Trầm hương : Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan

Đã mấy chục mùa mưa nắng trôi qua, từ cái ngày mình còn là một thằng trai vừa vỡ tiếng ồm ồm, hứng khởi khi nhận giấy báo đỗ cử tuyển vào đại học, xúng xính trong bộ quần áo xuống núi đến bây giờ. Cái chân sau những tháng ngày bươn bả, luồn lách, rồi mọc rễ ở thành phố, cái đầu lúc nào cũng nêm chặt, căng cứng tiền bạc, địa vị…đến giờ, mình trở về trên núi với toan tính phải tìm ra hương vị thanh tao, tíu tít quen thuộc ấy trong ngôi nhà sàn đã mấy đời ông bà để lại, bao năm qua vẫn là một câu hỏi mình nén lại trong ký ức.

Mình bần thần, quanh quẩn ở dưới gốc ba cây phách cổ thụ chụm lại để tìm lối đi. Nơi này ngày trước gọi là dốc Pái, nằm trên con đường mòn bé tẻo teo, vừa đủ người với ngựa đi về bản. Hai bên đường lũ cỏ mày muội cao lút đầu người, mọc ken dày dưới gốc những cây lim cổ thụ. Người bản mình dù đi xa hay đi gần, nhìn thấy ba cây phách là biết rõ đường về còn ngắn hay dài. Tụi trẻ con đi chăn dê nhìn nắng dọi vào cây là biết thời gian sớm hay muộn để còn biết lối lùa đàn dê xuống núi… Khi cái chân mình đủ lớn để tự chạy đến dưới gốc ba cây phách này chơi, thì pá bảo, ba cây phách này là do ba cụ tổ dòng họ La, họ Hoàng, họ Ma trồng từ hồi khai đất, lập bản.

Bây giờ con đường đã mở rộng, trải nhựa phẳng mịn, nắng trải dài loang loáng. Rừng lim không còn nữa, thay vào đó là cánh rừng rậm rạp có nhiều loại cây gỗ tạp. Thế nhưng, lẻ tẻ có một vài cây lim già cao vống lên giữa tán lá dày đặc, đủ để mình nhớ ra khu rừng lim ngày xưa.

Riêng ba cây phách mọc thế chân kiềng này, bao năm qua vẫn ngạo nghễ ở đây. Dưới tán dày, rợp bóng của cây phách, mỗi lần đi học về, khi cái bụng cồn cào, sôi réo lên vì đói, mệt, cái chân rã rời ra vì đi chục cây số xuống xã học chữ, trong nhập nhòa bóng chiều chạng vạng, mình thường ngồi dựa lưng vào cái gốc to bè, nhìn xuống nơi có vùng sáng khổng lồ hắt lên trời mà mơ ước, sau này mình sẽ xuống dưới phố huyện, đi đến nhiều nơi xa, làm những điều mình thích.

Ừ, may quá đi! Nếu ba cây phách không còn đứng ở đây, thì cái mắt mình khó nhận ra hướng đi về nhà rồi. Có ai như mình không? Hơn chục năm mình không về bản, từ sau cái lần cha mình mất. Giờ thì bà con họ hàng ai còn, ai mất mình không biết. Mà có va mặt nhau thì mình cũng không nhận ra. Chẳng hiểu có còn nếp nhà để đêm nay mình ngả lưng không? Xung quanh nhà mình trống vắng, hay là có nhiều người ở rồi? Những câu hỏi thoắt ẩn, thoắt hiện cứ chao đi, vờn lại trong bộ nhớ, làm mình muốn thở dốc ra.

Gió trên cao này mát rượi nhưng không xua được cái nóng rần rật đang túa từ trong bụng, ra đến ngoài da của mình. Nóng như thể mình uống mấy chai rượu mạnh một lúc ấy. Trong con người mình những năm qua chất chứa nhiều ngả rẽ quá. Mỗi khi mình đi trên những lối đi rẽ ngang, rẽ tắt ấy là mang bộ mặt của thiên sứ luôn nở nụ cười làm đẹp lòng người khác, còn trong tâm can thì mỗi chuyến đi có chung suy nghĩ là phải lấy cái lợi, cái tốt về mình, đẩy cái khó, cái xấu về phía người khác.

Sau những tháng ngày lăn đi chậm chạp, mình ngồi trên của cải vật chất sung túc, đủ đầy, đi một bước mình tự lái xe. Đi hai bước xe đưa, xe đón. Rồi thì người nọ, người kia cung phụng, mời chào, đón rước… đã làm mình tự huyễn hoặc mình, tự mình coi chuyện ăn trên, ngồi chốc thiên hạ là đương nhiên.

Ừ, bây giờ sau những ngày tháng vung tiền không biết run tay, tiêu tiền như thể người ta dội nước, mình nhận ra, đồng tiền có một mệnh giá mà có hai mặt thôi. Mình có một mặt nhưng trong con người mình có mấy thằng người. Lúc thằng người tốt choáng ngập thì ý nghĩ mình tốt, còn lúc thằng người xấu nó ngấm ngầm bươn bả trong người, thì mình có nhiều ý nghĩ tối, nó xui khiến mình làm chuyện   xấu. Là con người thì ai có thước mà đo được? Khắc tự mình nghĩ thế nào làm thế ấy thôi.

Lần này mình về trên núi là một công đôi việc. Bảo xấu cũng đúng, bảo là tốt cũng không sai. Mình muốn tìm hương thơm trầm tích trong căn nhà ấu thơ, mang theo chân hương cúng tổ tiên về dưới thành phố thờ cho tiện. Mà bây giờ nhà sàn làm bằng gỗ lim là đắt giá lắm, tang cha đã thôi từ lâu rồi, có lẽ mình cũng nên dỡ nhà mang xuống, để trong khuôn viên nhà mình cho nó có không gian núi rừng và thêm phần thời thượng…

***

Mình duỗi dài, ngả lưng thoải mái trên ghế đệm nước hoa hồng tươi. Thảnh thơi ngắm những vật dụng đắt tiền đứng, ngồi nín lặng giữa phòng khách. Ngày nào cũng thế, ăn cơm xong là mình có thói quen nhìn đồ vật trong nhà. Điểm đầu cái mắt bao giờ cũng là dãy lọ lộc bình cổ, có niên đại hàng mấy ngàn năm, từ thời trung hoa cổ đại đến bây giờ. Cái lớn, cái nhỏ vài chục chiếc đứng khoe mẽ. Sau khi đưa mắt khắp lượt, nhìn những viên đá quý “rất khủng”, điểm cuối là mình dừng lại trên bức tranh đá “Mùa xuân” dài hơn hai mét, lồng chân dung hai vợ chồng mình thời son trẻ bằng những viên đá kim cương lấp lánh, bao quanh ngàn hoa nở thắm, chim én bay rợp trời…

Khách khứa đến chơi nhà mình xuýt xoa:

– Sang trọng quá, quí phái quá!

–  Anh đúng là một đại gia thời thượng nghệ thuật.

– Anh làm lãnh đạo có khác, tinh tế quá!

Những lời khen, chẳng hiểu là thật hay giả, có bao nhiêu phần trăm giả thật lẫn lộn ấy, chảy vào tai làm cho mình nở mày, nở mặt. Mình nghe quen tai rồi, thế nên có ai đó quên không khen thì mình thấy khó chịu. Mà thật ra, ai bước chân vào phòng này cũng trầm trồ, tâng bốc. Có không ít người đứng rất lâu trước những dãy đồ cổ, cùng đá quí hiến kế: – Em xin góp thêm “chút ít” để thư thoảng cùng anh ngắm bộ sưu tập.

Mình hiển nhiên nhận kỷ vật như lẽ thường tình của kẻ được hưởng lộc “giời”. Thế nên đồ vật quí hiếm trong nhà mình ngày càng đông đàn, dài lũ ra. Có nhiều thứ mình nhìn chán mắt rồi, thấy nó không hợp khẩu vị nữa, nó quê mùa, thô kệch thì ban ơn cho ai đó là “chân rết”, coi đấy như một ân huệ.

Ngôi nhà bốn tầng ngạo nghễ ở trung tâm thành phố ồn ào, sôi động, mình đã sang tên cho vợ chồng thằng Hải. Giờ thì mình rút về ở trong biệt thự này. Đấy, có đứa con trai, con dâu nào sướng như tụi nó? Mang tiếng là bằng cao học, đi du học nước ngoài về, thế nhưng có ai biết trước đây nó trượt đại học trong nước. Mình thu xếp đâu vào đấy. Thằng Hải học kinh tế làm ngành Tài chính là hợp rồi. Vợ nó học liên thông từ cao đẳng lên đại học. Học hành lớt phớt, mải yêu đương, chưa tốt nghiệp ra trường bụng đã to kễnh, phải cưới “chạy”.

Vợ mình cắn ca, cắn cẩu ca thán, không cưới xin gì hết. Kệ xác chúng nó. Đàn bà, con gái dại thì khổ. Thằng đàn ông, con trai nó giống như chiếc gậy ấy, thích chọc chỗ nào thì chọc, càng dễ dãi thì càng lún khỏe. Nhất định là không cưới.

Mình thì khác, nhìn cô con dâu trắng trẻo, chân dài như thế thì con mình không mê mới lạ? Mình lấy cái uy của người chủ gia đình ra mà quyết định cưới. Thế nhưng vẫn phải ngọt nhạt nói với vợ, thôi thì, con cháu nhà mình cả. Chúng nó yêu nhau, ăn đời ở kiếp với nhau, có con, cháu sớm là tốt. Đấy là cái quả phúc nhà mình. Khối cặp đôi lấy nhau mấy năm mà bụng vẫn lép kẹp, như thế mới đáng lo…

Giờ thì hai đứa chúng nó công ăn, việc làm, mình đặt ghế cho ngồi yên vị rồi. Thằng cháu hết hè, vào học lớp một. Nhanh quá.

Tối hè. Ngoài trời nóng bức như hun lửa, thế nhưng trong nhà mình mát rượi như ướp đá. Điều hòa nhiệt độ các phòng chạy êm ru. Giếng trời nối giữa phòng khách xuống nhà ăn, hôm nay mình đóng cửa kính lại. Nóng thế này lấy đâu ra gió trời? Cách tốt nhất là dùng hệ thống làm mát công nghiệp.

Mải mê suy nghĩ, mình không để ý đến tiếng chuông gọi cửa, cũng chẳng hiểu vợ mình hay người giúp việc ra mở cổng. Cậu Hưng, trợ lý trẻ của cơ quan, bước nhanh đến, bắt tay sun xoe: – Anh! Em mới đi công tác về, xa anh hơn tuần mà nhớ anh quá!

Mình gật đầu kẻ cả: – Thế nào, chuyến công du nước ngoài thú vị chứ?

– Ơn nhờ anh, em mở tầm mắt thoáng ra nhiều.

– Ờ…ờ! Tuổi trẻ tài cao, trí lớn. Tương lai là của các cậu, phải biết nắm bắt tận dụng cơ hội. Nhớ là không bao giờ được quên tiền bối.

– Vâng, vâng, lời dạy của anh là vàng, là ngọc ạ.

Chuyện trên trời, dưới bể, hết ta rồi đến tây cho tới lúc đồng hồ quả lắc binh bong điểm chín tiếng thì cậu ta ra về. Trước khi đứng lên, Hưng cố ý nhấn nhá: – Thưa anh, em có đôi chai rượu tây biếu anh tiếp khách. Còn chiếc bình hoa nhỏ làm từ trầm hương để anh trưng bày. Chị nhà mình đã cất đi…

Mình cười rổn rảng, khoát tay: – Cậu chỉ được cái chu đáo, lần sau đừng vẽ chuyện.

Hưng về rồi, vợ mình mặc chiếc váy hồng nhạt bước ra. Tuy gần năm mươi rồi, nhưng do nàng chịu khó đi spa, mỗi lần tốn bạc triệu, thế nên phom người vẫn eo ót, khuôn mặt trắng hồng như thoa phấn. Nàng cười thỏ thẻ:

– Anh ơi, thơm lắm…của chú Hưng kỷ niệm.

Mình ngẩn người nhìn cái bình với những bông hoa đồng nội xinh xắn, bé nhỏ. Hoa và bình mang một màu đen mà sao thơm đến lạ kỳ. Hương vị này quen lắm, nó lôi mình trở về ngôi nhà sàn năm gian có những cột gỗ lim đen bóng ở trên núi, mình đã lớn lên trong hương thơm diệu kỳ này. Ừ nhỉ, lẽ ra mình đã phải nghĩ đến lâu rồi mới phải. Vào cái lúc pa lâm chung ngậm sâm chờ vợ chồng mình về, khi mình đến bên quì xuống, mắt pa chằm bặp nhìn về phía ban thờ, môi pa mấp máy như muốn nói điều gì đó… nhưng chỉ một thoáng thôi, đôi mắt pa trở nên vô hồn, người pa lạnh ngắt…

***

Khi đứng trước cổng xếp bằng đá tràn trạt rêu xanh, xung quanh là bờ rào ken dày vì những búi trúc vàng ruộm, mình chợt thở dốc. Ngôi nhà sàn năm gian thân thuộc lọt thỏm giữa rừng mắc cọp, mắc mịt dày đặc, chen chúc, có cây to chừng mấy người ôm. Lũ cỏ dại, mua, sim đua nhau xụp xòa che kín mặt đất. Mà dường như đây là nơi lũ chim trú ẩn. Chúng bay lượn trước mặt mình, đua nhau hót vang bản nhạc khi thì nhẹ nhàng êm ái, lúc thì chanh chao lảnh lót…

Cây cối rậm rà, rậm rịt thế kia, nhưng sao lối đi trải đầy đá đỏ từ cổng đến cầu thang nhà sàn lại quang đãng? Những viên đá đỏ hồng rực lên dưới nắng không biết ai mang về rải đầy lối đi? Đá đỏ này ở dãy núi Pỵa phía sau lưng nhà mình. Viên nào, viên ấy sàn sàn bằng nhau như quả trứng gà, trứng chim. Những viên đá trên lối vào nhà đẹp thế này, làm cho đầu mình chợt thoáng ra, sáng lên. Mình nhớ pa bảo, từ thời xa xưa, các nếp nhà trong bản từ cổng vào phải có lối đi bằng phẳng, thẳng và phong quang. Thế nên, nhìn vào lối đi là biết nội tình, tính cách của gia chủ thôi.

Mình nhìn quanh, nhìn quẩn mãi vẫn thấy vắng lặng. Từ nhà mình đến các nếp nhà trong bản còn phải đi bộ mỏi chân, vào sâu mãi trong thung lũng. Mà giờ có con đường to phía trên ba cây phách chạy thẳng vào bản rồi, chắc là không có người đi qua nhà mình nữa nên rừng mới rậm, cây mới to như thế. Vậy thì ai đã làm cho lối đi nhà mình sạch đẹp thế? Nhiều câu hỏi cứ thế cuộn lên.

Không gian quanh nhà tràn hương thơm. Cái mùi hương ấy ngấm vào người mình, đeo bám, phảng phất từ lúc tóc mình xanh rì, đến bây giờ đã đổi màu. Hương vị thanh diệu ấy lan tỏa, ướp đẫm khoảng không. Giá như bây giờ pa mình còn sống thì tốt biết mấy? Mình sẽ hỏi pa mùi hương tinh khiết kia ở đâu trôi ra?

Mình đúng là đứa con vô tâm đương nhiên tận hưởng sự chăm sóc chu đáo của pa, rồi thản nhiên cau có, dằn vặt pa mỗi khi không ưng ý. Cái mắt mình mở mà không nhìn thấy nỗi đau của pa trong căn nhà vắng bóng người đàn bà. Một mình pa làm ra hạt thóc chắc, cái bắp to để nuôi mình trưởng thành. Pa đánh đổi cả đời người để cái chân mình vững chắc, cái đầu mình khôn. Thế mà, có một điều nhỏ nhoi thôi, đâu có to tát gì mà đến bây giờ đầu hai thứ tóc rồi, mình vẫn không hiểu vì sao nhà mình ăm ắp hương. Hồi pa đã yếu rồi, cái mắt không còn tinh anh, cái chân đã chậm, có lần mình về chốc lát rồi quày quả đi ngay, pa nói gần, nói xa, khi xưa cái ăn ít thì nhà có người, bây giờ thứ ăn nhiều mà không ai muốn về nơi nuôi mình lớn lên…

Chân mình vừa đặt lên cầu thang gỗ thì bụi túa ra, bàn chân lún vùi như đi trong cát đỏ. Thế mới biết, lâu lắm rồi không có ai đi lại. Mặc cho bụi bay tứ tung, mình phăm phăm bước lên trên nhà. Cánh cửa bằng gỗ nghiến cài then rất chặt. Cành lá sleng gài bên trái cửa trong ngày cúng thôi tang pa tuy đã khô cong, nhưng chưa có chiếc lá nào rụng. Mắt mình chợt cay xè. Ướt dượt.

Mình đẩy cửa bước vào trong nhà. Dường như có tiếng thở ở đâu đó. Rất gần, rất rõ. Chân mình chưa đến tới sập gỗ, mắt chưa kịp nhìn hết xung quanh thì “…xoạch…xoạch…vèo…vù… ù…vù…” có luồng gió mạnh, kéo theo vật gì đó đỏ rực như mặt trời lao vút qua người mình. Bỗng nhiên mắt mình nổ hoa cà, hoa cải, người run bần bật, hai chân chấp chới tựa như đi trong khoảng không, rồi đổ sập xuống giữa nhà.

Lạ quá đi! Bao nhiêu năm bươn bả đi từ vùng này, sang vùng khác, trôi từ cơ quan nọ đến sở, ngành kia ở chốn thị thành, đã từng dẫm đạp nhiều người khác để leo lên quyền cao, chức trọng, mình chưa từng biết sợ. Thế nhưng giờ đây, khi đằm người vào gian nhà thân thuộc thì mình chợt run rẩy, sợ sệt… Mà, mình tỉnh hay mơ? Tiếng động lạ lùng với luồng gió đỏ kia có thật không? Hay là do mình tưởng tượng ra? Mình tự véo vào cái má nung núc thịt thì thấy đau quá. Biết đau là thực rồi, có phải mơ đâu?

Lê người đến trước ban thờ, trong hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết, mình mở to mắt. Kìa! Ban thờ nhà mình sạch sẽ tinh tươm. Giữa ban thờ, chiếc lư hương cổ của tổ tiên ông bà để lại, óng màu đen bóng. Từng bát hương sáng loáng như có phép nhiệm màu. Tóc gáy mình dựng lên.

Lạ quá thôi! Sàn nhà sáng màu vân gỗ, nhà sạch sẽ in như có bàn tay của ai đó ngày ngày dọn dẹp. Thế nhưng mái nhà lợp ngói âm dương có chỗ đã mục, lộ ra khoảng trời xanh bé xíu. Những tia nắng lọt qua từng lỗ hổng, nhảy nhót, vẽ hoa vàng trên sàn gỗ…

Phải chăng mình mải mê chạy theo chức tước, địa vị,  quay cuồng trong vòng xoáy cuộc sống, đến nỗi quên cái gốc của chính mình. Mà cũng không hẳn là thế, chính gốc rễ người trên núi, có thời điểm là nấc thang vô hình để mình leo cao. Còn hai chữ thương binh của pa là bình phong vững chãi để mình dựa vào.

***

… Chiều đầu tháng Chín. Từng tia nắng nhợt nhạt hanh hao kéo mây về đỉnh núi Pỵa, ném vào đất trời màu tím nhàn nhạt. Mình toãi chân ngồi bệt trên đầu cầu thang, cái mắt ngóng về vạt rừng lim, nơi tụi hoa bjooc sluc đua nhau khoe màu vàng, chờ pá lùa đàn dê về. Mà sao hôm nay thảm hoa bjooc sluc lại mang sắc vàng biêng biếc tím nhỉ?

Cái nhận biết qua ánh nhìn non nớt của thằng nhóc đang nhồi vào đầu những con chữ lớp Bốn, mắt chưa kịp trôi hết thảm hoa thì không biết từ đâu, gió băng băng chạy về, tung những cọng rơm trên sàn, trong sân bay lượn, xoay tít như ngàn, ngàn con cù. Gió bực bội túm chặt cây, giật phăng lá già, lá non bay chấp chới lộn ngược, lộn xuôi ràn rạt về thung xa…

Bầu trời hối hả kéo những đám mây màu tro bếp khổng lồ che kín ngọn núi. Từ giữa đám mây xỉn màu ấy, bung ra những tiếng gào thét ung oang chát chúa của tụi sấm hù dọa, rồi thì từng lưỡi lửa sáng trắng như màu nhựa cây chớp lóa phụt ra, chém tụi mây thành những mảnh vá chằng chịt…Mưa rào rạt, xối xả, đan chéo quất từng vệt doi trắng xuống mặt đất, hung hãn như tiếng khua vó của bầy ngựa trên đường đá.

Từ trong những ngọn doi nước xối xiết ấy, pa mình chân trần vâm vấp, chạy gằn hối thúc bầy dê chúi sừng, cắm mặt lao qua cổng đá, chui tọt vào cái chuồng then ngang bằng gỗ tạp phía sau nhà. Mình run rẩy lao xuống cầu thang, mắt đỏ mọng như quả sang, chầm bập ôm pa. Mặc cho người pa ướt rượt, sũng nước, pa công kênh mình trên vai, giữ mình bằng một cánh tay trái chắc nịch, chậm rãi bước lên sàn nhà.

Cời ngọn lửa trong bếp cháy bùng lên, Pa ôm mình vào lòng, nhìn theo những hạt mưa đan chéo chi chít dày đặc, thở dốc từng hồi. Tai mình úp vào vồng ngực có vết sẹo dài tựa dãy núi nhỏ, tua rua chân rết của pa, chợt nghe như tiếng rít lên bên trong. Bỗng nhiên mình sợ, mắt dưng dẩy giàn giụa nước…

Pa đưa cùi tay phải cụt lủn, lằn ranh rúm ró, vuốt xuôi lưng mình, nói nhẹ bẫng:

– Con trai à, sao run thế, lại khóc nhè à? Nói pa nghe nào…

Bàn tay mình xoa đi, rờ lại dãy núi vá trên ngực pa, thì thầm: – Con…con sợ tiếng kêu trong ngực pa. Cái tay phải pa đánh rơi ở đâu?

Pa ngó mông lung ra ngoài trời trắng nước, gằn giọng:

– Ay dà! Thằng giặc Mỹ nó lấy trộm mất tay pa rồi, cái vết sẹo này cũng do nó gây ra trong ngày pa cùng đồng đội đánh giặc ở Quảng Trị.

– Pa à, cái đài vẫn đưa tin thằng giặc ác đấy thôi, thế…thế sao pa lại về nhà?

Vết sẹo trên ngực pa chồi lên, thụp xuống. Tiếng thở phập phù như cái bễ lò rèn ở cổng chợ huyện. Giọng pa nghèn nghẹn:

– Tay pa không cầm nổi súng nữa, lá phổi cũng mất nửa, mảnh đạn thằng giặc vẫn còn găm trong người…

Rồi thì cứ thế, trong tiếng mưa rào rào, ùng oàng của sấm chớp, lời pa khi nghẹn lại rủ rỉ, lúc căm phẫn dâng tràn… Pa kể về những đêm hành quân bí mật dưới mưa gió, đồng đội người nọ nắm tay người kia vượt qua suối nguồn nước cuốn. Về trận đánh nảy lửa với lũ giặc trên quả đồi nắng bỏng da, xém thịt. Về thế trận giằng co giữa cánh đồng trơ trọi đất đá bởi sự cày xới của bom đạn… ở nơi tuyến lửa miền Nam ấy, mồ hôi, máu, thịt của đồng đội pa trộn vào đất đá, cỏ cây…

Pa nói đến đấy rồi im lặng. Trên khuôn mặt lằn những rãnh cứa như hằn sâu thêm. Mắt pa nhuốm màu lửa từ bếp đỏ rực lên, sáng quắc…Chợt từ trong tấm lưới ken dày mưa gió, sấm sét dội vào vách đá, xé toang bóng tối làm mình giật nảy người.

Cùi tay trái của pa thao thiết, nhẹ nhàng miết trên lưng mình trong hương thơm nồng nàn tràn ngập…

Mưa gió dai dẳng vần vũ. Lửa trong bếp chui chúi, ngả nghiêng. Gian nhà như loãng ra, rộng thênh. Mình chưa đủ lớn để hiểu hết những câu chuyện của pa, thế nhưng, có một điều mà bấy lâu nay mình khao khát biết, mong muốn hỏi. Mình xoay xoay bàn tay bé nhỏ khắp lồng ngực gồ ghề, nhăn nhúm của pa, ngập ngừng:

– Pa à, sao pa không gọi mé về? Mé nhà mình ở chỗ nào thế pa?

Hai cánh tay pa, một lành, một mất chợt thõng ra, lỏng lênh… rồi ghì chặt mình… vết ngực pa dềnh lên, hõm xuống gấp gáp rồi lại như căng cứng. Pa khó nhọc thở hắt ra, khịt mũi thật mạnh, miệng mím lại, thoát ra tiếng kêu ken két như muốn nén lại điều gì đó… rồi pa nâng mặt mình lên, nhìn sâu vào mắt, giọng pa chợt trầm buồn như mây mùa thu:

– Ừ…ờ… hết chiến tranh con sẽ gặp mé mà…

– Pa à, con lo mé bị đau như pa, con…con… con sợ! – Mình đã nói thế và nấc lên.

Pa cắn chặt môi một lúc lâu, rồi bật ra tiếng ho khan, bàn tay lành lặn vẽ một đường cong không chủ định, pa căn dặn: – Con đừng có khóc! Phải ghìm nước mắt, cho nó chảy ngược vào bụng. Nếu vấp ngã phải biết vùng dậy đi tiếp…

Nói thế rồi pa cười vang, tiếng cười của pa như sóng nước cuộn dưới lòng suối hòa vào hương thơm tinh khiết, ru mình vào giấc ngủ, tung tẩy theo nhịp ca réo rắt của côn trùng trong tiếng mưa rơi trầm bổng…

***

Bao năm qua rồi, nhà mình giờ lọt thỏm giữa rừng cây trái cổ thụ. Thế nhưng các vật dụng trong nhà vẫn y nguyên như hồi pa còn sống. Nước từ trên núi vẫn đua nhau lăn theo máng tre ngà chảy lóc tóc vào chiếc vại gỗ. Mình để nguyên bộ quần áo lấm bụi đường, lấy gáo vầu dội nước xối xiết. Mình muốn tỉnh táo ra để suy ngẫm xem mình có còn là thằng mình nữa không?

Nằm lăn ra chiếc phản gỗ, mình chợt thấy cuối chân phản có những chiếc lông chim đỏ rực vương vãi. Cái màu lông chim này quen quá đi. Phải rồi, đây là lông của con Noộc Đeng. Chẳng lẽ nó còn sống đến bây giờ ư? Nếu thế thì nó phải to lớn, cũ kỹ lắm rồi. Đôi mắt mình như lạc vào ký ức…

Năm ấy, mình nhoáng nhoàng về nhà. Pa già thật rồi. Dấu vết của thời gian nhô lên trên đôi vai gầy guộc. Cánh tay bị thương của pa khô gầy khẳng khiu. Vồng ngực pa hõm sâu, thế nên vết sẹo sẫm màu tím tái. Pa đã hơn bảy mươi tuổi rồi. Vào cái lúc nồi cơm vừa bốc hơi chín, canh rau dớn cho gừng thơm lừng trên mâm gỗ, thì từ đầu hồi nhà, con chim lông đỏ rực, mào nó cũng đỏ chon chót sà xuống đứng im lặng bên pa.

Mình hỏi, pa bảo nó là chim quí. Một sớm mai, trong hơi sương mờ đục, pa vừa xuống cầu thang đã thấy con chim lông đỏ nằm xõa cánh bên những giọt máu hồng dưới chân cầu thang. Nó bị một mũi tên của tụi người ác đi săn, bắn xuyên qua cánh trái. Đôi mắt nó nhìn pa run rẩy, cầu cứu. Pa đắp lá rừng vào vết thương cho nó. Sau hơn một tuần thì lành lặn. Nó không bay về rừng nữa, ở lại làm bạn với pa gần hai mùa cây thay lá rồi. Cái áo lông khoác trên người nó màu đỏ thì gọi là Noộc Đeng cho có tên.

Trong bữa cơm, con Noộc Đeng nhìn mình với đôi mắt dò hỏi, không thiện cảm, chốc chốc nó tợp một ngụm rượu trong cái chén hạt mít, quay mỏ vàng dẩu về phía mình liến thoắng “gù…gù…gugù…”. Pa đưa tay vuốt nhẹ bộ lông óng ả, quí phái của Noộc Đeng bảo, nó là thằng con tao đấy, không phải người lạ đâu, đừng có bực mình. Noộc Đeng gãi gãi cái mỏ vào ống chân pa. Hết gãi ngang lại gãi dọc. Nhìn nó, mình thấy giống thằng hề. Thật là ghét.

Hôm pa đi vào cõi hư không để trở thành người thiên cổ, mọi người đưa pa nằm vào trong lòng đất lạnh đã về hết. Rừng mả âm u, lạnh lẽo, sâu hun hút. Mình gục đầu cúi lạy pa lần cuối. Âm dương cách trở, mình đã mất pa thật rồi. Nước mắt mình mặn chát…Noộc Đeng sải cánh như mũi tên bay xòa xuống trước mộ pa, đặt lên mộ  viên đá đỏ tròn xoe. Nó phủ gục, rũ xuống, lấy mỏ bứt từng đám lông. Những đám lông lớn nhỏ, đỏ như máu, chấp chới theo gió bay phủ lên mộ pa…

Đúng là Noộc Đeng rồi. Chính nó lao vút qua người mình như một làn gió. Bao năm qua nó vẫn âm thầm ở trong ngôi nhà hoang lạnh này mà chờ mình về ư? Tình nghĩa sâu nặng với pa mình, để rồi nó không muốn rời xa căn nhà nó được pa cứu sống? Sao lại có chuyện lạ đến vậy? Hay là mùi thơm đằm đượm đang dâng lên trong nếp nhà đã giữ chân Noộc Đeng? Mình cũng không thể hiểu nổi…Như thế thì cái nếp nghĩ của mình nông cạn hơn Noộc Đeng ư?

Thoảng trong gió có những tiếng vỗ cánh xập xòa, lẫn vào từng hồi, từng chặp đá lăn lốc cốc… Con chim đầu đàn to sụ cùng bầy chim lông đỏ, sải cánh chao lượn, chân chúng cắp những viên đá đỏ bay về ngõ nhà mình. Chúng sà xuống, dùng mỏ cào cào, san bằng phẳng những viên đá trứng gà, trứng vịt ấy… Khoảng không bừng sáng trong ánh chiều dần sẫm lại, mắt mình va vào con chim to sụ có cái mào hai lớp dựng đứng lên…

Một làn gió mát thổi tới, tụi chim nhộn nhịp bay lên cất cao tiếng hót “tu… huýt…tu tu…huýt”… bay bổng, ngân nga, quyện trong hương thơm ngát kéo mí mắt mình díp lại. Trong giấc ngủ nồng say, mình nghe như có tiếng “gù gù…gù gù” êm ái kề bên, thế nhưng mắt mình nặng như đeo đá không thể mở ra…

Cổ họng khô khốc vì khát nước làm mình thức dậy sau giấc ngủ mê mệt. Đêm khuya lắm rồi. Tụi côn trùng đua nhau nẩy từng cung bậc rì rầm, làm thành giàn đồng ca đêm cuối tháng Bảy thanh thản. Ơ! Trên ban thờ nhà mình ai thắp đèn nhỉ? Mà không phải đèn, ánh sáng phát ra từ lư hương cổ. Nguồn sáng trong trẻo, nhẹ nhàng như lọc qua lớp thủy tinh vàng nhạt pha sắc tím này mình đã gặp ở đâu? Có phải ở thảm hoa Bjooc Sluc năm xưa không? Mình nín thở, nhắm mắt lại rồi mở mắt ra. Trong ngược sáng mờ ảo, khi tối, lúc sáng, mình nhìn thấy một cái bóng rất to mang màu đỏ đen loang lổ, trên mỏ dài quắp miếng gì đó màu trắng, di chuyển nhẹ nhàng trên ban thờ. Nó lấp ló sang phải, rồi nhanh nhẹn chuyển sang bên trái, lên lên, xuống xuống nhịp nhàng. Như một phản xạ tự nhiên, mình co gối bật người đứng phắt lên, lồng ngực đập thình thịch như có ngàn vạn tiếng trống… chân mình rậm thình thình…

“…xoạch…vù…vù… r..â…m…rầm”. Ánh sáng trên ban thờ nghiêng chao, vụt tắt.

Bóng tối như một tấm khăn choàng trùm kín nhà. Người mình lạnh toát, vội vàng đẩy củi vào bếp vuông cho lửa cháy bừng lên.

Lúc ấy, từ phía ban thờ Noộc Đeng run run lăn lại bên bếp, đầu nó gục xuống như mắc lỗi. Cái mỏ nó dài ra ngậm tay áo mình giật giật. Mình thở hắt ra: – Mày làm tao hết hồn Noộc Đeng à…

Cứ thế, mình và Noộc Đeng ngồi sát nhau, ngập trong hương thơm trong vắt. Hương thơm đã dẫn dụ mình trở về…

***

Sáng. Hơi sương tinh khôi thấm đẫm đất trời. Noộc Đeng đứng ở ban thờ từ bao lâu rồi không rõ, mỏ nó ngậm khăn mặt màu trắng của pa mình trước đây, cặm cụi lau lư hương đen bóng đang nằm lăn dưới sàn. Mình sải bước đến bên. Mắt mình choáng ngợp, giữa lư hương cổ, một khúc gỗ tròn đen quánh, dẻo dai tỏa hương ngào ngạt, lan xa. Thì ra, tổ tiên ông bà từ bao đời nay đã gói hương trầm trong lư hương bằng đồng đen quí giá, chay tịnh trên ban thờ… Mình vội vàng nâng lư hương lên, sao mà nặng thế không biết?

Kìa! Mình tròn mắt. Trên ban thờ, kế bên bệ để lư hương cổ, một chiếc giương gỗ hình chữ nhật xinh xắn, trạm trổ những cánh chim bay trên trập trùng hoa vàng đang nghiêng nghiêng hé nắp. Sụp xuống, mình chắp tay vái tổ tiên ông bà rồi từ từ mở nắp giương ra…

Đôi bàn tay múp míp của mình chợt run rẩy khi nâng tấm áo loang sậm vết máu, bọc bên ngoài quyển sổ màu xanh. Từng trang giấy trắng đã ngả màu vàng, những hàng chữ xiên xiên nhảy múa, đan xen cùng những vết máu khô…

Quảng Trị, ngày 20 tháng 4 năm 1965

Nắng đổ lửa xuống chiến hào trên điểm cao không một bóng cây, ngọn cỏ. Đất đá bị cày xới bầm dập, lồi lõm, nham nhở vì bom, đạn cối của giặc xối xuống. Đại đội mình kiên cường bám trụ, đẩy lùi từng đợt công kích của tụi Mỹ…Đại đội trưởng Khiết bị thương ở đầu, máu chảy xối xiết… anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị đẩy bật nhiều đợt tấn công của tụi giặc hung hãn. Khi anh nằm lịm trong tay mình, anh trân trối: “Em…ngày chiến thắng… em thay anh về  Thái Nguyên, nơi những lò cao gang thép đỏ lửa… em nói với chị… anh rất nhớ…”, nói thế rồi anh thanh thản nhìn lên vòm trời đầy nắng, thở hắt ra… anh Khiết đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trên chiến hào đỏ lửa. Mình cắn chặt môi để ghìm tiếng thét căm hờn…

Khoảng lặng hiếm hoi giữa những trận đánh. Tiểu đội mình còn có bốn tay súng. Mình bị thương rồi, máu ra nhiều. Kệ!Mình quấn băng chặt lại. Trời ơi, sao mà nắng nóng đến thế? Mình khát nước cháy khô cổ… sao trước mắt mình có nhiều hoa lửa bay đến thế…

….

Thái Nguyên, ngày 12 tháng 7 năm 1967

Mình đã ra Bắc điều trị, không thể ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Đau xót quá. Đồng đội mình giờ đây ai còn, ai mất mình cũng không biết. Anh Khiết ơi, em về chậm mất rồi. Chị…đã hy sinh trên trận địa phòng không khi đang cùng lực lượng tự vệ bắn máy bay giặc trên đất trời Việt Bắc. Máu của anh, của chị cùng hàng ngàn…ngàn chiến sĩ đã thấm đẫm đất hai miền Bắc – Nam. Mái nhà tranh của anh cũng bị hố bom nuốt rồi. Bé Sáng con anh mới hơn tám tháng tuổi, cháu đang khát sữa mẹ… Xin anh cho em được nuôi cháu trưởng thành… dù sao em cũng không còn khả năng lấy vợ, sinh con…giặc Mỹ đã cướp đi sự sinh sôi, nảy nở của em…

Ngày…tháng…năm…

Mình rũ xuống như cái xác không hồn, ngước nhìn di ảnh pa trên ban thờ. Đôi mắt pa nhìn mình bao dung, đôn hậu… mình thổn thức: “Pa…pa ơi…”

Dường như có một luồng gió nhẹ bẫng, ngát hương, nhấc bổng mình lên, lôi mình chạy ầm ầm xuống cầu thang, lao như thiêu thân ra ngoài rừng mả, trượt trên đá nhọn, gai sắc… Mình sai quá rồi. Cái sai nọ chồng lên cái tội kia nhiều năm nay dính chặt, ngấm vào từng thớ thịt, mạch máu. Mình chà đạp lên máu, thịt của cha mẹ đẻ. Rắc bụi bẩn lên pa nuôi… nước mắt chậm chạp lăn trên gò má mình muộn màng, hối tiếc…

Noộc Đeng đã bay ra mộ pa từ lúc nào, màu lông của nó lồng trong những viên đá đỏ rực sáng.

Gió thổi ràn rạt, chân nhang trên mộ pa chợt cháy bùng bùng, kết thành quầng lửa đỏ rừng rực, bay vút lên gọi tụi mây ngũ sắc kéo bổng mặt trời tung nắng vàng trong vắt, lung linh.

BÙI THỊ NHƯ LAN

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder