1. Điều đơn giản là hầu như bất cứ kiệt tác văn chương nào của nhân loại cũng đều đề cập đến một hay nhiều quyền của con người, mà chúng ta có thể căn cứ vào bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền ra ngày 10 tháng 12 năm 1948 của Liên Hợp quốc đã quy định, trong đó, có những quyền căn bản như: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về các quyền. Mọi người đều vốn có lương tâm và lí trí và phải tác động lẫn nhau theo tinh thần thiện chí”. (Điều 1), “Mỗi người đều chính đáng được hưởng tự do và các quyền mà tuyên ngôn này quy định, không có mọi sự phân biệt, kể cả phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo…”(Điều 2), “Mỗi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân” (Điều 3), “Không ai phải chịu chế độ nô lệ hay bị nô dịch…” (Điều 4), “Không ai phải chịu tra tấn hay xử sự tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.” (Điều 5), “Mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.” (Điều 6)…
Từ thời Cổ đại, quyền con người đã xuất hiện trong những tác phẩm anh hùng ca vĩ đại của Homère, các vở bi kịch xuất sắc của Eschyle, Sophocle, Euripide. Đây đều là những sáng tác nêu lên những vấn đề lớn lao của nhân loại: Tâm tư, tình cảm, hành động của con người thời Cổ đại trong chiến tranh, trong hoà bình (Iliade, Odyssée); cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của con người (Prométhée bị xiềng); cuộc đấu tranh giữa con người và số mệnh bi thảm (Oedipe làm vua); thân phận người phụ nữ và ước mơ được quyền sống bình đẳng, hạnh phúc của họ (Médée)… Câu chuyên nàng Médée bị chồng phụ bạc trắng trợn đã nổi giận giáng một đòn trả thù khủng khiếp và độc ác xuống người chồng chính là lời kêu gọi xã hội hãy quan tâm hơn đến người phụ nữ của tác giả Euripide.
Thời Phục hưng, Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Nhân văn (Humanism), một nền văn học “Lấy con người làm trung tâm” đã phát triển rực rỡ và để lại nhiều thành tựu chói ngời trong kho tàng văn học nhân loại. Trào lưu văn học Nhân Văn chủ nghĩa chính là sản phẩm tinh thần của thời đại Phục hưng, thời đại mà Ănghen đã gọi là “Thời đại khổng lồ”. Nó đã chung đúc lại những yêu cầu và khát vọng tự giải phóng của con người thời đó thoát khỏi những xiềng xích trói buộc của Trung cổ, Phong kiến và nhà thờ. Theo một định nghĩa của Vônghin, “chủ nghĩa Nhân văn là toàn bộ những quan điểm đạo đức và chính trị bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên kì ảo, từ những nguyên lí ngoài đời sống của nhân loại mà từ con người tồn tại thực tế trên mặt đất với những nhu cầu, những khả năng trần thế và thực hiện nó, và những nhu cầu, những khả năng ấy đòi hỏi phải được phát triển đầy đủ, phải được thoả mãn”.
Bên cạnh đó, hàng loạt những phát biểu của các nhà Nhân Văn chủ nghĩa khác cũng đề cập đến cùng một nội dung trên: “Con người là kiểu mẫu và kích thước để đo lường vạn vật” (Prôtagôrax), hoặc “Kì diệu thay là con người. Nó cao quý làm sao về mặt lí trí. Nó vô tận làm sao về mặt năng khiếu. Về hình dong và dáng điệu nó mới giàu ý nghĩa và đáng chiêm ngưỡng biết bao. Về hành động nó khác nào thượng đế. Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài.” (Hamlet – Shakespeare)
Xuất phát từ tinh thần đề cao, quý trọng con người của chủ nghĩa Nhân Văn, văn học thời Phục hưng đã lên án tất cả những thành kiến cổ hủ, những tín niệm lỗi thời kìm hãm, áp chế cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người, từ thứ triết lí khắc kỉ, khổ hạnh, đi ngược lại quyền sống tự nhiên của con người của thơ ca thời Trung cổ:
“Trần gian là đại lộ đầy đau khổ
Mà chúng nhân là khách bộ hành đi tới đi lui
Chết là chấm dứt những khổ đau trần thế”
(Chaucer)
hoặc:
“Đây không phải là căn nhà êm ấm, đây chỉ là một cõi hoang vu
Đi đi, đi đi, mục súc rời chuồng
Nhớ cõi này, nhìn lên, cảm ơn thượng đế”
(Chaucer)
đến nhân sinh quan phong kiến phản động, cho rằng sự cao quý hay thấp hèn của con người chính từ dòng máu, đẳng cấp mà ra. Văn học Phục hưng đã kịch liệt phản bác những quan niệm, triết lí sai lầm này song song với ca ngợi những gì thuộc về quyền sống tự nhiên của con người, đặc biệt là quyền tự do cá nhân, qua hàng loạt tác phẩm từ thơ ca của Ronsad (Pháp); truyện ngắn của Boccaccio (Ý); tiểu thuyết của Rabelais (Pháp), Cervantes (Tây Ban Nha) đến kịch của Shakespeare (Anh)….
Ta không thể nào quên được những câu thơ rực rỡ, tràn ngập lòng yêu đời vui sống của Ronsard:
“Này em, cùng nhau ta xem đoá hoa hồng
Sáng nay vừa hé nở
Tấm áo đỏ rực dưới ánh trời trong
Chiều nay hoa có còn giữ được
Nguyên nếp áo tươi thắm hoa hồng?
………
Vậy thì em ơi nếu em nghe anh
Khi ngày xuân đang độ mơn mởn tươi xanh
Hãy hái lấy tuổi thanh xuân
Kẻo rồi đấy, sẽ như đoá hoa nầy
Tuổi già sẽ làm tàn phai sắc đẹp của em”.
(Đoản Thi, quyển 1, 1553)
Thơ tình yêu của Ronsard thật xa lạ với tư tưởng tôn giáo và khắc kỉ, thần bí của thơ ca Trung cổ. Nó thấm đượm tinh thần của thời đại Phục hưng. Đó là lòng yêu đời, yêu người và sự khẳng định tình yêu là nguồn hạnh phúc tuyệt diệu trên trần thế cũng như yêu đương là một trong những quyền căn bản của con người.
Cùng với thơ tình Ronsard, hài kịch Shakespeare cũng góp phần thể hiện những quan niệm yêu đương mới mẻ trong thời đại Phục hưng. Quyền tự do lựa chọn bạn đời, sự hấp dẫn về dung mạo, thể xác, vẻ đẹp chân chính của tình yêu … là những đề tài chủ yếu của các vở “Roméo và Juliet”, “Chàng thương gia thành Venise”, “Giấc mộng đêm hè”, “Đêm thứ mười hai”… trong đó tinh thần của điều 16 của tuyên ngôn nhân quyền hầu như được thể hiện trọn vẹn: “Nam hay nữ đến tuổi vị thành niên đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình, không có bất kỳ hạn chế nào về chủng tộc, dân tộc hay tôn giáo … Hôn nhân chỉ được giao ước với sự thoả thuận tự do và hoàn toàn tự nguyện của cả hai vợ chồng tương lai …”
Quyền con người còn được khẳng định một cách táo bạo qua các vở kịch khác của Shakespeare. Một trong những vấn đề nóng hổi của nhân loại qua bao thời đại đó là vấn đề kỳ thị chủng tộc và nạn phân biệt giai cấp đã được thiên tài Shakespeare nêu lên ngay từ thời Phục hưng. Mối tình tuyệt đẹp của dũng tướng da đen Othéllo với tiểu thư quý tộc da trắng Desdémona phải chăng là một trong những minh chứng hùng hồn của những cuộc tình “không biên giới”, không phân biệt màu da, chủng tộc? Lời phát biểu đầy phẩn uất của Shylock, người thương gia Do Thái trong vở kịch “Chàng thương gia thành Venise” chính là lời buộc tội gay gắt những thành kiến phân biệt chủng tộc, tôn giáo đương thời: “Hắn ta đã làm tôi mất thể diện, … hắn đã cười những vụ mất mát của tôi, đã chế giễu những lời lãi của tôi, đã khinh bỉ dân tộc tôi … Và tất cả cái đó, vì lẽ gì? Vì tôi là người Do Thái. Một người Do Thái không có mắt hay sao, Một người Do Thái không có hai tay, không có phủ tạng, không có giác quan, không có cảm giác, không có tình cảm hay sao? Hắn không được nuôi dưỡng bằng cùng một thứ thức ăn, không bị thương bởi cùng một thứ vũ khí, không bị mắc bởi cùng một thứ bệnh, không được chữa khỏi bằng cùng một thứ thuốc men, không nóng ấm bằng cùng một thứ mùa hè, giá lạnh bởi cùng một thứ mùa đông như một người theo đạo Cơ Đốc hay sao?”
(Chàng thương gia thành Venise, hồi II, cảnh IX)
Đúng là văn học của thời đại Phục hưng đã đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của con người: Quyền được ăn, uống, yêu đương, quyền được thụ hưởng những thú vui vật chất lẫn tinh thần và đặc biệt là quyền được đối xử bình đẳng. Chính nhu cầu chính đáng này đã được văn học các thời đại sau kế thừa và phát huy một cách tích cực. Một trong những tác giả đã suốt đời dùng ngòi bút đấu tranh cho sự bình đẳng của con người là Jean Jacques Rousseau của văn học Pháp, thế kỉ XVII.
Ngay từ tác phẩm đầu tay của ông, “Luận về khoa học và nghệ thuật”, những quan niệm đúng đắn của ông về mối quan hệ giữa người và người trong xã hội tư hữu đã xuất hiện: “Sự xa hoa nuôi sống một trăm người giàu ở thành phố nhưng làm một trăm nghìn người ở thôn quê phải chết đói. Tiền bạc lưu thông trong tay những kẻ giàu có và thợ thủ công để cung ứng cho họ những thứ thừa thải vô dụng nên người dân cày không có tiền để sinh sống. Dân cày không có áo mặc vì kẻ giàu cần dãi lụa trang sức. Chỉ riêng việc phí phạm những vật phẩm dùng để nuôi sống con người cũng đủ khiến cho sự xa hoa trở thành ghê tởm đối với nhân loại. Trong nhà bếp của chúng ta cần có của ngon vật lạ nên bao người ốm thiếu thốn chất bổ dưỡng. Trên bàn ăn của chúng ta cần có các loại rượu nên nông dân chỉ uống nước lã. Chúng ta cần có phấn rắc lên bộ tóc giả nên bao kẻ nghèo không có bánh ăn”. Khi nêu lên được tình trạng bất bình đẳng giữa người và người trong xã hội có giai cấp, tác giả “Khế ước xã hội” cũng đồng thời đề nghị những giải pháp cho tình trạng trên. Rousseau viết: “Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu nó cũng ở trong xiềng xích”, vậy phải xây dựng xã hội trên những nguyên tắc gì để đảm bảo tự do và bình đẳng cho mọi người? Theo Rousseau, xã hội lí tưởng là xã hội xây dựng trên cơ sở một khế ước được tất cả mọi thành viên tự nguyện tuân theo. Căn cứ khế ước ấy, mỗi người là một bộ phận không thể chia cắt được của cộng đồng; mọi quyền lợi của cá nhân đều phụ thuộc vào quyền lợi chung. Ngược lại, khế ước ấy sẽ có khả năng đảm bảo cho mỗi thành viên quyền lợi của mình như tự do, bình đẳng, tư hữu …”
Tóm lại, văn học mọi thời đại đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến những quyền lợi thiết yếu của con người điều trước tiên là phải được công nhận là người trước đã. Để được là con người, thì vấn đề độc lập của dân tộc, chủ quyền của đất nước cũng phải được đặt ra. Và điều đó, xưa nay những tác giả vĩ đại đều thấy rõ. Từ bài thơ thần của Lí Thường kiệt (Việt Nam) đến một bài thơ của một thi sĩ Malawian tên là Felix Mnthalie nhan đề: “Điều trước tiên” (First thing fist).
…No, no, my sister, my love,
First thing first
Too many gangsters
Still stalk this continent
Too many pirots
Too many looters
Far too many
Still stalk this land
… When Africa
At home and across the sea
Is truly free
There will be time for me
And time for you
To share the cooking
And change the nappies
And then,
First thing first!
Không, không, cô em gái của tôi,
Người yêu của tôi,
Điều đầu tiên
Còn quá nhiều những kẻ cướp
Còn đang lảng vảng trên đại lục này
Còn quá nhiều những tên cướp biển
Quá nhiều những tên đạo tặc
Quá nhiều tên
Vẫn còn rình mò trên đất này
… khi Châu Phi
Ở đây và ở mọi nơi
Thật sự được tự do
Sẽ là lúc có đủ thời gian cho anh
Và thời gian cho em
Chia sẻ việc nhà
Và thay tả lót cho con
Và thế là
Điều đầu tiên!
———————–
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.Déclaration universelle des droits de L’homme du 10 Décembre 1948
(Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10/12/1948)
Quang Hải dịch, Lê Hiên hiệu đính từ nguồn:
ANNEXE: “SOCIALISME; LE DROIT DE L’HOMME AU BONHEUR”, PAR DANIEL MAYER. PARIS; PLAMMARION, 1976, PP 161 – 167)
2. Lịch sử văn học Phương Tây, tập 1, nhiều tác giả, NXB Giáo Dục, 1979
3. Văn học Phương Tây, nhiều tác giả, NXB Giáo Dục, 1997
4. Văn học Phương Tây thế kỉ XVIII, nhiều tác giả, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1985.
[1] Bài đã đăng trong Kỉ yếu Hội nghị Khoa học Khoa Sư Phạm, 2001