Bấy nay, có hiện tượng thơ in ra bỏ xó không được ai giới thiệu quá nhiều. Dư luận vỉa hè nói rằng sách muốn được giới thiệu trên báo thì phải có “nhuận bút” cho biên tập viên, tùy theo mức độ tung hô của người viết…
Bấy nay, có hiện tượng thơ in ra bỏ xó không được ai giới thiệu quá nhiều. Dư luận vỉa hè nói rằng sách muốn được giới thiệu trên báo thì phải có “nhuận bút” cho biên tập viên, tùy theo mức độ tung hô của người viết.
Nước ta đang “lạm phát” thơ. Nhận xét của ai đó có phần đúng. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cả nước sôi sục vì thơ. Ra ngõ gặp nhà thơ. “Họa cho tam đại nhà mình/ Cả làng hùng hổ ra đình bình thơ” (Văn Thùy). Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta có cái nhìn cực đoan về thơ, coi thơ rẻ rúng, mất hẳn niềm tin vào cả một nền thơ ca, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống . Cần phải trả lại thơ cái giá trị đúng như tên gọi của nó. Dẫu mỗi người có sức cảm thụ thơ ca mỗi khác, song chả ai chê ca dao hay thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Bính… là dở cả. Việc cho in ấn, xuất bản thơ tràn lan không có quy chế trật tự để thơ dở, thơ xoàng, cái giống như thơ, cái không phải là thơ…chật ních các kệ sách thư viện, suy cho cùng là do lỗi của nhà quản lí về lĩnh vực văn học, chứ không phải lỗi của nhà xuất bản hay nhà in. Người viết bài này quan niệm đã là thơ thì không thể phân biệt đẳng cấp. Không thể có cái gọi là thơ trung ương, thơ địa phương, thơ cấp hội nhà văn hay cấp câu lạc bộ, thơ già hay thơ trẻ.v.v. Thơ chỉ đơn giản là…thơ! Đã là thơ thứ thiệt, đều trẻ hết! Ví nền thơ ta như một khu rừng hoang có rất nhiều loài hoa muôn hồng ngàn tía đua sắc tỏa hương.Người ta có thể vào đấy tìm ra cho mình loài hoa tùy thích. Vậy đừng ai cho rằng thơ phải thế này, phải thế kia mới là hay. Loài hoa nào được nhiều người ưa thích sẽ thành nổi tiếng. Tuy nhiên không phải bất cứ cái gì nổi tiếng, được số đông ưa thích cũng là hay. Nhiều khi cái hay lại lẩn quất ở trong cái hết sức bình thường. Vai trò của các nhà lí luận phê bình trong việc phát hiện quan trọng biết nhường nào. Đã là sản phẩm tinh thần thì không thể có một khuôn mẫu nào. Nói như nhà bác học Lê Quý Đôn thì cái hay của thơ là đưa con người ta tới chỗ thần diệu. Nếu đọc thơ mà anh không cảm thấy sự thần diệu nhập vào hồn mình thì chớ vội khen đấy là thơ hay.
Lại nói về công tác xuất bản nói chung và xuất bản thơ nói riêng. Nhà xuất bản buộc lòng phải bán giấy phép để duy trì sự tồn tại không những của mình mà còn của cả các nhà in nữa. Không thể trách họ được. Vậy nên chăng cần thành lập ngay một ( và chỉ một mà thôi) nhà xuất bản chuyên trách độc quyền cấp giấy phép in thơ, không cấp một loại giấy phép gì khác. Thành lập một hội đồng thẩm thơ bao gồm nhiều nhà lí luận phê bình văn học, nhà thơ, nhà khoa học… có chuyên môn giỏi tầm cỡ quốc gia và rất có uy tín để xét duyệt thật kĩ lưỡng trước khi cấp phép. Kiên quyết không cấp phép xuất bản loại thơ chưa đủ chất lượng. Hội đồng này phải chịu sự theo dõi phê phán chỉ trích của báo chí, nếu để lọt những tác phẩm kém chất lượng, thậm chí khiếm khuyết rơi vào cá nhân nào, người ấy phải chịu trách nhiệm chịu kỉ luật. Có thể phân ra tác phẩm loại 1, 2, 3 để xuất bản theo kế hoach 1 hay kế hoach 2 của NXB. Tác giả nào chấp nhận sự phân loại của hội đồng này thì cấp phép, không thì thôi! Nếu làm được như vậy, thiết nghĩ có thể đưa việc xuất bản thơ vào nền nếp hơn.
Bấy nay, có hiện tượng thơ in ra bỏ xó không được ai giới thiệu quá nhiều. Dư luận vỉa hè nói rằng sách muốn được giới thiệu trên báo thì phải có “nhuận bút” cho biên tập viên, tùy theo mức độ tung hô của người viết. Chưa rõ thực hư, rất đáng buồn. Người đọc quay lưng với thơ có cái lý của họ. Tác phẩm bỏ xó lâu ngày chả ai thèm ngó ngàng gì, đến khi được giải thưởng nọ giải thương kia hay được đem ra phân tích hội thảo đánh giá đề cao thì lập tức ý kiến trái chiều phản bác, chê bai ầm ầm, sôi lên sùng sục như thác đổ triều dâng. Chả còn thấy trái phải công bằng ở đâu cả. Dường như loáng thoáng thấy sự áp đặt quyền lực cá nhân hay một nhóm có thế lực cho việc thẩm định tác phẩm văn chương.
Tóm lại, cần ứng xử đúng mực, trả lại sự công bằng cho thơ, trước hết phải từ các nhà quản lí, các nhà chuyên môn có đủ uy tín, bản lĩnh và thông tuệ trên cơ sở vững chắc là không vụ lợi!
V.Q.T
(nguồn: Bài viết của tác giả chia sẻ)