Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẦN THỨ BA
ĐOÀN VIÊN
(Từ câu 2739 đến câu 2884)
Nỗi lòng Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy. Kim Trọng kết duyên cùng Thúy Vân, nhưng vẫn không nguôi thương nhớ Thúy kiều.
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
2740. Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
Từ ngày muôn dặm phù tang,
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Vội sang vườn Thúy dò la,
Nhìn phong cảnh cũ, nay đà khác xưa.
2745. Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời…
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Sập sè én liệng rường không,
2750. Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa!
Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
2755. Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
Hỏi ông, ông mắc tụng đình,
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà, nhà đã dời xa,
2760. Hỏi chàng Vương, với cùng là Thúy Vân.
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi.
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe, chàng thoắt rụng rời xiết bao!
2765. Vội han di trú nơi nao?
Đánh đường, chàng mới tìm vào tận nơi.
Nhà tranh, vách đất tả tơi,
Lau treo rèm nát, trúc cài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa,
2770. Càng ngao ngán nỗi, càng ngơ ngẩn đường!
Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng vội vàng chạy ra.
Dắt tay vội rước vào nhà,
Mái sau, viên ngoại ông bà ra ngay.
2775. Khóc than kể hết niềm tây:
“Chàng ôi, biết nỗi nước này cho chưa?
Kiều nhi phận mỏng như tờ,
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!
Gặp cơn gia biến lạ dường,
2780. Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.
Dùng dằng khi bước chân ra,
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần…
Trót lời nặng với lang quân,
Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
2785. Gọi là trả chút nghĩa người,
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên!
Kiếp này, duyên đã phụ duyên,
Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh.
Mấy lời ký chú đinh ninh,
2790. Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi.
Phận sao bạc bấy Kiều nhi!
Chàng Kim về đó, con thì ở đâu?”
Ông bà càng nói càng đau,
Chàng càng nghe nói, càng rầu như dưa.
2795. Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc ,thẫn thờ hồn mai!
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.
Thấy chàng đau nỗi biệt ly,
2800. Nhẫn ngừng, ông mới vỗ về giải khuyên:
“Bây giờ ván đã đóng thuyền,
Đã đành phận bạc, khôn đền tình chung!
Quá thương chút nghĩa đèo bòng,
Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?”
2805. Dỗ dành khuyên giải trăm chiều,
Lửa phiền càng dập, càng khêu mối phiền.
Thề xưa, giở đến kim hoàn,
Của xưa, lại giở đến đàn với hương.
Sinh càng trông thấy, càng thương.
2810. Gan càng tức tối, ruột càng xót xa.
Rằng: “Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa, giạt bèo.
Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
Những điều vàng đá phải điều nói không!
2815. Chưa chăn gối, cũng vợ chồng,
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng,
Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi.”
Nỗi thương nói chẳng hết lời,
2820. Tạ từ, Sinh mới sụt sùi trở ra.
Vội về sửa chốn vườn hoa,
Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.
Thần hôn chăm chút lễ thường,
Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
2825. Đinh ninh mài lệ chép thư,
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe.
Biết bao công mướn, của thuê,
Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
Người một nơi, hỏi một nơi,
2830. Mênh mông nào biết biển trời nơi nao?
Sinh càng thảm thiết, khát khao,
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Ruột tằm, ngày một héo hon,
Tuyết sương ngày một hao mòn hình ve.
2835. Thẩn thờ, lúc tỉnh, lúc mê,
Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.
Xuân huyên lo sợ xiết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!
Vội vàng sắm sửa chọn ngày,
2840. Duyên Vân sớm đã se dây cho chàng.
Người yểu điệu, kẻ văn chương,
Trai tài, gái sắc, xuân đương vừa thì,
Tuy rằng vui chữ vu quy,
Vui nào đã cất sầu kia được nào!
2845. Khi ăn ở, lúc ra vào,
Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa.
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư phòng,
2850. Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai, rầu rĩ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm.
Dường như bên nóc, trước thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng,
2855. Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.
Những là phiền muộn đêm ngày,
Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
Chế khoa gặp hội trường văn .
2860. Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
Cửa trời rộng mở đường mây,
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần.
Chàng Vương nhớ đến xa gần,
Sang nhà Chung Lão, tạ ân chu tuyền.
2865. Tình xưa ân trả nghĩa đền,
Gia thân lại mới kết duyên Châu Trần.
Kim từ nhẹ bước thanh vân,
Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương .
Ấy ai hẹn ngọc, thề vàng,
2870. Bây giờ kim mã, ngọc đường với ai?
Ngọn bèo chân sóng lạc loài,
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly.
Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri,
Quan san nghìn dặm, thê nhi một đoàn.
2875. Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao.
Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
Nàng Vân nằm, bỗng chiêm bao thấy nàng.
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
2880. Nghe lời, chàng cũng hai đường tin, nghi .
Nọ Lâm Thanh với Lâm Tri,
Khác nhau một chữ, hoặc khi có lầm.
Trong cơ thanh khí tương tầm,
Ở đây hoặc có giai âm chăng là?
N.D
________
Chú thích:
2741. Phù tang: phù trì đám tang, cũng nghĩa như hộ tang.
2748. Thôi Hộ đời Đường, nhân tiết Thanh Minh, đi đến nơi kỳ ngộ, tìm người con gái đã gặp gỡ năm trước thì chỉ thấy cửa đóng, người đi đâu vắng, nhân đó mà làm bài thơ, trong có câu: Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong. Nghĩa là: mặt người không biết đi đằng nào, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ. Cây này dùng câu ý thơ ấy để nói không thấy bóng dánh nàng Kiều ở đâu, chỉ thấy hoa đào vẫn cười với gió đông như năm xưa mà thôi.
2757. Tụng đình: sân kiện, nơi xử kiện. ở đây dùng với nghĩa việc chỉ kiện cáo.
2765. Di trú: dời đi ở chỗ khác.
2783. Lang quân: tiếng dùng để chỉ người chồng trẻ và chỉ những người trai trẻ nói chung.
1788. Lai sinh: kiếp sau. Câu này ý nói: nếu như chết mà còn có tri giác thì kiếp sau xin đền bù lại.
2789. Ký chú đinh ninh: ghi chú, dặn dò cặn kẽ.
2801. Ván đã đóng thuyền: Ý nói Thuý Kiều bây giờ đã về tay người khác.
2807. Kim hoàn: vòng vàng, vật Kim Trọng đưa cho Thuý Kiều làm tin lúc mới gặp nhau.
2824. Dưỡng thân: nuôi cha mẹ. Câu này ý nói: Kim Trọng thay Kiều phụng dưỡng ông bà hj Vương như cha mẹ mình.
2828. Lâm Thanh: Mã Giám Sinh nói dối là quê ở đó, nên Kim Trọng mới sai người đến đây hỏi thăm tin Kiều.
2859. Chế khoa: Khoa thi do ý vua mà mở ra, khác với khoa thi thường.
2860. Bảng xuân: bảng thi cử về mùa xuân, ý nói thi đỗ.
2861. Cửa trời: cửa nhà vua.
Đường mây: đường công danh, làm quan.
Dặm phần: ý nói Kim, Vương khi thi đỗ về quê vinh qui.
2864. Chu tuyền (hay chu toàn): làm cho được tròn vẹn. Câu này ý nói: Vương quan làm rể họ Chung.
2866. Gia thân: do câu thân thượng gia thân, ý nói trước kia hai nhà đã thân nhau nay lại kết nghĩa Châu Trần, để cho thân thêm nữa.
2870. Ngọc đường: Đời Tống Thái Tông, vua đề ở dinh Hàn Lâm ba chữ Ngọc đường thự. Đời sau bèn dùng những chữ Kim mã ngọc đường để nói chung cảnh quan gia phú quý.
2873. Ngoại nhậm: làm quan ở cõi ngoài (không phải ở huyện nhà).
2874. Thê nhi: vợ con.
2875. Phụ Tử Tiện đời Xuân Thu, làm quan huyện, thường hay gảy đàn, người sau bèn gọi đinh quan huyện là cầm đường.
2876. Triệu Biên đời Tống, đi làm quan, chỉ đem theo một con hạc và một cây đàn, tỏ ra người liêm khiết cao thượng.
2883. Thanh khí: câu này ý nói: Thuý Vân, Thuý Kiều là hai chị em ruột, cho nên dễ cảm thông với nhau.
2884. Giai âm: tin tốt.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984).