“Ngỡ ngàng ai biết” (NXB Hội Nhà Văn – 2024) là tập thơ in riêng thứ 3 của Hoàng Tuấn Thiệu khi tác giả tròn tuổi 80. Mỗi bài trong tập thơ này là một dấu ấn kỷ niệm đẹp trong đời ông gắn với những tháng năm hào hùng của đất nước và bước đột phá đi lên của thành phố Hải Phòng quê hương.
“Ngực đầy câu hát vươn khơi
Những con tàu kéo xa xôi lại gần”.
(Hải Phòng)
Có đọc những bài thơ của Hoàng Tuấn Thiệu viết cách đây hơn 60 năm khi mới 18 tuổi càng hiểu rõ vì sao thơ đã theo ông suốt cuộc đời. Ông có tới 13 năm mặc áo lính đầy lạc quan chiến thắng, viết báo, làm thơ và đánh giặc, mang tới cho ông một tâm hồn thi sĩ.
Người cựu chiến binh ở phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng) này vẫn trẻ trung trên từng trang viết, để nhớ cái thuở là một chàng trai miền quê An Lão đã vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Tác giả cũng bày tỏ được tình yêu quê hương, đất nước, thông qua những bài thơ viết về một số nơi người chiến sĩ thông tin Hoàng Tuấn Thiệu một thời oanh liệt từng gắn bó, kể cả những vùng đất mà gần đây ông đã tới để thêm yêu cảnh, yêu người và yêu thơ.
Thơ đã theo Hoàng Tuấn Thiệu suốt cuộc đời. Tròn 13 năm mặc áo lính đầy lạc quan chiến thắng, viết báo, làm thơ và đánh giặc, tác giả sớm tìm cho mình một tâm hồn thi sĩ. Những bài thơ ông viết ở chiến trường năm xưa khi tuổi thanh xuân tràn đầy sinh lực thật đáng nâng niu. Một cánh rừng thắm nở hoa phong lan, một đỉnh núi hùng vĩ bên bờ biển biếc, một mùi hương bồ kết nơi quê nhà… đi vào thơ ông thật tự nhiên, dung dị, đằm cảm xúc.
Hoàng Tuấn Thiệu có khá nhiều bài thơ thể hiện sâu đậm tình thơ, tình người với các đồng đội năm xưa, với các bạn thơ xa gần hôm nay. Những cuộc gặp gỡ, chia tay giữa đời thường luôn đem đến cho tác giả những ý thơ thú vị. Chẳng hạn :
«Em trùm lên anh cho thoả lòng khao khát
Thấm vào lòng muối mặn tình sâu
Dù em thở than sóng đã bạc đầu
Anh vẫn tìm em đến tận cùng đáy biển ».
(Sóng)
những bài thơ tình. Ông viết về mối tình chớm nở nơi quê nhà – thôn Bách Phương, xã An Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Hình bóng người thôn nữ dịu dàng đó đã in sâu trong trí nhớ của chàng trai vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Ông viết về tình chồng nghĩa vợ nồng nàn thuở mới cưới sau ngày đất nước thống nhất và thắm đượm bên nhau qua bao tháng năm vất vả đến khi tuổi về già vẫn tràn ngập yêu thương. Ông viết về tình cảm trìu mến, đôn hậu của một người cha đầy trách nhiệm với các con, của một người ông nhân đức, hiền từ, với từng đứa cháu nội ngoại. Ông viết về tình thơ, tình người của các bạn thơ xa gần lấy câu chữ trao thương gửi nhớ, vịn vần luật ngôn từ để thỏa nỗi mộng mơ. Vượt lên tất thảy là tình yêu quê hương, đất nước, nơi gắn bó hình ảnh miền quê ấu thơ, những chặng đường hành quân và bao vùng đất mà ông đã tới để thêm yêu cảnh, yêu người và yêu thơ.
Từ ý nghĩ hóm hỉnh vụt lóe hoặc trải lòng đắm say trước một cảnh đẹp, một bóng hồng nào đó mà Hoàng Tuấn Thiệu chỉ có thể gửi nỗi niềm vào thơ, đã giúp cho ông có nhiều bài thơ ngắn, đa phần là thơ lục bát. Những bài thơ tặng bạn bè có phần riêng tư mà vẫn ít nhiều tạo rõ dư vị thơ ông. Ví dụ:
“Ai mang phượng vĩ lên trời
Để tôi nhặt ánh sao rơi giữa chiều
Ai xe những sợi chỉ điều
Để tôi bị trói tình yêu với nàng
Ai gom hết ánh trăng vàng
Để tôi gói lại mang sang tỏ tình”.
(Hỏi)
Hoàng Tuấn Thiệu trải lòng mình qua những trang thơ để bồi hồi nhớ lại một thời gian khó của cặp vợ chồng trẻ sau ngày đất nước thống nhất, bươn trải mưu sinh giữa thời bao cấp, nhưng sau hàng chục năm chung sức chung lòng làm ăn, nuôi dạy con cái, đến nay vẫn nồng nàn như hồi mới cưới, vẫn tràn ngập yêu thương. Tác giả viết về tình cảm trìu mến, đôn hậu của một người cha đầy trách nhiệm với các con, của một người ông nhân đức, hiền từ, với từng đứa cháu.
Hoàng Tuấn Thiệu vẫn giữ được sự tươi vui ở từng câu chữ mộc mạc và không chịu già hóa bởi tuổi tác hay nếp nghĩ thâm trầm của lớp người cao tuổi. Vẫn có thể tìm thấy ở đây tấm lòng chân thành, ý thơ đôi chút dí dỏm, lãng mạn và toát lên trên hết là trách nhiệm công dân của một người cầm bút không chuyên, là phẩm chất cao đẹp của một cựu chiến binh luôn nhiệt tình với phong trào văn hóa – văn nghệ ở địa phương.
Cả tập thơ là tiếng lòng chân thực của một hồn thơ luôn vươn tới cái đẹp ở đời. Thơ sẽ giúp tác giả vui khỏe, thân thiện và đáng yêu hơn trong mắt người thân và bạn bè gần xa.