Có một câu Kiều mà tương truyền nhà thơ Nguyễn Bính đã đọc được trước lúc lâm chung cho một số người nghe; “Rằng tài nên trọng rằng tình nên thương”. Câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du có lẽ quá mềm mại cho một thông điệp, nhưng dù sao, nó đã nói lên ít nhất là ở một vế rằng tài nên trọng. Chữ trọng ở đây mang hai ý nghĩa; Quý trọng và Trọng Dụng, phải biết quý trọng nhân tài thì mới Trọng Dụng Nhân Tài.
Liệu ở Việt Nam hiện nay đã Trọng Dụng Nhân Tài chưa? Câu trả lời là: Chưa. Người tài chưa bao giờ là số đông, nhưng ở mỗi người tài “Mỗi người là một người”, nghĩa là họ đầy cá tính, đầy độc lập và cũng đầy tự trọng. Tiếp cận với người tài không giống như tiếp cận với số đông và tuyệt nhiên không nên dùng cơ chế “xin – cho” với người tài. Vấn đề là làm sao phát hiện ra Nhân Tài, và dùng họ như thế nào để nhân tài có thể phát huy hết khả năng phục vụ đất nước. Nhân Tài chưa hẳn chỉ ở người có bằng cấp, dù là bằng cấp cao, nên nếu ngay từ đầu đặt “chuẩn phát hiện Nhân Tài” chỉ lấy cơ sở ở bằng cấp thì có khi bỏ sót, và nhiều khi lại thừa. Bởi có nhiều người có bằng cấp cao nhưng không phải nhân tài và ngược lại.
Doanh nhân Trần Vĩnh Hải
Khi phát hiện ra người tài, thì cách đối đãi, trọng dụng họ như thế nào sẽ quyết định cho việc người tài ấy sẽ giúp đời được tới đâu? Tôi nghĩ, với người tài, cũng gần giống như với người nghèo, nên cho họ “cần câu” hơn là cho “con cá” dù những khái niệm ở đây có sự khác biệt. Với người tài, không nên dùng chế dộ đãi ngộ, kiểu như “con cá” để thu hút họ, vì đã là người thực tài thì rất ít khi quan tâm tới vấn đề thuần túy vật chất. Nhưng người tài lại rất cần một môi trường làm việc thông thoáng, hiện đại và hợp tác, nơi họ có cảm hứng để sáng tạo, để phát huy hết năng lực của mình và họ cần sự đầu tư, trợ giúp về vật chất cho việc biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Môi trường làm việc cho người tài không hàm nghĩa “chức tước” vì những người tài cũng không quan tâm tới chức tước. Đừng dùng cách “ban chức tước” để khuyến khích họ, vì nhiều khi họ sẽ cảm thấy rất khó xoay xở với cái áo “quan chức”, trong khi lại rất cần “không khí” để làm việc.
Nếu chúng ta tổ chức được những “Không gian làm việc sáng tạo” thì sẽ không phải lo không thu hút được nhân tài. Và không nên “trọng” nhân tài theo kiểu “Nhất bộ nhất bái” vì nhân tài cũng là con người, có khi họ là những “con người người nhất” nữa kia, nghĩa là rất bình thường. Cách “trọng” tốt nhất đối với nhân tài là tôn trọng sự tự do làm việc của họ, dùng “tâm” mà đối đãi với họ một cách cởi mở và thật lòng. Và sẵn sàng hợp tác, trợ sức với họ để đưa những công trình sáng tạo ra ánh sáng. ứng dụng vào hiện thực cuộc sống.
TVH