Trung thu ở quê thời xa vắng – tản văn của Nguyễn Đình Minh

Người lớn hình như cũng bị lây cái không khí của bọn trẻ, nhiều nhà xay thóc nếp rang cốm. Tiếng cối xay ù ù rộn rã thôn xóm. Ở quê ngày ấy, vào thời điểm này, chỉ có lúa nếp khô. Hạt gạo nếp trắng mẩy không đem giã mà để nguyên đem rang trong những chiếc nồi đất…

Người lớn hình như cũng bị lây cái không khí của bọn trẻ, nhiều nhà xay thóc nếp rang cốm. Tiếng cối xay ù ù rộn rã thôn xóm. Ở quê ngày ấy, vào thời điểm này, chỉ có lúa nếp khô. Hạt gạo nếp trắng mẩy không đem giã mà để nguyên đem rang trong những chiếc nồi đất.

Những ngày gần áp tết trung thu trăng vàng như mật. Đầu tháng trăng như lưỡi liềm vàng ai bỏ quên bên bờ sông ngân, giữa đồng sao bát ngát. Cứ mỗi ngày tròn dần, như trái khế cong vàng ửng rồi thành quả thị méo màu vàng sáng… tròn dần, tròn dần và sáng trong văn vắt…

Chúng tôi, lũ trẻ của làng, bắt đầu rộn rịp sắm sanh cho cái ngày tết của trẻ con. Mùa thu cũng là mùa của bòng bưởi, các hạt bòng được nhặt gom lại, bóc lấy nhân hạt xâu vào chiếc que tre và phơi nắng cho khô kiệt, thành những chuỗi nhân hạt màu trắng ngà. Đó sẽ là những ngọn đuốc của chúng tôi. Bọn trẻ l;àng, đứa nào cũng khéo tay, buổi tối tước xương lá dừa, hì hục chẻ vót và đan những chiếc lồng mà mắt lưới nhỏ xíu, đó là những chiếc lồng đom đóm.

Cái mà lũ con trai thích nhất đó là chế tạo những chiếc trống. Tang trống làm bằng tre uốn tròn có độ cao chừng 5cm. Còn mặt trống thì quả là một kỳ công. Những con ếch to nhất được bắt lột da và căng phơi trong bóng râm để da khô từ từ, sau đó đem căng lên tang trống, dùng dây thun nịt chặt, khi gõ tiếng kêu bung bung rất ngộ. Có lẽ vì thế mà dân gian gọi là trống ếch? Và đèn ông sao thì đứa nào cũng có 1 chiếc. Làm đèn ông sao dễ nhất, chỉ việc lấy nan tre ghép thành 2 chiếc hình sao 5 cánh, chắp 2 hình với nhau, chống thêm 4 chiếc nan tạo ra hình sao theo khối là xong 1 công đoạn. Lấy giấy báo, quệt nước cơm vài lượt, sau đó giã củ nghệ hoặc quả dành dành, lấy nước sơn đậm là có 1 ông sao vàng. Muốn làm sao đỏ có thể lấy nước từ quả gấc hoặc giã phấn màu đỏ trát lên giấy. Ai không có những thứ ấy thì lấy gạch non, hoặc mẩu ngói ngâm dưới ao nghiền nát hòa nước cơm cũng có thể tạo ra màu đỏ.

Người lớn hình như cũng bị lây cái không khí của bọn trẻ, nhiều nhà xay thóc nếp rang cốm. Tiếng cối xay ù ù rộn rã thôn xóm. Ở quê ngày ấy, vào thời điểm này, chỉ có lúa nếp khô. Hạt gạo nếp trắng mẩy không đem giã mà để nguyên đem rang trong những chiếc nồi đất. Cốm rang thơm bay trong không trung quện với khói bếp chiều thành thứ mùi thơm chỉ nhớ ở trong hồn chứ không sao mà tả ra được. Nhà nhà đều làm khuôn bánh đúc. Người khéo tay dùng khuôn lá dừa theo 2 loại hình tròn và vuông. Tôi nhớ mẹ tôi bảo: dù không phải là tết nguyên đán, nhưng cúng trời thì vẫn phải vuông tròn. Đến bây giờ thì tôi hiểu cái triết lý nguyên sơ của người Việt vẫn được áp dụng ở tết Trung thu. Người ta dùng gạo nấu thật nát, cho 1 chút hằn the, một chút nước vôi trong, trộn với cốt dừa nạo nhỏ như sợi bún, nhà giàu thì thêm chút mỡ hoặc sườn lợn băm nhỏ. Tất cả thứ bột đặc sệt ấy được đổ vào khuôn dừa, hoặc bát gọi là bánh đúc. Tên gọi bánh đúc chính là do bánh được đúc từ loại bột gạo nấu chín kiểu này.

Và cái ngày chờ đợi đã đến. Hoa quả vườn nhà thì ê hề đủ loại, thiếu thứ gì có thể đi xin nhà hàng xóm, hoặc đổi cho nhau, nên mặc sức mà bày cỗ. Đám thiếu niên tập trung ở các sân kho hợp tác khua trống và đốt đèn ông sao do người lớn chế tạo. Chúng theo các anh chị phụ trách, đi theo hàng lối hô khẩu hiệu khắp xã. Bọn trẻ nhỏ hơn bắt đầu đốt các loại đèn tự chế. Những ngọn đuốc bằng nhân hạt bưởi cháy xèo xèo, ánh sáng trắng và bốc mùi thơm lạ. Những lồng đèn được thả đầy đom đóm “cháy” xanh lét, nhấp nháy kỳ ảo. và trống ếch khua bumbum…rộn rã khắp ngõ xóm chan vào tiếng trẻ vui cười. Những đứa con trai không sợ “ma” thì xếp hàng kéo nhau ra cánh đồng. Trong đêm nhìn đồng làng như có từng đám sao lung linh rớt xuống từ trời. Bọn con gái thì treo đèn ở vườn nhà ai đó tạo ra những vườn đèn nhấp nháy. Dưới tán cây tắm mướt ánh trăng, chúng rúc rích cười và thầm thì những câu chuyện tuổi thần tiên…Tất cả hoạt cảnh này diễn ra dưới trăng thu sáng rờ rỡ, giữa bầu khí quyển đêm quê mát trong như lọc.

Cũng có những năm đêm trung thu ung ủng màu đỏ. Đây là hiện tượng nguyệt thực, nhưng mẹ bảo đó là gấu ăn trăng. Đây là điềm xấu báo mùa màng thất bát. Những đêm như vậy làng vang lên tiếng gõ rộn rã, đó là tiếng người làng tôi đuổi con gấu hung dữ kia để bảo vệ vầng trăng. Mẹ huy động hết các loại thúng mủng nong, mẹt… anh em chúng tôi thi nhau gõ. Bọn trẻ không biết gì, nhưng được gõ thì rất thích vả lại chúng cũng không muốn con gấu kia ăn mất ông trăng của chúng nên gõ rất mạnh và hò reo. Những âm thanh ấy gọi nhau nhà nọ nối nhà kia trở thành bản nhạc rộn rã, khẩn thiết, lan ra khắp làng, khắp xã… Tiếng gõ chỉ chấm dứt khi trăng trở lại sáng bình thường. Hình như các nhạc sỹ của ta chưa ai tái tạo được bản nhạc dân gian đuổi gấu đêm trung thu; nhưng ở trong tôi khúc nhạc ấy vẫn nguyên sự rộn rã và phảng phất buồn, của những ngày xưa con người quá hiền lành, ngây thơ chân thật.

Bọn trẻ trở về nhà chừng 21 giờ, bánh đúc đã khô đông bày bên mâm ngũ quả. Nhà bây giờ đã có thêm khách. Làng có lệ, vào ngay trung thu mỗi nhà đón vài khách thường là các bà, các ông già cả hoàn cảnh neo đơn về cùng chung vui đêm rằm. Lũ trẻ mang hết những bó đuốc nhân hạt bưởi đốt và cắm khắp sân. Bố thắp hương vái lạy trời đất cầu mưa thuận gió hòa, sau đó mọi người cùng nhau phá cỗ. Miếng bánh đúc mềm ngậy và giòn sật bởi cốt dừa được mọi người thưởng thức trước tiên, sau đó là hoa quả. Nhớ nhất là những trái chuối tiêu chín trứng quốc vỏ vàng rộm được bóc ra tỏa mùi thơm lạ. Chuối được “chấm” với…cốm nếp rang, ăn vừa ngọt vừa thơm giòn. Mọi người cùng ăn uống và kể chuyện. Câu chuyện của người lớn thường là các hồi ức những ngày xưa tủi cực, chuyện làm ăn, nhân duyên. Bọn trẻ con thì “no bụng. đói con mắt”, nên cứ chén ào ào. Trăng thu lên cao dần nâng bổng bầu trời xanh ngắt và buông sáng xuống các sân nhà. Bọn trẻ mệt và ăn no, đứa thức thì ngồi tưởng tượng về câu chuyện chú Cuội chị Hằng Nga mà cô giáo vừa kể ở lớp lúc chiều, bọn nhỏ hơn thì nằm ngay trên sân mà ngủ, gương mặt  rạng sáng và những nụ mơ cười khánh khách bay lên giữa trăng khuya…

Đã có bao mùa trung thu đi qua, bao gương mặt người thân và bạn bè đã đi vào cõi vắng. Đêm trung thu ở quê bây giờ cũng không còn như xưa nữa, nhà cao tầng mọc san sát như thành phố, bọn trẻ chơi các đồ chơi điện tử đắt tiền. mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo ê hề, chỉ bày cho đẹp và mọi người ăn cũng chỉ ăn theo kiểu “hương hoa”. Tôi biết, theo dòng chảy công nghiệp, nét văn hóa của cư dân vùng lúa nước sẽ mai một dần và có thể chỉ còn sống trong những trang văn. Và vẫn biết rằng đổi thay là tất yếu để phát triển, nhưng có hàng trăm con đường đổi thay hãy chọn con đường đúng, con đường phù hợp với ước mơ của những mái làng.

Đêm nay tôi đứng trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại, thắt lòng nhìn vầng trăng nhọc nhằn lách mình ra khỏi những khối bê tông. Một nỗi lo sợ mơ hồ chạy qua tim tôi lạnh buốt: không biết con người có biến vầng trăng trung thu kia thành một thứ đồ cổ của tương lai hay không?

N.Đ.M

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder