Thơ Đinh Thường tự do phóng khoáng không lệ thuộc vào thi pháp trói buộc (dẫu anh là chủ nhiệm một CLB thơ lục bát của thành phố Cảng). Có lẽ sự tự do như khát vọng của “bầy chim thiên di” đã tạo cho anh cái cảm, cái nghĩ mới dẫu chùm ba bài thơ của anh đều xuất phát từ điểm nhìn quá khứ.
Trong cồn cào nỗi nhớ về Nguyên Hồng, giữa những hội thảo “tư duy mới lạ”, thi sỹ vẫn tìm thấy biểu tượng vượt thời gian của cây văn đại thụ miền sóng: “ Hai tiếng “Nguyên Hồng” trang trọng một miền văn”. Trước một thực tế mà sự bội bạc vô ơn đã thành một thứ trò đời, nhà thơ vẫn nặng lòng trắc ẩn với một làn hương hoa thầm lặng dâng hiến quên mình. Và dường như tác giả day trở rất nhiều về những đổi thay qua hình ảnh bầy chim di trú. Thắc thỏm. Mâu thuẫn. Lắng lo… để rồi hợp nhất lại cái ý quan trọng nhất mà nhà thơ muốn gửi: “Ước được như cánh chim trời cho đời đỡ nhạt/ Ôn lại bao mùa tan hợp, hợp tan”.
Thơ Đinh Thường tự do phóng khoáng không lệ thuộc vào thi pháp trói buộc (dẫu anh là chủ nhiệm một CLB thơ lục bát của thành phố Cảng). Có lẽ sự tự do như khát vọng của “bầy chim thiên di” đã tạo cho anh cái cảm, cái nghĩ mới dẫu chùm ba bài thơ của anh đều xuất phát từ điểm nhìn quá khứ.
Trong cồn cào nỗi nhớ về Nguyên Hồng, giữa những hội thảo “tư duy mới lạ”, thi sỹ vẫn tìm thấy biểu tượng vượt thời gian của cây văn đại thụ miền sóng: “ Hai tiếng “Nguyên Hồng” trang trọng một miền văn”. Trước một thực tế mà sự bội bạc vô ơn đã thành một thứ trò đời, nhà thơ vẫn nặng lòng trắc ẩn với một làn hương hoa thầm lặng dâng hiến quên mình. Và dường như tác giả day trở rất nhiều về những đổi thay qua hình ảnh bầy chim di trú. Thắc thỏm. Mâu thuẫn. Lắng lo… để rồi hợp nhất lại cái ý quan trọng nhất mà nhà thơ muốn gửi: “Ước được như cánh chim trời cho đời đỡ nhạt/ Ôn lại bao mùa tan hợp, hợp tan”.
Vanhaiphong trân trọng giới thiệu chùm thơ này cùng bạn đọc.
CẢM NGHĨ VỀ NGUYÊN HỒNG
Khi tôi đến với văn chương, Ông đã khuất rồi
Hội văn nghệ đã mấy lần thay chủ tịch
Những cuộc hội thảo vang xa bởi tư duy mới lạ
Hai tiếng “Nguyên Hồng” trang trọng một miền văn.
Chuyện văn chương ám ảnh quanh năm
Cánh nhà văn thường neo mình nơi quán cóc
Người cùng thời lật giở từng kỷ niệm, người tới sau lo góc mở riêng mình
Không ai bảo ai mắt mờ mưa bụi, ai đó thầm thĩ gọi tên Ông giữa hai đợt triều cường.
Tiếng còi tàu chọc lủng trời sông Cấm
Dường như Ông đang khóc cùng Tám Bính dưới những lầu cao ánh điện lung linh.
Tôi lang thang trong chiều gió nổi
Như thấy ông cười ở phía xa xăm.
VÔ TÌNH – HỮU TÌNH
Anh hàng xóm
trồng cây ngọc lan lấy bóng mát
Nắng chếch, nắng xế
bóng râm ruồng rẫy chủ nhân
Đêm đầu hạ
Gió nồm nam xức hương ngõ nhỏ
Người khen thơm
Kẻ chê nồng…
Xóm láng vô tình… như thể trời cho!
Những người
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng*
Công sức, mồ hôi và đôi khi là máu của họ
Người khen hay
Kẻ chê dở…
Thiên hạ vô tình… ngỡ chuyện trời sinh!
Thế rồi
Cây ngọc lan bị bứng gốc
bởi trận cuồng phong năm ngoái
Người hữu tình
vẫn thấy ngào ngạt hương bay.
Những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Kẻ mất người còn
Ai nhớ, ai quên?
_______
* Tục ngữ Việt Nam
TRƯỚC MÙA THIÊN DI
Khi đàn chim bay đi
Có nghĩa là tổ không còn đủ ấm
Mùa giá rét cận kề
Chúng cần chuẩn bị cho những cuộc hồi sinh
Đường thiên di biết bao hiểm hoạ
Ai sẽ đến nơi
Và ai sẽ trở về?
Khi đàn chim bay đi
Là lúc chúng nhớ về tổ ấm
Nhớ tia nắng mai
Nhớ cơn giông gió cuối ngày
Nhớ cả lũ trẻ trâu giương dây thun bắn nó…
Ý nghĩa đất lành đâu chỉ có sự bình yên!?
Khi đàn chim bay đi
Là lúc chúng bắt đầu mong ngày trở lại
Bởi nơi chốn chúng sinh ra chỉ có một trên đời
Ngày trở về có thể tổ xưa đã nát
Thì có sao, xây dựng lại từ đầu
Một cọng rơm khô, một nhành cây dại
Hai trái tim yêu chung nhịp dưới vòm trời
Và sự sống hồi sinh từ đấy
Thật lạ kỳ! Ôi những cánh thiên di.
Chiều nay đàn chim ngang qua cửa
Ta hiểu rằng giá rét sớm về thôi
Ước được như cánh chim trời cho đời đỡ nhạt
Ôn lại bao mùa tan hợp, hợp tan
Chẳng thể nào khác được, tự nhiên là thế
Sao trong lòng thấp thỏm cuộc thiên di!?
Đ.T