Năm mươi mốt bài thơ trong tập Ga nổi ghi dấu một cuộc “trở dạ”- lẽ dĩ nhiên là nhiều đau đớn để rồi manh nha, hình thành một gương mặt thơ có thể ghi dấu ấn đặc biệt trên diễn đàn thơ trẻ hôm nay.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về tập “Ga nổi” của nhà thơ Phạm Thuý Nga.
Năm mươi mốt bài thơ trong tập Ga nổi ghi dấu một cuộc “trở dạ”- lẽ dĩ nhiên là nhiều đau đớn để rồi manh nha, hình thành một gương mặt thơ có thể ghi dấu ấn đặc biệt trên diễn đàn thơ trẻ hôm nay.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về tập “Ga nổi” của nhà thơ Phạm Thuý Nga.
Người ta hay nói đến sự bất ngờ trong đời sống và đặc biệt trong văn chương. Thường thì sức đọc của một người làm công việc phê bình như tôi cũng có cái giới hạn nhất định của nó. Vì nhiều lẽ khách quan và chủ quan. Khách quan là ở chỗ, đây là thời thịnh vượng của thơ ca (nhà nhà làm thơ, người người làm thơ). Thơ in trên giấy đã nhiều, thơ facebook lại càng hằng hà sa số. Vậy nên bất kỳ ai cũng có thể rợn ngợp trước biển thơ. Sức người thì có hạn, đa số thường lực bất tòng tâm. Nhưng đôi khi như là hữu duyên thiên lý thì năng tương ngộ. Cách đây hơn tháng, tôi về Đồ Sơn (Hải Phòng) hai tuần tham gia trại viết Cây bút vàng do Chi hội nhà văn Công an và Nhà xuất bản CAND đồng tổ chức. Thực ra được mời dự trại như tôi là một đặc cách của Ban Tổ chức. Mình có sáng tác văn thơ gì đâu, chỉ thỉnh thoảng viết phê bình chơi. Nhưng mà được mời thì thấy vinh dự và tự hào. Trong chương trình hoạt động của trại có một buổi giao lưu với Câu lạc bộ Thơ Văn hóa doanh nhân Hải Phòng. Chính trong sự kiện này tôi đã nhận được một bất ngờ khi nghe Thy Nguyên (Phạm Thúy Nga) lên đọc một bài thơ viết vào những ngày có những kẻ đang tâm tàn sát cây xanh ở Thủ đô Hà Nội cách đây chưa lâu. Tứ thơ không thật mới mẻ nhưng cái tình của người viết thì đượm đà. Hơn thế ám ảnh một nỗi đau trước thảm họa thiên nhiên bị chính con người gây nên. Được biết thêm Thy Nguyên đã khóc khi viết bài thơ này. Sau này quen rồi biết chị là Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Vậy là biết thêm một Người Thơ của thành phố Hoa Phượng Đỏ. Đây là người thơ Hải phòng (kể cả dâu, rể) thứ năm mà tôi có cơ hội đọc trọn vẹn một tập thơ và viết lời bình (Nguyễn Tùng Linh với Biển mùa đông, Đinh Thường với Đi qua thung nhớ, Trịnh Toại với Bến nghiêng, Nguyễn Thị Năm với Thức đợi vầng trăng và Phạm Thúy Nga với Ga nổi). Tất nhiên Hải Phòng còn là đất thơ của nhiều thi nhân nổi danh khác. Nhưng xin thưa trước là tôi không phải là người sành thơ, đọc không được nhiều thơ bằng văn xuôi. Nhưng đọc ai, thích ai đôi khi lại cũng khó cắt nghĩa cho ngọn ngành kiểu như “đố ai định nghĩa được tình yêu”. Và khi cầm bút viết phê bình thơ là tôi tự thấy mình “liều”.
Thật bất ngờ khi biết Phạm Thúy Nga cho đến nay đã sở hữu 4 tập thơ (đều in tại nhà xuất bản Hội Nhà văn, từ năm 2010 đến 2015: Sân người, Cầm mưa, Phố đông người, Ga nổi). Phải kể thêm một tập thơ in chung Đa mang anh. Không có điều kiện đọc 3 tập thơ trước nhưng chỉ riêng Ga nổi đã có thể khiến tôi có vẻ như hiểu được thơ Phạm Thúy Nga – một người biết cách tự bạch bằng thơ. Lại nghĩ đến cái cảnh gạo châu củi quế thời nay mà “liều” bỏ tiền in tới 4 tập thơ thì quả là người tuẫn tiết vì Nàng Thơ (như tập Ga nổi in đến 2000 cuốn). Nếu không phải là một cuộc chơi theo đúng nghĩa của từ này thì là vì cơn cớ gì? Người phụ nữ có vẻ bên ngoài bình thường này lại tiếp tục gây bất ngờ cho tôi khi đọc thơ – chủ thể của những bài thơ này là một người “đa nhân cách”: vừa lý trí vừa tình cảm, vừa hiền thục nhưng cũng không kém phần “đanh đá”, vừa mãnh liệt nhưng lại biết tiết chế, cô đơn đến tận cùng nhưng mấy ai biết vì lúc nào người khác cũng thấy lao vào công việc, như thể “người rất bận ngày ngày vô tận”. Một người phụ nữ cùng lúc phải đóng nhiều “vai” trong gia đình. Một cá nhân nhiều thân phận. Một lần tao ngộ văn chương, một bạn văn tầm tuổi tôi, là người viết văn xuôi rất nổi tiếng, “phán” một câu: “Đã là người viết văn thì phải có thân phận thì văn mới sâu được”. Đúng thế chăng?! Đôi lúc như thể nhàn rỗi người thơ này thử Định nghĩa (nhan đề một bài đầu tập thơ) mình và những chuyện đời chẳng mấy khi như mong muốn: “Chẳng còn nhớ thế nào là một người đàn bà đúng nghĩa/Cơm áo và hai vai diễn lên ngôi/Em đùa nghịch với nắng cát thế thôi/Quay lại đi/Định nghĩa mình cho đúng”. Nó là một tâm thế phức hợp (chứ không phải phức tạp) của một người phụ nữ đáng lẽ chỉ cần đóng một vai hiền thục, bình an trong cái tổ ấm con con, một gia đình bé mọn nhưng chất chứa đầy hạnh phúc. Nhưng chẳng đừng được mà phải xắn tay lên làm tất cả những gì cho cuộc sống của mình. Vì thế mới: “Có bao nhiêu thứ phải nhớ mà trót quên định nghĩa/Người đàn bà theo đúng nghĩa thế gian/Em hỏi mưa chỉ thấy mưa nhóm nhen lắc thắc/Tay buộc phận mình sao gỡ nổi tượt trơn”.
Đọc thơ Phạm Thúy Nga tôi cứ váng vất nhớ tới thơ của nữ nhà thơ thế hệ 7x, từng viết Rỗng ngực. Ở đây cũng rỗng, nhưng không phải “ngực” mà rỗng những “ký tự”, rỗng “đêm”. Một bài thơ có tứ hay, nhan đề Ký tự rỗng… Không biết có đúng bài thơ này được viết ở Hội An hay sau khi ở danh thắng đó trở về? Tôi dám chắc thế vì ở Hội An rất nhiều đèn lồng (một thứ quà lưu niệm phổ biến). Bài thơ có cái khắc khoải của một người dẫu đứng giữa cuộc vui hay khi bình lặng sóng gió nhất vẫn cứ cảm thấy bất an, bất ổn: “Phố rảo bộ rớt tóc em vây bủa/Một buổi chiều có đến bảy hoàng hôn/Em bắt đầu từ góc ngày lẫm chẫm/Buộc ban công vào đọn tóc dửng dưng/Tiếng chân bước hay góc phố Hội An/Chưa kịp rử trong đèn lồng thân phận/Khe khẽ nhuộm mình đồng vọng/Cài then một ngày khóa ký tự rỗng đêm”. Tôi thích nhất câu “Một buổi chiều có đến bảy hoàng hôn” trong bài thơ này. Ngày còn trẻ tôi biết đến hoàng hôn tím qua bài hát Nga nổi tiếng một thời với ca từ mượt mà “Chiều dần buông màu tím, vẳng trên sông lời hát êm đềm”. Rồi cũng đã trải nghiệm nhiều hoàng hôn khác màu đỏ rực. Một lần đọc văn của một cây bút bút nữ viết truyện ngắn lại thấy thêm hoàng hôn màu nâu đất ở thôn quê. Ở thành phố hơn 6 triệu dân như Hà Nội, tôi thấy hoàng hôn màu xám khi không khí bị ô nhiễm nặng vì khí thải ô tô, xe máy và các nhà máy. Nếu một buổi chiều có đến bảy hoàng hôn thì hoặc là phải có sức tưởng tượng phi thường, hoặc là có quá nhiều trải nghiệm, quá nhiều thân phận, quá nhiều tâm trạng mới có thể viết như thế.
Bài Ga nổi được dùng làm tên cho cả tập thơ. Bài thơ ngắn chỉ có 4 dòng: “Phố buồn mà bóng em trượt tay/Anh đi miết một con đường chưa tới/Tiếc chúng mình không cùng nhau đi nổi/Một sân ga trong ga nổi đời người…”. Những nỗi niềm nuối tiếc như thế ẩn tàng trong thơ Phạm Thúy Nga, lúc rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật, lúc phiêu bồng, bảng lảng. Nó ánh phản một trạng thái dở dang, đứt đoạn không chỉ trong tâm thức mà cả trong hiện thực. Cái gì cũng lỡ làng, dang dở, nên mới “tiếc”. Bài thơ Cho tuổi 35 còn tươi nguyên mùi mực in trên giấy trắng. Nó như một cách nửa đời nhìn lại. Bỗng thấy một cách hết sức rõ ràng: “Đêm ấy/Mưa không thành tiếng/Mẹ thắp lên những vì sao ướt/Để đêm nay con 35”. Người phụ nữ ở tuổi 35 này nghĩ gì về đời mình? Không thấy niềm hoan ca nào cả dẫu cho lứa tuổi ấy người phụ nữa đang ở độ đằm thắm, viên mãn. Vậy mà nhìn lại chỉ thấy: “Con tắm mình sau những bất định”.
Thơ Phạm thúy Nga trong tập này đặc trưng cho cả đường thơ dù chưa dài nhưng đủ bằng chứng cho thấy một hồn thơ trĩu nặng suy tư, tràn trề cảm xúc nhưng không hề ủy mị, thướt tha. Năm mươi mốt bài thơ trong tập Ga nổi ghi dấu một cuộc “trở dạ”- lẽ dĩ nhiên là nhiều đau đớn để rồi manh nha, hình thành một gương mặt thơ có thể ghi dấu ấn đặc biệt trên diễn đàn thơ trẻ hôm nay. Dĩ nhiên vẫn còn nhiều non nớt của nghề thơ. Nhưng có lẽ khởi đầu viết thơ người này chưa chú tâm nhiều đến kỹ thuật. Mới chỉ cốt nói cho hết tâm trạng của mình. Mới chỉ cầu sự chia sẻ của độc giả. Nên cũng đành lòng vậy cầm lòng vậy.
B.V.T