Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, không ít chiến sỹ cách mạng phải chịu tiếng “phản động”, “quay lưng với kháng chiến” trong một thời gian dài. Một trong số đó là nhà văn, nhà báo Vũ Bằng. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết “Vũ Bằng và cái tâm, cái tài của người làm báo” của tác giả Phạm Thị Đỗ Ngân.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, không ít chiến sỹ cách mạng phải chịu tiếng “phản động”, “quay lưng với kháng chiến” trong một thời gian dài. Một trong số đó là nhà văn, nhà báo Vũ Bằng. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết “Vũ Bằng và cái tâm, cái tài của người làm báo” của tác giả Phạm Thị Đỗ Ngân.
Để hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sỹ tình báo cách mạng, suốt thời gian dài, Vũ Bằng âm thầm lặng lẽ chịu tiếng “phản động”, “quay lưng với kháng chiến”. Mãi đến năm 2000, khi Cục Chính trị thuộc Tổng cục II – Bộ Quốc phòng có văn bản xác nhận Vũ Bằng là chiến sỹ quân báo hoạt động từ năm 1952 đến năm 1975, nhà văn, nhà báo Vũ Bằng mới được trả về đúng với chân thân và vị trí của mình.
Vũ Bằng (1913 – 1984), hiện diện trong đời sống văn học và báo chí hiện đại Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ XX. Trước khi trở thành một “tay nhà báo cự phách” như cách nhìn nhận của nhiều người hôm nay, Vũ Bằng đã trải qua hành trình học nghề và sống với nghề một cách nhiệt thành, sôi nổi. Cái tâm cái tài của người làm báo cũng từ đó mà bộc lộ.
Nói về tài năng, Vũ Bằng bộc lộ khả năng viết từ rất sớm. Ngay từ năm 16 tuổi, ông đã trình diện với thiên hạ tập tùy bút châm biếm mang tên “Lọ văn”. “Đứa con đầu lòng” này của Vũ Bằng được những người đương thời so sánh với tập “Essais” của văn hào người Pháp Montaigne. Bàn tới cái tài làm báo của Vũ Bằng, đến nay có không ít người. Cố nhà văn Tô Hoài kể về quãng đời làm báo của Vũ Bằng như sau: “Vũ Bằng làm báo viết báo, thầu báo cai đầu dài ba bốn tờ một lúc. Anh viết đủ thứ…Một nhà báo kiệt hiệt”. Nguyễn Vỹ thì bày tỏ sự thắc mắc của mình về trường hợp của Vũ Bằng: “Tôi không hiểu tại sao Vũ Bằng viết thật nhiều mà lại được ít người nhắc biết đến?… Tôi hết sức ngạc nhiên: Trong ba chàng họ Vũ ở Hà Nội thời bấy giờ, người ta chỉ nhắc mãi đến Vũ Trọng Phụng, người ta còn nói đến Vũ Đình Chí… mà ít ai nhớ đến Vũ Bằng, tại sao?… Tôi rất khó chịu khi thấy các nhà phê bình cố ý hay vô tình bỏ rơi Vũ Bằng. Đó là một sự bất công đáng phàn nàn”. Thượng Sỹ, tự nhận mình là một người bạn chí thiết, cũng là đồng nghiệp, cùng Vũ Bằng qua bao thăng trầm bi thương của đất nước. Ông đánh giá rất cao về tài làm báo của Vũ Bằng: “Kể tuổi đời, tôi hơn Vũ Bằng vài ba tuổi; song về tuổi nghề, thì anh là bực anh cả của tôi. Nhờ gần anh trong những tuần báo Việt nữ, Vịt đực, Tiểu thuyết thứ bảy, nhật báo Trung Việt tân văn, Ngày mai, Tiếng dân (Hà Nội), Bạn trẻ, Tuần báo Cải tiến, nhật báo Lửa sống, Sao trắng, tôi đã học hỏi được ở anh rất nhiều về phương diện nghề nghiệp”.
Điểm chung của các ý kiến trên là đều khẳng định tài năng và sự sôi nổi trong hoạt động nghề nghiệp của Vũ Bằng. Ông viết nhanh, viết khỏe, đặc biệt trong tòa soạn, ông làm được rất nhiều việc khác nhau và thậm chí trong cùng thời gian, có thể đảm đương nhiều vị trí. Vũ Bằng từng là chủ bút, thư ký tòa soạn đến biên tập, đi nhà in… Là nhà báo đa năng, ông viết được tất cả các chuyên mục và thể loại. Mới ngoài tuổi hai mươi, Vũ Bằng đã nổi danh trong làng báo. Chỉ tính riêng trong giai đoạn ông làm báo ở Hà Nội (1929-1954), các tờ báo Vũ Bằng từng cộng tác đã là con số “đáng nể”: Hữu Thanh, An Nam tạp chí, Đông Tây, Rạng Đông, Nhật Tân, Trung Bắc tân văn, Công dân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá, Vịt đực, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn…Còn nhớ lúc tờ Vịt đực đóng cửa, Vũ Đình Long mời Vũ Bằng về để một lúc trông coi cả ba tờ báo, đó là Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san và Truyền bá. Nếu không bằng tài năng và sự say nghề, một con người khó có thể hoàn thành được khối lượng công việc lớn đến vậy.
Vũ Bằng còn có “con mắt tinh đời”. Khả năng này rất đáng quý, đáng trân trọng mà không nhiều người có được. Nhờ nó, ông đã phát hiện, bồi dưỡng và tìm ra hướng đi thích hợp cho những cây bút trẻ. Nhà văn Kim Lân khi mới bắt đầu viết truyện ngắn thường viết về những câu chuyện ướt át ủy mị với bút danh Lang Kim. Vũ Bằng khuyên ông đừng tiếp tục viết về chuyện tình, nên chuyển sang viết những thú vui chơi ở chốn thôn dã quê hương thì sẽ có bạn đọc. Kim Lân thực hiện đúng như vậy. Và về sau nền văn học dân tộc có được một nhà văn Kim Lân nổi tiếng viết về thú “phong lưu đồng ruộng”. Kim Lân kể về điều này với niềm biết ơn chân thành: “Anh có biết người đầu tiên xui tôi viết phong tục tập quán và các thú chơi dân dã là ai không? Chính là ông Vũ Bằng… Ông ấy bảo: Truyện tình ông không viết được đâu…Ông viết truyện nghèo khổ cũng được nhưng không bằng những ông Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, các ông ấy đã thành rồi. Ông viết những truyện như Đôi chim thành, Đánh vật, Chó săn… thì không ai tranh được chiếc chiếu của ông. Mình nghe ra ngay”.
Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng viết: “Tôi tiếc một điều là lúc ký Hiệp định Genève, từ Bắc di chuyển vào Nam, tôi đã để lạc mất hàng ngàn bức thư trao đổi với văn nghệ sỹ, nói lên sở trường sở đoản và hoài vọng của từng người thành thực cởi mở cõi lòng đối với tôi… như Nam Cao, tôi đề nghị chuyên viết về những người bạn trí thức nghèo, Tô Hoài về loài vật, Nguyễn Tất Thứ về các phong tục và đồng dao miền Trung, Lý Văn Sâm về những chuyện đường rừng…” Vũ Bằng quả thật có “con mắt tinh đời” và tấm lòng nhân hậu rộng mở. Ông đã giúp nhiều nhà văn trẻ tìm ra và khẳng định sở trường của mình. Có rất nhiều nhà văn sau khi thành danh thừa nhận sự tác động định hướng của Vũ Bằng, như lời tâm sự của Lý Văn Sâm: “Không có Vũ Bằng thì cũng không có nhà văn Lý Văn Sâm”. Đó là “công tác hướng nghiệp” của ông đối với các đồng nghiệp trẻ. Còn câu chuyện xả thân vào nghề của Vũ Bằng thì có phần khác. Cái nghề mà sau khi dấn thân, ông cứ gọi là “cái nghiệp” và cũng đôi lần muốn vùng vẫy thoát ra, song như ông nói “không hiểu làm sao cứ nghỉ được ít lâu, cáo chết ba năm lại quay đầu về núi. Có người bảo nghề báo có ma cũng như thuốc phiện, ai có lòng yêu thương nó thì nó đeo cho đến khi nào mình hai tay buông xuôi mới chịu tha”. Đúng là Vũ Bằng yêu thật. Chính vì yêu nên ông đến với nghề bằng cả cái tâm thành.
Kiên quyết lựa chọn và dám chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, ngay khi còn ở tuổi thiếu niên, cậu bé Vũ Bằng đã có biểu hiện của một con người bản lĩnh – một trong những phẩm chất quan trọng mà bất cứ nhà báo nào cũng cần phải có. Lúc đầu, chưa nhận thức đúng đắn, ông cũng như những thanh niên khác mắc căn bệnh của thời đại- chán đời, thất vọng và tìm cách hủy hoại bản thân bằng thuốc phiện và trác táng. Thế nhưng từ khi ý thức được làm báo “là làm một cái gì lớn lao, nói lên được phẩm chất văn minh hoặc ưu việt, hoặc thoái hóa của một chế độ và hơn thế nữa, mổ xẻ tình tiết, tâm tư của con người”, Vũ Bằng quyết tâm thay đổi chính mình. Nhưng để có thể tranh đấu thì ông hiểu trước hết phải bắt đầu từ việc cai thuốc, vì cứ “nằm dài hút sách bê tha như thế này thì có hi vọng gì thoát khỏi được sự chi phối của xã hội và chính trị của Pháp?” Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, ông chia sẻ ý nghĩa của việc từ bỏ thuốc phiện như sau: “Từ khi tôi cai thuốc, thân xác tôi khác hẳn đi và cố nhiên thân xác không đau ốm nữa, thì tinh thần phải mạnh hơn lên… tôi ra Bắc, mang một tâm hồn, trạng thái khác hẳn… ngồi nhớ lại từng tờ báo tôi làm sau khi ở Sài Gòn về, tôi thấy mình hăng một cách khác thường.” Hẳn ông cũng có nhiều lý do và động lực để cai nghiện thành công. Thế nhưng theo những lời tâm sự trên đây, ta có thể hiểu cai thuốc đối với ông cũng chính là một thách thức cần phải vượt qua, nếu muốn bản thân bảo toàn tâm lực và trí lực cho sự nghiệp làm báo.
Phù dung ơi, vĩnh biệt là một trong những cuốn hồi ký giá trị của nhà báo Vũ Bằng, được viết vào năm 1940 đăng từng kỳ trên Trung Bắc chủ nhật, in thành sách lần đầu vào năm 1942 nhan đề là Cai, nhưng lúc đó giao thông bị cắt nên cuốn này chỉ phổ biến được ở miền Bắc. Khi Hiệp định Genève ký kết, chủ nhiệm báo Lửa sống đem một cuốn vào Nam để in lại, nhưng thợ in làm mất 32 trang. Nhà xuất bản đề nghị Vũ Bằng viết lại 32 trang đó nhưng Vũ Bằng từ chối. Ông muốn mình thành thật với chính mình, thành thật với độc giả. Bởi lẽ nếu viết lại, sao có thể tránh khỏi sự đổi khác về giọng văn, cả tình cảm, suy nghĩ cách nhìn nhận sự việc cũng không như trước. Khát vọng thành thực để không hổ thẹn với lương tâm chính là sự tự ý thức về tư cách nghề nghiệp của mình. Không có lòng chân thực với cuộc đời, với kiếp nhân sinh, nghệ sỹ khó có được những tác phẩm vĩnh viễn. Đối với nhà báo, việc tôn trọng sự thật càng là một yêu cầu nghiêm ngặt. Khát vọng thành thật đã sẵn trong con người của ông. Ngay cả khi tự nhận mình làm nghề “nói láo” thay vì nghề “làm báo” trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, thì những điều ông nói cũng toàn sự thật. Đọc lời giới thiệu cho Bốn mươi năm nói láo của Thượng Sỹ, xuất bản lần đầu tiên, do cơ sở Phạm Quang Khai ấn hành tại Sài Gòn năm 1969, để hiểu thêm về sự thành thực của Vũ Bằng trong khi thuật lại cuốn hồi ký này“…Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động, những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm lịch sử…Cho nên tôi có thể nói, đọc Bốn mươi năm nói láo chẳng khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỷ 20…“Nói láo” mà là nói thật…”. Làm nghề nào cũng cần có cái tâm, đặc biệt những nghề liên quan đến con người và xã hội. Ngòi bút của nhà báo luôn gắn với đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ ủng hộ cái tốt, phanh phui đẩy lùi cái xấu, góp phần đem lại công bằng xã hội. Tâm sáng để không bị những tác động xấu trong xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến ngòi bút, để không hổ thẹn với chính mình, với bạn đọc. Vũ Bằng dù ở bất cứ tờ báo nào, ông cũng không bao giờ “bẻ cong ngòi bút”, vẫn cứ “đứng về phe nước mắt”, bảo vệ chính nghĩa và quyền lợi của nhân dân. Vũ Bằng, một nhà báo luôn day dứt trước thời cuộc, trước “nghiệp chướng” mình mang nặng. Hiện lên trong hồi ký của ông là sự suy ngẫm và phản tư về bản thân, về nghề nghiệp. Trung thực với cả mảng tối, những góc khuất trong con người mình và công khai trước mặt báo, mấy ai làm được? Ông cứ luôn cật vấn dày vò mình với những câu hỏi kiểu như: “Tôi sợ rồi đây viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì?…Không có độc lập, tự do, dân chủ chân chính thì tranh đấu thế nào cho hữu hiệu được?”Những câu hỏi chứng tỏ sự day dứt, sự phản tư không ngừng. Sẽ là gì nếu đó không phải là biểu hiện cao độ của cái tâm làm nghề?
Nhà báo Vũ Bằng luôn thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của mình. Không lớn tiếng phô trương, nhưng giữa sức ép chính trị xã hội có lúc tưởng chừng nghẹt thở, Vũ Bằng luôn vững vàng, không hề bị lung lạc trước cám dỗ của tiền tài và danh vọng. Đúng là chỉ có thực tâm thực tài – những ký giả chân chính mới có thể vượt thoát quy luật đào thải hết sức khốc liệt và nghiệt ngã của nghề làm báo.
P.T.Đ.N
1.Vũ Bằng, Tuyển tập Vũ Bằng, tập 1, Nxb Văn học, 2000.
2.Tô Hoài, Tạp chí Văn học, số 1 – 1991.
3.Văn Giá, Vũ Bằng bên trời thương nhớ, Nxb Văn hóa thông tin, 2000.
4.Nguyễn Vỹ, Văn thi sỹ tiền chiến, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994.
Nguồn phongdiep.net