thơ ở Anh, nhưng một sự cố xảy ra đã khiến mọi sự vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông: Trên đường tàu điện ngầm ở London, Tagore đã sơ ý đánh rơi hộp đựng bản thảo. Tình thế buộc ông phải loan báo nhờ bạn bè tìm hộ. Mấy ngày sau, cơ quan quản lý tài sản bị mất ở London mời ông đến nhận lại hộp bản thảo. Đấy chính là cơ duyên để bạn bè Tagore, trong đó có một số nhà thơ nổi tiếng ở Anh biết tới nội dung tập thơ mới của ông. Họ đề nghị Tagore sớm cho xuất bản tập thơ (bằng tiếng Anh) để đông đảo công chúng trên thế giới được thưởng thức.

Rồi tập “Thơ Dâng” được xuất bản ở London, gồm 103 bài bằng tiếng Anh.

Ngay lập tức, “Thơ Dâng” đã chinh phục giới làm thơ phương Tây. William Yeats, thi hào Ireland đã kể lại trong lời giới thiệu tập “Thơ Dâng” xuất bản tại Anh năm 1912: “Tôi đã mang bản dịch tập thơ này bên mình trong nhiều ngày. Tôi đọc nó trên tàu, trên đỉnh núi, trong các tiệm ăn và tôi thường phải dùng nó để che giấu những người lạ khỏi nhìn tôi kẻo họ sẽ thấy tôi đang xúc động đến mức nào. Những bài thơ trữ tình đó đã chỉ ra một thế giới mà tôi từng mơ thấy từ rất lâu…”. Nhà thơ Mỹ nổi tiếng Ezra Pound thì cho rằng: “Chúng tôi đã bất ngờ tìm thấy Hy Lạp mới của mình. Khi rời Tagore, tôi cảm thấy dường như mình là một tên man rợ mặc da thú và cầm chùy đá vậy”.

khi tập “Thơ Dâng” được ấn hành với số lượng lớn và gây nên một dư chấn trong đời sống thi ca châu Âu, nhà văn Stuje Moore, một thành viên Hội Văn học Hoàng gia Anh đã giới thiệu tập thơ với Viện Hàn lâm Thụy Điển, đề nghị trao tặng tác giả giải thưởng Nobel văn học. Thư ký của Ủy ban Nobel tường trình rằng: “Không có nhà thơ ở châu Âu nào kể từ cái chết của Goethe vào năm 1832 có thể sánh được với Tagore về nhân cách cao cả, về sự vĩ đại tự nhiên, về sự thanh thoát hài hòa”.

Khi biết tin mình được trao giải thưởng danh giá, Tagore đang ở Mỹ. Không đến Thụy Điển nhận giải, ông chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn: “Tôi xin chuyển tới Viện Hàn lâm Thụy Điển sự cảm kích, biết ơn của tôi về tầm nhìn rộng đã đem xa lại gần, và biến người lạ thành anh em”. Bức điện đã được ông Clive, đại biện lâm thời Anh đọc tại tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12/1913, thay cho diễn từ của tác giả. Toàn bộ số tiền nhận giải đã được Tagore tặng lại cho các học sinh của ngôi trường do ông dựng lên ở Santiketan (cách Calcutta 100 dặm).

Thật khó mà nói được hết niềm vui sướng của các học sinh ở ngôi trường này. Các em tự hào vì “bậc thánh sư” của mình đã nổi danh trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, ở đây, thiết nghĩ cũng cần nhắc tới một sự trái khoáy: Trong khi tên tuổi tác giả “Thơ Dâng” lừng danh là thế, vậy mà đây đó vẫn có hiện tượng các học giả Ấn Độ đem các trang văn của Tagore ra chỉ trích. Thậm chí, năm 1914, trong kỳ thi tuyển của Trường Đại học Calcutta, người ta còn lấy một trang văn của Tagore làm ví dụ rồi ra đề cho thí sinh: “Hãy viết lại cho đúng và trong sáng tiếng Belgal”. Điều ấy có nghĩa là họ chê thứ văn tác giả “Thơ Dâng” viết ra là một thứ ngô ngọng cần “nắn chỉnh”.

Với tập “Thơ Dâng”, Tagore được xem là người đã sáng tạo nên một “kỳ công thứ hai” trong lịch sử văn học Ấn Độ (sau tác phẩm “Sakuntala” của nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỷ XV Kalidasa). Với cuộc đời riêng của Tagore, bên cạnh những áp lực không thể tránh, “Thơ Dâng” cũng đã đem đến cho ông nguồn cảm xúc vô biên, mà một trong những minh chứng rõ rệt nhất chính là cuộc tình đầy lãng mạn giữa nhà thơ với một nữ văn sĩ người Argentina kém ông tới gần ba chục tuổi.

Mối tình của họ bắt đầu chớm nở từ tập “Thơ Dâng”. Victoria Ocampo – tên nữ văn sĩ – chỉ vì quá mê đắm “Thơ Dâng” của Tagore mà đem lòng yêu tác giả – bấy giờ đã 63 tuổi. Họ đã viết cho nhau nhiều bức thư. Một phần không nhỏ được thực hiện tại Argentina, nơi họ có những tháng ngày chung sống với nhau tại biệt thự Miralro ở Thủ đô Buenos Aires. Đây là trích đoạn lá thư Ocampo viết cho Tagore trong đêm 20, rạng sáng 21/11/1924: “Ông có thể quên đi bầu trời Ấn Độ không, cả đến lúc ông không có cơ hội nhìn thấy nó thêm lần nào nữa?… Hãy để em uống cạn nỗi đau hộ ông. Em không còn gì để dâng hiến cả. Chỉ còn biết mong mỏi được làm chỗ nương tựa cho ông bằng cách chia sẻ nỗi đau với ông…”. Về phía Tagore, trong bức thư đầu tiên gửi tới Ocampo (viết ngày 14/11/1924), nhà thơ cao niên đã hé lộ đôi chút tình cảm của mình: “Thật khó để em tưởng tượng được sự cô đơn khủng khiếp tôi đang phải gánh chịu”. Tagore cũng cho biết, ông rất hạnh phúc vì thấy Ocampo “quý mến” ông vì “con người đích thực” của ông chứ không phải vì thứ “vinh quang phù phiếm” mà người ta quàng cho ông.

Sau này, trong một tập thơ của Tagore có tên gọi “Puravi”, người ta bắt gặp dòng chữ đề tặng một người tên là Vijaya. Theo các nhà nghiên cứu thì Vijaya là một cái tên Ấn Độ mà nhà thơ dùng để gọi “nàng thơ” Victoria Ocampo của mình.

Trong các nhà thơ đoạt giải Nobel văn học, Tagore là một trong những tác giả có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất. Không những vậy, thơ ông được dịch sang tiếng Việt từ rất sớm. Ngày 16/6/1924, trên tờ báo “La Cloche Fêlée” (Tiếng chuông rè) do nhà cách mạng Nguyễn An Ninh chủ trương đã đăng bài “Lòng ái quốc ở Tagore” của chính ông chủ báo (ký bút danh là Nguyễn Tinh). Cũng từ đây, sáng tác của Tagore bắt đầu được quảng bá và gây chú ý đối với một bộ phận độc giả Việt Nam. Đặc biệt, năm 1929, nhân sự kiện Tagore từ Trung Quốc trở về ghé thăm Sài Gòn trong ba ngày (từ 21/6) và nghỉ tại khách sạn Continental ở Sài Gòn, bên cạnh việc báo chí đồng loạt đưa tin về các hoạt động của Tagore, nhà thơ Đông Hồ đã nhân dịp này dịch bài số 35 và bài số 36 trong tập “Thơ Dâng” của Tagore ra thơ song thất lục bát. Cách dịch ấy hoàn toàn mang tính phóng tác, phỏng dịch, kiểu như “Cầu nguyện đấng toàn năng toàn trí/ Đánh tan lòng vị kỷ đê hèn/ Cầu cho lòng được tự nhiên/ Khi vui vui thoảng, khi buồn buồn qua/ Cầu cho được tài hoa lỗi lạc/ Để đem thân gánh vác việc đời/ Lòng ta nguyện với lòng trời/ Gần đời cao thượng xa đời nhỏ nhen“. Nội dung có thể khác nhiều so với những bản dịch hiện nay, song dẫu sao nó cũng ít nhiều thể hiện sự liên tài, lòng tôn kính giữa một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam với một nhà thơ lớn mang chiều kích nhân loại, đồng thời qua đó, ta cũng thấy được sức lan tỏa của “Thơ Dâng” đối với nền thơ toàn cầu.


Lưu Thanh Minh

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder