Trong thi ca Việt, hiếm có bài thơ nào khắc hoạ được tính cách Việt Nam một cách sum tụ, mang tầm khái quát như bài thơ này.
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Dù cho đất sỏi, đất vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không sợ đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau, mai sau, mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
1971-1972
(Rút từ “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-2000” NXB Lao Động 2001)
Ngay từ sau năm 1975, bài thơ “Tre Việt Nam” đã trở thành sáng tác nổi tiếng và là một tác phẩm được lựa chọn nghiên cứu trong môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn các trường đại học. Đến nay, nhiều thập kỷ đi qua bài thơ đọc lên vẫn nguyên giá trị xưa và lay động lòng người Việt.
Cây tre, bờ tre xanh đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta. Không kiêu hãnh cô độc như tùng bách, không thướt tha diễm kiều như liễu rủ, không thấp nhỏ , khiêm nhường như cỏ, loài tre mộc mạc, bình dị mà có sức sống mãnh liệt.
Nguyễn Duy với “Tre Việt Nam” đã gắn kết được trong trường liên tưởng tiếp cận và đồng dạng của người đọc hai hình ảnh xuyên thấm: Người Việt – Tre xanh. Hình tượng ẩn dụ lớn của toàn thi phẩm chính là ý nghĩa toát ra từ cặp hình ảnh xuyên thấm này. Một thứ văn hoá tre, tinh thần tre, khí phách tre… luôn luôn bền vững sống, trường tồn bất diệt thách thức thời gian, cỗi cằn, dông bão và chiến tranh huỷ diệt.
Trong thi ca Việt, hiếm có bài thơ nào khắc hoạ được tính cách Việt Nam một cách sum tụ, mang tầm khái quát như bài thơ này. Hiệu quả thẩm mỹ cao, làm mê lòng nhiều người, được đem đến từ nguồn thi liệu ấn tượng bao gồm các hình ảnh đặc tả, gợi cảm, cách sử dụng ngôn ngữ, dân dã, lời ăn tiếng nói của người lao động, và đặc biệt thành công trong việc thể hiện những vần thơ lục bát theo chuẩn mực của thể thơ này.
NĐM tuyển chọn và giới thiệu