
Thời gian cũng thấm thoát trôi qua, số lần về thăm ngoại cũng thưa dần. Có lần ba mẹ tôi về nhưng tôi không về được vì phải bận học. Chương trình học của tôi ngày càng nhiều và nặng, vả lại ở cái thành phố này mà không tranh nhau học để thua bạn bè thì nhục lắm…
Thời gian cũng thấm thoát trôi qua, số lần về thăm ngoại cũng thưa dần. Có lần ba mẹ tôi về nhưng tôi không về được vì phải bận học. Chương trình học của tôi ngày càng nhiều và nặng, vả lại ở cái thành phố này mà không tranh nhau học để thua bạn bè thì nhục lắm.
Thuở nhỏ mỗi lần được ba mẹ dẫn về quê ngoại chơi là lòng tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Thậm chí tôi có thể quên cả ăn, ngủ để mong đến ngày được về quê thăm ngoại. Nói là thăm ngoại, nhưng thật ra không phải là hoàn toàn như vậy, mà cái làm tôi háo hức và thích thú nhất mỗi khi về nơi đây, đó là những chuyến phiêu lưu, những trò chơi lí thú nơi dân dã mà ở thành phố tôi chưa thấy bao giờ.
Mấy đứa em họ của tôi ở quê cũng xấp xỉ chừng tuổi của tôi. Mỗi lần nghe tôi về là tụi nó vui lắm, mà tôi cũng vui không kém gì. Vì chúng tôi hay kể những câu chuyện, những trò chơi mới lạ cho nhau nghe, thành ra đứa nào cũng mừng rơn khi được gặp nhau để nghe những câu chuyện mới hấp dẫn.
Nhà ngoại tôi không lớn, đó là một ngôi nhà ba gian được xây bằng gạch nung chắc chắn. Phía trước nhà ngoại có một con sông chảy qua, quanh năm xanh mát. Hai bên bờ sông là những hàng tre đứng san sát nhau, ngọn vút cao lên trời xanh. Những cành tre, lá tre đan xen nhau và xõa bóng xuống dòng sông giống như là mái tóc của những người thiếu nữ bồng bềnh trên mặt nước. Tôi rất thích cảnh vật ở nơi đây. Nó yên tĩnh, trong lành làm cho tâm hồn của tôi như đã thanh lọc được cái bụi bặm, náo nhiệt, xa hoa ở nơi thành thị.
Trong những đứa em họ của tôi thì thằng Khoa con của dì Sáu là thân nhất với tôi. Tôi học hỏi được ở nó rất nhiều. Nó giống như một “nhà nông thôn học” vậy, cái gì ở đây nó cũng biết, từ cách làm thế nào để bẫy chim, cách nào để cá dễ dàng cắn câu, cách chọi dế…rồi đủ các thứ trò khác nữa. Mà lạ thay là trò nào của nó cũng hấp dẫn , thu hút tôi rất nhiều. Cũng vì thế mà tôi nhớ có lần nó dẫn tôi đi bẫy chim chào mào, tôi cứ mê mải đi theo nó lang thang từ vùng này qua vùng khác mà quên cả thời gian là đã trưa rồi. Thấy quá trưa rồi mà tôi vẫn chưa về nhà ngoại ăn cơm, ba tôi liền cầm roi đi tìm. Lúc đó tôi và thằng Khoa đang nấp sau một lùm cây và nôn nao chờ đợi một con chim chao mào đang chuẩn bị sa chân vào bẫy, thì bỗng nghe bơm bớp hai tiếng vào mông. Ba tôi ở đằng sau quát lớn: “Chúng mày đi chơi mà quên cả giờ giấc, quên nhà luôn phải không? Chúng mày đi như thế ai biết ở đâu mà tìm? Về nhà là chết với tao”. Hai đứa chúng tôi bợ mông tháo chạy một mạch về nhà. Ba tôi trở về, định lôi tôi ra cho một trận nữa, nhưng may thay là có bà ngoại can ngăn và bên vực cho tôi chứ không là tôi đã hứng một trận mưa roi nhừ tử. Về phần thằng Khoa thì nó trốn biệt trong nhà nó, ai gọi nó cũng không trả lời, chắc có lẽ nó sợ bị ăn đòn giống tôi, nhưng thể nào dì Sáu cũng không bỏ qua dễ dàng cho nó đâu!
Trong nhà ngoại, bà ngoại là người thương tôi nhất, ngoại thương cả những cái sai của tôi. Vì vậy mà tôi cũng nhiều lần không bị ba đánh, chứ không là tôi phải chuẩn bị cái mo cau mà lót và mông sau mỗi lần la cà đi chơi với thằng Khoa hết câu cá, bắn bi, đá gà, tắm sông…
Lần nào cũng vậy, mỗi khi về nhà ngoại, là bà ngoại hỏi han và quan tâm tôi giống như là một đứa trẻ mới lên ba vậy. Ngoại hỏi là: “con có ăn gì chưa? Con có đói không? Để ngoại đi mua gì cho con ăn nha?…” Ngoại hỏi nhiều lắm, nhưng cái gì tôi cũng lắc đầu. Tôi thích đi chơi với thằng Khoa hơn vì những trò của nó hấp dẫn hơn những món ăn mà ngoại đã gợi ý cho tôi.
Thời gian cũng thấm thoát trôi qua, số lần về thăm ngoại cũng thưa dần. Có lần ba mẹ tôi về nhưng tôi không về được vì phải bận học. Chương trình học của tôi ngày càng nhiều và nặng, vả lại ở cái thành phố này mà không tranh nhau học để thua bạn bè thì nhục lắm. Vì thế tôi ít có thời gian về thăm ngoại hơn. Nếu có về thì cũng trong chốc lát rồi trở về lại thành phố. Rồi những ký ức tuổi thơ ở đây với ngoại, với thằng Khoa cũng xa dần, xa dần trong tôi. Cái tính phiêu lưu và thích khám phá của tôi vẫn còn mãi trong lòng tôi, vì thế mà tôi đã chọn thi vào một trường Đại học xa nơi tôi ở. Tôi ra Hà Nội học trường Y ngót mấy năm trời xa cách. Ở đây học khắc nghiệt lắm, hầu như phải tranh thủ mọi thời gian để dành cho việc học. Phần lớn, tôi chỉ liên hệ với gia đình thông qua điện thoại và chiếc thẻ ATM. Ngày lễ, tết, tôi không về mà ở lại để học thêm ngoại ngữ, và đi làm thêm để trang trải cho việc học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Đã mấy năm tôi cũng chưa về quê thăm nhà và thăm ngoại. Cho đến một hôm nhận được dự án khám bệnh và cấp phát thuốc cho những bệnh nhân nghèo nơi xa xôi hẻo lánh mà bệnh viện Trung ương hợp tác với trường của tôi cùng thực hiện. Tôi đăng ký tham gia dự án và tôi chọn về quê của ngoại.
Ngày về, tôi vẫn mang trong lòng một sự háo hức, nôn nao và cả sự vui mừng giống như cái cảm giác mà ngày nhỏ mỗi lần được ba mẹ dẫn về quê ngoại. Nhưng lần này còn có cả sự lo lắng nữa, lo lắng vì không biết ngoại sẽ như thế nào? Sức khỏe ngoại có còn được tốt không?. Tôi ghé về nhà để gửi lại một số đồ lặt vặt rồi bắt chuyến xe kịp về dưới ngoại. Bước xuống xe, tôi vẫn thấy khung cảnh yên bình, tĩnh lặng của nơi thôn quê. Nhà ngoại cũng vẫn thế, không có gì thay đổi, chỉ mỗi mấy cây cau đằng trước nhà là cao lên. Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi, những hàng tre đu đưa theo từng ngọn gió, những cánh có trắng toát lướt trên sông như một bức tranh thủy mặc. Tôi chợt mơ hồ lạc vào trong những ký ức của ngày xưa cùng với thằng Khoa câu cá, bẫy chim… được sống trong tình yêu thương của ngoại. “Ngoại”, từ ấy lại vang lên trong đầu tôi, tôi giật mình vội bước chân thật nhanh vào nhà. Tôi gọi ngoại, nhưng không có ai trả lời, mặc dù cửa trước vẫn mở toan. Tôi chạy ra sau vườn, thì thấy ngoại đang lui cui ngắt mấy cộng rau cải. Tôi gọi: “Ngoại ơi! Con đã về rồi nè ngoại”. Ngoại ngừng công việc của mình lại rồi hỏi: “Đứa nào đó bây!”. Tôi đáp: “ Con Ân đây ngoại”. Ngoại mới từ từ bước ra, lại tới gần tôi và ôm chầm lấy tôi nói với giọng nghẹn ngào đứt quảng: “Con khỏe không? Con về bao giờ? Ngoại nhớ con lắm”. Tôi thấy ngoại đã già đi nhiều, mái tóc ngoại đã điểm bạc nhiều hơn vì sương gió của cuộc đời. Ngoại không còn được minh mẩn nhiều như trước , nhưng sự hỏi han ân cần và quan tâm của ngoại thì vẫn như thế, vẫn như những ngày tôi còn thơ bé. Những ngày mà tuổi tôi thơ được tắm mát bên dòng sông quê, được đắm chìm vào trong những câu hát yên ả, thanh bình, những trò chơi hấp dẫn và đầy thú vị ở nơi đây.
Dẫu cuộc đời có đưa tôi trôi nổi về nơi đâu, nhưng tận sâu trong tâm trí của tôi vẫn hiện hữu rõ ràng một lối để trở về.
N.H.Â