Tưởng nhớ nhà thơ Lưu Trùng Dương – Nguyễn Quốc Trung

Nhà thơ Lưu Trùng Dương vĩnh biệt cõi dương vào lúc 8 giờ ngày 9 tháng 10, hưởng thọ 84 tuổi, theo người thân, ông ra đi một cách thanh thản. Thời trai trẻ và tuổi trung niên xông pha trong lửa đạn, thời bình chọn một vùng đất xa rời bon chen lợi lộc, dồn cảm xúc cho thơ. Một đời người như thế đâu phải ai cũng có được…

Nhà thơ Lưu Trùng Dương vĩnh biệt cõi dương vào lúc 8 giờ ngày 9 tháng 10, hưởng thọ 84 tuổi, theo người thân, ông ra đi một cách thanh thản. Thời trai trẻ và tuổi trung niên xông pha trong lửa đạn, thời bình chọn một vùng đất xa rời bon chen lợi lộc, dồn cảm xúc cho thơ. Một đời người như thế đâu phải ai cũng có được.

Khoảng đầu năm 1997, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội , Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân muốn có cuộc hội ngộ tất cả nhà văn và những người từng công tác ở Tạp chí qua các thời kỳ nên bảo tôi gặp nhà văn Nguyễn Khải, là thành viên thành lập Tạp chí, để lấy tư liệu về những người thuộc thế hệ trước đây. Nhà văn Nguyễn Khải nhắc đến nhiều tên tuổi khiến tôi bất ngờ, trong đó có nhà thơ Lưu Trùng Dương, đâu dè nhà văn ấy từng là thành viên Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Nguyễn Khải nghiêm giọng:

– Chúng ta phải nhớ họ, vì không có họ Tạp chí không được như hôm nay, một nhóm người cho dù tài giỏi đến mấy, cũng không thể làm nên một tạp chí tầm cỡ như Văn nghệ Quân đội và cả báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam nữa. Một thời thơ Lưu Trùng Dương được đông đảo bạn đọc đón nhận, được ngâm trên đường hành quân, trong những buổi sinh hoạt của các đơn vị. Trong đời sống hàng ngày Lưu Trùng Dương hòa nhã, khiêm cung, thường hay giúp đỡ mọi người.

Rồi nhà văn Nguyễn Khải đọc cho tôi nghe một vài bài thơ của Lưu Trùng Dương, trong đó có bài Anh yêu em, được tác giả viết trong ngày cưới vợ. Cũng từ hôm đó, tôi biết Nguyễn Khải rất yêu thơ, sau này, những lúc rảnh tới thăm, tôi còn được nghe ông đọc thơ Tản Đà, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu…Tôi đâu ngờ nhà văn Nguyễn Khải lại thuộc nhiều thơ đến thế. Tôi phải đọc thơ để luyện cho giọng văn mình chứ. Ông bảo vậy. Đúng là cấu trúc, hơi văn, điểm nhấn trong câu văn của Nguyễn Khải cũng rất thơ.

Cũng vào tối hôm đó, nhân nhà văn Xuân Thiều gọi điện vào, tôi thuật lại chuyện nhà văn Nguyễn Khải nói về nhà thơ Lưu Trùng Dương. Nhà văn Xuân Thiều nói:

-Lưu Trùng Dương từng giữ trọng trách rất lớn như Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; Ủy viên thường vụ Hội Văn Nghệ giải phóng miền Nam Trung Bộ, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng. Tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy  nhưng chẳng bao giờ tỏ vẻ nên được anh em quí lắm. Trong làng văn anh nào hóng hách một tý là bị coi thường ngay. Hơn thế, Lưu Trùng Dương là người luôn chịu thiệt cho mình, để cho con cái phúc lộc, nên con anh ấy thành đạt lắm.

Nhà văn Xuân Thiều cho tôi biết thêm vài dòng tiểu sử quí giá của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Lưu Trùng Dương là em trai soạn giả Lưu Quang Thuận, chú ruột nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn nghệ nên khi vào bộ đội, Lưu Trùng Dương đã có thơ đăng báo ngay, bài thơ Bài ca tự túc viết năm 1948, tả cuộc sống của bộ đội ta ở miền Trung được nhiều người khen.

Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân sai tôi tìm bằng được nơi ở của nhà thơ Lưu Trùng Dương để chuyển thư mời. Hóa ra, ông ở quận Tân Bình, cách nhà tôi chừng một cây số. Chiều hôm đó, tôi bấm chuông, một ông lão gầy nhưng vóc dáng cứng cõi, mắt rất tinh anh mở cửa chào đón vồn vã. Đã khá lâu, từ miền Trung vào đây với cô con gái, một người thành đạt và có hiếu với cha mẹ, ông ít gặp đồng nghiệp. Gặp được  cậu là tôi mừng lắm. Nếu được anh Huân gọi ra để gặp mặt bạn bè, người cùng cơ quan một thưở, tôi mừng lắm. Nhưng nếu quá đông rồi, tôi để dành cho người khác. Ông nói vậy rồi bảo người nhà pha cà phê và chuẩn bị bữa chiều đãi tôi. Trong cơn mưa trái mùa chiều Sài Gòn ấy, ông đọc thơ cho tôi nghe, những bài thơ viết trong lửa đạn, mỗi bài là một câu chuyện tâm tình, giọng người đọc khúc chiết, rất vang. Mấy tuần sau, ông đến tận cơ quan đại diện tặng tôi tập thơ vừa mới ra mắt còn thơm mùi mực.

Thơ Lưu Trùng Dương có giọng điệu sôi nổi, câu chữ dồn dập, rất bốc, có tính chất cổ động rất cao. Loại thơ này rất thích hợp trong thời chiến.

Bài thơ Anh yêu em viết đúng vào dịp tổ chức hôn lễ của chàng trai Lưu Trùng Dương với một cô gái mà theo nhà văn Xuân Thiều thì khá xinh. Thời đó Lưu Trùng Dương là chàng trai phong nhã, nổi tiếng về thơ nên được người đẹp yêu say đắm. Đám cưới tổ chức vào ngày 9-1-1961. Kể ra, ngày cưới chú rể phải lo bao nhiêu việc và trong quầng khí quyển của hạnh phúc hôn lễ mà sáng tác được thơ cũng là tài. Anh yêu em vì sao không biết rõ/Chỉ biết yêu em anh thấy yêu đời/Và nếu ta đầu thai kiếp khác/Anh chắc rằng anh sẽ lại yêu em. Em, em ơi trên đường dài lý tưởng/Ta cầm tay nhau vui sướng nào hơn/Dù anh hay em ngã xuống giữa đường/Trong tim bạn ta vẫn cùng đi tới.Những câu thơ mang dấu ấn một thời hoa lửa.

Nhà thơ, người chiến sỹ Lưu Trùng Dương có mặt ở chiến trường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là mặt trận Liên khu 5. Sau khi Hiệp định Geneve ký kết, Lưu Trùng Dương tập kết ra Bắc rồi về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn quyệt liệt, Lưu Trùng Dương lên đường trở về miền Nam, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Phó phòng phát thanh Quân Giải Phóng miền Nam, rồi Ủy viên thường vụ Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nam Trung Bộ. Tuy phải đảm đương chức vụ hành chính, nhưng ông vẫn luôn sáng tác. Các tập thơ Tình nguyện; Nỗi nhớ màu xanh; Bài thơ tình về chim hải âu,Sau hòa bình ông còn viết tiểu thuyết Họ đi tìm thiên đường; Bà chánh án mồ côi…

Không biết ai đã nói, Tạp chí Văn nghệ Quân đội  rất hợp với người tuổi Ngọ. Nhà văn Lưu Trùng Dương tuổi Ngọ 1930, cùng tuổi với Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương. Bây giờ chỉ còn lại nhà văn Hồ Phương.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương vĩnh biệt cõi dương vào lúc 8 giờ ngày 9 tháng 10, hưởng thọ 84 tuổi, theo người thân, ông ra đi một cách thanh thản. Thời trai trẻ và tuổi trung niên xông pha trong lửa đạn, thời bình chọn một vùng đất xa rời bon chen lợi lộc, dồn cảm xúc cho thơ. Một đời người như thế đâu phải ai cũng có được.

N.Q.T

(Nguồn:Văn Nghệ quân đội)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder