Trăng tháng chạp – Anh Động


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Trăng tháng chạp” của nhà văn Anh Động in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Trăng tháng chạp” của nhà văn Anh Động in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Anh Động


HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN VIỆT TÙNG. SINH NGÀY 20 THÁNG 10 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: VĨNH HOÀ, VĨNH THUẬN, KIÊN GIANG. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: 23 TRƯƠNG ĐỊNH, AN BÌNH, RẠCH GIÁ. TỪNG LÀ CHỦ TỊCH HỘI VĂN NGHỆ KIÊN GIANG, LÀ CHUYÊN VIÊN BẬC 7, BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ KIÊN GIANG. ĐÃ NGHỈ HƯU.

TRĂNG THÁNG CHẠP

… Chuyện của chúng nó thì có một bữa tôi với thằng Nu ngồi nhồi chất dẻo làm bộc phá trong ụ đất lớn, Nu kể thế nầy:… Tao run quá, đứng nép ngoài bệ cửa, suy nghĩ: Không lẽ trở ra nữa sao, đã mấy lần rồi vẫn không bước qua khỏi cái ngạch cửa nầy. Tao liều mạng, kể như đánh giặc vậy, lần nào ớn quá mình phải đếm lên để lấy trớn mà xung phong. Vậy là: một, hai, ba! Xung phong! Vọt vô tới bộ vạc trống ngang mùng nó, tao mệt muốn đứng tim, ngồi bợ ngực mà thở. Nó trong mùng lồm cồm ngồi dậy, hỏi: “Ai đó”. Tao vội trả lời: “Anh đây mà Quế”. “Đi đâu chừng nầy, anh Nu?”. Cuống quá, tao quên hết lời lẽ sắp đặt từ trước: “A… ghé mượn hộp quẹt để hút thuốc chơi vậy”. Tao biết nó không tin, nhưng sao nó cũng khoát mùng chun ra, ngồi nhìn tao một cách hết sức là… là… “Về đi anh Nu à! Em biết rồi… Mấy đứa nhỏ thức dậy thấy, kỳ lắm…”. Nghe nó nói, tao chết đứng trong mình, uể oải thở ra: “Không thương tôi sao mà đuổi vậy, Quế?”. Nó nói giọng buồn hiu: “… Nhưng em sợ quá đi. Muốn gì thì anh nói với tía trước cái đã”. Mầy nghĩ coi, mình định xây dựng với nó chớ với tía nó đâu mà cứ đổ cho ổng”.

Con Quế là em vợ Hai Diên, người chính trị viên đội du kích nầy. Quế là đội viên du kích cũng là đoàn viên, lật bật vấn đề lọt ra đến chi đoàn, thằng Nu bị sạc cho một trận toé lửa! Sau đó anh Hai Diên thầm thì với nó: “Thủng thẳng để tao tính với ông già, mất mát đâu, đừng làm ẩu mang tiếng không tốt. Trước hết mầy phải tỏ ra có chút mềm mỏng với con gái cái đã…”. Tánh tình thằng Nu mà “mềm mỏng” là có Chúa cứu thế xuống tiếp sữa cho nó, nghe nực cười!

Còn chuyện của tôi với Cảnh thì không đến nỗi phải “xung phong” như vậy. Suốt mấy năm nay mặc dù chưa thổ lộ tiếng yêu đương với nhau nhưng cũng hiểu cái ý trong bụng của nhau rồi. Hai đứa tôi gần đây có gặp việc trắc trở. Cảnh bận đi học lớp Y tá trên Khu sáu tháng. Ngày Cảnh về đến thì đội du kích vừa đánh xong một trận lớn, tôi bị thương nặng, anh em đưa lên quân y tỉnh nằm bốn tháng. Như vậy là gần một năm không gặp mặt nhau, tôi vẫn đặt cái hy vọng phấp phỏng trong mối tình chưa “ngoéo tay” ấy. Cảnh có thường viết thư cho tôi, nhưng thư toàn nói những chuyện vớ vẩn đâu đâu, không trúng vào cái chỗ mình mong muốn… Nào tình hình đội du kích ấp nhà, nào là có gặp vải dù hoa xin về làm quai nón, nào là: “Em về Sào Lưới đã lâu, anh không tặng kẹp bồ câu, em buồn“… Tôi coi lù khu vậy chớ cũng biết nghĩ ra được vài chuyện để chinh phục tình cảm nàng, khá hơn thằng Nu. Bữa ra viện về tới nhà, nằm tạm ở chòi của chị Cần, tôi đã có đủ: một mảnh vải dù hoa để làm quai nón, một cây kẹp tóc có chạm hình con bồ câu làm bằng loại thép trắng trong thân của một chiếc máy bay phản lực Mỹ.

Tôi đang nằm ngửa cầm mảnh vải dù hoa và cây kẹp xem đi xem lại để nghĩ cách đưa vào tay người ta cho ngọt, bỗng dưng tai tôi nghe có giọng con gái thoang thoảng trong tiếng reo mừng của mấy đứa con chị Cần ngoài đầu bờ. Tôi vội quấn hai món ấy lại, nhét vào túi, nhổm dậy bảo chị Cần:

– Nói em đang lên cơn sốt, nghe chị!

Chị Cần đang ngồi chụm lửa rang lúa dưới đất, liếc nửa mắt nhìn tôi và mỉm cười. Tôi kéo mềm đắp mặt, nằm im. Ngực tôi phồng lên, bóp lại theo từng câu nói không được tự nhiên của một cô gái đang chuyện vãn với chị Cần:

– Làm gì đó bà?

– Mới về hả? Rang lúa tươi để vọt thành gạo gởi ra ngoài mũi. Coi đây, làm chưa đầy hai giờ mà cả lít gạo vậy. Chiều nay tụi tôi đồng hè hết xóm, kẻ rang người lấy mẻ tĩn vọt một đêm, ngoài mũi mặc sức mà ăn.

– Mấy bà sáng kiến quá!

Mẻ lúa rang của chị Cần vẫn đều tiếng cạo rột rạt và nổ lép bép.

– Chú Hận về kìa!

– Vậy hả? ảnh về hồi nào vậy?

– Làm bộ… Hai Diên về ngoài nói, nãy giờ không ba chân bốn cẳng chạy về đây, tôi chết cho.

– Thôi bà ơi!… ảnh đâu rồi?

– Lên cơn sốt nằm li bì trong kia.

– Vậy sao?

– Đâu cô y tá vô thăm bịnh nhân coi ra sao rồi!

Nghe chị Cần nói, trống ngực tôi đánh rộn lên, nhưng cố nằm êm.

– Em không có đem ống thuỷ về mới gay chớ.

Tôi nằm lắng nghe bước mau bước chậm của Cảnh, rồi chiếc khăn đắp trên mặt tôi bị trợt ra, khắp người tôi bừng nóng. Có bàn tay âm ấm, run run đặt lên trán tôi và người ấy nói:

– Không phải lên cữ sốt, hình như ảnh đang nắng nên nóng ran ngoài da.

– Biết đâu – Tiếng chị Cần từ dưới bếp vọng lên – Hồi nãy đòi ra mũi trèo rẹo, bị Hai Diên đuổi lại, vô nằm vùi đó đa.

Lại nghe bàn tay hơi run lướt nhẹ qua mũi và đôi mày tôi.

– Tức quá! Thôi để em ra ngoải lấy túi thuốc về mới được.

Tôi bỗng trở mình, cố ý đè khuỷu tay lên bàn chân Cảnh. Bỗng tôi nghe mảnh vải dù trong túi áo bị lôi mạnh đến đứt chỉ may. Tôi mở mắt, chặn lại:

– Vậy đó, phá không!

– Ai phá? Thấy ghét…

Cảnh phóng xuống đất, vớ khẩu cạc-bin, lủi ra cửa. Báng súng va vào cột chòi đánh rốp. Cảnh đi luôn. Tôi ngồi dậy cười khúc khích.

Chị Cần trách:

– Chú chơi ác! Chọc nó giận, theo mà năn nỉ đi.

– Nó làm rách túi áo còn lấy đồ của em, theo đòi lại chớ bộ…

Nói vậy nhưng tôi vẫn còn rề rà xem chị Cần rang lúa. Nhiều hột lúa nổ lép bép nhảy tưng bừng trong mẻ. Tôi với tay cào bớt than trong bếp lò ra, chị Cần xô tay tôi:

– Không cần! Đi đâu thì đi đi!

Tôi đứng dậy nói lấy đà:

– Đuổi mình thì mình đi!

Ra đến đuôi đìa, thấy Cảnh ngồi chỗ đầu bờ, cây súng cạc-bin gác ngang đùi, mắt ngó mong ra phía mũi lấn. Tôi men lại gần:

– Giận lắm hả?

– Tôi vầy mà dám giận ai?

Cảnh bẻ một măng sậy phóng xuống đìa.

Tôi nói tiếp;

– Gây dữ ha?

– Gây gì?

Tuy nói vậy nhưng Cảnh ngẩng mặt nhìn tôi. Ơi! Tôi như bị đắm mình trong cái trận lụt ánh mắt mênh mông và mát rượi ấy…

Cảnh hất mặt hỏi:

– Theo chi vậy?

– Đền cái áo.

– Chừng ra mũi, vá lại cho.

– Ăn cắp đồ người ta còn bỏ chạy.

Cảnh cầm mảnh vải dù có quấn cây kẹp bên trong, ném trả lại tôi:

– Trả nè – Cảnh trề môi – Mặt sáng láng vậy mà bụng nhỏ như con tép.

Tôi hỉnh mũi cười xấu hổ:

– Nói chơi vậy… Thì giữ xài đi, trả lại chi?

– Để khi nào đã… Em ra mũi ngay đây.

Cảnh đứng dậy mang súng lên vai:

– Anh Hai Diên biểu anh phải ở nhà dưỡng bịnh cho thật mạnh, chờ đội du kích về liên hoan rồi sẽ tính…

– Đội làm gì mà về liên hoan?

– Ngày mai dứt điểm đồn Ngã Tư chớ làm gì.

Tôi dậm chân nguây nguẩy:

– Thì anh ra mũi. Ai cấm anh có mặt trong buổi giải phóng ấp nhà chớ?

– Không biết. Lịnh…

– Tôi cứ đi! Tôi có quyền hưởng cái giờ phút sung sướng nhứt trên miếng đất mà máu tôi đã đổ quá nhiều…

Tôi cũng phục tôi sao lúc đó thốt ra được một câu lý sự như vậy.

Tôi đứng nói một mình như thằng ngáo, vì Cảnh đã mang súng đi khuất sau rặng chuối đầu đìa. Ngày mai dứt điểm đồn Ngã Tư? Vậy là ngày mai ấp tôi được hoàn toàn giải phóng? Vừa nhớ ra một chuyện tôi cảm thấy xấu hổ ngay. Anh Hai Diên bảo là từ đây đến tết còn nửa tháng thôi, đội du kích mình phải hạ quyết tâm dứt ba cứ điểm. Ban đầu tôi còn ngơ ngác, anh giải thích: “Cứ điểm thứ nhứt là đồn Ngã Tư, còn hai điểm nữa là của tôi và của thằng Nu“.

Cây đèn cóc để khuất trong ụ đất lớn hắt ra một lõm sáng đủ cho Cảnh thấy đường ngồi nhíp lại miệng túi áo cho tôi. Tiết tháng chạp ở ven rừng U Minh nầy lạnh đến tê người, vậy mà tôi phải cởi trần ngồi co ro chịu trận. Đồn Ngã Tư đêm nay lạnh tanh. Hai Diễn dẫn hết đội du kích đi phối hợp với địa phương quân. Ở mũi nầy còn có tôi và Cảnh. Tôi lẽo đẽo theo Cảnh ra đây hồi chiều. Chẳng những không được đi phục kích với anh em mà còn bị Hai Diên sạc cho một trận, nào là “Xanh như ma, ốm như lãi, ra để báo hại người ta…”. Cuối cùng ổng kỷ luật tôi, bắt ở lại bảo vệ cái quân y trung tuyến của Cảnh. Ngoài cây súng cạc-bin của Cảnh, tôi chỉ được trang bị thêm hai trái lựu đạn M26.

Gió bấc thổi ro ro, lạnh như xát nước đá vào da. Tôi ngồi co con tôm cho ấm. Chắc Cảnh cũng nóng ruột vì tôi nên châm bẩm nhíp vội vã cái túi áo. Tôi cố ý làm như không có Cảnh ngồi bên, nhưng cứ lếch chừng xem cử chỉ của cô ta.

Trước khi trả áo lại, tôi thấy Cảnh đưa ra đèn vuốt từng nếp nhăn trên cổ áo. Đến chỗ cửa măng- xết tay có dún nhiều nếp bầu bầu, Cảnh dừng lại hơi lâu và dàn bàn tay run run lên đó. Nhưng khi tôi mặc áo vào Cảnh lại phát hiện trước ngực tôi còn một nút áo sứt chỉ đong đưa. Sẵn còn cầm kim, Cảnh bảo tôi đưa ngực ra để đơm lại. Tôi chỉ ển ngực về phía Cảnh mà mặt cứ ngoái lại sau.

– Đơm gì lâu quá vậy?

Tôi quay lại cũng là lúc Cảnh cúi vào cắn mối chỉ. Tóc Cảnh cọ vào cổ tôi nhồn nhột và có mùi dầu Ba số bảy, mùi cốm dẹp và mít chín trộn lẫn nhau dìu dịu, ngây ngây. Tôi rùng mình tự hỏi: “Có phải mùi con gái“. Tôi đánh bạo đưa tay run run nâng cằm Cảnh lên, nói hụp hửi:

– Thở gì mà muốn phỏng tim người ta!

Đôi mắt Cảnh tung ra một màu đen lai láng như đồng nước U Minh. Rồi Cảnh “hứ” một tiếng, quay lưng bưng đèn đi xuống nhà bếp. Cảnh đi lột chuối chát để nấu một nồi cho anh em phục kích về ăn. Tôi cứ đứng hồi hộp mà nghe mặt mày nóng bừng và đôi hàm răng khu vào nhau lập bập.

Được mặc áo rồi, tôi cứ ngồi khoanh tay rế ở ụ đất lớn để lấy lại hơi ấm. Tiếng chày vọt gạo cụp cùm cum của mấy chị trong xóm Ven Đê vọng ra làm tôi nghe rạo rực trong ngực quá. Tôi bật cười một mình. Trong bóng tối, ánh mắt đen ngời của Cảnh ngẩng lên nhìn tôi hồi nãy sao còn thấy rõ ràng. Tôi nghe lòng mình đang mở rộng chứa đựng hết cả vùng trời, vùng đất Ven Đê nầy. Tôi len lén cúi xuống hít nhẹ một hơi trên ngực áo. Sau khi nghe rõ chỗ ấy chỉ có mùi ẩm của đất, mặn của mồ hôi có pha chút hành hương thì tôi cảm thấy chán ngắt và xấu hổ. Bỗng dưng tôi bật cười trống rỗng. Tôi đứng lên, vươn vai, đi lần ra chiến hào. Chân trời phía yếu khu Khánh Bình đã rựng hồng. Gió bấc khô queo, rao rao thổi. Mặt trăng mười bốn tháng chạp lấp ló ngoài ngọn chuối ven đê bùng thụng như mặt ông địa cợt giỡn với tôi. Tôi nhìn trăng một lúc cũng phát bật cười. Lượm một cục đất, tôi ném vào mặt trăng.

– Giỡn hoài đi! Sắp sáng rồi không vô lột chuối tiếp người ta nè.

Chết chưa! Cục đất không trúng trăng mà rớt ngay vào nhà bếp của Cảnh. Tôi lè lưỡi vuốt mặt làm nghiêm, men lại, nói:

– Thiệt là khổ cho cái thân tiểu đội phó nầy quá đi.

Tôi ngồi xuống lượm một tăm củi nhỏ khều cái bông lửa trên đầu tim đèn. Lại bắt gặp ánh mắt đen của Cảnh nhìn tôi y như lúc nãy…

– Nói giọng nhí nhảnh, điệu có gai…

Tôi tủm tỉm cười, Cảnh đưa hai bàn tay về phía trước, lắc lắc đầu, bảo:

– Vét dùm mớ tóc rũ xuống mặt nầy lên coi! Hai tay dính mủ chuối không nè.

Năm đầu ngón tay tôi vừa chạm vào da mặt Cảnh thì đã nghe nóng ran. Không biết tay tôi nóng hay mặt Cảnh nóng! Trống ngực tôi đánh lên liên hồi kỳ trận như muốn mất thở. “Tại sao bữa nay mình nhát gan lạ lùng?”. Đang rụt rè bằng những động tác vụng về, tôi vụt ôm chặt đầu Cảnh vào ngực, đè sát xuống đất, hét lên thất thanh:

– Chết mẹ!

Một trái ô-buýt từ cụm pháo hòn Đá Bạc bắn vô, trườn ngang đầu chúng tôi, nó khè như tiếng rắn hổ kêu, nổ một tiếng dựng sống áo. Rồi tiếp theo từng bầy bay vô ào ào, đáp chung quanh, nổ chúi mũi chúi mòng. Hai đứa tôi nằm rạp trên đống vỏ chuói chát mà chịu trận. Tôi nghe trên cổ mình nóng hổi, đưa tay rờ thấy ươn ướt, ngỡ là bị cay đèn ngã đổ dầu vào. Tôi cằn nhằn Cảnh:

– Cho chủ quan. Đốt đèn đi hều hệu nó mới thấy mà thụt vô vậy đó.

Cảnh nhổm dậy, xô tôi ra:

– Vậy chớ…

– Chớ gì?…

– Cây súng với túi thuốc của em còn bỏ đằng ụ đất lớn kìa.

Cảnh vụt đứng dậy dợm chạy đi. Tôi vội nắm chân Cảnh giật té sấp xuống.

– Khoan đã!

Rồi từng bầy pháo 105 ly lại bay đến xới đất quanh chiến hào, quăng vào chúng tôi. Cảnh rên rỉ:

– Anh ơi! Anh làm em té xốc mũi dao vô trán, đau quá nè.

– Vậy hả? Có sao không?

Thấy tôi luýnh quýnh, Cảnh cười khúc khích. Sau đó hai đứa chạy lăn cù mấy lượt mới lọt vào được trong hầm ở ụ đất lớn.

Pháo nổ cho đến trời sáng mới ngưng. Pháo vừa dứt thì súng bộ binh từ phía kinh Ba lại rộ lên. Không ai bảo ai, Cảnh vọt ra trước rồi tôi cũng vọt theo. Cả hai chạy nhanh ra mũi râu tôm cùng đứng chồm lên một nóc ụ đất mà ngó mong ra trận địa. Có lẽ cánh địa phương quân đang đánh nhau quyết liệt với mũi quân can viện từ Ngã Năm kéo vào. Đội du kích Hai Diên phối hợp một góc trận địa cũng bắt đầu nổ súng sanh tử với bọn đồn Ngã Tư đang bung ra. Mặt trời đã nhô lên phía đồn Chín bộ quét những lưỡi kiếm vàng óng trên khu vực nổ súng làm cho những hột sương còn đọng lại trên đọt cỏ phải nheo mắt lia lịa. Qua những cụm khói khốc lờ mờ, tôi và Cảnh thấy có bóng người lố nhố xuất hiện ở một bãi ráng trống vừa bị thuốc độc giết chết. Chúng tôi tạm phân biệt được những tên vừa chạy, vừa bò phía trước, là địch, và từng tổ ba người đuổi theo sau, có lúc quỳ bắn, có lúc vượt lên, đó là ta. Thình lình từ cụm tràm Ba Hưng xuất hiện thêm một tổ, người dẫn đầu có đôi chân khập khễnh đang chạy lên xuyên hông toán quân địch. Khoái quá, tôi vỗ tay reo lên:

– Ông Hai Diên kìa! Cái giò vừa chạy vừa chấm phẩy đó là chả chớ hổng ai.

Tôi nôn nao như đang đứng trên ổ kiến lửa. Cảnh cũng nhón gót nhìn theo những người kia. Họ quỳ bắn, rồi họ tốc lên rượt nữa. Đây đến đó xa lắm, dẫu kêu thế nào họ cũng không nghe được. Trước mắt đang có những trái đạn phá các cỡ nổ tung đất lên như nhiều lượn sóng vỗ. Tôi và Cảnh luôn dậm chân, chặc lưỡi kêu trời từng chập theo từng động thái diễn biến của nhóm người đằng kia.

Pháo ngoài hòn Đá Bạc lại bao vào. Có một trái nổ dựng đất trước mặt tổ Hai Diên đang tiến quân. Tôi chặc lưỡi kêu trời. Lại một trái nữa quật Hai Diên nhào lăn. Tôi bất thần chụp tay vào cổ Cảnh thét lên:

– Rồi, rồi!

Nhưng Hai Diên đứng dậy, phóng lên vùn vụt, tôi cũng lại kêu như hét:

– Chưa sao!

Và tay tôi chụp ngang cây súng cạc-bin của Cảnh, co giò phóng đi. Cảnh bị giựt súng bất ngờ nên cắm đầu, khi đứng dậy thì tôi đã chạy xa hơn mười thước, Cảnh la lên giọng hoảng hốt:

– Máu! Trời ơi, máu, anh Hận!

Tôi vẫn cắm đầu chạy lên như rượt bò ăn mạ, nạt lui:

– Máu gì? Ở đó…

Cảnh mở hết ga vọt theo tôi và miệng cứ bài hải:

– Máu mà. Dừng lại, anh! Anh bị thương kìa!

Tôi dừng lại. Cảnh hào hển đến nắm tay tôi giằng xuống:

– Ngồi xuống đây!

Cảnh quệt bàn tay vào cổ tôi rồi đưa lên:

– Trời đất! Cử động cánh tay trái coi!

Tôi nắm đấm vung tay lên:

– Có gì…

Da mặt Cảnh căng ra, đôi mày dựng lên như hai lá rau răm.

– Ngồi im!

Tôi chần chừ, rồi buông cây súng:

– Như mèo quào vậy chớ gì.

Cảnh trật vai áo tôi ra, dùng bông gòn tẩm rượu cồn lau qua chung quanh vết thương còn rỉ máu ở cổ tôi.

– Rát quá! Sâu không? Vậy mà hồi nãy tưởng đâu bị phỏng đèn chớ.

– Vừa rách một lớp da, nhưng dài lắm.

Đằng kia không còn nghe tiếng súng bộ binh nổ nữa. Pháo Đá Bạc cũng bắn sụt lại chung quanh đồn Giồng Cát. Cảnh dán băng keo cho vết thương tôi xong, cả hai đứng dậy, thở ra. Hai đứa nhìn về phía trận địa chỉ còn thấy một bãi đất ráng chết trống hoang, đen sì. Pháo còn tiếp tục nổ cầm canh. Hai đứa trở lại mũi râu tôm.

Cảnh hỏi nhỏ:

– Không hay bị hồi nào sao?

Nghe giọng thủ thỉ, thương quá, tôi hỏi lại:

– Hồi nãy nói té nhằm mũi dao, chỗ nào đâu?

Tôi nhìn tận vào mặt Cảnh, vụt cười ồ lên:

– Cái mặt quằn quện như con chồn!

Cảnh thụi vào hông tôi:

– Gì kỳ vậy?

– Lấy gương mà soi thử! Chắc hồi nãy nằm úp mặt vô đống vỏ chuối chớ gì? Cảnh móc gương soi qua, la “á” một tiếng và chạy ù đi.

– Lấy chong đèn dầu lửa lại đây, anh chùi mủ chuối cho.

Dùng chéo khăn tẩm dầu, tôi chùi nhẹ nhẹ quanh vết thương mà hồi nãy tôi lôi Cảnh té nhằm mũi dao. Vết thương bên mép trán, miệng hun hút bằng chiếc móng gà, nền sưng lồ lộ như hột ô môi ngâm nước lâu ngày. Tôi rất ân hận! Cái thẹo cạnh đầu chân mày Cảnh còn bằng hột bắp, giờ lại thêm một vết bên mép trán nữa.

Chính hai lần đều do tay tôi gây ra cả. Hồi ấy, năm mình mới Đồng Khởi, chúng tôi còn là hai đứa bé. Mùa nước chum dắt nhau lội theo ven đê mà đâm chuột. Vì mê cặp chuột cống nằm trên lùm dây dác nên tôi ôm cả hai cây chĩa lội đi. Khi đâm dính một con, tôi mải nhìn con còn lại, cứ đẩy cây chĩa có bêu con chuột lại sau cho Cảnh. Nào ngờ Cảnh cũng theo sát bên lưng, tôi không hay. Con chuột cống nhum lúc giãy chết, ngoạm một nhát tận mạng vào đầu chân mày Cảnh, gây thành thẹo đến bây giờ. Sau này lớn lên, mỗi lần nghe chị Cần ru con là tôi thấy bồi hồi trong lòng, buồn thương cho số phận Cảnh rồi đây, chẳng biết ra sao: “Nước ròng bỏ bãi, xa cừ. Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông“…

Đội du kích thắng một trận giòn. Đồn Ngã Tư được nhổ khỏi ấp Đá Bạc. Chúng tôi cùng nhau kéo về bờ đìa trước cửa chòi chị Cần mà tổ chức cuộc liên hoan như kế hoạch đã sắp sẵn. Cuộc vui vừa giải tán, anh Hai Diên kêu thằng Nu ra ngoài rù rì sanh hoạt cho nó nắm được kiểu cách gặp con Quế để “kết thúc vấn đề”. Ai cũng có gia đình mà về cả, riêng tôi với Cảnh thì tạm nghỉ tại chòi chị Cần. Đêm rằm tháng chạp, trăng đã lên đúng ngọ rồi mà tôi vẫn thấy Cảnh còn đứng thơ thẩn ngoài bờ đìa. Đây là cái cơ hội “dứt điểm” đã tới rồi, thôi thì bậm môi mần tới coi sao. Nghĩ vậy, tôi cố gắng bình tĩnh đi lần ra. “Cứ nói toạc ra với nhau, bụng nghĩ sao nói vậy”.

Có lẽ Cảnh thấy tôi đã đến gần nhưng vẫn ngó lơ. Cảnh đứng khoanh tay nhìn trăng. Tôi chưa dám đánh tiếng, cũng đứng êm nhìn theo một hướng. Từng mảnh trăng tròn trắng phau như con sứa nước nằm đầy trong những lá bông súng dưới đìa. Cá đớp chỗ mảng nước trống. Trăng bị quậy màng nhện. Xa hơn chút nữa, trăng bắc một cây cầu lung linh vời vợi chạy ngang trên cánh đồng lúa đang gục đầu ôm trái ngủ say.

Thình lình Cảnh quay lại hỏi:

– Trăng sáng quá hén anh?

Tôi giật mình, ấp úng:

– Lạnh thấy mồ.

– Lạnh sao không giăng mùng ngủ sớm đi? Coi chừng cảm sương chết à.

Lại càng bị dồn vào thế bí, đưa tay lên ấp lấy lồng ngực đang thòi thọp, tôi đụng phải mảnh vải dù có quấn cây kẹp để trong túi áo, mừng như vớ được chiếc phao lúc lội sông gần hụt hơi, tôi vội lôi nó ra:

– Ra đưa Cảnh cái quai nón với cây kẹp cho rồi.

– Thì anh giữ luôn có sao?

Cảnh ngồi xuống bãi cỏ, hai tay gác lên đầu gối, mắt ngó lơ đãng ra đồng. Bụng dạ tôi rối canh hẹ, nhích lại gần, hỏi nhỏ:

– Cảnh còn giận anh sao? Hồi sáng sợ ô-buýt ăn nên lỡ tay xô Cảnh té vậy chớ ai muốn…

Cảnh sờ vào chỗ vết thương trên trán:

– Đau đâu bằng cho chuột cống cắn.

– Khổ quá, chuyện đời cố lỷ nào đâu cũng giận hoài.

– Tại anh làm khổ người ta nên giận hoài vậy đó.

– Cảnh khổ ngoài da, đâu bằng anh khổ trong lòng.

Nói vừa xong tôi thấy hả dạ làm sao! Không ngờ mình được tổ đãi một câu vừa trữ tình vừa có chiều sâu như vậy. Bây giờ có trớn rồi, tôi tiếp tục lầm thầm “bố cục” một câu nữa sao cho nó sắc sảo hơn… Cảnh vụt lên tiếng cắt ngang câu nói chưa thành hình trong bụng tôi:

– Mặt em có thẹo người ta đòi trừ đôi bông, không khổ sao?

Nghe Cảnh nói vậy, tôi nóng bừng hai bên tai, vội hỏi:

– Ai đòi trừ?

– Thí dụ vậy kìa, chớ có ai đi hỏi đâu mà đòi trừ với cấn.

– Sao vậy?

– Ai biết! Chắc người ta làm cao làm cách chê mình chớ gì.

– Cái thằng cha nào đó dở ẹt!

– Dở bằng anh?

– Anh sao?

– Anh còn dở hơn ai hết…

Tôi hiểu ý, nhích lại gần, thầm thì:

– Cảnh à!

– Gì ảnh?

Tôi lụp chụp thế nào mà phát ra một câu trớt lớt chủ đề:

– Đi học có cực lắm không?

– Cực thấy mồ. Ăn cực, ngủ cực, cực nhất là những lúc kiểm tra bài, phải thức ôn suốt đêm, muốn điên đầu.

– Vậy nữa! Tội nghiệp quá! Hèn gì thấy Cảnh sút hơn trước nhiều.

– Ừ, coi nè, cườm tay ốm nhách, đen thui rồi thấy không.

Cảnh để cườm tay lên đầu gối cho tôi xem. Tôi cầm lấy tay Cảnh đưa lên trăng nhìn. Quả là tay Cảnh có ốm và đen hơn trước, nhưng những chiếc móng trắng hồng tròn tròn như mặt ốc len thì chưa có gì thay đổi. Bàn tay Cảnh xuội lơ, năm ngón thon thon bị sạm nắng nhiều, thấy thương quá, tôi cầm nó áp vào ngực, rồi đưa lên môi…

– Cảnh à!…

– Gì hả anh?

– Đi học có nhớ… nhà không?

– Nhớ…

Gió đêm hất nhẹ. Nghe tóc Cảnh bồng bềnh bên cổ, tôi vội móc lấy cây kẹp bồ câu đưa cho Cảnh.

– Kẹp tóc lại đi!

Trăng tháng chạp đổ tràn đồng lúa đất ven đê. Nước dưới đìa gợn sóng. Nhiều lá bông súng đựng trăng, lúc lắc như những con mắt đang nhí nhảnh đong đưa.

Tháng 12-1971
A.Đ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder