Vanhaiphong: Nhân dịp kỉ niệm CMT8 và Quốc khánh 2/9 mời các bạn đọc một tự truyện của hoạ sĩ Lê Bá Hạnh viết về những ngáy ấu thơ giữa khung cảnh đói kém khủng khiếp của năm Ất Dậu 1945…
Vanhaiphong: Nhân dịp kỉ niệm CMT8 và Quốc khánh 2/9 mời các bạn đọc một tự truyện của hoạ sĩ Lê Bá Hạnh viết về những ngáy ấu thơ giữa khung cảnh đói kém khủng khiếp của năm Ất Dậu 1945…
Suốt cả tuổi thơ, tôi lê la khắp sân rồi về gốc cây chanh đào đất làm đình chùa; lấy con ốc điếu làm cột, lấy vỏ sò làm mái… Rồi dựng lên những đám rước đám lễ, cũng bắt chước các cụ kéo dài giọng: “Hương, tế, bái, phục…” Trước mắt tôi là một rừng cờ lễ hội và chính tôi cũng được chắp cánh bay theo như đàn kiến nối đuôi nhau khiêng mồi về tổ…
Chị tôi bỗng hấp tấp chạy ra gốc chanh hái lá, mẹ còn dặn với ra điều gì hệ trọng. Chị tôi vô ý vấp phải đống đồ chơi làm xiêu vẹo đổ hết. Đang reo vui cùng lễ hội bị phá đám, tôi nằm lăn ra đất khóc thét: “…bắt đền…!” Chị tôi lại to họng mách lẻo với mẹ: “…nó đào bới hỏng hết rễ chanh, con dẹp đi nó còn vòi, bẩn rách hết quần áo rồi..” Tôi mong mẹ ra nhìn thấy sự oan ức để phán xử bênh vực. Nhưng mẹ tôi đang bận việc gì ghê gớm nên chẳng thèm nhìn ra xem xét sai đúng thế nào đã quát mắng cho là nghịch ngợm chị bảo còn bướng không nghe là ăn roi. Được thắng thế chị tôi quay lại cười trêu tức, ngón tay cái tì vào cánh mũi, bốn ngón còn lại vẫy vẫy như cờ bay, mắt tít cười hí hửng..
Đâu có hiểu được, họ hàng đang ép bố mẹ tôi làm mâm xôi con gà ra đình mua “nhiêu” – cái chức sắc nhỏ nhất ở làng. Trong lúc cả tổng cả huyện đang đói kém chạy ăn từng bữa nên bị mắng oan là thế. Cả những chuỗi ngày tháng ấy tôi ghét chị tôi cay đắng, cứ ấm ức mãi về sự không công bằng. Nó như cái gì ấy cứ gậm nhấm cứ lớn dần; làm thui chột đi những gì mới chớm nở; nó thổi tắt đi những gì được nhen nhóm. Cái ấn tượng “không công bằng” ấy cứ đi suốt tuổi thơ tôi, nó dai dẳng như bóng với hình, mỗi ngày mỗi nặng chùm kín đè lên hết sự việc…
Mãi sau khi trưởng thành, lúc đông đủ vui vẻ, tôi nhắc lại chuyện dưới gốc chanh, mẹ tôi không nhớ đã đành, chị tôi cũng quên tịt: “Hơi đâu nhớ chuyện vặt ấy” … có lẽ chị tôi đã nói thật. Người lớn còn phải lo bao nhiêu công việc cơm áo hàng ngày. Đó là những ngày dưới chế độ phong kiến thực dân, mẹ tôi đâu có được ai bênh vực và đối xử công bằng, thì trẻ con chúng tôi sao dám đòi công bằng, bênh vực, điều ấm ức là lẽ đương nhiên. Nhưng với tuổi thơ tôi, chuyện đó đâu có nhỏ. Tôi cay đắng nhận ra như vậy.
Sau này tôi mới hiểu ra, đó là ngày kinh tế cả vùng khó khăn nhất, mấy năm liền vỡ đê ngập lụt. Tiếp đến quân Nhật tràn vào giết người vô tội vạ. Cả cánh đồng làng phải nhổ lúa trồng đay. Nhiều nhà đã hết gạo đứt bữa, nhiều người ở phủ Nam Định, Thái Bình đói ăn đã khăn gói đi khắp nơi xin làm thuê, buổi tối về quán chợ nằm la liệt co ro chỉ manh chiếu rách. Mùa đông năm đó sao mà rét tê rét buốt, lại kéo dài lê thê…
Nhiều lần nửa đêm thức dậy, nghe bố mẹ tôi rì rầm bàn soạn chuyện sấm ký Trạng Trình rồi ra ruộng cày thành luống, bổ hố ươm ngô. Chị em tôi cũng được theo ra đồng ngồi chơi dưới tán mấy lá cọ xua chim khỏi đến ăn mất hạt ngô giống, cả ruộng đã cắm cờ trắng dày đặc dựng cả hình nộm đội nón khoác áo tơi tay cầm cờ gió phất phơ mà chim chẳng sợ vẫn lăn xuống tìm thức ăn. Có lẽ chúng cũng ở thời kỳ đói khát như con người nên phải liều mạng kiếm sống.
Tôi mới học được đánh cờ “gánh” cầm quân đã biết dàn hàng ngang tiến dần từng bước dồn tướng vào một góc bí nước là thua. Chị tôi sắp thua là lấp liếm đi đè lên quân của tôi “gánh” hai quân phá vòng vây. Tôi bắt quả tang nhiều lần phát chán, nhưng chơi một mình lại chán hơn. Tôi cứ bắt chị tôi làm đối thủ và chúi đầu xuống ăn thua. Mấy ván thua liên tục, chị tôi lại giở trò ăn gian, cải xóa. Tôi muốn hét toáng lên vì bị ức hiếp… Mẹ tôi từ xa chạy lại “thét rẹt” xua đàn chim xuống ăn ngô giống, sẵn roi trong tay mẹ vụt tới tấp vào lưng chị tôi, ngọn roi dài vòng sang tôi rát bỏng. Chị khóc sướt mướt van xin đổ hết lỗi cho tôi.
Tôi bị bữa đòn oan thật ra không oan tý nào. Bữa ăn tối bát cháo của mẹ lõng bõng toàn nước, vì dành ngô gieo dặm vào chỗ chim đã ăn mất (chuyện đó mãi sau này tôi mới biết) Bố tôi nhặt ở đâu về một đống ống bơ rỉ; mỗi ống chứa vài viên sỏi treo lên đầu cột, các cột được nối với nhau liên hoàn chỉ ngồi trên đầu bờ kéo dây là ống bơ kêu “rủng roảng” không phải hò hét rát họng đuổi chim. Thế là chị em tôi thả sức kéo dây xua chim, vừa đánh cờ thoải mái. Công việc xua chim ngoài đồng bị nắng gió rát mặt nhưng tôi thích thú thực thụ, mong cứ được làm mãi thế này, chị tôi bĩu môi dí tay vào trán: “Cứ mãi thế này thì chết đói à”.
Bố tôi đã phải vay chum thóc giống để xay giã nấu cháo độn củ nâu ăn qua ngày. Dọc đường nhiều người đã gục xuống chết đói. Người ngồi góc chợ buổi chiều còn dơ tay xin ăn, sáng ra đã chết cóng, đứa con nhỏ hai tay còn ôm vú mẹ khóc không ra hơi… Ai trông thấy cũng rơi nước mắt mà không biết làm thế nào vì chính họ cũng đói vàng mắt không biết có sống qua đận này hay không?
Bố mẹ tôi trông vào ruộng ngô. Chị lớn phải dậy từ tờ mờ sáng đi nhặt phân trâu ở các bãi cỏ và mọi nẻo đường. Bố tôi xuống bãi sú hái lá cây băm nhỏ rồi ủ với phân trâu để bón vào gốc ngô. Chị thứ hai và mẹ tôi luôn chân gánh nước tưới ẩm đất, làm cỏ, vun gốc…
Khi chuẩn bị phân bón cho vườn ngô đã đủ. Bố tôi phải lên rừng chặt các loại cây sim, le, thanh hao, ràng ràng, về chôn dựng xung quanh vườn vây kín thành hàng rào bảo vệ. Công việc khá vất vả bố tôi phải làm tròn một tháng, cũng may chú Lạc có vườn liền kề bên cạnh, hai nhà bảo nhau mỗi người chỉ rào ba mặt là khép kín. Chỉ để một lối đi chung, cửa có then cài khóa chống cẩn thận. Giữa vườn mỗi nhà làm một chòi cao để trông trộm, vũ khí bảo vệ là thanh thước gỗ lim và đống đá cuội nhỉnh hơn quả trứng gà…
Mẹ tôi đi chợ về kể chuyện. Lão lý Hào thuê hai mẹ con người Thái Bình làm quần quật cả ngày mà chẳng được ăn no, lại quỵt cả tiền công, khi bà mẹ kiệt sức ngã xuống, chân sưng to không làm được nên sinh sự đuổi đi. Hai mẹ con phải đến chợ xin ăn, bàn chân sưng to không lê được mà nước mắt ròng ròng, đến sáng nay còn ngấp ngoải bọn lính khố xanh đã lôi lên xe bò đổ đống ra nghĩa địa, đứa con gái gầy như que củi cố bám theo gào khóc mà vô ích…
Hai sào ngô của hai nhà liền nhau đã ra bông, râu ngô đã nhú dài, hứa hẹn cứu đói mấy chục con người nên hai nhà dồn sức chăm sóc bảo vệ. Ban ngày tụi trẻ chúng tôi thả sức chạy nhảy nô đùa. Đến đêm bố tôi và chú Lạc mỗi người một chòi canh, thỉnh thoảng lại gõ xoong nồi rủng roảng, đánh tiếng gọi nhau í ới thế mà vẫn bị mất trộm. Không hề nghe tiếng “sột soạt” cọ vào lá ngô; không hề nghe tiếng “rắc” khi bắp ngô được bẻ khỏi thân cây, mà kỳ lạ mỗi ngày chỉ mất một bông ngô to nhất dù đó chỉ là cùi non, lại không để lại dấu vết xé rách hàng rào, y như kẻ trộm bay từ cung trăng xuống rồi bay đi; kỳ lạ nữa là hôm nay vườn này mất, hôm sau đến vườn kia cứ đều đặn thế ba bốn ngày liền. Bố tôi và chú Lạc tìm mờ mắt mà bất lực. Chú Lạc giận tức điên người, đến ngày thứ năm ngụy trang mật phục thế nào mới tóm gọn được tên trộm còm giắt bông ngô ở vạt áo. Chú Lạc trói tên trộm vào cột chòi gác nhất định phải băm vằm thiêu sống mới bỏ tức. Trời cũng vừa rạng sáng, cả làng kéo đến xem. Chị em tôi cũng dắt nhau đến nhìn tận mặt, mẹ tôi nhận ngay ra con bé đã làm thuê cho nhà Lý Hào, mẹ chưa chết hẳn đã bị đem chôn, con bé chỉ còn da bọc xương. Chú Lạc tra hỏi tên trộm cha mẹ gốc gác ở đâu, hy vọng bắt đền nên vung roi dọa đánh; bố tôi giơ tay ngăn lại hỏi tên trộm như để tò mò tháo gỡ điều khó hiểu:
– Mày vào vườn bằng đường nào?
– Thưa ông con chui qua mép bờ giữa hai vườn, chỗ ấy thưa cây to, gần sáng chui ra lại kéo lá cây lại như cũ
– Tại sao chỉ bẻ có một bông?
– Thư ông con biết ông bà vất vả lắm mới chăm được vườn ngô, bẻ non thế này phí phạm lắm, nhưng vì đói quá con phải lấy trộm ăn cầm hơi, mong ông bà tha cho con xin làm thuê để chuộc tội!
Mẹ tôi đã mủi lòng. Chú Lạc cũng chẳng sắt đá nên cởi trói buông tha. Mẹ tôi dẫn tên trộm về nhà chia nhau bát cháo độn củ nâu vẫn ăn thường ngày. “Tên trộm ngô” húp bát cháo ngon lành như chưa bao giờ được ăn món ngon như thế, quê lúa Thái Bình mà không có gạo nấu cơm, bố bị đánh chết vì không đủ tiền nộp thuế, hai mẹ con dắt nhau đi làm thuê trăm ngàn tủi cực, chỉ kể lại mà nước mắt đầm đìa, chị gái tôi hai mắt cũng rưng rưng. Chỉ mình tôi nô đùa rồi ngơ ngác nhìn mọi người. Chị cạu mặt dí tay vào trán tôi: “Phải bắt mày nhịn ăn đi làm thuê như chị ấy mới biết thân!”
Xóm trên đã mấy người chết đói, cả làng tang tóc, người chỉ đủ sức bò lê đi xin ăn, người đi được cũng khô đét như bộ xương cơn gió to chắc cũng đổ.
Một sào ngô đã cứu sống cả nhà tôi. Trả nợ cô bác cho vay thóc giống, lại san sẻ cùng bà con đang đói lả, nấu cháo ăn từ khi còn là ngô sữa đến khi ngô già cũng vừa hết vườn, những ngày tới chưa biết trông chờ vào đâu!
Giữa lúc bi đát tuyệt vọng ấy, bố tôi cùng một người lạ về nhà, thì thầm vào tai mẹ tôi rồi sang chú Lạc cùng trai tráng trong làng kéo nhau lên huyện. Mặt trận Việt Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước vùng lên, cùng trai tráng các làng khác đi phá kho thóc Nhật chia cho mọi người. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp chợ. Có người nấu cháo nấu cơm phát cho những ai ốm yếu nên không còn người chết đói. Đó là cuộc cách mạng Tháng Tám năm Ất Dậu 1945. Sau này tôi mới nhận thức được đó là thời khắc quan trọng. Đã xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, cứu sống bao nhiêu con người, trong đó có bố mẹ tôi. Tuổi thơ tôi chắc không còn bị đòn roi vô lý, không còn chịu những tủi cực bất công.
Buổi mít tinh mừng độc lập vui như hội. Tôi được bố cho ngồi lên vai nhìn vào sân khấu nhận ngay “tên trộm ngô” được hóa trang thành con trai đóng vai Nguyễn Trãi tiễn đưa cha Nguyễn Phi Khanh ở ải Mục Nam Quan. Đến nay những lúc yên tĩnh tôi thường hát lên câu: “…gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang!…” đã nhập tâm từ khi nào không rõ và thán phục âm điệu trong kịch thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Những dòng kịch, những tứ thơ gieo vào lòng tôi cứ lớn dần đẹp mãi.
Và tôi cũng tập viết kịch làm thơ.
L.B.H