Trong nhịp sống hiện đại, nghĩ về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Đình Minh

Đã có rất nhiều bài viết gán cho bài thơ “Nhàn” của Cụ Trạng những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối chọi nhau; Bài viết này không có ý mở ra cuộc tranh luận tiếp theo mà chỉ đề cập một góc nhìn thông qua các hình ảnh thơ  từ bài thơ mà thôi.

Đã có rất nhiều bài viết gán cho bài thơ “Nhàn” của Cụ Trạng những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối chọi nhau; Bài viết này không có ý mở ra cuộc tranh luận tiếp theo mà chỉ đề cập một góc nhìn thông qua các hình ảnh thơ  từ bài thơ mà thôi.

Sống chậm, điều hòa áp lực

Đây là một bài thơ chữ Nôm trong “Bach Vân quốc ngữ thi tập”, bài thơ không có tên gọi, nhưng người soạn sách giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho nó là “Nhàn”, hiện bài thơ có trong Sách giáo khoa Ngữ văn 10. Cũng như rất nhiều bài thơ Nôm khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ngôn cực kỳ dung dị mà người Việt Nam ở thế kỷ 21 vẫn có thể hiểu dễ dàng:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

 

Chúng ta đang chịu tác động rất mạnh của tiết tấu sống hiện đại, những lo toan, trách nhiệm bộn bề ; bên cạnh đó là những tác động từ  ham muốn, từ bị lôi kéo, cuốn theo… Đó chính là những áp lực đè nặng lên đời sống thường nhật, chính nó làm cho chúng ta chao đảo ngả nghiêng, vấp ngã. Đọc bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh hiện tại, chúng ta chiêm nghiệm được nhiều điều ; trước hết là bài học triệt tiêu áp lực của cuộc sống tạo ra sự cân bằng để tồn tại.

Khi tìm hiểu về Nguyễn Bỉnh Khiêm với vai trò vị trí và những áp lực ông phải gánh chịu giữa một thời kỳ lịch sử khốc liệt mới thấy cái cách ông thoát ra khỏi nó để sinh tồn như thế nào. Từ quan dứt chốn “lao xao”, tìm nới “vắng vẻ”, hòa nhập vào thế giới làng cảnh thiên nhiên, trở thành một sinh thể của nó nhịp nhàng với tiết tấu sống chậm hài hòa giữa lao động chân tay và thả lỏng tư duy mơ mộng. Đây chính là cái khác của Cụ Trạng, nghỉ ngơi trong vận động, thu sinh khí và tái tạo cơ thể: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dù ai vui thú nào”. Và quan trọng hơn với Cụ, đó là cái thú, một triết lý sống, chứ không phải là sự gượng ép một kiểu ứng xử của kẻ bất đắc chí. Có lẽ chính nhờ phương pháp sống cân bằng áp lực này mà Cụ mới có thể bình thản giữa thế sự đảo điên thời ấy và sản sinh nguồn năng lượng khổng lồ trong bộ óc, tạo ra sự nghiệp kinh bang tế thế hiển hách như vậy.

Ăn sạch, ở sạch nghĩ sạch

Ngày nay, chúng ta hô hào ăn sạch uống sạch tăng chất xơ, kiêng mỡ, ở sạch… khi đọc bài thơ mới thấy Cụ đã đặt ra và thực hiện vấn đề này  từ nửa thiên niên kỷ trước. Có hai câu thơ Cụ nói về ăn và sinh hoạt: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Tiêu chí ở đây là sạch, ngon bổ dưỡng, trong đó có cả ngon mắt và thoải mái khi hưởng thụ. Các báo khoa học cho biết măng Trúc có vị ngọt dịu, có thể luộc, sào ăn ngay, là thực phẩm thượng hạng cho ăn tươi. Khai thác măng vào tháng 8, 9, đây là thời điểm măng Trúc vừa nhú lên ngang mặt đất vả là mùa khô măng không hút nước nên vị ngọt đậm hơn. Còn mùa đông, cơ thể người thường phải tiêu thụ thêm năng lượng để chống rét. Do vậy, cần chọn thức ăn cung cấp nhiều năng lượng nhằm giữ cho cơ thể được ấm đồng thời tăng cường hệ miễn dịch và giá đỗ làm từ đậu nành, đậu xanh là thức ăn lý tưởng. Hiểu như vậy, chúng ta thấy Cụ Trạng như một nhà ẩm thực tịnh tế và thực sự “ hiện đại”.  Chuyện sinh hoạt mà tác giả chọn ở đây là chuyện “Tắm”. Mùa xuân thì tắm ở hồ sen bởi đây là thời điểm sen bắt đầu nhú lá xanh biếc chứ chưa xòe kín mặt, nó như tấm bình phong thiên nhiên rất thơ mộng, nhưng quan trọng hơn lúc này hồ sẽ trong vắt tinh sạch, vì chưa bị ảnh hưởng của nước mưa to chảy từ mặt đất xuống. Còn mùa hạ ao mới là địa bàn lý tưởng cho bơi lội vùng vẫy để xua đi cái nóng mùa hè. Cái thú tắm quả là vừa rất phong trần lịch duyệt đầy trải nghiệm vừa rất nghệ sỹ ung dung tự tại.

Có một câu về uống “Rượu đến cội cây ta sẽ uống” ; Đây là cách uống tỉnh, có điểm tựa được lựa chọn là gốc cây, uống như sự thưởng thức và quan trọng là uống sao cho vẫn minh mẫn để: “Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Và đến đây, thì ý nghĩ sạch xuất hiện, Cụ dứt bỏ “Phú quý” triệt để trong tư tưởng, bởi dưới góc nhìn của Cụ, nó như một nguyên nhân dẫn đến con người tự tạo ra áp lực cho mình và là nguyên nhân dẫn đến việc đánh mất mình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biết chủ động thụ hưởng những ưu đãi của thiên nhiên hào phóng ban tặng. Cụ đã tận hưởng lộc trời một cách sang trọng bằng phương pháp đem cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình hoà hợp với tự nhiên.

Những điều bàn trên đây phải chăng là một nguyên nhân cho Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm thọ tới gần một thế kỷ và để lại một gia tài đồ sộ nhiều lĩnh vực: Chính trị, văn chương, giáo dục, triết học… và trở thành ngọn núi lớn bóng trùm thế kỷ 16?

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder