Trần Hoà Bình và bài thơ “Thêm một”

Trần Hoà Bình, một nhà giáo, thi sĩ tài hoa, ông ra đi ở tuổi 53 khi mà tài năng đang nở rộ, cái chết của ông để lại rất nhiều nước mắt lòng tiếc thương ngưỡng mộ của người yêu thơ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình Trần Hoà Bình có bài thơ “Thêm một”; bài thơ có mặt trong sổ tay yêu thơ của hầu hết các sinh viên và bạn trẻ yêu thơ.

Trần Hoà Bình, một nhà giáo, thi sĩ tài hoa, ông ra đi ở tuổi 53 khi mà tài năng đang nở rộ, cái chết đột ngột của ông để lại rất nhiều nước mắt lòng tiếc thương ngưỡng mộ của người yêu thơ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình Trần Hoà Bình có bài thơ “Thêm một”; bài thơ có mặt trong sổ tay yêu thơ của hầu hết các sinh viên và bạn trẻ yêu thơ. Từ bài thơ toát lên  vẻ đẹp rất Trần Hoà Bình mà bao nhiêu người yêu, nhưng hỏi vì sao yêu thì rất khó diễn đạt thành lời.

vanhaiphong trân trọng giới thiệu.


Trần Hòa Bình

Thêm một

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu.
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết.

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay.
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – phiền toái thay!

Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi.
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc.

Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở.
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi.

Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn.
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết.

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay.

 

Rút từ “Tình bạn, tình yêu thơ”

 

them1

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN ĐÌNH MINH

Khoảng đầu năm 1982, tôi có lên phòng thày Trần Hoà Bình chơi, hồi ấy Thày ở chung với Thày Bùi Quang Thanh (Nhà D tầng 4 – khu tập thể giáo viên ĐHSP Hà Nội 2, Xuân Hoà). Tôi thấy thày Thanh trêu “Mày đẹp giai, nên em Xuân Quỳnh tuyển chứ gì!”, Thày Bình chỉ cười. Sau, Thày Bình bảo “Bà Xuân Quỳnh tuyển cho mình bài Thêm một vào tuyển tập thơ Tình bạn, tình yêu”. Đó là quyển thơ in khổ nhỏ, to gấp hai cỡ quyển loại “Bỏ túi”. Tôi đã chép bài thơ ấy, nhưng ban đầu quả thật không thấy hay lắm. Tôi chơi với Thày Hoà Bình từ năm 1979, khi trường mở CLB thơ sinh viên và thày Bình phụ trách biên tập đài truyền thanh nhà trường. Hồi ấy, Thày đã nổi tiếng với bài thơ “Cà Lồ giang” cái con sông cổ nhất Việt Nam và chảy qua khu vực Xuân Hoà:

Cà Lồ ơi sông chảy trước nhà tôi
Cái tên nghe âm âm một thời Việt cổ
Thuyền ai đó gác chèo bên bờ cỏ
Nghe tiếng vó bè cót két sông sâu
….
Nghe đâu, bài thơ ấy của thày hay, nhà thơ Tố Hữu khen lắm và mời Thày ăn cơm trưa với ông…

Còn về bài “Thêm một”, sau này, tôi đọc thêm nhiều lần, và bất chợt tìm ra cái vẻ đẹp của nó. Cái vẻ đẹp rất Trần Hoà Bình mà bao nhiêu người yêu, nhưng hỏi vì sao yêu thì rất khó diễn đạt thành lời.

Vẻ đẹp ấy nó bắt nguồn từ cái giai điệu được cấu trúc bởi các điệp từ xuyên suốt toàn bài. Cứ thêm một và thêm một, để rồi lại bớt đi, trừ đi… tạo ra sự day dứt ám ảnh.

Thi sỹ chọn những hình ảnh tiêu biểu :  Về thiên nhiên  là chiếc lá tiếng chim : “Thêm một chiếc lá rụng”, Thêm một tiếng chim gù” “Thêm một đêm trăng tròn”. Về thế giới con người với phạm trù hẹp tình yêu và hạnh phúc “Thêm một lời hứa“, “Thêm một người thứ ba”, “Thêm một thiếp cưới”. Những cái thêm ở đây hầu như là đẹp là vui cả (Thậm chí cả người thứ ba), nhưng cái hiệu quả của thêm lại hầu như là bớt, là sự mất mát lẻ loi. Trần Hoà Bình không phải người đầu tiên tìm ra cái quy luật cuộc sống phức tạp này. “Trong cổ học tinh hoa đã có chuyện tái ông mất ngựa”; Nhưng nhà thơ là người nói thành thơ được cái triết lý ấy. Bế Kiến Quốc trong bài thơ “Hoa huệ”(1987) có viết :
“Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa in trên tường lại đen ?”
Là nói rất hay về những bí ẩn của cuộc sống chứ không phải nói về quy luật như tác giả “Thêm một”.

Các câu thơ ngũ ngôn truyền thống, hình ảnh giản đơn gần gũi, cách ngắt nhịp chủ yếu là 2/3, làm cho cho mỗi câu thơ đọc lên nghe như một câu độc thoại chậm với nội dung nghiền ngẫm về cái đã biết , cái ngay trước mắt, cái sờ nắm được nhưng mặt trái của nó vẫn còn cần phải tiếp tục tri nhận chứ không thể dễ dàng, hời hợt mà nhận lấy mà đánh giá kết luận. Thêm một, có thể được một, có thể được nhiều hơn một. Thêm một chắc chắn mất một và cũng có thể nhiều hơn một. Hoá ra cuộc sống thực tế chủ yếu là những phép trừ. Và con người phải đối mặt với thế giới của toàn những phép trừ, để sống, để tồn tại, để trừ dần cuộc sống của mình. Suy cho cùng, tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian, trong cõi sống cũng là :
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – Phiền toái thay.
Nhận vào là hay, nhưng nhận vào cũng là dở và ngược lại. Đó vốn là quy luật của cuộc sống. Cái quy luật nhân sinh con người phải chấp nhận nó không trốn chạy được. Cái chân lý tưởng chừng như ai cũng biết ấy, nhưng thường không để ý, không vận dụng vào khi được nhận, khi thêm.

Trần Hoà Bình có dụng ý khi để khổ kết có hai câu, khác hẳn logic các khổ trong bài đều có bốn câu.

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay

Phải chăng nhà thơ muốn cái dư ba của bài thơ có hậu, hay không muốn thêm nữa? Bởi thêm nữa lại “Phiền toái thay”! Tôi nghĩ nó như một tri nhận của nhà thơ về điểm dừng cần thiết, không chỉ cho bài thơ này, mà còn cho con người trong cuộc sống đầy biến động. Hãy nghĩ trước những gì bị mất khi muốn thêm vào.


Mấy chục năm đã qua đi rồi, Thày Trần Hoà Bình đã về cõi vĩnh hằng trong một ngày đầu thu năm 2008, ở tuổi 53 đúng như câu thơ tiên nghiệm:
“Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu”
Có một mùa thu được sinh thêm và có một nỗi buồn cho tất cả những ai yêu quý Thày phải đau lòng tiếp nhận. Nhưng điều ấy khi đã đọc “Thêm một ” thì :
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một- lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – Phiền toái thay!

Báo Hải Phòng số Xuân 2013

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder