Trần Đăng Khoa giao lưu với CLB viết văn trẻ Hải Phòng – Nguyễn Đình Minh

“Con chó mất ấy thực ra là con chó đen và quê tôi gọi là con mực, bài thơ tôi viết lúc ấy cũng được đặt cái tên rất thật, rất dân giã “Mất chó”, sau đó khi gửi báo chỉnh lại là “Sao không về hả chó?” còn câu kết tôi viết là: Chó ơi là chó ơi!”- Trần Đăng Khoa.

Từ chuyện con chó đen vào thơ thành chó vàng, đến thông điệp muốn nhắn gửi

 

Cũng như tất cả các cậu bé vùng nông thôn thời chống Mỹ, cậu bé Khoa lúc ấy rất yêu thích gắn bó với một con chó. Đi đâu Khoa cũng gọi chó đi theo, đặc biệt đường làng quanh co thưa vắng vào ban đêm nếu có nó đi theo cậu không còn sợ ma nữa. Theo Trần Đăng Khoa, con chó đã trở thành ân nhân của gia đình. Đấy là vào một đêm mưa gió, con chó bỗng nhằm gầm giường mà sủa váng lên, mẹ anh bật đèn soi thì hoá ra ngay dưới đó là một con rắn Cạp nong đang trườn. Có ánh đèn, chú chó trung thành lao vào quật và cắn chết con rắn. Từ đó chú chó được cả nhà yêu quý.

Nhưng chiều ngày 3/4/1967. máy bay Mỹ ném bom cầu Phú Lương với những tiếng nổ kinh hoàng và mặt đất chao như đưa võng. Khi trận oanh tác chấm dứt, thì con chó cũng biến mất. Cả nhà bổ đi tìm gọi cả mấy ngày nhưng chú chó cũng biệt tích. Chị và em gái Khoa cùng khóc sướt mướt, còn Khoa buồn bã thẫn thờ ngồi học mà đầu óc cứ vơ vẩn về con chó. Và mẹ thì đêm nào cũng mở cửa đợi con cún về…

Ngày ấy Khoa học giỏi nên được các cán bộ của Ty giáo dục quan tâm, chính thời điểm mất chó ây, thì có đoàn khách của Ty xuống thăm. Bác Lê Hào – trưởng Ty nghe câu chuyện mất chó gợi ý: “Cháu làm thơ về con chó Vàng mất đi”.

Bài thơ “Sao không về Vàng ơi?” đã ra đời nhanh chóng bởi cảm xúc dồn ứ và được kích thích bởi một lời gợi ý về đề tài. Trần Đăng Khoa kể, tôi đã viết một mạch và cuối bài còn đề rõ dòng “Kỷ niệm ngày mất chó 3/4/1967”.

Sao không về Vàng ơi?

Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy…

Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao
Tay tao buồn làm sao!

Sao không về hả chó
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa
Sao không về hả chó?
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!…

(Kỷ niệm ngày mất chó 3/4/1967)

Kể câu chuyện này với các thành viên Câu lạc bộ những người viết văn trẻ và giáo viên học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến thành phố Hải Phòng, nhà thơ Trần Đăng Khoa cung cấp thêm nhiều tình tiết hay. Anh thông tin: “Con chó mất ấy thực ra là con chó đen và quê tôi gọi là con mực, bài thơ tôi viết lúc ấy cũng được đặt cái tên rất thật, rất dân dã “Mất chó”, sau đó khi gửi báo chỉnh lại là “Sao không về hả chó?” còn câu kết tôi viết là: Chó ơi là chó ơi!”.

Bài thơ này được in trên báo Văn nghệ ngay trong khoảng thời gian đó. Cũng theo Trần Đăng Khoa, bài đã được nhà thơ Phạm Hổ biên tập chỉnh sửa lại một số từ. Theo đó, tên bài thơ thành “Sao không về Vàng ơi” và câu kết sửa thành “Vàng ơi là Vàng ơi!…”.

Và con chó mực vào thơ đã biến thành con chó vàng, gắn với tiếng gọi Vàng ơi day dứt tha thiết như tiếng gọi bạn.

Trần Đăng Khoa đã kể câu chuyện này nhiều lần, trừ hai chi tiết mới đó là anh nói đích danh người sửa thơ anh, nhà thơ Phạm Hổ và con chó thật nhà anh là con chó đen. Song khi toạ đàm với CLB những người viết văn trẻ Hải Phòng, anh muốn hướng tới một thông tin mang tính sư phạm. Anh bình: Nếu câu kết: Chó ơi là chó ơi! thì… buồn cười ngây ngô và tai hại quá! Bởi khóc bạn, dù bạn đúng là một chú chó mà cứ kêu chó ơi, chó ơi thì thật không ổn. Khi Phạm Hổ chữa thành Vàng ơi là Vàng ơi! thì thành tiếng khóc rồi. Tư tưởng của bài thơ nâng lên rất nhiều.

Sau này trong nhiều diễn đàn người cảm nhận bài thơ này đã bình con chó vàng như bạn vàng nó hàm ẩn cái nghĩa quý giá như vàng và nói hết được niềm yêu của cậu bé dành cho con chó. Bản thân văn bản từ Vàng cũng được viết hoa trân trọng như tên gọi riêng của chú cún. Trần Đăng Khoa kết luận: văn chương là cái thật, nhưng viết văn không phải nhìn gì nghĩ gì là viết ngay như vậy, đôi khi chỉ cần một từ khác lạ (Từ thần) là bài thơ có thể trở lên độc đáo khác biệt. Tuy nhiên cái từ thần đó khác biệt với sự rối rắm.

Bài học mà anh muốn nói có thể là không mới nhưng lại rất cần cho những người viết trẻ. Với Trần Đăng Khoa anh luôn coi trọng chất liệu đời sống trong văn chương. Có lần làm việc với tôi, anh tâm sự: văn chương của lớp trẻ bây giờ đi xa đời sống, ít hơi thở cuộc sống. Quả vậy, người viết trẻ thường hay viết về những điều đã cũ mòn hoặc về một cái gì đó xa lạ với không gian và tiết tấu đời sống đang diễn ra sôi động. Các tác giả trẻ thường bị ảnh hưởng của học thuật, bị lây nhiễm của tư tưởng cách tân (khi chưa làm chủ được tư tưởng và nội hàm thông tin của các trường phái này) và vận dụng nó vào thơ mình để làm sang, để tạo ra sự dị biệt… song đáng tiếc họ lại tự sa vào và lúng túng với cái rối rắm do chính mình tạo ra.

Hướng ngòi bút vào cuộc sống, nhìn và khúc xạ nó bằng lăng kính trái tim và viết bằng những thủ pháp của thơ sẽ thấy cuộc sống quanh ta đã là muôn vạn đề tài để có thể thành thơ cất lên tư tưởng, tiếng nói. Chọn đề tài để viết phải có cái tình, cái ngẫm ngợi trăn trở, cái đau đáu về nó, giống như Khoa gắn bó yêu quý con chó mực và xót thương nuối tiếc khi nó đi mất giống y như mất một người bạn vậy. Đó là cái thông điệp mà Trần Đăng Khoa muốn trao đổi? Một kiểu trao đổi rất Trần Đăng Khoa, dí dỏm phê bình cách nhìn ấu thơ của mình về làm thơ thời còn tuổi niên thiếu đến bài học nhìn từ cách chữa thơ (sử dụng hình thức) của Phạm Hổ để biến con chó đen thành vàng.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder