Mỗi khi mùa xuân về, trong không gian đậm chất đồng bằng Bắc bộ : mưa rây bột, hoa đào nở… những người yêu thơ và nghiên cứu về văn hoá Việt không thể quên bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Mỗi khi mùa xuân về, trong không gian đậm chất đồng bằng Bắc bộ : mưa rây bột, hoa đào nở… những người yêu thơ và nghiên cứu về văn hoá Việt không thể quên bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Hình ảnh trung tâm của bài thơ là ông đồ già cũ kỹ bắt đầu lạc lõng với tiết tấu đổi thay của thời cuộc trở thành một thực chứng của những mùa xuân cổ điển. Ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên ngồi đơn côi như thừa ra bên đường vắng giữa ngày xuân. Hình ảnh Ông đồ mà nhà thơ tạo dựng, và như chính tác giả chia sẻ là “di tích tiều tụy của một thời tàn”. Vũ Đình Liên đã xót xa trước sự suy vong của nền Nho học.
Nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ xuất phát từ cái nhìn tích cực vào những yếu tố văn hoá đẹp đẽ của Nho gia Khổng giáo còn sót lại trong cái tổng thể lỗi thời, ruỗng, mục. Thi sỹ dường như muốn gửi một thông điệp đến mai sau: những giá trị tinh thần đáng được lưu giữ vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi chúng ta, dẫu rằng bụi thời gian có phủ cả một thời quá vãng.
Vanhaiphong trân trọng giới thiệu
Vũ Đình Liên
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?